Dior, chuyện chưa kể: “Giấc mộng đêm hè” trên nước Anh

Ngày đăng: 05/03/19

» Tuổi thơ chóng vánh những năm 1900 và mùa hè thời niên thiếu trong một biệt thự tiện nghi nhìn ra eo biển Manche*¹, qua lăng kính màu hồng hướng về miền Nam nước Anh, Christian Dior lớn dần lên cùng những giấc mộng thi vị về một xứ sở sương mù giàu huyền thoại.

Trong hồi ký Dior by Dior (1957) của mình, ngài Dior viết: “Tôi thích được sống ở một đất nước, nơi quá khứ hiện hữu rất sống động xung quanh tôi”.

Đó chính là nước Anh, nơi mà ngài Christian Dior đã không tiếc lời ca ngợi như một ngọn hải đăng của niềm đam mê: “Không quốc gia nào khác trên thế giới, ngoài quốc gia bên cạnh tôi, có một lối sống mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi yêu truyền thống Anh, sự lịch lãm của nước Anh, kiến trúc của Anh. Tôi thậm chí yêu thích cả ẩm thực (đơn giản) của nước Anh”.

Và hôm nay, sau gần 70 năm kể từ lần gặp gỡ đầu tiên, nước Anh được sống lại những ký ức về “chàng trai si tình” của mình, tại bảo tàng Victoria & Albert, “nơi quá khứ hiện hữu rất sống động” xoay quanh chủ đề “Christian Dior: Designer of Dreams”, từ đó hé lộ những mẩu chuyện lãng mạn về tình yêu nước Anh của một nhà thiết kế thiên tài gốc Pháp.

Nước Anh ngày trở lại

“Christian Dior: Designer of Dreams” lần đầu tiên được tổ chức ở Paris nhân kỷ niệm 70 năm thành lập của nhà Mốt, tại bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí (Musée des Arts Décoratifs), kéo dài từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2018. Không gây ấn tượng về một sự tráng lệ, nhưng có thể nói là một niềm xúc cảm mãnh liệt. “Christian Dior: Designer of Dreams” Paris là một hành trình kéo dài 7 thập kỷ, bắt đầu bằng sự “cắn kén lột xác” đầy nữ tính năm 1947 để đối kháng với nỗi khổ hạnh sau chiến tranh, và một lần nữa “cất cánh” trong phiên bản tái tạo mới nhất của nhà Dior dưới quyền giám đốc sáng tạo đương nhiệm – Maria Grazia Chiuri, nữ nhân quyền lực đầu tiên của nhà mốt danh giá này, một người bằng cách nào đó vẫn truyền tải nguồn cảm hứng mơ mộng mang tính di sản nhưng đan xen những thông điệp về nữ quyền.

Quay lại nước Anh, triển lãm “Christian Dior: Designer of Dreams” tại Bảo Tàng V&A có thể xem là một phiên bản cấu hình lại từ triển lãm ở Paris năm ngoái. Tuy nhiên, theo một lộ trình khác, với 60% nội dung mới được khám phá và nguyên bản, nối dài lịch sử của nhà Dior với một quý quốc mà chàng trai 21 tuổi đến từ Normandy đã trót yêu ngay từ chuyến ghé thăm đầu tiên.

Người đẹp và chiếc váy Eugenie của Christian Dior, một thiết kế nằm trong bộ sưu tập Haute Couture Thu/Đông 1948 © Willy Maywald/ADAGP, Paris. Cấp phép bởi Viscopy, Sydney

Từ chiếc váy sinh nhật lần thứ 21 của Công Chúa Margaret (em gái của Nữ hoàng Elizabeth II), cho đến hàng ngàn bông hồng giấy nở bừng trong gian phòng mang chủ đề Garden, triển lãm “Christian Dior: Designer of Dreams” tại bảo tàng V&A năm nay mang đậm phong vị nước Anh. Nhờ vào sự chỉ đạo của nhà giám tuyển thời trang và dệt may Oriole Cullen, cùng với nhà thiết kế Nathalie Crinière, “Christian Dior: Designer of Dreams” London là triển lãm thời trang đầu tiên được tổ chức trong các phòng trưng bày mới của bảo tàng, do nữ kiến trúc sư Amanda Levete thiết kế. Đây cũng là sự kiện triển lãm quy mô nhất của V&A trong hơn 3 năm qua, kể từ triển lãm Alexander McQueen: Savage Beauty (2015).

