A-Z: 24 cái tên lừng lẫy trong ngành công nghiệp thời trang (Phần 3)

Ngày đăng: 03/08/18

Ngành công nghiệp thời trang cho đến ngày nay đã vận hành với một guồng quay khắc nghiệt, qua bao năm tháng thăng trầm, lịch sử ghi nhận nhiều nhân vật với sự cống hiến to lớn cho nền thời trang và tầm nhìn của họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.

Từ A đến Z, 24 chữ cái, đại diện cho 24 cái tên lừng lẫy, từ nhà thiết kế, người mẫu, nhiếp ảnh gia cho đến night club, mà tên tuổi đã ghi dấu ấn to lớn trong giới thời trang.

Quant, Mary

Ở London những năm 1960, Quant làm nên dấu ấn tên tuổi của mình khi là nhà thiết kế thời trang cao cấp đầu tiên nhắm vào thị hiếu giới trẻ thời bấy giờ. Là chủ của cửa hàng thời trang của riêng mình vào thời đại tự do và phá cách, bà nhận ra rằng khách hàng của mình muốn tìm những chiếc váy ngắn hơn nữa, và thế là bà bắt đầu bắt tay vào tạo ra những sản phẩm chiều lòng khách hàng. Kết quả, bà được biết đến là người đã sáng tạo ra mẫu váy miniskirt ngày nay (mà sau đó biến hoá thêm thành những chiếc quần short ngắn hot pants). Chiếc miniskirt đã phủ định những ý niệm truyền thống về thời trang, thay đổi quỹ đạo phát triển của thời trang nữ giới và có sức ảnh hưởng bền bỉ đến thời trang của ngày hôm nay. Năm 2015, bà được trao tặng danh hiệu Dame (hiệp sĩ) với những đóng góp cho sự phát triển của nền thời trang.

Stephen Burrows

Nhà thiết kế sinh ra tại New Jersey có thời gian học tại FIT – Học viện công nghệ thời trang, sau đó cùng với bạn của mình là Roz Rubenstein ra mắt thương hiệu thời trang riêng tại trung tâm thương mại Bonwit Teller vào năm 1969. Sau khi những thiết kế ready-to- wear của Burrows ra mắt, ông đã được giới thiệu với Geraldine StutzStutz – chủ tịch của Henri Bendel, và làm việc cho thương hiệu xa xỉ này trong nhiều thập kỷ.

Vào năm 1970, cửa hàng mang tên “Thế giới của Stephen Burrows” khai trương trong trung tâm thương mại Fifth Avenue. Vào những năm 70, những thiết kế của Burrows xuất hiện trong buổi trình diễn thời trang giao lưu giữa các nhà thiết kế Mỹ và Pháp (giống như Oscar de la Renta và Halston) mang tên “Battle of Versailles” (Cuộc chiến Véc-sai). Burrows đã mở đường cho sự đa dạng trong ngành công nghiệp thời trang (dù là mất nhiều thời gian) và được biết đến rộng rãi là nhà thiết kế Mỹ gốc Phi đầu tiên có được sự công nhận mang tầm vóc quốc tế. Những sản phẩm của ông rất được ưa chuộng bởi Studio 54 và những khách hàng nổi tiếng như Diana Ross, Cher, Farrah Fawcett, Barbra Streisand và Lizza Minnelli. Ngoài ra, những “người hâm mộ” gần đây của ông còn có Taylor Swift, Oprah và Naomi Watts. Vào năm 2006, Burrows nhận được giải “Tri ân đặc biệt của hội đồng giám đốc” từ CDFA (Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ). Gần đây, những thiết kế nhỏ gọn, màu sắc của ông được đến gần hơn với người tiêu dùng nhờ lần hợp tác năm 2010 với gã khổng lồ trong ngành bán lẻ Target.

