“Sculpting the Senses” Exhibition – Lạc vào “Xứ sở thần tiên” của “phù thủy” Iris van Herpen

Ngày đăng: 10/12/23

Bắt đầu từ ngày 29 tháng 11 kéo dài cho đến hết ngày 28 tháng 4 năm 2024, tại bảo tàng Musée des Arts Décoratifs ở Pháp, triển lãm “Iris van Herpen: Sculpting the Senses” sẽ là một “xứ sở thần tiên” mà bất kể tín đồ thời trang nào cũng muốn đặt chân để chiêm ngưỡng hơn 100 tuyệt tác do nhà thiết kế người Hà Lan thực hiện. 

Năm 2018, bảo tàng Musée des Arts Décoratifs, Paris đã mua được chiếc váy đầu tiên được in 3D trong lịch sử thời trang. Dấu ấn lịch sử đó đã trở thành chất xúc tác sự đặc biệt cho một cuộc hồi tưởng về sự nghiệp thời trang lừng lẫy và đáng tò mò của Iris van Herpens, được tổ chức dưới hình thức một cuộc triển lãm ấn tượng cùng 100 tuyệt tác kỳ công được tạo ra dưới bàn tay khéo léo cùng khối óc sáng tạo vượt ngưỡng của nhà thiết kế người Hà Lan. “Iris van Herpen: Sculpting the Senses” xoay quanh chín chủ đề vốn “ăn sâu” vào ngôn ngữ sáng tạo của nữ nhà thiết kế, bao gồm nước, các nhân tố tạo lập nên sự sống, bộ xương của con người và cả tư duy cũng như tầm nhìn mới của Iris trong những thiết kế mới nhất từ bộ sưu tập “Carte Blanche”. Mỗi căn phòng tương ứng với mỗi chủ đề được điểm kỹ xảo phối cảnh độc đáo của Nathalie Crinière, để đảm bảo được rằng người xem mỗi khi bước vào triển lãm sẽ phải trầm trồ với những bức tường thô sơ, thậm chí là tò mò với một chiếc tủ đơn sơ.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Iris van Herpen Official (@irisvanherpen) chia sẻ

Chiếm giữ Phòng trưng bày “Christine & Stephen Schwarzman” của bảo tàng – nơi đã tổ chức các cuộc hồi tưởng tương tự về “tích truyện” Schiaparelli và Mugler, triển lãm mới của Iris van Herpen như một vũ trụ thu nhỏ của Irris, tóm tắt lại chặng đường 16 năm sáng tạo mà nguồn cảm hứng được chính cô truy từ hàng thiên niên kỷ trước như cấu trúc của một con ốc anh vũ cổ xưa cho đến những cải tiến công nghệ mới chưa từng được áp dụng vào công nghiệp thời trang. Đối với những du khách đến tham dự, không gian dành riêng cho những tuyệt tác này như thể một “xứ sở thần tiên” mộng mơ bậc nhất thế giới thời trang, nơi họ sẽ trải qua nhiều khung bậc cảm giác từ những giác quan khác nhau – khi trầm trồ vì được tận mắt chiêm ngưỡng, khi ngạc nhiên vì được thử nghiệm vật liệu vừa truyền thống phức tạp vừa xa hoa đầy sáng tạo của Iris, và cả khi lắng đọng trong những trải nghiệm thính giác kinh ngạc từ nhạc nền do nghệ sĩ Salvador Breed sáng tác riêng. Mặc dù, sự nghiệp thời trang của Iris đã được hồi tưởng tại nhiều cuộc triển lãm trên các địa điểm khác nhau trên thế giới, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Cấp cao ở Atlanta và Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Toronto. Nhưng sự kiện mới nhất ở bảo tàng Musée des Arts Décoratifs mới thực sựu là buổi biểu diễn lớn đầu tiên của nữ nhà thiết kế. Bởi lẽ, nó đánh dấu lần đầu những thành tựu kỹ thuật của cô được công khai cho nhiều người chiêm ngưỡng và cảm nhận theo một cách đặc biệt hơn về quá trình sáng tạo, việc lựa chọn các công cụ để bổ trợ cho các tiếp cận nghệ thuật, cũng như trí tưởng tượng phong phú của cô ấy. 

