Atelier Versace Fall 1997 Couture – Sàn diễn cuối cùng của huyền thoại Gianni Versace

Ngày đăng: 15/09/23

Đã hơn hai thập kỷ thế giới thời trang chẳng còn được đắm chìm vào “vùng đất sáng tạo” của huyền thoại Gianni Versace, cũng không còn cơ hội để thưởng thức và thả hồn theo vẻ đẹp quyến rũ trường tồn theo dòng chảy thời gian từ người phụ nữ của nhà thiết kế Ý mà ông đã khắc họa trên sàn diễn cuối cùng của mình vào năm 1997.  

Đối với các nhà thiết kế hay các nhà mốt và thương hiệu, mỗi khi trình làng bộ sưu tập mới giai đoạn trước và sau khi ra mắt đều là khoảng thời gian quan trọng. Giai đoạn hoàn thiện bộ sưu tập thách thức các nhà thiết kế bằng sức lực, tiền bạc và thời gian. Trong khi đó, sau khi ánh đèn sân khấu tắt hẳn, BST được giới thiệu đến làng một thì họ phải trải qua hàng loạt khung bậc cảm xúc khó tả. Vui sướng có, hạnh phúc có, nhưng xen kẽ đó là những đêm dài lo lắng vì không biết liệu tác phẩm sáng tạo của bản thân sẽ được khán giả đón nhận và vinh danh, hay bị phê bình thậm tệ. Có lẽ đó là những phút giây quý giá đối với các nhà làm sáng tạo, bởi lẽ họ được sống trọn vẹn nhất. Trớ trêu thay có một số nhà thiết kế không thể tận hưởng được những thời khắc đấy. Vào ngày 6 tháng 7 năm 1997, Gianni Versace ra mắt bộ sưu tập haute couture Thu/Đông, và chín ngày sau, nhà thiết kế tài năng người Ý bị sát hại bên ngoài dinh thự ở Miami. Ông ra đi để lại bàng hoàng cho người ở lại. Cho đến tận hơn hai thập kỷ sau, sự ra đi của Gianni Versace vẫn luôn là nỗi mất mát nặng nề nhất của làng mốt. Giá như phát súng đấy chỉ có trong giấc mơ, giá như show diễn Atelier Versace Couture Thu/Đông vào năm 1997 chẳng phải là giây phút cuối cùng mà chúng ta có thể thấy Gianni Versace bước ra sàn runway để chào khán giả. Và giá như những chiếc đầm sequin lấp lánh có bản in hình chiếc thánh giá có thêm thời gian để tỏa sáng lâu hơn trên sàn diễn. 

Trong quyển biên niên sử thời trang, năm 1997 chính là một trong những một cột mốc vàng son, một kỷ nguyên mà làng mốt chứng kiện được hàng loạt bộ sưu tập mang tính biểu tượng, những lần thể hiện tài năng của các nhà thiết kế huyền thoại, những màn chào đón của các giám đốc sáng tạo mới, và cả sự ra đi đầy tiếc nuối. Bộ sưu tập Atelier Versace Couture Thu/Đông vào năm 1997 và sự ra đi đột ngột của người đứng đầu chính là minh chứng cụ thể. Bỏ qua sự bùng nổ truyền thông từ vụ sát hại của Gianni, lý do khiến bộ sưu tập couture Thu Đông của Versace vào năm đấy trở nên nổi tiếng đó chính là thẩm mỹ đi trước thời đại của nó và cả cuộc gặp gỡ thú vị giữa văn hóa – tôn giáo và thời trang. Với những đầm sequin đang thắp sáng đường cong nóng bỏng, Gianni Versace đã tạo nên một tiêu chuẩn mới về sự quyến rũ cho người phụ nữ của mình mà chẳng e ngại trước bất cứ định kiến hay tiêu chuẩn nào. Với những chiếc cầu vai gai góc được thêm trên các thiết kế đầm nữ tính, Gianni chính là người tiên phong cho cuộc xâm chiếm của miếng đệm vai trong làng mốt như hiện nay. 

Trong vài mùa trước, Versace đã phải vật lộn với sự thay đổi trong thời trang. Nhà mốt Ý phải đứng trước lựa chọn có nên loại bỏ những đường cong nóng bỏng và vẻ đẹp hấp dẫn của nữ tính trứ danh của mình, để đi theo ngôn ngữ thiết kế mang đậm tính lịch sử của John Galliano, hay đánh đổi với sự ma mị, đáng sợ, đau khổ và nhếch nhác của “đế chế” Alexander McQueen. Nhưng Versace đã chọn cho mình một lối đi riêng, tại show diễn couture thu đông 1997, Versace đã thách thức những quy ước đó bằng lăng kính sáng tạo đầy khác biệt của chính mình. 

