Những phong cách sống để cải thiện bản thân của người Nhật
Ngày đăng: 27/05/24
Từ những bộ truyện tranh nổi tiếng, kỹ thuật làm sushi cho đến văn hóa samurai ấn tượng, lịch sử và văn hóa của Nhật Bản đã mang đến cho thế giới nhiều điều tuyệt vời.
Nhật Bản đã đón nhận chủ nghĩa tương lai – futurism – trong khi vẫn mang tư tưởng truyền thống, theo cách mà đất nước này đã truyền cảm hứng cho thế giới ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt văn hóa đại chúng. Nền văn hóa của Nhật Bản thấm nhuần trí tuệ, và con người nơi đây đã ghi lại cách sống một cách cân bằng và trọn vẹn.
Dưới đây là một số quan niệm của người Nhật về việc tự hoàn thiện bản thân có thể mang lại giá trị cho cuộc sống của bạn.
Wabi-sabi
“Tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo” là châm ngôn của triết lý Nhật Bản này. Việc áp dụng châm ngôn trên vào cuộc sống có thể mang lại cảm giác tách biệt và thoải mái khi ở một mình, chấp nhận mọi nỗi buồn của bản thân mà không cảm thấy cô đơn. Wabi có nghĩa là tận hưởng trạng thái cô đơn, trong khi sabi có thể được hiểu đơn giản là một thứ gì đó cũ kỹ, hư hỏng và phai mòn theo thời gian.
Trạng thái wabi-sabi tới với một người đủ trưởng thành để hiểu rằng không có gì là hoàn hảo, và ta luôn sống trong ảo tưởng của ý nghĩ rằng cuộc sống nên là như thế nào. Nó có nghĩa là chấp nhận hoàn toàn các vấn đề trong cuộc sống mà ta không thể thay đổi.
Khái niệm này đã được nhiều vật dụng, hay nghệ thuật lấy cảm hứng. Ví dụ như là set những chiếc cốc, đồ gốm cọc cạch. Wabi-sabi còn thể hiện ở tình yêu của người Nhật đối với quần áo vintage, những cuốn sách được bảo quản quý giá và những món đồ cũ khác.
Ikigai
Khái niệm này bao hàm một tổng thể ý nghĩa sâu sắc, có thể được sử dụng như một động lực duy nhất để sống một cuộc đời. Nó được chia thành bốn thành phần: niềm đam mê, sứ mệnh, kế sinh nhai và nghề nghiệp. Điều này đề cập đến việc đi sâu vào tâm trí của một người để tìm hiểu xem họ thích làm gì, yêu cầu của xã hội là gì, những gì họ giỏi và nghề nghiệp họ đang theo đuổi để kiếm tiền. Ikigai kêu gọi mọi người tìm ra điểm tương đồng giữa tất cả các yếu tố này và quyết định cách họ muốn sống cuộc sống của mình.
Những người theo chủ nghĩa Ikigai tin rằng cần có sự tương đồng và điểm chung lành mạnh giữa các yếu tố trên trong cuộc sống của mỗi con người, giúp mang đến sự thức tỉnh và ý thức về sự phát triển bản thân. Ikigai là một hành trình cuộc sống mà nên được cân nhắc là quá trình của liên tục tiến hoá.
Omotenashi
Khái niệm này đã khắc sâu trong triết học Nhật Bản, vì nó có từ thời Heian, khoảng từ năm 794 đến 1185 CN. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhiệt tình, lòng hiếu khách mà không cần phải trả phí dưới bất kỳ hình thức nào. Omotenashi được nhìn nhận theo những góc nhìn khác nhau trong cuộc sống của người Nhật. Văn hóa cúi đầu cũng là một phần của Omotenashi. Các chủ cửa hàng, chủ nhà, những người bạn hoặc thậm chí là những người qua đường ở Nhật Bản đều sẵn sàng giúp đỡ người lạ khi cần.
Những hành động đơn giản trên không chỉ đơn giản là phục vụ cả những người mình chưa quen, mà là một niềm tin về việc phụng sự những mục tiêu cao cả hơn để tích đức. Người Nhật Bản tin rằng mục đích đằng sau những hành động giúp đỡ lẫn nhau nên là trong sáng và vị tha, chỉ khi đó bạn mới có thể thực hành phương châm sống giúp tự hoàn thiện bản thân này của người Nhật.
Kintsugi
Triết lý Kintsugi là hành động tái sử dụng những vật dụng đã bị nứt vỡ bằng cách hàn những vết nứt bằng sơn mài vàng. Triết lý Kintsugi cũng gần tương tự với wabi-sabi, khi những điều không hoàn hảo không những được nâng niu, trân trọng mà còn được tôn vinh. Thường được nhìn thấy ở những món đồ gốm sứ có những vết nứt được hàn bằng vàng, người ta nhận ra rằng những thứ bị nứt vỡ cũng có thể trở nên thật xinh đẹp, và nó mang lại một thông điệp mạnh mẽ về sự bền vững.
Truyền thống 500 năm tuổi này vẫn phù hợp với thời đại sống nhanh, đô thị hoá và tâm lý tư bản nói chung, nghiêng về việc nhanh chóng loại bỏ các đồ vật, những mối quan hệ đã cũ và không thể hàn gắn được nữa trước khi chuyển sang các mục tiêu mới.