Câu chuyện về bộ trang phục “nữ tu nhỏ”

Trong số hơn 200 bộ trang phục được bảo tàng V&A giới thiệu tại sự kiện triển lãm “Christian Dior: Designer of Dreams”, có một di sản lần đầu tiên xuất hiện, là minh chứng rõ ràng về cảm tình thiên vị mà ngài Dior dành cho nước Anh: một bộ trang phục len màu xanh navy.

Bộ trang phục được thiết kế theo hình bóng chữ T với một hàng nút cài phía sau, điểm nhấn tập trung vào phần cổ áo 3 lớp, gồm: 1 lớp cổ peter pan nhỏ và 1 lớp cổ tròn lớn đều bằng lụa organza trắng; ngoài ra, dưới cùng là 1 lớp cổ pointed flat oversize màu xanh navy, phủ qua đỉnh vai và toàn bộ phần ngực. Chân váy bút chì có vòng eo bé xíu chỉ 19 inch (khoảng 48.26 centimet), tổng thể tối giản nhưng không đơn điệu nhờ vào một đường xẻ cong tinh tế ở phía trước và chiếc thắt lưng da ton-sur-ton, thu hút sự chú ý vào vòng eo lưng ong tuyệt đẹp. Bộ váy được ngài Dior đặt tên là “Nonette” hay “Little nun”, có nghĩa là “Nữ tu nhỏ”.

“Nonette” được thiết kế riêng cho Jean Dawnay – nàng mẫu người Anh đầu tiên của nhà thời trang Dior lúc bấy giờ. Dawnay bắt đầu làm việc tại Dior vào tháng 1 năm 1950. Không lâu sau, cô thấy mình có mặt trong buổi trình diễn đầu tiên của nhà Dior ở London, vào mùa xuân, ngày 25 tháng 4 năm 1950, tại khách sạn Savoy, London, Anh.

Nonette, tại bảo tàng Victoria & Albert

Savoy Show năm đó trình diễn bộ sưu tập Xuân/Hè 1950 mang tên “Ligne Verticale” (Tạm dịch: Đường Dọc), vé bán ra có mức giá đến 5 guineas. Tất cả số tiền thu được, dùng để thành lập Bảo Tàng Trang Phục (Costume Museum) ở London, về sau trở thành Bảo Tàng Thời Trang Bath (Fashion Museum Bath), ở thành phố Bath, Somerset, Anh. Show thời trang đã thu hút đến 1.600 khách, đứng ngồi chật cứng trong phòng khiêu vũ của khách sạn Savoy suốt 3 phiên trình diễn để thưởng thức trọn vẹn bộ sưu tập.

“Nonette” hiện đang được lưu giữ trong bộ sưu tập Christian Dior của Bảo Tàng V&A, là một món quà đến từ con gái của Jean Dawnay vào năm 2016, sau khi siêu mẫu cuối cùng của thập niên 50 qua đời ở tuổi 91.

“Đoá hồng Anh” không thể chiếm hữu của Christian Dior

Khi một người phụ nữ Anh xinh đẹp, cô ấy xinh hơn bất kỳ phụ nữ quốc tịch nào  – Christian Dior

Trước khi được ngài Dior để mắt tới, Jean Dawnay đã là một cô gái trẻ phi thường. Sinh ra ở Brighton (một thành phố ven bờ biển phía nam nước Anh) năm 1925, Jean Mary Dawnay là con gái của một người bán thịt và một nghệ sĩ piano, bi kịch bắt đầu khi mẹ Dawnay mất lúc cô chỉ mới 4 tuổi.