Từ vi mô đến vĩ mô, triển lãm đã đặt câu hỏi về vị trí của cơ thể của con người khi chúng được đặt trong không gian, mối quan hệ của nó với quần áo và môi trường cũng như tương lai của nó trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tuyển tập hơn một trăm tác phẩm thời trang haute couture, triển lãm lần này là cuộc đối thoại giữa Iris van Herpen với các tác phẩm nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ như Philip Beesley, Collectif Mé, Wim Delvoye, Kate MccGwire, Damien Jalet, Kohei Nawa, Casey Curran, Rogan Borwn, Jacques Rougerie và các tác phẩm thiết kế của Neri Oxman, Ren Ri, Ferruccio Laviani và Tomáš Libertíny. Ngoài ra, chúng còn được đặt cùng các tác phẩm từ lĩnh vực khoa học tự nhiên, chẳng hạn như bộ xương và hóa thạch. Tất cả tạo ra sự cộng hưởng độc đáo giữa thời trang, thiên nhiên, khoa học và lịch sử và khi được xếp cạnh nhau như thể đang mở ra một chân trời mới cho tương lai thời trang. Như đã chia sẻ, mục đích của triển lãm mới này không chỉ đơn thuần về vẻ đẹp hào nhoáng từ các thiết kế thời trang không tưởng, mà còn khám phá mối liên hệ giữa nó với khoa học lẫn thiên nhiên. Bởi lẽ, “nhà thiết kế thời trang” không đủ để định danh Iris van Herpen. “Iris không chỉ là một nhà thiết kế thời trang,” Cloé Pitiot, người phụ trách bảo tàng chia sẻ. “Cô ấy không ít lần cho phép tư duy thời trang của mình nhiều cơ hội cộng tác với nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế và nhà sử học, để mở rộng ranh giới của thời trang truyền thống. Iris rất bận tâm đến hành tinh và tương lai của chúng ta, thời trang đối với cô ấy không chỉ để mặc đẹp mà có hướng đến nhiều thông điệp ý nghĩa khác. Và tôi nghĩ điều quan trọng là công chúng phải được biết đến một nhà thiết kế thời trang có thể cởi mở như thế nào với nhân loại.”

“Quy trình thiết kế của tôi cực kỳ thuần khiết và đơn giản ở chỗ nó có thể đi từ những khoảnh khắc đen tối nhất đến những khoảnh khắc đẹp đẽ, mơ mộng và đầy hy vọng. Tôi nghĩ điều đó đã được hiện diện trong triển lãm, nơi mà tôi thực sự nghĩ rằng mọi người có thể đến rất gần với con người thật của tôi.” Iris chia sẻ về triển lãm mới. Và rồi nó được bắt đầu bằng một căn phòng “Nước và những giấc mơ” – khai thác sâu sắc về tình yêu và đam mê bất diệt của nhà thiết kế với nước – nguồn gốc của cuộc sống. Những chiếc váy bên trong được bao quanh bởi những vệt rắn PetG, một loại nhựa nhiệt dẻo mô phỏng dòng nước chảy; sóng hơi của organza gradient; và những chiếc váy dài gợn sóng khắp cơ thể được khoác lên người những mannequins giống như được làm từ chất lỏng trong suốt. “Tôi nghĩ phần lớn công việc của tôi là về cảm giác thôi miên – một ảo ảnh,” và nước đã giúp Iris thực hiện được điều đó. Bộ sưu tập mới nhất của cô, mang tên “Carte Blanche” cũng được trưng bày trong không gian này. Nước cũng được đề cập đến ở quy mô bao la của đại dương với làn sóng nhân tạo do Collectif Mé hiện thực hóa. Bên cạnh đó, một không gian đặc biệt bộc lộ môi trường tự nhiên mà mắt thường không nhìn thấy được đã được hé lộ vào thế kỷ 19 trong các bức minh họa của Ernst Haeckel hoặc trong các mô hình thủy tinh đáng chú ý của Léopold và Rudolf Blaschka. Các tác phẩm của Ren Ri và Tomáš Libertíny, được tạo ra bởi những con ong, tương phản với những tác phẩm giấy mỏng manh của Rogan Brown cũng được tìm thấy trong những căn phòng cụ thể. 

Chủ đề về bộ xương được mở đầu bằng chiếc váy Skeleton gợi nhớ đến bộ xương lai trong một tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Bản Heishiro Ishino. Cơ thể trở thành chủ đề sáng tác chính trong một chiếc váy ma mị – một phép ẩn dụ cho một nhà thờ kiểu Gothic, cũng như một chiếc tủ kiểu Gothic của Ferruccio Laviani, và cả một bộ phim tài liệu của Yann Arthus-Bertrand và Michael Pitiot mang tên “Terra”. Tiếp theo, người xem sẽ được mời rời khỏi chiều không gian vật lý dành cho vẻ đẹp diệu kỳ của cơ thể để khám phá thế giới giác quan và qua những bức ảnh của Tim Walker, cũng như một tác phẩm điêu khắc của Matthew Harrison. Cuối cùng, những bóng tối của thần thoại xung quanh chủ đề medusa do Phillip Beesley tạo ra sẽ gặp gỡ các tác phẩm của Kate McCGwire, EcoLogicStudio và một bộ áo giáp Samurai. 