Richard Avedon

Trong suốt những năm 60 và đầu những năm 70, nhiếp ảnh gia tài năng mảng thời trang và chân dung đã làm việc cho tạp chí Harper’s Bazaar. Sau đó, ông có một thời gian dài hợp tác với Vogue với cương vị nhiếp ảnh gia chính khi mà tại đó ông là người đứng sau rất nhiều các bức ảnh bìa ấn tượng trong suốt những năm 70 cho đến hết thập niên 80. Avedon cũng cầm máy cho rất nhiều những chiến dịch quảng cáo đình đám trong sự nghiệp của mình, một trong số đó phải kể đến chiến dịch làm nên hình ảnh thương hiệu của Calvin Klein những năm 80 với người mẫu Brooke Shields. Ngoài ra, ông cũng có 18 năm hợp tác gắn bó với nhà mốt Versace. Bên cạnh lĩnh vực ảnh thời trang, Avedon còn cầm máy cho các tấm ảnh chân dung của nhiều người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, từ Allen Ginsberg đến Marilyn Monroe rồi Dorothy Parker. Tất cả đều được đưa vào cuốn sách ảnh xuất bản năm 1964 mang tên Nothing Personal của ông.

Tree, Penelope

Là gương mặt đại điện của phong cách Swinging những năm 60, sự nghiệp người mẫu của Penelope Tree bắt đầu có sự đột phá sau khi xuất hiện tại dạ vũ của Truman Capote và được phát hiện bởi nhiếp ảnh gia Richard Avedon. Với đôi mắt to tròn, cấu trúc xương gò má cá tính, cùng với sức hút lạ thường, không mất nhiều thời gian để cô trở thành nàng thơ của Richard Avedon và nhiều nhiếp ảnh gia khác như Cecil Beaton và David Bailey – người mà về sau trở thành bạn trai sống chung với cô ở London. Thẩm mỹ về thời trang độc đáo của Tree đã gây được tiếng vang ở thời đó, khi mà Bailey đã ca ngợi và xem cô như là một trong những người khởi xướng hiện tượng “Flower Power” (phong cách thời trang sặc sỡ mà những bông hoa là hoạ tiết chủ đạo, mang ý nghĩa phản đối chiến tranh ở Việt Nam, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác). Sức ảnh hưởng của cô còn chạm tới cả ban nhạc The Beatles. Khi được đề nghị miêu tả Tree chỉ với 3 từ, John Lennon đã trả lời: “Hot, hot, hot, smart, smart, smart!”.

Veruschka

Nhờ thân hình mỏng manh, cao 1.82m và sự gợi cảm khó cưỡng của mình, người mẫu Đức đã mở ra một chuẩn mực mới cho cái đẹp của những năm 1960. Bà xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue đầu tiên năm 1963 (trong tổng cộng 11 lần xuất hiện trên bìa tạp chí nổi tiếng này trong suốt sự nghiệp) và đã làm việc với nhiều nhiếp ảnh gia tên tuổi như Helmut Newton, Irving Penn và Richard Avedon. Sinh ra là một nữ bá tước vùng Đông Prussia (nay là nước Nga), ở tuổi 22, bà rời đến New York để theo đuổi sự nghiệp người mẫu, đổi tên từ Vera thành Veruschka. Một thời gian, bà từng bén duyên với điện ảnh, góp vai trong các bộ phim và show truyền hình của cả Mỹ và Đức. Hiện tại, bà vẫn thường xuất hiện với vai trò người mẫu khách mời biểu diễn trong các show thời trang, mới đây nhất là sự hợp tác với Acne Studios trong lookbook Resort 2018 của thương hiệu này.

Ultra Violet

Tím từ đầu đến chân, tóc đến make up rồi quần áo, đã tạo nên phong cách đơn sắc đặc trưng không ai có của Isabelle Collin Dufresne, hay Ultra Violet. Nghệ sỹ kiêm diễn viên người Pháp, Dufresne đến New York và xây dựng mối quan hệ với nghệ sỹ trường phái siêu thực nổi tiếng Salvador Dalí, người mà sau đó giới thiệu bà với Andy Warhol. Trong suốt những năm 60, Dufresne trở thành “siêu sao” ở studio Factory huyền thoại của Andy Warhol. Bà xuất hiện trong một số bộ phim của Andy Warhol, bắt đầu với phim “Cuộc sống của Juanita Castro” và đồng hành cùng với sự nổi tiếng của Warhol. Trước khi qua đời vào năm 2014, bà đã lựa chọn cách ly bản thân khỏi lối sống “kiểu Warhol” thời trẻ, nhưng bà mãi được ghi nhớ là một biểu tượng của thời đại.

