A-Z: 24 cái tên lừng lẫy trong ngành công nghiệp thời trang (Phần 1)
Ngày đăng: 14/07/18
Ngành công nghiệp thời trang cho đến ngày nay đã vận hành với một guồng quay khắc nghiệt, qua bao năm tháng thăng trầm, lịch sử ghi nhận nhiều nhân vật với sự cống hiến to lớn cho nền thời trang và tầm nhìn của họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.
Từ A đến Z, 24 chữ cái, đại diện cho 24 cái tên lừng lẫy, từ nhà thiết kế, người mẫu, nhiếp ảnh gia cho đến night club, mà tên tuổi đã ghi dấu ấn to lớn trong giới thời trang.
Azzedine Alaïa
Nhà thiết kế độc đáo người Tunisia nổi danh bởi những thiết kế có cấu trúc giúp tôn dáng cơ thể người mặc. Những bộ trang phục của ông đề cao sự gợi cảm một cách triệt để và tôn thờ những đường nét cơ thể người phụ nữ. Chính những năm tháng miệt mài học điêu khắc khi còn trẻ đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy thiết kế ấy, khi mà đa phần những nguồn cảm hứng của ông đều đến từ những kiến thức và kinh nghiệm học được trong thời gian theo đuổi mỹ học. Alaia được coi như thầy phù thuỷ đỡ đầu của nhiều siêu mẫu nổi tiếng.
Trước cả Gianni Versace, ông đã đưa những màn catwalk trong bộ sưu tập của mình thành màn biểu diễn để đời của các siêu mẫu. Ông chính là người đã khởi đầu sự nghiệp người mẫu cho bạn thân của mình là Naomi Campbell khi cô mới 16 tuổi. Ông là một trong những người tiên phong phản đối hệ thống vận hành thời trang kiểu cũ và chu kỳ ra mắt bộ sưu tập theo kiểu công nghiệp (và đến giờ vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm). Trong thời trang, Alaia ưa chuộng cái đẹp trường tồn hơn là những gì chớp nhoáng theo xu hướng, các sản phẩm phải được làm thủ công thật chau chuốt tỉ mỉ. Qua đời tại Paris vào tháng 11/2017, ông đã để lại một sự nghiệp huyền thoại và cả sự mất mát to lớn cho nền thời trang.
Beene Geoffrey
Sinh ra và lớn lên tại Lousiana, Mỹ và đang theo học để trở thành một bác sỹ, Beene liều lĩnh chuyển hướng rẽ sang con đường mới khi quyết định bỏ ngang trường y và chuyển đến California. Tại đây, Beene có được sự đột phá trong sự nghiệp khi ông tình cờ nhìn thấy thông báo tuyển dụng vị trí thiết kế và trưng bày sản phẩm của một cửa hàng thời trang. Vào cuối những năm 1940, ông theo học thiết kế ở cả hai thành phố New York và Paris, sau đó làm việc cho một vài nhà mốt của Mỹ trong những năm 1950.
Năm 1963, Beene thành lập thương hiệu riêng mang tên mình (một trong những nhà thiết kế đầu tiên làm điều này tại thời điểm đó). Beene tập trung đào sâu khám phá sự đổi mới trong thiết kế và cắt may, để tạo ra những sản phẩm tôn được vóc dáng người mặc mà vẫn cách tân theo kịp thời đại. Ông cũng là một trong những người sớm tiếp cận với hướng kinh doanh dòng sản phẩm thứ cấp khi cho ra đời Beene Bag năm 1974. Một vài mẫu thiết kế nổi bật nhất của ông bao gồm những sáng tạo độc đáo của jump-suit và bolero. Ông cũng được biết đến với những bộ váy ôm sát phong cách những năm 60. Hai thập kỷ sau, Beene bất ngờ chuyển sang một hướng hoàn toàn mới: khai thác tính phi trọng lượng của trang phục qua việc sử dụng các đường khâu nối tinh xảo và những chất liệu mỏng nhẹ như chiffon và ren. Năm 2004, Benne qua đời tại nhà riêng tại New York ở tuổi 77.