Thiết kế gần đây nhất được trưng bày trong triển lãm là bộ váy custom riêng cho Beyoncé – chiếc mà nữ ca sĩ đã mặc tại phần trình diễn trong “Renaissance” World Tour. Iris Van Herpen hào hứng: “Tôi cảm thấy thực sự vinh dự khi được trở thành một phần trong kỷ nguyên mới của Beyoncé và thể hiện tầm nhìn của cô ấy thông qua thiết kế đặc trưng của riêng tôi. Tất nhiên, cá tính của cô ấy rất mạnh mẽ và sắc bén, nhưng tôi cũng muốn mang lại nét thanh tao cho tác phẩm của mình.” Từ đó, chiếc váy của Iris đã khiến Queen B tỏa sáng trên sân khấu như một chiến binh kiên cường, bất khả chiến bại nhưng vẫn thu hút mọi ánh nhìn bằng vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ của tính nữ. Chiếc váy mà nữ ca sĩ Grimes mặc đến Met Gala 2021 được đóng khung bởi khung cửa sổ lớn nhìn ra lối đi cao vút trong bảo tàng. Từ đây, du khách đi lên cầu thang cuộn, bức tường liền kề là “sân khấu” dành cho bức tranh khảm về những khoảnh khắc nhiều ngôi sao khác tỏa sáng trong bộ váy của cô. Những chiếc váy do Björk, Lady Gaga từng diện cũng được trưng bày. 

Người xem tiếp tục khai phá “xứ sở thần tiên” của Iris trong một không gian studio trưng bày các mẫu vật liệu thể hiện nhiều cấp độ tay nghề thủ công khác nhau từ những bức thêu hình học tuyệt đẹp, những chi tiết trang trí giống như bút lông, những loại vải được vẽ tỉ mỉ như cánh bướm, những khối có vân, cho đến một mạng tinh thể tinh xảo. “Craftolution” – một trong những dòng chữ trên tường đã thể hiện được quá tình thiết kế cấp tiến của cô. Tôn chỉ này được thể hiện rõ trong khi cô ấy sử dụng màu sắc, mọi kiểu mẫu hoặc sự chuyển màu đều được nghiên cứu tỉ mỉ để phản ánh các khía cạnh của tự nhiên. 

Một trong những không gian kết thúc triển lãm “Iris van Herpen: Sculpting the Senses” là một xưởng may cũ của cô ở Amsterdam. Tại căn phòng này, chúng ta sẽ được biết rõ hơn về quá trình chế tác cũng như nâng cấp tay nghề thủ công của nữ nhà thiết kế từ các kỹ thuật truyền thống cho đến sự hỗ trợ từ in 3D cùng các công nghệ tiên tiến khác, thông qua hàng trăm mẫu vật liệu, một tủ trưng bày các món đồ tò mò trưng bày các phụ kiện của cô (giày, mặt nạ và các vật dụng tạo mẫu tóc), bên cạnh đó các yếu tố từ khoa học tự nhiên. Du khách cũng có thể xem các thí nghiệm của cô về các mẫu váy thu nhỏ và cả những bản sketch được dán trên tường trước khi chúng được khoác lên người.

Sự kiện được đẩy lên cao trào với Cosmic Bloom, một tác phẩm sắp đặt sống động về các ma-nơ-canh được trưng bày sống động như thể chúng đang khiêu vũ bất chấp trọng lực, tất cả đều được mặc trang phục sặc sỡ nhất trong các thiết kế của cô. Những chiếc váy của cô ấy “nhảy múa” trên bầu trời, và chúng trở nên uyển chuyện, và chân thật đến lạ. Ở hai bên, hình ảnh của thiên hà từ kính thiên văn James Webb đóng vai trò làm nền cho các mảnh ghép từ các bộ sưu tập gần đây nhất. Và chắc chắn bạn sẽ  không thể bỏ qua là bức ảnh chưa từng được công bố trước đây của Nick Knight về một model đang mặc váy của Iris van Herpen và tạo dáng trước cỗ máy gia tốc hạt uy lực nhất tại CERN. 