Vivienne Westwood

Một trong những tài năng thiết kế nổi bật nhất nước Anh của thế kỷ 20, nhà thiết kế được phong danh hiệu “hiệp sỹ”- Westwood đã gắn liền với sự ra đời của xu hướng thời trang Punk. Bắt đầu sự nghiệp của mình vào đầu những năm 70 khi bà thiết kế trang phục cho Sex Pistols và người tình một thời của mình Malcome McLaren. Bà mang những yếu tố có phần nổi loạn, khiêu khích lên sân khấu thời trang. Vào năm 1981, bà đã có show diễn đầu tiên mang tên “Pirate” và từ đó không ngừng vượt qua mọi giới hạn của sáng tạo và cách tân. Bà được biết đến là người đã làm sống dậy chiếc áo corset, tạo ra xu hướng mặc đồ lót ra ngoài, và thậm chí còn sáng tạo ra chiếc váy “mini-crini” (loại váy được tạo khung để làm phồng, giống váy thời trung cổ nhưng ngắn trên đầu gối). Những thông điệp chính trị gửi gắm trong thời trang đã và sẽ luôn là điều gắn với những thiết kế của Westwood, thời gian gần đây bà cũng nhắm vào một số vấn đề như biến đổi khí hậu.

Xanadu

Về mặt điện ảnh mà nói, bộ phim âm nhạc năm 1980 thủ vai (và sáng tạc nhạc) bởi Olivia- Newton John đã thất bại hoàn toàn. Nhưng tương tự như Saturday Night Fever, sự lộng lẫy của một bộ phim nhựa đã tôn vinh lên được những bộ trang phục thật sự ấn tượng và những bản nhạc mang tính biểu tượng cho cả một thập kỷ. Về Xanadu nói riêng, những thiết kế xuất hiện trong bộ phim mang chung một màu sắc: một chút bohemian, hơi mơ mộng và cổ tích (tương tự như phong cách của Stevie Nicks thời bấy giờ). Phong cách này đã trở thành trào lưu giữa thời điểm phong cách disco những năm 70 và kiểu ăn mặc hơi diêm dúa, quyền lực của những năm 80.

Yohji Yamamoto

Nhà thiết kế theo trường phái Avant-Garde nổi tiếng với các thiết kế với phom dáng rộng, đa phần là màu đen và kỹ thuật rập điêu luyện. Lớn lên ở Tokyo, Yamamoto theo học trường Luật nhưng sau đó ông nhận ra rằng đây không phải là con đường dành cho mình. Vì thế, ông chọn giúp đỡ mẹ mình trong cửa hàng quần áo của bà. Sau khi được mẹ khuyên nên đi học bài bản, ông đã vào trường Cao đẳng thời trang Bunka (ngôi trường đã đào tạo ra nhiều tài năng như Junya Watanabe và Kenzo Tanaka). Sau một năm ở Paris, ông trở về nước thành lập thương hiệu thời trang ready-to-wear của riêng mình và tích luỹ được một lượng lớn khách hàng ở khắp Nhật Bản. Trong suốt 30 năm trở lại đây, nhà thiết kế đã phát triển thương hiệu của mình bằng cách cho ra mắt nhiều thương hiệu nhánh với các mức giá khác nhau, trong đó bao gồm cả Yohji Yamamoto và Y’s. Ông cũng thường xuyên hợp tác với các thương hiệu khác. Có thể kể đến như là Y3 – hợp tác với Adidas và lần bắt tay với Hermes.

Zandra Rhodes

Những thiết kế hoạ tiết vải độc đáo và màu tóc neon rực rỡ là thứ làm mọi người nhớ đến khi nói về Zandra Rhodes. Khi những thiết kế vải của mình bị các nhà sản xuất của Anh cho là quá nổi loạn, bà quyết định tự làm nên những bộ trang phục bằng chính chất liệu riêng, tự in cả hoa văn hoạ tiết. Sau khi hợp tác với Sylvia Ayton, Rhodes đã mở của hàng thời trang riêng ở phía Tây London vào năm 1969. Cùng năm đó, bà cũng đem bộ sưu tập của mình đến New York và được Diana Vreeland (tổng biên tập Vogue lúc bấy giờ) trao giải nhất trong một cuộc thi thiết kế của Vogue. Với thành công này, bà bắt đầu thiết kế cho các ngôi sao như Henri Bendel, Neiman Marcus và Saks. Kể từ khi đó, những sản phẩm đầy sáng tạo và mang nhiều thông điệp của bà rất được ưa chuộng: từ Freddie Mercury cho đến công nương Diana.

Chuyển ngữ: Đạt Bùi

Theo V Magazine