Không tổ chức show diễn couture của mình dưới theo kiểu Alta Moda giống như các nhà thiết kế Ý thời đó thường làm, từ năm 1989 Versace thường trình làng bộ sưu tập mới trong tuần lễ thời trang Haute Couture ở Paris. Trái ngược với các sàn diễn RTW nhộn nhịp ở Milan, các show diễn ở Paris của Versace thường mang tính thân mật và riêng tư hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng cũng như giới thời trang cao cấp. Ngay từ những ngày đầu đánh tiếng tại thị trường thời trang xa xỉ ở Pháp, bể bơi của Hôtel Ritz tại Paris đã là nơi yêu thích mà nhà mốt Ý dùng để ra mắt bộ sưu tập mới và tất nhiên BST couture mùa mốt Thu Đông vào năm 1997 cũng không là ngoại lệ. Với kiến trúc được lấy cảm hứng từ phòng tắm của Hy Lạp và La Mã cổ đại, hay theo phong cách Byzantine, nơi này lại trùng khớp hoàn hảo với niềm đam mê bất tận của Versace đối với vẻ đẹp thần thoại trong suốt con đường làm sáng tạo của ông. Logo medusa, hoa văn cổ, hay biểu tượng chìa khóa Hy Lạp của ông đều là những minh chứng quá đỗi rõ ràng. 

Trong không gian của hồ bơi, Gianni Versace trải sàn diễn bằng một chiếc thảm màu đen có đường viền màu vàng rực rỡ. Trước khi sải bước trên đường runway phẳng, những người mẫu phải bước ra cánh ra từ hai chiếc cầu thang được tráng gương lấp lánh. Một cách kỳ lạ, tất cả như thể đang ám chỉ cho toàn bộ các thiết kế sắp sửa được trình làng. Đúng thế, bộ sưu tập của Versace lần này có lẽ đã trầm lắng hơn thường khi, vì trong số 83 looks thì đã có 53 looks được nhuộm một màu đen tuyển bí ẩn. Màu đen xuất hiện trên sàn diễn với sự bất ngờ, thậm chí là nghi ngờ của người xem. Bởi lẽ những bộ suits với váy bút chì, áo vest công sở, đầm quây,… hay các chiếc đầm hai dây trông khá nghiêm túc và khác biệt hoàn toàn với thế giới quyến rũ và thời thượng trứ danh của Versace, giờ đây lại được nhà mốt lăng xê nhiều như thế. Nếu không xuất hiện một mình, sắc đen đầy quyền lực của nhà mốt Ý sẽ đồng hành cùng bản in hoa lá cổ điển, họa tiết kẻ sọc vượt thời gian hay những đường xẻ táo bạo. Lựa chọn sắc đen có phần hơn đơn điệu, Giannia chuyển sự quan tâm của người xem sang những cầu vai đầy gai góc. Đó là lần đầu tiên Versace thử nghiệm làm miếng đệm vai trong các thiết kế của mình. Không phóng đại nói một cách “đáng sợ” như McQueen hay quý phái và sang trọng như ở thập niên 80, Versace mang đến nhiều phiên bản thú vị hơn. Ông chơi đùa và đùa giỡn với những miếng đệm vai của mình, đặt chúng ra bên ngoài một cách lộ liễu trên những chiếc váy, nạm chúng bằng pha lê hoặc lưới nhôm Oroton đặc trưng của thương hiệu, hoặc cắt hẳn một bên để tạo ra kiểu dáng bất đối xứng. Và lần đầu tiên đó đã tạo nên một phong cách mới cho thời trang trong nửa thập kỷ tới và vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay với tư cách là một nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Tất cả tạo nên một Versace rất mới, rất thời thượng và mãi không ai thay thế được. Bộ sưu tập couture mùa mốt Thu Đông 1997 của nhà mốt đã mở ra một hướng đi mới, một hướng đi không bị ảnh hưởng nhiều bởi Galliano và McQueen – những người đã lần lượt ra mắt tại Dior và Givenchy, hay bất cứ nhà thiết kế nào ở thời điểm hiện tại. 

