Adidas sẽ hưởng lợi khi Nike gặp khó khăn trên thị trường?

Ngày đăng: 11/07/24

Sự thành công mà “cơn sốt”  Samba và Gazelle mang lại cùng với doanh số bán hàng thấp hơn của Nike sẽ giúp Adidas đạt doanh số quý 2 ấn tượng và biên lợi nhuận lớn nhất trong 3 năm.

Vừa qua, Nike dự báo doanh số bán hàng hằng năm sẽ giảm bất ngờ vào cuối tháng 6, làm tăng thêm nỗi lo của các nhà đầu tư về việc gã khổng lồ trong ngành đồ thể thao này đang tụt hậu so với các đối thủ của mình.

Cổ phiếu Nike đã giảm tới 20% sau tin tức này, nhưng cổ phiếu của Adidas hầu như không có phản ứng, điều này cho thấy các nhà đầu tư coi sự yếu kém của Nike là cơ hội cho Adidas. “Nike đang đi chệch hướng (xét về mặt sản phẩm và thông điệp) vì thế Adidas đang có chút thời cơ” nhà phân tích bán lẻ và đồ thể thao Simon Irwin tại Tanyard Advisory cho biết.

Một số lý do được đưa ra là Nike ít đổi mới hơn so với trước đây và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ có nhiều thương hiệu hơn để lựa chọn.

“Thực sự có sự tương phản rất lớn giữa thực tế tại Nike và phần còn lại trong ngành” Cedric Rossi – nhà phân tích người tiêu dùng chia sẻ. Vào cuối tháng 6, Nike cho biết họ sẽ tung ra những đôi giày thể thao mới có giá dưới 100 USD trên toàn thế giới vì mục tiêu đưa doanh số trở lại đúng hướng.

Trong khi đó, Adidas đã thúc đẩy xu hướng cho những đôi giày ba sọc của mình như Samba và Gazelle bằng việc tung ra những màu sắc mới và phiên bản giới hạn để giữ chân người mua sắm.

Các lượt tìm kiếm về  “Adidas Samba” đã tăng vọt trên toàn thế giới trong 12 tháng qua, vượt qua tìm kiếm “Nike Air Force 1” vào tháng 12 năm ngoái và đạt đỉnh vào đầu tháng 4. Các nhà phân tích dự kiến ​​Adidas sẽ báo cáo biên lợi nhuận là 51,4% trong quý 2 (theo dữ liệu của LSEG). Đây sẽ là mức cao nhất trong 3 năm qua. Đồng thời doanh thu quý được dự đoán sẽ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (tức 6,1 tỷ USD). 

Tuy nhiên, Adidas phải luôn cảnh giác vì các thương hiệu nhỏ hơn vẫn đang cố gắng giành được thị phần, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ chạy bộ và áo khoác ngoài. Theo nghiên cứu của RBC được công bố vào tháng trước, các thương hiệu đồ thể thao mới nổi như Hoka, Lululemon, New Balance và On Running đã chiếm 35% thị phần toàn cầu vào năm 2023, tăng 20% trong giai đoạn 2013-2020. “Sự phân mảnh (trong ngành) luôn xảy ra và Nike đã chọn ưu tiên doanh số bán hàng trực tiếp hơn mà “rời xa” các đối tác bán hàng của mình, do đó vô tình “mở cửa” cho các thương hiệu nhỏ có cơ hội chiếm lấy thị phần.

Chiến lược này trái ngược với những nỗ lực của Adidas nhằm củng cố mối quan hệ với các nhà bán lẻ dưới thời CEO Bjorn Gulden. Nhiều nhà phân tích cho rằng Nike sẽ có khả năng thay đổi ban quản lý vào mùa thu năm nay. 

Thực hiện: Elio

Theo Fashion Network