“Sunburn”(cháy nắng) – hot trend mùa hè nhưng bạn đã biết làm thế nào để khắc phục chúng?
Ngày đăng: 28/07/24
Chào mừng bạn đến với mùa hè đầy nắng và rực rỡ, nơi mà “sunburn” không chỉ đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên mà đã trở thành hot trend trong cộng đồng làm đẹp!
Một làn da “có 1 không 2” được “tạo nên” bởi ánh nắng mặt trời đang là tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn, đặc biệt là trong lĩnh vực makeup, khi mà hiệu ứng “cháy nắng” được mô phỏng một cách hoàn hảo những ngày qua. Nhưng hãy nhớ rằng, đằng sau sự quyến rũ ấy là những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với làn da của bạn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá cách làm thế nào để vừa theo đuổi xu hướng mà vẫn đảm bảo làn da được chăm sóc và bảo vệ một cách tối ưu. Hãy sẵn sàng để tỏa sáng dưới ánh nắng mặt trời mà không lo âu về sức khỏe làn da nhé!
Bị cháy nắng không phải là điều gì đó tuyệt vời. Ngay cả khi chúng ta đã sử dụng kem chống nắng kỹ càng và tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời thì cháy nắng vẫn có thể xảy ra. Đôi khi kem chống nắng không chịu được nhiệt độ thiêu đốt và tia cực tím mạnh hoặc có lẽ chúng ta quên thoa lại sau khi ngâm mình trong nước biển hoặc ngủ quên trong khi đang tắm nắng và thư giãn trên bãi cát. Điều này sẽ khiến làn da đỏ như tôm hùm, ngứa và bỏng rát. Mặc dù không có phương pháp chữa trị tức thời nhưng có một số sản phẩm và phương pháp điều trị giúp làm mát vết bỏng, giảm mẩn đỏ và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Cháy nắng là gì?
Cháy nắng là phản ứng viêm cấp tính các lớp ngoài của da do tia UV hoặc các nguồn khác gây ra. Các dấu hiệu bao gồm mẩn đỏ, da bong tróc, đau, sưng và phồng rộp. Bức xạ cực tím của mặt trời làm hỏng các phân tử da và DNA, kích hoạt phản ứng miễn dịch làm tăng lưu lượng máu đến các vùng bị ảnh hưởng và bắt đầu phản ứng viêm.
Trong khi UVA thâm nhập sâu hơn và đẩy nhanh quá trình lão hóa da thì UVB lại càng gây ra các tác động tiêu cực và nguy hiểm hơn. Tia UVB là nguyên nhân trực tiếp gây ra việc rám nắng cũng như cháy nắng, phản ứng dị ứng, mẩn đỏ và các thay đổi có thể nhìn thấy khác trên bề mặt da, như đốm da. Ngoài ra, chúng còn gián tiếp gây nên ung thư da.
Cách nhận biết mức độ nghiêm trọng của cháy nắng
Đỏ ban đầu liên quan đến cháy nắng có thể bắt đầu chỉ 10-15 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng có thể mất tới 12 giờ để đạt đỉnh, dẫn đến đỏ dữ dội và đau đớn. Trước khi tiến hành điều trị, tốt nhất là bạn nên nhận biết mức độ nghiêm trọng của nó. Bỏng cấp độ một ảnh hưởng đến lớp biểu bì, lớp ngoài cùng của da. Đây là tình trạng ban đỏ đơn giản biểu hiện dưới dạng đỏ, sưng và phồng rộp nhẹ.
Tin tốt là tình trạng này thường tự lành trong vài ngày. Bỏng cấp độ hai ảnh hưởng đến lớp thứ hai của da và được đặc trưng bởi độ nhạy cao khi chạm vào, ngay cả khi chạm vào quần áo, phồng rộp đỏ lan rộng, đau và da đổi màu. Quá trình lành mất 2 đến 3 tuần và có thể tự điều trị tại nhà, nhưng tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Cuối cùng, cấp độ ba ảnh hưởng đến tất cả các lớp da với các triệu chứng có thể bao gồm mất cảm giác, tóc bị cháy, da có thể cháy xém. Trong trường hợp này, cần phải điều trị khẩn cấp tại bệnh viện.
Điều đầu tiên bạn cần làm nếu bị cháy nắng là gì?