Khi thế chiến II nổ ra, Dawnay ở tuổi 14 từ bỏ việc học, nói dối rằng đã đủ 18 tuổi để tham gia WAAF – Women’s Auxiliary Air Force (một lực lượng phụ trợ của không quân Hoàng Gia Anh). Dawnay làm việc tại một nhà máy sản xuất thiết bị dù quân sự, cho đến ở Viện điều dưỡng sơ cứu, gia nhập một nhóm nữ gián điệp và còn là chuyên gia mật mã, tiếp viên hàng không trước khi quyết định theo đuổi ước mơ nổi tiếng, trở thành người mẫu khi vừa chớm tuổi đôi mươi. Dawnay hướng đến Paris và đặt bước chân đầu tiên đến “kinh đô thời trang” vào cuối năm 1949, ngay lập tức được mời làm việc bởi 3 trong số những nhà mốt hàng đầu nước Pháp: John French, Richard Dormer và Cecil Beaton.

Tôi đã không biết bản thân muốn gì trong cuộc sống, ngoại trừ một tham vọng thôi thúc là trở thành người nổi tiếng – nổi tiếng về điều gì, tôi cũng không biết – Jean Dawnay.

Làm người mẫu cho một nhà thời trang cao cấp ở Paris là một công việc độc quyền, với mỗi nhà thiết kế có một nhóm người mẫu tuyển chọn của của riêng họ. Mỗi bộ trang phục thể hiện bởi người mẫu đều được thực hiện theo số đo cơ thể chính xác của cô ấy, và cô sẽ nhận được hoa hồng nếu mẫu thiết kế đó được bán tốt. Mặc dù là công ty cung cấp mức lương thấp nhất, nhưng Dawnay đã quyết định làm việc tại Dior – ngôi nhà thời trang cao cấp chỉ mới thành lập 2 năm trước đó, song rất được hoan nghênh và nhanh chóng trở thành cái tên hàng đầu trong ngành thời trang Paris.

Katya Galitzine – con gái của Jean Dawnay kể về khoảng thời gian mẹ cô làm người mẫu ở nhà Dior

Tôi chọn Caroline vì bản sắc Anh tinh tuý của cô ấy – đôi mắt xanh, mái tóc vàng và dáng người mảnh khảnh, duyên dáng” – Nhà thiết kế giải thích trong tự truyện của mình, và “Caroline” chính là nghệ danh mà ngài Dior đặt cho Jean Dawnay.

Trong bộ sưu tập Christian Dior của V&A, các tài liệu bằng chứng vô cùng hiếm hoi của quá khứ đã được khám phá.

Phát hiện đầu tiên là một quyển phác thảo, cung cấp một loạt các bản vẽ bút chì của hoạ sĩ minh hoạ thời trang nổi tiếng Francis Marshall, bao gồm bản phác hoạ nàng mẫu Caroline trong bộ Nonette. Francis Marshall là người thực hiện các chuyên mục Paris cho tạp chí Vogue và Daily Mail, đã tình cờ có mặt khi Dawnay lần đầu tiên mặc bộ trang phục Nonette tại showrooms của Dior ở Paris.

Bản phác thảo Dawnay trong bộ trang phục Nonette của Dior, tại showrooms ở Paris, thực hiện bởi họa sĩ minh họa thời trang Francis Marshall © V&A

Phát hiện thứ hai là bức ảnh chụp Dawnay của nhiếp ảnh gia John French, ghi lại đúng vào ngày 25/4/1950 ở London. Đứng bên ngoài khách sạn Savoy, trong bộ trang phục Nonette, Dawnay thách thức ống kính máy ảnh bằng ánh mắt lạnh lùng khó đoán, một tay giơ cao chống vào một trụ cột, tay còn lại chống ngược vào hông đây tự tin, và khuôn mặt – toát lên khí chất Anh cao quý mà ngài Dior hết lòng ngưỡng mộ.

Từ trái qua phải: Jean Dawnay trong bộ Nonette, bên ngoài khách sạn Savoy năm 1950; và Nonette được triển lãm tại bảo tàng V&A, chủ đề “Christian Dior: Designer of Dreams” năm 2019. Credit: Laziz Hamani/Victoria & Albert Museum, London.