“Đối với tôi, tất cả các phòng giống như một cuốn nhật ký. Chúng rất cá tính,” Iris bộc bạch với truyền thông khi cô cùng họ đến phòng “Mythology” –  nơi cô chọn là nơi cô yêu thích, một phần vì nó trưng bày những bộ váy đầu tiên của cô từ năm 2008 nhưng cũng vì cô tìm thấy những điểm tương đồng theo thời gian từ những câu chuyện ngụ ngôn của Nhật Bản và những câu chuyện ngụ ngôn của Hy Lạp về cuộc sống hiện đại. “Đối với tôi, điều này kết nối với những ẩn dụ về danh tính kỹ thuật số của chúng ta. Thật thú vị khi thần thoại cổ điển lại thực sự trùng lặp với một số thách thức của công nghệ mới.” nhà thiết kế chia sẻ. 

Là một nghệ sĩ đa tài, Iris cho phép đôi tay và khối óc của mình tạo ra nhiều thứ hơn là chỉ những chiếc váy; thay vào đó, thông qua thời trang cô đang đặt ra những câu hỏi về một thế giới hiện đại bị cuốn vào những nghịch lý, bị bóp nghẹt bởi khí hậu và khủng hoảng xã hội. Ý thức được các vấn đề của thời đại mình, trong nhiều năm qua, cô đã ưu tiên áp dụng các phương pháp sản xuất có trách nhiệm với môi trường, bằng chứng là một số sáng tạo được làm từ nhựa tái chế hoặc hạt ca cao in 3D. Hết mùa này sang mùa khác, bằng sự hợp tác nhạy cảm, sáng suốt của cô với các kiến trúc sư, nghệ sĩ đương đại và nhà thiết kế khác nhau, Iris đã phá vỡ biết bao ranh giới về cách suy nghĩ và tiếp cận thời trang truyền thống, tìm cách thách thức các quan niệm của chúng tôi về thời trang Haute Couture, bằng niềm tin vào sức mạnh của trí tưởng tượng. Nói cách khác, Iris van Herpen coi thời trang như một “ngôn ngữ giao tiếp” liên ngành, một thứ tiếng mà bất kỳ lĩnh vực nào đều hiểu được từ nghệ thuật, hóa học, khiêu vũ, vật lý, kiến trúc, sinh học, thiết kế cho đến công nghệ. 

Iris van Herpen có lẽ là một nhà thiết kế thời trang sử dụng ít vải nhất trong làng mốt, không sáng tạo dựa trên vải vóc mà là những kỹ thuật công nghệ hiện đại mới. Thay vào đó, giống như một kiến trúc sư, cô ấy tạo ra nhưng thiết kế thiết thực hơn cho môi trường sống và cả những loài sống trong đó. Điều này được phản ánh rõ nét trong bố cục vẻ ngoài mà cô tạo ra cũng như trong các buổi trình diễn trên sàn diễn của cô, trong những không gian giao thoa tuyệt hảo giữa những chuyển động của cơ thể, nhịp đập của tâm hồn và sự bay bổng của trí tưởng tượng như ở triển lãm “Iris van Herpen: Sculpting the Senses” Tương tự như cách công nghệ mới thay đổi cuộc sống của nhân loại. Giờ đây, những chiếc váy của Iris van Herpen cũng đang thay đổi cách chúng ta sử dụng trang phục và thời trang. Những sản phẩm của cô đều được lai tạo giữa kỹ thuật may truyền thống và công nghệ in 3D, cắt laser. Bằng cách làm thời trang mới mẻ và đầy khoa học này, Iris van Herpen tạo ra những tuyệt tác kiến trúc vi mô, giống như những người xây dựng các dinh thự đã làm. Tuy nhiên, không giống như các công trình kiến trúc cứng nhắc truyền thống, các công trình của cô mềm mại và sinh động bất thường. Những chiếc váy của cô trở nên sống động với những chuyển động nhỏ nhất của cơ thể, tạo ra một vở ba lê đẹp đẽ về kết cấu và chất liệu, ma sát và dịch chuyển, màu sắc và độ trong suốt. 

Không chỉ là một cuộc triển lãm dành riêng cho Haute Couture, “Iris van Herpen: Sculpting the Senses” còn đưa du khách vào một cuộc hành trình đắm chìm xuyên qua vũ trụ sáng tạo toàn diện kéo dài từ truyền thống đến hiện tại và tương lai, được nhấn mạnh bởi các nghiên cứu và thử nghiệm của nhà thiết kế.

Thực hiện Dory

Theo Vogue, WWD, W Magazine