Trước hết, hãy tránh xa ánh nắng mặt trời và ở trong bóng râm cho đến khi lành hẳn. Sau đó, bạn nên kịp thời làm mát da ngay lập tức. Các chuyên gia khuyên rằng nên bọc ít đá trong một miếng vải và chườm lên vùng bị ảnh hưởng để làm dịu cơn nóng rát hoặc ngâm một miếng vải trong sữa và chườm lên da vì sữa có chứa vitamin A và D, giúp phục hồi các tế bào bị tổn thương và axit lactic (một chất tẩy tế bào chết nhẹ giúp da chết bong ra).
Tắm nước mát cũng là một ý tưởng hay chỉ cần không quá lâu. Cần tránh sử dụng xà phòng mạnh và không chà xát để tránh kích ứng thêm. Bên cạnh đó, nhiều người kết hợp các phương pháp điều trị tại chỗ với thuốc chống viêm hoặc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen.
Tắm sữa hoặc yến mạch
Sau khi làm mát vùng bị kích ứng bằng gạc và tắm nước mát, một mẹo để có thể dễ chịu hơn trong những ngày tiếp theo là hãy tắm sữa hoặc yến mạch. Thành phần này được biết đến với đặc tính chống viêm và các hợp chất avenanthramides có hiệu quả trong việc kiểm soát ngứa.
Bạn có thể tự làm bằng cách xay một cốc yến mạch trong máy xay sinh tố và cho vào bồn tắm đầy nước ấm hoặc mua một sản phẩm có chứa yến mạch (như Aveeno’s Soothing Bath Soak).
Giữ đủ nước
Để da chống lại tác hại do tia cực tím gây ra cần thêm nước để bù lại lượng nước đã mất. Do đó, cần uống nhiều nước và giữ cho da ngậm nước từ bên ngoài bằng cách thoa kem dưỡng ẩm nhẹ . Một số người sau khi tắm sẽ chọn kem hydrocortisone, sau đó là kem dưỡng ẩm có chứa lô hội hoặc đậu nành.
Sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ
Cần đảm bảo rằng các sản phẩm thoa lên vết cháy nắng không chứa cồn, axit tẩy tế bào chết, retinol hoặc retinoid vì chúng có thể gây kích ứng và làm khô da, khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất là tránh các sản phẩm có mùi thơm nồng. Thay vào đó, hãy sử dụng các thành phần như peptide với đặc tính chữa lành vết thương. Vitamin C, axit ferulic và vitamin E cũng rất tốt vì chúng giúp chống lại tác hại của gốc tự do và giải quyết tổn thương do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Hãy thử các loại kem và sữa rửa mặt siêu nhẹ, có hàm lượng nước cao, làm dịu da và chưa các thành phần lành tính như lô hội, dưa chuột, bơ hạt mỡ, axit hyaluronic, ceramide và glycerin. Bạn thậm chí có thể dùng lô hội tươi và đắp trực tiếp lên vết cháy nắng để làm dịu ngay lập tức.
Tránh xa các vết phồng rộp trong quá trình bong tróc
Tuyệt đối không nên cạy da trong khi da đang lành, đặc biệt là giai đoạn bong tróc, cũng đồng thời đừng gãi hoặc tẩy tế bào chết. Việc nặn mụn nước cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Để tránh chạm tay vào, chúng ta có thể che vùng da đó bằng băng vô trùng không dính.
Hạn chế trang điểm
Đôi lúc bạn sẽ muốn Che phủ vùng da đỏ bằng cách trang điểm nhưng hãy lưu ý rằng đây là một ý tưởng tồi vì nó ngăn không cho da tiếp nhận oxy và có thể gây kích ứng thêm. Hãy tiếp tục dưỡng ẩm và kiên nhẫn cho đến khi da lành hẳn. Chúng ta sẽ có những cơ hội khác để áp dụng các xu hướng làm đẹp mới nhất cũng như BST kiểu trang điểm cho mùa hè.
Trường hợp cần gặp bác sĩ sớm nhất có thể
Nếu bạn bị bỏng nặng, nhiều mụn nước, sưng tấy hoặc mủ, sốt trên 38°C, mất nước nghiêm trọng, cảm thấy bối rối, buồn nôn, đau đầu, ớn lạnh hoặc nôn mửa, đã đến lúc tham khảo ý kiến bác sĩ ngay để kịp thời xác định cách chăm sóc da tốt nhất.
Thực hiện: Elio
Theo Nss G-Club