Mùa thu năm 1955, Jean Dawnay đã xuất bản quyển tự truyện mang tên Model Girl (Tạm dịch: Cô nàng người mẫu), thuật lại chi tiết về quãng thời gian của cô ở nhà Dior và công việc người mẫu thời trang của cô. Dawnay cho biết đã rất hào hứng khi ngài Dior nói rằng bộ trang phục mà cô đang mặc trên người đã được ông thiết kế với hình ảnh của cô trong tâm trí. Tuy nhiên, khi nhận ra bộ trang phục được đặt tên là “Nonette” – Dawnay hiểu rằng đó không phải là cô.

Và Jean Dawnay chỉ ở lại nhà Dior một mùa duy nhất, ngắn ngủi như “Giấc mộng đêm hè”.

Trong tự truyện Model Girl của mình, Dawnay than vãn rằng ngài Dior dành cho cô những thiết kế được đặt những cái tên uyển ngữ như Innocence (Thuần khiết) và Angelique (Thiên thần), “… rõ ràng, ngài Dior đã có một hình dung khác về tôi“; với Dawnay, hình ảnh trong tâm trí của ngài Dior không thực sự kết nối với khao khát của cô khi rời nước Anh đến với Paris hoa lệ.

Tạo dáng hoàn hảo giữa khung hình, mỗi inch đều mang tố chất của một ngôi sao. Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của “Cô nàng người mẫu” Jean Dawnay – “đoá hồng Anh” của Christian Dior. Năm 1957, rượu champagne, áo choàng lông chồn với vòng eo siêu nhỏ trong bộ váy của nhà thiết kế thời trang người Anh – Norman Hartnell

Năm 1963, Jean Dawnay kết hôn với Hoàng tử George Galitzine và trở thành Công Chúa George Galitzine, từ siêu mẫu hàng đầu trở thành con dâu của một trong những gia đình quý tộc danh giá của Hoàng Gia Nga (hậu duệ trực tiếp của Catherine Đại Đế – vị Nữ Hoàng quyền lực bậc nhất của Đế Chế Nga).

Mùa hè bất tận

Nhà thiết kế Christian Dior – tượng đài của thời trang Pháp, có lẽ là một người mắc chứng “Anglophile” không thể chữa khỏi, khi mà linh hồn đã bị đánh cắp từ chuyến đi đầu tiên đến London vào năm 1926, ở tuổi 21, để lại một trái tim si tình và những giấc mơ hoa mộng về nước Anh.

Tôi ngưỡng mộ nước Anh, không chỉ bởi vì tweeds, rất hợp với họ, mà còn vì những chiếc ball gowns quý phái, thứ mà không thể tượng tượng được họ đã mặc từ thời Gainsborough – Christian Dior

Trắc trở thay, Nữ Hoàng và giới Hoàng Gia Anh chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ bảo trợ các nhà thiết kế Anh. Vì thế, ngay ngày hôm sau, nhóm người mẫu của show Savoy Xuân/Hè 1950 phải kín đáo đến đại sứ quán Pháp ở Kensington để bí mật trình diễn bộ sưu tập cho 4 khán giả Hoàng Gia, gồm: Nữ Hoàng Elizabeth II (lúc bấy giờ vẫn còn là một Công Chúa) cùng em gái là Công Chúa Margaret, và Nữ Công Tước xứ Kent (Duchess of Kent) – Công Chúa Marina của Hoàng Gia Hy Lạp, cùng người em gái là Công Chúa Olga.

Royal photograph by Sir Cecil Beaton (1904 – 1980);
Princess Margaret (1930-2002) London, 1951.
© Cecil Beaton/Victoria and Albert Museum, London

Công chúa Margaret trong chiếc ball gowns Matinée Poétique của Dior, chụp bởi nhiếp ảnh gia Cecil Beaton nhân sinh nhật 21 tuổi của công chúa. Nguồn ảnh: Cecil Beaton/Camera Press/Gamma

Ngài Dior ra đi ở tuổi 52. Cánh tay phải tài năng Yves Saint Laurent – vốn là người kế nhiệm đã sớm được Dior lựa chọn, không mất thời gian quá lâu để ngồi vào chiếc ghế thiết kế trưởng. Nhà Dior bước vào một thời đại mới, nhưng “chuyện tình mãnh liệt” với nước Anh trở nên lạnh nhạt. 

