Bạn đã nghe bao giờ chưa? Chống nắng cho vùng da đầu!
Ngày đăng: 27/07/21
Chúng ta đã nói quá nhiều về việc chống nắng cho da mặt và toàn thân. Chúng ta cũng phân tích rất nhiều điểm lợi – hại của việc sử dụng và không sử dụng kem chống nắng.
Thế nhưng, chúng ta dường như cũng đã quên mất (thậm chí hoàn toàn không có khái niệm) rằng da đầu cũng là một “loại da” cần được bảo vệ dưới tác động của ánh nắng mặt trời.
Da đầu có bị cháy nắng hay không?
Câu trả lời là có! Da đầu cũng dễ bị ảnh hưởng bởi tia nắng mặt trời như bất kỳ vùng nào nào khác trên cơ thể. Thậm chí, da đầu còn có thể bị cháy nắng nặng hơn do chúng ta thường bỏ qua việc bảo vệ vùng da này, nhất là những khu vực có độ che phủ tóc mỏng như sau đầu, cổ, gáy, dọc đường chân tóc hay phần tiếp giáp giữa trán và da đầu. Ngoài ra, một số cơ địa đặc biệt như người có mái tóc đỏ và tàn nhang hay bệnh nhân đang điều trị với thuốc cao huyết áp, thuốc kháng sinh và chứng rụng tóc cũng nằm trong diện có nguy cơ cao bị cháy nắng da đầu nếu tiếp xúc với nguồn sáng mặt trời quá mạnh trong thời gian lâu.
Cháy nắng và nguy cơ ung thư da đầu
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư da đầu có tỷ lệ mắc thấp hơn so với các loại u ác tính khác nhưng nguy hiểm hơn và tỷ lệ tử vong cao gần gấp 2 lần. Vì như đã đề cập, đây là vùng da mà chúng ta ít quan tâm đến nhất, và nếu dù nhận thức được tầm quan trọng thì cũng chưa chắc bạn đã biết làm thế nào để chống nắng đúng cách. Từ đó, sự chủ quan và thờ ơ này hình thành rất nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe về sau, trong đó có ung thư da đầu. Theo những chia sẻ từ BS.CKI Trần Hạnh Vy, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược đã có những chia sẻ về nguyên nhân chủ yếu gây ra căn bệnh này, không có gì ngạc nhiên khi tia tử ngoại được xếp vào vị trí đầu danh sách bên cạnh nhuộm tóc và yếu tố di truyền. Theo đó, vùng da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng ở cường độ mạnh và trong một thời gian dài là yếu tố bệnh sinh quan trọng nhất gây ung thư da đầu. Bệnh thường xảy ra ở những người làm việc ngoài trời: ngư dân, nông dân, công nhân cầu đường và thậm chí có thể tiềm ẩn trong lối sinh hoạt của tất cả chúng ta (khi không phải ai cũng có thói quen đội nón mũ, che ô khi đi nắng).
Ung thư da đầu có dấu hiệu nhận biết tương đối dễ dàng hơn so với các chứng bệnh ung thư khác. Ban đầu, đó có thể là những nốt mụn nhỏ trên bề mặt da đầu, phản ánh tình trạng bỏng của da. Sau đó, da đầu có thể xuất hiện nhiều gàu (gàu nhớt, gàu ướt và các loại bã nhờn trên tóc) đi kèm với việc rụng tóc nhiều và tăng dần mỗi ngày. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và luôn muốn gội đầu nhưng sau khi gội vẫn cảm thấy bứt rứt không yên. Cuối cùng, khối u tiến triển nhanh, loét sùi lan theo bề mặt nông, u có thể xâm lấn vào xương sọ, biến dạng và bội nhiễm.
Vậy da đầu có cần SPF?
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy việc thoa kem chống nắng cho da đầu là một ý tưởng kỳ lạ. Thoa như thế nào và thoa vào đâu sẽ là hai câu hỏi dễ gặp nhất cho trường hợp này. Nếu bạn có mái tóc vừa dày vừa đều thì chúc mừng bạn, bạn đã có lớp bảo vệ tự nhiên cho da đầu. Thế nhưng, nếu bạn thuộc những diện còn lại (tóc thưa, tóc mỏng và tóc gãy rụng) thì các bác sĩ đều sẽ khuyến khích bạn dùng sản phẩm có SPF để bảo vệ da đầu. Nhất là ở những vùng tóc mỏng nhưng lại thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như đường rẽ ngôi và chân tóc. Bạn có thể sử dụng chính sản phẩm kem chống nắng mà mình đang sử dụng cho da mặt để thoa thêm vào những vùng này. Nhưng công thức tốt nhất mà các bác sĩ khuyên bạn nên tìm kiếm là các sản phẩm có chứa thành phần Zinc Oxide hay Titanium Dioxide.
Còn với phần da đầu sâu bên trong tóc, để tránh trường hợp bết dính khó chịu mà các sản phẩm dạng kem lỏng mang lại, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng dạng bột và dạng xịt. Sản phẩm dạng bột có thể đảm nhiệm 2 vai trò vừa chống nắng vừa như một loại dầu gội khô giúp kiểm soát lượng dầu thừa trên tóc. Còn dạng xịt lại mang đến sự tiện lợi và thẩm thấu nhanh chóng. Các loại kem chống nắng này bạn đều có thể làm sạch với các loại dầu tẩy trang/sữa rửa mặt (cho vùng da gần chân tóc/cổ/gáy) và bằng đầu gội đầu (cho vùng da đầu bên trong).
Nếu bạn vẫn chưa thể quen dần với ý tưởng sử dụng sản phẩm chống nắng để bảo vệ da đầu thì cách đơn giản mà hiệu quả nhất là hãy cứ đội nón mũ (miễn là chúng được làm từ chất liệu “UPF” viết tắt của “Ultraviolet Protection Factor” có thể che chắn tia tử ngoại) trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dù lựa chọn phương thức nào thì ngay hôm nay bạn cũng nên bắt đầu hình thành cho mình một thói quen bổ ích là tự ý thức bảo vệ bản thân trước tác hại của tia nắng mặt trời.
Thực hiện: L’Officiel Vietnam