Claude Montana
Với những bộ trang phục có cấu trúc táo bạo, cầu vai lớn trên nền màu sắc sặc sỡ, nhà thiết kế người Pháp Claude Montana đã tìm được chỗ đứng trong ngành thời trang những năm 70. Thương hiệu riêng của ông, House of Montana, mô tả chân thực xu thế của lúc bấy giờ, nhanh chóng trở thành con cưng của cả cả nền công nghiệp với những show diễn đi trước thời đại. Đầu những năm 80, Claude lấn sân sang mảng thời trang nam với dòng sản phẩm Montana Hommes được ưa chuộng trong suốt thập kỷ đó.
Đầu những năm 90, ông trở thành nhà thiết kế couture cho thương hiệu Lanvin và dành hai giải Golden Thimble danh giá, cùng lúc đó ông cũng kết hôn với người mẫu Wallis Franken. Tuy nhiên, sau những năm 90, gu thẩm mỹ của thời đại thay đổi và House of Montana không thể bắt kịp, nhà mốt đi xuống và công bố phá sản vào năm 1997 (một năm sau cái chết của vợ Claude). Những năm sau đó, Claude rút khỏi ngành thời trang. Dù vậy, những năm tháng cống hiến cho nền thời trang và tầm nhìn của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ những nhà thiết kế lừng danh đi sau bao gồm Alexander McQueen, Riccardo Tisci và Olivier Theyskens.
Donyale Luna
Vào năm 1963, khi mà bà mới chỉ 14 tuổi – người mẫu gốc tài năng gốc Detroit đã được phát hiện bởi nhiếp ảnh gia David McCabe, người đã từng cầm máy cho Twiggy và Andy Warhof. Ngay năm sau đó, Luna làm việc với Richard Avedon và không lâu sau đó bà cũng ký hợp đồng với nhiếp ảnh gia nổi tiếng này.
Vào năm 1966, Luna trở thành người mẫu da màu đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí British Vogue, hình ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia phong cách rock David Bailey, người đã từng chụp ảnh cho the Beatles. Là một trong những lớp người mẫu da màu đầu tiên, sự nghiệp của Luna lại kết thúc rất sớm ở tuổi 33 khi bà qua đời do dùng thuốc quá liều. Tuy vậy, bà là một trong những tên tuổi tiên phong của nền thời trang lúc bấy giờ.
Edie Sedgwick
Bên cạnh việc là hình mẫu tiên phong của thế hệ IT-girl đương đại, Sedgwick còn là một người mẫu, một diễn viên và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở New York vào những năm 1960. Là nàng thơ của Warhol và thành viên trong The Factory đình đám của ông, bà xuất hiện trong rất nhiều bộ phim của ông bao gồm cả Poor Little Rich Girl (đối chiếu đến một thực tế là Sedgwick xuất thân từ một gia đình giàu có). Sau thời gian đó, bà trở thành trung tâm của những sáng tác của nhà soạn nhạc – ca sỹ Bob Dylan.
Nổi danh bởi nét quyến rũ ngọt ngào và chiếc quần legging đen ôm sát, những chiếc mini dress, khuyên tai lấp lánh to bản, cùng với đôi mắt to tròn và kiểu tóc ngắn màu bạch kim cá tính, tạp chí Vogue gọi bà là người đại diện cho “Youthquaker” – người có sức ảnh hưởng đến văn hoá giới trẻ bởi phong cách và cá tính độc đáo. Bà qua đời ở tuổi 28, vào năm 1971, do sử dụng may tuý quá liều. Tuy vậy, Sedgwick vẫn mãi là một biểu tượng của thời đại.