Đến khi nhà thiết kế Saint Laurent bị triệu tập nghĩa vụ quân sự vào năm 1960, Marc Bohan – người đã trải qua những năm đầu thành lập ngôi nhà Christian Dior ở London, đã thành công đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo suốt gần 30 năm, từ giữa 1960 đến 1989.

Những thiết kế cực kỳ thanh lịch của Marc Bohan (đôi khi bị đánh giá thấp) là lựa chọn của nhiều Công Chúa và ngôi sao điện ảnh. Nhưng khi rời khỏi Dior và trở về London vào năm 1989, bằng nỗ lực hết mình để hồi sinh nhà thời trang Norman Hartnell, Marc Bohan lại không tạo nên sức hút đáng kể trước gu thẩm mỹ nhạy cảm của người Anh. Đáng nói là, sự rời đi của Marc Bohan đồng nghĩa với việc nhà Dior một lần nữa xa cách nước Anh.

Nhà thiết kế người Ý – Gianfranco Ferré được đưa vào tiếp quản vị trí thiết kế chính, nhưng mãi đến khi nữ tổng biên tập quyền lực Anna Wintour đích thân đề cử, “đứa trẻ hư” John Galliano mới chính thức bước chân vào nhà Dior vào tháng 10/1996. Sự lập dị hào hoa của Galliano, thái độ bất tuân chủ nghĩa lịch sử, sự pha trộn phi thường giữa chủ nghĩa lãng mạn-nữ quyền-đương đại, và không thể khác hơn chính là niềm đam mê kỹ thuật may đo trứ danh của nước Anh, dường như đều bắt nguồn từ bản sắc “thuần Anh” sẵn có và vì thế buộc CEO Bernard Arnault phải tuyên bố rằng “Galliano có một tài năng sáng tạo rất gần với Christian Dior

 Stella Tennant (một người mẫu Anh thuộc giới quý tộc Scotland) trong chiếc váy dạ hội do John Galliano thiết kế, bộ sưu tập “Marchesa Casati” – Christian Dior Haute Couture Xuân/Hè 1998. Chụp bởi: Mario Testino, đăng trên Vogue US – số tháng 5/2006

Ngay từ mùa thời trang đầu tiên của Galliano, mối liên kết giữa Dior và nước Anh đã lập tức được hàn gắn. Vương Phi xứ Wales – Diana đã mặc chiếc slip dress do Galliano thiết kế đến tham dự Met Ball 1996. Mặc dù hầu hết thời gian sau đó, Diana chủ yếu mặc đồ của các nhà thiết kế trong nước, ngoại trừ chiếc túi Dior yêu thích được tặng bởi Đệ Nhất Phu Nhân Pháp – Bernadette Chirac, vào năm 1995 trong một chuyến viếng thăm Paris. Một năm sau đó, mẫu túi xách này được đổi tên thành Lady Dior, như một vinh dự mà Hoàng Gia Anh trao cho thương hiệu.

 Chiếc váy đầu tiên mà Galliano thiết kế ở vị trí lãnh đạo The House of Dior được Vương Phi Diana mặc tham dự Met Ball 1996, tại New York. Nguồn ảnh: Getty Images.

Galliano sử dụng nhiều nhân viên người Anh trong suốt nhiệm kỳ của mình, bao gồm Bill Gaytten – người canh giữ “pháo đài” sau khi Galliano bị sa thải vào năm 2011; và milliner (thợ làm nón phụ nữ) Stephen Jones – người hiện nay vẫn còn làm việc cho nhà Dior.

Vượt qua cú sốc vì thiếu vắng “lời tỏ tình say đắm” của John Galliano. Đến năm 2016, nước Anh trang trọng chào đón nhà Dior lần thứ 3 tổ chức shows trình diễn thời trang tại cung điện Blenheim xinh đẹp, tiếp nối “giấc mộng đêm hè” dang dở của ngài Christian Dior. Và trong khi nữ giám đốc sáng tạo người Ý hiện tại – Maria Grazia Chiuri, là một người theo chủ nghĩa quốc tế, thì sự tôn trọng của cô với những di sản bản sắc Anh của nhà Dior như vải tweeds (đặc biệt là hoạ tiết houndstooth), đầm ball gowns kiêu kỳ, đẳng cấp may đo Savile Row, ngọc trai và hoa hồng – vẫn là hằng số. Chưa kể, quan điểm kết hợp câu chuyện cổ tích với giá trị hiện thực, cảm hứng lịch sử thi vị đan xen những thông điệp thực tiễn: “Còn gì có thể Anh hơn thế nữa?”