Màu đen tỏa sáng trên sàn diễn từ giây phút mở màn cho đến tận nửa show diễn. Bỗng bất ngờ, trộn lẫn với sắc đen đấy là sự xuất hiện đầy bất ngờ của những màu sắc nổi bật và có độ tương phản cao như vàng, xanh dương, xanh lá, đỏ,… Những bộ suits nghiêm trang cũng dần thưa thớt, nhường chỗ cho hàng loạt chiếc mini skirt gợi cảm đúng tinh thần của Versace và cả đầm dạ hội lộng lẫy không lẫn vào đâu được. Những chiếc little black dress cũng trở nên nổi bật hơn cùng bản in trang trí đậm chất Á Đông, những chiếc cầu vai bắt đầu tinh nghịch hơn, đường xẻ váy và khoét ngực cũng dần khiến người xem ngượng ngùng. Niềm đam mê của thương hiệu Ý với tôn giáo và văn hóa cũng được khắc họa rõ nét, khi bản in thánh giá trở thành “nhân vật chính”. Nửa sau show diễn là một câu chuyện xoay quanh bản in thánh giá. Những cây thánh giá nạm đá quá khổ – lấy cảm hứng từ buổi trình diễn Vinh quang của Byzantium tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York, đã khiến những chiếc váy dạ hội của Versace trông đặc sắc gấp bội. Chúng có mặt trên những chiếc vòng choker, chân váy ngắn, hay chiếc voan cưới ở cuối bộ sưu tập được siêu mẫu Naomi Campbell diện. Một số biên tập viên đã cho rằng những chiếc váy đen kín cổng cao tường còn là bản mô phỏng chân thật cho hình ảnh của những nữ tu. Mái tóc vén ra sau và được cố định bởi chiếc băng đô màu đen bảng to như thể đang gợi tả lại những kiểu tóc từng xuất hiện trong các bức chân dung thời Phục hưng. 

Nếu ở phần mở đầu Versace đem đến một phiên bản thật khác, thì phần hạ màn của show diễn lại là lúc nhà mốt quay lại nguyên bản của mình, trở lại với những thước sequin long lanh, những chiếc váy ngắn chỉ đủ che chắn vòng ba, cùng phần cổ đổ trễ nãi. Ở những giây phút cuối của show diễn, Gianni khiến cả khán phòng phải ngước nhìn những chiếc đầm sequin màu vàng óng ánh của mình. Những người mẫu khoác chúng lên người sải bước thần thái như thể họ là những vị thần huyền thoại ở thời Hy Lạp cổ đại đang du hành về tương lai. Kỹ thuật wrapping vải được Gianni đưa vào một cách vô cùng khéo léo, khiến cơ thể của người phụ nữ đẹp như tranh. Atelier Versace Fall 1997 Couture kết thúc với sự xuất hiện của “nàng dâu” Naomi Campbell cùng một chiếc váy cưới sequin màu bạc ngắn, cùng bản in monogram hình thánh giá.

Hơn 20 phút với 83 looks,  Atelier Versace Fall 1997 Couture là màn kết hợp tinh tế giữa chất liệu tôn giáo và thời trang, giữa giá trị truyền thống và tinh thần hiện đại. Nó đã mang đến một tổ hợp vừa đẹp thiêng liêng nhưng cũng rất táo bạo, phản ánh rõ nét văn hóa đại chúng, cũng như đại diện cho tương lai mới. Bởi lẽ, chẳng có một chiếc đầm được cắt may theo tranh phục của nữ tu nhưng lại ôm sát vào cơ thể và xẻ dọc đến hông như thể được thiết kế cho các ngôi sao tham dự thảm đỏ; cũng chẳng có một chiếc váy cưới được trang trí bằng biểu tượng thánh giá. Bộ sưu tập được xem là tuyên ngôn thời trang cuối cùng của Gianni còn đề cao tay nghề thủ công lâu đời của haute couture và cả sự ủng hộ tầm nhìn mới về một kỷ nguyên tự do của thời trang. Khoảng một năm trước khi trình làng bộ sưu tập này, khi được hỏi đóng góp của ông cho thời trang là gì, Gianni Versace đã trả lời rằng “Tôi nghĩ đó chính là một thái độ tự do. Nhưng tôi cảm thấy mình còn một chặng đường dài để đi.” Dẫu chặng đường đấy đã kết thúc một cách đột ngột, những kho tàng sáng tạo của nhà thiết kế quá cố vẫn luôn là những giá trị bất hữu với dòng chảy thời trang không ngừng biến đổi, và là tiền đễ vững chắc để “đế chế” Versace phát triển thịnh vượng như hiện tại. 

 

Thực hiện Dory