Nếu như không được đi đến cửa hàng bán vải, sự sáng tạo sẽ đưa bạn đến đâu?

Ngày đăng: 02/08/18

Những nhà thiết kế với phong cách futuristic cùng những bộ trang phục vượt ra khỏi khuôn khổ thường nhật, không có dress form hay vải vóc, thay vào đó là những cỗ máy giúp họ tạo ra trang phục ấn tượng.

Trong thời đại ngày nay, thời trang đã và đang có những bước tiến cùng với công nghệ. Thay cho vải vóc, những nhà thiết kế tiên phong đã dùng đến những cỗ máy in 3D để tạo nên trang phục. Nhắc đến điều này, nhà thiết kế Haute Couture – Iris Van Herpen được xem là người đi đầu.

Bà kết hợp in 3D, cắt laser và các tác nhân liên kết với nhiệt độ khác nhau để tạo ra những sản phẩm may mặc tuyệt vời ôm trọn cơ thể một cách tinh tế. Như Vogue đã bình luận bà là “một người sao chép phi thường của thiên nhiên, sử dụng các quy trình thách thức thời trang để tái tạo lại bề mặt địa hình của cơ thể con người, sự biến chuyển từ cấu trúc đặc thành chất lỏng thật sự liền mạch xuất sắc không tỳ vết, như thể ranh giới giữa âm dương đã tan biến.”

Iris Van Herpen 2018 Fall Collection

Iris Van Herpen không phải là kẻ đơn độc khi “chơi đùa” cùng với công nghệ. Những nhà thiết kế trẻ cũng có cách thức tiếp cận phương pháp này một cách đầy sáng tạo. Như Danit Peleg, cô đã sử dụng kỹ thuật in 3D để thực hiện bộ sưu tập tốt nghiệp tại trường Shankar College of Design.

Dưới đây là video clip giới thiệu về collection của Peleg.

Peleg đã hợp tác với công ty công nghệ Gerber để phát triển một công nghệ “cải thiện phát triển sản phẩm thông qua một loạt các giải pháp tích hợp, nâng cao trải nghiệm tổng thể trong suốt chuỗi cung ứng”. Cô hình dung cả một mô hình sản xuất được sắp xếp hợp lý cũng như muốn một ngày nào đó, người tiêu dùng có thể in quần áo của mình hàng ngày tại nhà một cách dễ dàng.

Không chỉ có một mình Peleg sẵn sàng đi theo ý tưởng thiết kế không cần đến vải vóc, Amy Karle cũng là một nhà thiết kế yêu thích cách thức sáng tạo này. Cô lấy cảm hứng từ giải phẫu cơ thể người để thiết kế những bộ trang phục đầy huyền ảo. Đối với cô, công nghệ 3D được sử dụng để quét cơ thể con người để biết được độ vừa chính xác cho trang phục, sau đó cô cắt trang phục của mình bằng cách sử dụng một máy in laser như được thấy ở đây (clip minh họa bên dưới).

Hiện tại, Karle là một phần của Chương trình Pier 9 Residency của Autodesk khi cô làm việc với nghệ sĩ đồng nghiệp Micheal Koehle bằng phương pháp chuyển 3D sang 2D rồi lại thành 3D. (Autodesk là một công ty sản xuất vải công nghệ mới và chương trình Pier 9 Residency là chương trình tập trung cho việc nghiên cứu đổi mới sáng tạo phương pháp sản xuất vải).

Trong tương lai, công nghệ in 3D cùng những kỹ thuật máy móc sẽ giúp thời trang có những chuyển biến xa hơn nữa, chắc hẳn khi đó vải vóc không còn chiếm giữ vị trí độc tôn trong ngành thời trang.

Chuyển ngữ:  Cherie

Theo: University of Fashion