Bộ sưu tập Haute Couture đầu tiên của nhà thiết kế Maria Grazia Chiuri cho nhà Dior, Xuân/Hè 2017. Nguồn ảnh: Tierney Gearon

Chú thích:

*¹ English Channel: gọi theo tiếng Pháp là “eo biển Manche” hay đơn giản là Channel, là một vùng nước ngăn cách miền nam nước Anh với miền bắc nước Pháp, nằm tại thị trấn Granville, thuộc Normandy, tây bắc nước Pháp. Granville được mệnh danh là “Monaco của miền Bắc”, là một khu nghỉ mát bên bờ biển nổi tiếng từ thế kỷ XIX, là điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời của giới thượng lưu và nhiều nghệ sỹ của Pháp, trong đó có gia đình của nhà thiết kế Christian Dior.

*² Guinea: là đơn vị tiền tệ cổ xưa đã từng được sử dụng ở Anh, 1 guiena tương đương 1 bảng Anh (pound) cộng với 1 shilling. Trước năm 1971, 1 bảng Anh = 20 shilling, 1 shilling = 12 xu (pence), do đó, 1 guinea = 21 shilling = 252 xu (pence). Đầu những năm 1970, Vương quốc Anh đã đổi tiền, 1 đồng bảng Anh bằng 100 xu mới (đồng xu kim loại kiểu cũ hoàn toàn bị loại khỏi hệ thống thanh toán của nước Anh từ năm 1980) và đơn vị shilling không tồn tại nữa. Như vậy, ở thời của Jean Dawnay, giá vé tham dự show diễn thời trang của Dior vào khoảng 5 guineas thực sự khá đắt. Chẳng hạn, vào những năm 1960, 5 guineas có thể mua được 42 bữa sáng đầy đủ tiêu chuẩn, hoặc tương đương tiền công thuê một người lau dọn đến hơn 200 ô cửa sổ.

Anglophile: thuật ngữ dùng để mô tả một người rất thích hoặc ngưỡng mộ nước Anh.

Triển lãm “Christian Dior: Designer of Dreams” tại bảo tàng Victoria & Albert, được hỗ trợ bởi thương hiệu Swarovski, cùng sự phối hợp của công ty American Express, mở cửa từ ngày 02/02/2019 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 14/07/2019. 60% trong số 500 vật phẩm được triển lãm tại V&A (bao gồm cả tranh ảnh, mỹ phẩm và phụ kiện) là hoàn toàn mới và chưa từng xuất hiện trong lần triển lãm ở Paris. Ngoài ra, tất cả trang phục đều là Haute Couture.

Triển lãm được đánh giá là tác phẩm hồi tưởng Christian Dior quy mô nhất được dàn dựng ở nước Anh. Về gốc độ văn hoá, triển lãm này sẽ là một trong những chủ đề hao tốn giấy mực nhất của năm 2019.

Ảnh bìa:

Trong ảnh là một thiết kế rất nổi tiếng của Dior – Zaire ball gown, và ngài Christian Dior đang điều chỉnh những chiếc vòng trên cổ người mẫu Victorie, trong buổi diễn tập cho show Haute Couture Thu/Đông 1954. Nguồn ảnh: © Mark Shaw/ mptvimages.com

Tài liệu tham khảo:

Christian Dior: A story of a suit – ft.com

Dior Designer of Dreams – Vam.ac.uk

Dior Exhibiton Victoria and Albert museum – Theguardian.com

Your first look at the Christian Dior exhibition – vogue.com.au

Is Dior greatest fashion house past century – Telegraph.co.uk

Princess George Galitzine supermodel 1950s – Telegraph.co.uk

 

Xu