Fiorucci
Được mệnh danh là “Studio 54 ban ngày” (night club đình đám những năm 30, mà ngày nay là sân khấu broadway), concept store huyền thoại là một tượng đài về văn hoá pop thời bấy giờ. Được thành lập vào cuối những năm 60 bởi nhà thiết kế người Ý Elio Fiorucci, tính đến khoảng giữa thập niêm 70, thương hiệu này đã có mặt ở London, Milan và Manhattan. Store bày bán các bộ trang phục cá tính, có phần nổi loạn, những kiểu quần jeans rách và những đồ độc lạ được tô điểm thêm bằng logo hình thiên thần của Fiorucci. Tuy nhiên, Fiorucci vượt xa khỏi phạm vi bán lẻ thuần tuý: nó là sự ám ảnh cho các nghệ sỹ, nhà thiết kế, hay bất cứ người nào làm nghệ thuật. Madonna bắt đầu sự nghiệp của cô ấy ở đây. Andy Warhol thường xuyên ghé đến. Cher, Elizabeth Taylor, Jackie O cũng luôn bị bắt gặp shopping tại đây. Vào năm 1984, Fiorucci đóng cửa nhưng mới đây vào năm 2017, thương hiệu được hồi sinh dưới sự chủ quản của Janie và Stephen Schaffer.
Gianni Versace
Trong suốt 25 năm làm nghề, Versace đã tạo nên một di sản mà những trong đó mang sự rung động xúc cảm, vượt qua giới hạn thông thường. Sinh ra và lớn lên từ một thành phố nhỏ ven biển miền nam nước Ý – Reggio Calabria, Versace thường đưa vào bộ sưu tập của mình văn hoá của quê hương, đó là sự pha trộn của văn hoá Hy Lạp, Baroque của ý và Etruscan. Bắt đầu sự nghiệp của mình từ năm 1972, Ông đã đưa sự góc cạnh và chủ nghĩa chiết trung để làm mới cái thời trang cũ kỹ ngày đó bằng những bộ váy lấp lánh với hoạ tiết táo bạo.
Vào năm 1977, nhà thiết kế bị sát hại ở cạnh ngôi nhà ven biển của ông. Sau cái chết của anh trai mình, em gái nhà thiết kế là Donatella Versace đã tiếp quản nhà mốt. Nhân dịp 20 năm kỷ niệm ngày mất của Gianni, những người yêu mến thời trang nói chung và người hâm mộ tài năng của ông nói riêng được chứng kiến một show diễn thực sự mãn nhãn khi kết màn bộ sưu tập Xuân 18, các siêu mẫu của thập niên 90: Naomi Campbell, Claudia Schiffer, Cindy Crawford, Carla Bruni và Helena Christensen đã cùng hội ngộ sải bước mang trên mình những bộ váy lamé – sáng tạo để đời của nhà thiết kế quá cố tài năng.
Hiro
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng này đã đưa gu thẩm mỹ siêu thực của mình vào những ấn phẩm thời trang, album nghệ thuật, cuộc sống và hơn thế nữa vào nửa thế kỷ trước. Gốc là người Nhật nhưng sinh ra ở Thượng Hải, Trung Quốc, ông dành tuổi thơ của mình ở đây, sau đó những năm niên thiếu trở lại Nhật bản và cuối cùng sang Mỹ để theo học lớp nhiếp ảnh. Sau khi được đào tạo bởi người thầy của mình là Richard Avedon, Hiro đã đánh dấu được tên tuổi của mình qua nhiều thập kỷ khi ký hợp đồng nhiếp ảnh gia độc quyền cho tạp chí Harper’s Bazaar từ năm 1957. Những sáng tạo của ông, bao gồm cả những bức ảnh được đăng trên Vogue và Mirabella, được đánh giá rất cao nhờ cách sử dụng màu sắc và ánh sáng độc đáo cùng sự kết hợp khác lạ. Tất cả những dấu ấn đó còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.
(Còn tiếp)
Chuyển ngữ: Đạt Bùi
Theo V Magazine