Omoiyari
Triết lý này, sau khi dịch đơn giản sang thứ tiếng khác, có nghĩa là giữ người khác trong tâm trí của bạn. Nó được thể hiện qua những hành động đơn giản là quan tâm đến người khác hay ân cần ở nơi công cộng. Nó có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác và quan tâm đến sự tồn tại của họ. Lối sống vị tha này có thể được thể hiện bằng cách giữ im lặng ở nơi công cộng, dọn dẹp đồ đạc của bạn sau khi sử dụng ở nơi công cộng và khi nói chuyện với người nước ngoài thì nên cố gắng sử dụng ngôn ngữ của họ.
Oubaitori
Phương châm sống để cải thiện bản thân này của Nhật Bản dạy chúng ta nên tập trung vào cuộc sống của mình và đừng nên so sánh nó với người khác. Nó nhắc nhở chúng ta nên hướng về nội tâm của mình, ưu tiên sự phát triển cá nhân và ngừng so sánh cuộc sống của bản thân với người khác. Cách viết tiếng Nhật của khái niệm này tượng trưng cho một cá tính đại diện cho các loài hoa khác nhau như anh đào, mơ, đào và mận.
Văn hoá Nhật Bản tin rằng mỗi cá nhân đều có một hành trình khác nhau, và thành công theo cách của riêng họ. Điều này giống với một phương châm sống khác của Nhật Bản tên là Kokoro – tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và tìm kiếm sự hài lòng trong lúc đó.
Kaizen
Kaizen là sự kết hợp của 2 từ: ‘Kai’ có nghĩa là sự thay đổi và ‘zen’ có nghĩa là tốt. Nó đưa ra sự chuyển đổi của một tổ chức thông qua cải tiến liên tục và loại bỏ sự dư thừa. Nguyên tắc quản lý này đã giúp ích rất nhiều cho người Nhật xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh sau Thế chiến thứ hai và nó cũng có thể được áp dụng ở cấp độ cá nhân. Nó có nghĩa là chia nhỏ các mục tiêu cuộc sống thành những mục tiêu nhỏ hơn, có thể hoàn thành được và đạt được tiến bộ ổn định hàng ngày. Kỹ thuật tự hoàn thiện bản thân này của người Nhật cũng nhấn mạnh đến việc loại bỏ các hoạt động làm kiệt quệ năng lượng.
Gaman
Gaman bắt nguồn từ giáo lý Phật giáo, nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiên nhẫn trong những tình huống khó chịu. Nó có ý nghĩa là kiên nhẫn chịu đựng một vài tình huống hoặc con người có vấn đề cho mục đích lớn lao hơn. Có thể nhìn thấy trong văn hoá Nhật Bản những hàng người kiên nhẫn xếp hàng dài để chờ tới lượt, bình tĩnh trước thiên tai hay tôn trọng người lớn tuổi nơi công cộng.
Phương châm sống này thử thách sức chịu đựng của con người và mang tới động lực để kiên nhẫn sống nhằm tối đa hóa giá trị của cuộc sống.
Shikata Ga Nai
Thuật ngữ tiếng Nhật, Shikata Ga Nai, có nghĩa là ‘nó không thể khác được’. Thuật ngữ bao gồm hành động buông bỏ, đồng thời dạy ta cách chấp nhận. Nó nhấn mạnh một triết lý sâu sắc rằng đau khổ là một phần phổ quát và không thể tránh khỏi của cuộc sống. Vì vậy, người ta nên chấp nhận sự thay đổi, dù nó có khó chịu và tiếp tục cuộc sống.
Mono no aware
Để hiểu được khái niệm Mono no aware, ta phải hiểu được nỗi u sầu, bi thương mà cuộc sống mang đến. Đây là một khái niệm rất sâu sắc, dạy cho ta cách chấp nhận nỗi buồn, đau khổ, và bản chất tạm thời của hạnh phúc hay nỗi buồn. Khái niệm Phật giáo này được dùng để mô tả một khoảnh khắc thoáng qua. Ví dụ, hoa anh đào hay hoa anh đào chỉ nở trong vài tuần vào mùa xuân, biểu thị điều thứ gì đó tạm thời.
Shibumi
Điều này ám chỉ tình yêu của người Nhật đối với vẻ đẹp và gu thẩm mỹ đơn giản, không rườm rà hay phô trương. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa tối giản, không chỉ hoàn thiện ở vẻ ngoài mà còn mang lại cảm giác sang trọng tinh tế.
Kiến trúc, gốm sứ và thậm chí võ thuật Nhật Bản đều thấm nhuần phương châm này.
Shoshin
Khái niệm Phật giáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có tư duy của một người mới bắt đầu đối với cuộc sống. Điều này có nghĩa là một cá nhân nên cởi mở để chấp nhận những điều mới trong cuộc sống mà không có bất kỳ định kiến nào. Shoshin cũng khuyến khích việc chấp nhận rằng không ai biết tất cả mọi thứ và khuyến khích ta đặt câu hỏi cho đến khi những nghi ngờ được giải đáp. Cách tiếp cận này cũng dạy ta đức tính khiêm tốn.
Thực hiện: Lexi Han
Theo Lifestyle Asia