BST “Sơn Son Thếp Vàng” – An Closet FW23: Tôn vinh hội hoạ sơn mài qua ngôn ngữ thời trang
Ngày đăng: 21/07/23
“Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”
(Trần Dần)
Vừa qua, An Closet chính thức ra mắt giới mộ điệu, với sự tham gia của gần 200 khách mời, bằng một fashion show thật chu toàn, tràn đầy cảm hứng, mang đậm phong vị của sự hoài niệm, được giao thoa cùng hội hoạ và nghệ thuật của Việt Nam. Sự ra mắt của An closet như một làn gió mới thổi vào thị trường thời trang nội địa, khi những trào lưu thời trang trên mạng xã hội đang chiếm lĩnh phần lớn định hướng thiết kế của nhiều thương hiệu Việt. An Closet thấm nhuần những giá trị, những tinh hoa, những giao thoa đậm đà bản sắc Việt, tôn vinh và gìn giữ những kỹ nghệ thủ công đang dần bị quên lãng.
Sau 90 ngày chuẩn bị từ khâu ý tưởng, show diễn ra mắt của An Closet chính thức mang tên “Sơn Son Thếp Vàng”. BST hướng đến những hoài niệm xưa cũ, với ý nguyện kế thừa và tái tạo những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống qua góc nhìn và cảm quan thời trang của người trẻ. Với “Sơn Son Thếp Vàng”, ý niệm sáng tạo bắt nguồn từ niềm say mê với những tác phẩm sơn mài trác tuyệt. Sơn son thếp vàng vốn là kỹ thuật trong nghề sơn truyền thống Việt Nam, được sử dụng để trang trí các vật trong cung đình và đồ thờ cúng trong dân gian. Sau này, khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, người ta nghiên cứu và cải biến kỹ thuật sử dụng sơn ta thành một chất liệu dùng trong hội họa. Từ đó, sơn mài ra đời và là chất liệu riêng tây của ngành Hội họa Việt Nam. Thấy rằng, tranh sơn mài là địa hạt vừa “quen” vừa “lạ”, khởi sinh trên chính mảnh đất hình chữ S và trên nền tảng văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Bộ sưu tập đề cao các phương thức thủ công trên các chất liệu mộc mạc, tốn hơn 2000 giờ thực hiện, để kiến tạo nên những bề mặt chất liệu đặc sắc, mang đậm phong vị Á Đông và tinh hoa kỹ nghệ của thương hiệu An Closet. Những kỹ thuật như đắp, đột, đan móc, đính kết, thêu và vẽ đã được vận dụng triệt để nhắm khắc hoạ nên tinh thần và nét thủ công tôn vinh văn hoá Việt.
Bảng màu đa dạng trải dài từ các tông màu trung tính như trắng, đen, beige theo mạch dẫn của bộ sưu tập chuyển dần sang nâu đỏ được điểm tô, nhấn nhá bằng các tông màu vàng gold, bạc, xanh đặc tả ánh nhũ là lớp phủ trên những bức tranh sơn mài.
Việc sử dụng các sắc màu tương phản là cách để An Closet kể nên câu chuyện thời trang đa sắc màu, và tôn vinh ý tưởng sáng tạo từ những bức tranh sơn mài. cũng như đề cao những giá trị thủ công, và tấm lòng trân quý khôn cùng dành cho sự kỹ nghệ và sự tỉ mẩn trong công việc của những người nghệ nhân sơn mài tại Việt Nam.
Bộ sưu tập được sàng lọc và tạo dựng từ 118 mẫu phác thảo ban đầu, thành quả sau đó được trình diễn bởi 33 người mẫu cho 60 mẫu thiết kế. Mẫu thiết kế đinh ở màn kết, nhà thiết kế đã sử dụng kỹ thuật thêu chỉ vàng để tái hiện 2 bức sơn mài phong cảnh của Trần Phúc Duyên và Lê Quốc Lộc.
Tình yêu dành cho nghệ thuật tranh sơn mài cũng được thể hiện rõ nét thông qua mẫu thiết kế thứ 35 của bộ sưu tập, với phần chi tiết thiết kế được thể hiện bằng cách vẽ thủ công. Ý tưởng nguyên mẫu được lấy cảm hứng từ tuyệt tác sơn mài “Hoàng Hôn Trên Cao Nguyên” của Hoàng Tích Chù kết hợp cùng hình ảnh mái ngói rêu phong trong kiến trúc Việt xưa, được đặt để trên thiết kế cổ áo dài ngũ thân để nhằm tái hiện không gian miền sơn cước thân thương.
Mẫu thiết kế thứ 58, lấy cảm hứng từ nét đẹp cần cù của phụ nữ nông thôn vào đầu thế kỷ 20, đồng thời, là một sự biến tấu từ mẫu thiết kế áo dài “Khiêm” trong bộ sưu tập đầu tay của An Closet. Trong khi đó mẫu thiết kế thứ 43 lấy cảm hứng từ mảng màu tuyệt đẹp trong bức sơn mài Thuyền của Đinh Văn Dần.
Các thiết kế đa dạng về hình thái, sắc màu, một phần nhờ vào quá trình lựa chọn chất liệu để truyền tải tinh thần của bộ sưu tập. Bộ sưu tập cần tới 1000m vải các loại để sản xuất. Các chất liệu chủ đạo được lựa chọn cho việc sản xuất đề cao tính gợi cảm, uyển chuyển của người mặc nhưng vẫn thông dụng như ren, lụa, lưới, vải dập ly. Ở thế đối trọng là những chất liệu như linen, cotton hay denim nhằm tăng thêm nét phóng khoáng, mạnh mẽ, cởi mở, mang tinh thần của người trẻ năng động, yêu thời trang, tìm kiếm sự dung hoà giữa những cái cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại.
Chia sẻ về ý nghĩa cốt lõi của bộ sưu tập, nhà thiết kế An Nam muốn khẳng định rằng thương hiệu đang đi tìm một lối đi riêng trong một thị trường sôi động, nhưng ngày càng “phẳng” bởi sự thống trị của các trào lưu mới lạ nhưng cả thèm chóng chán. Việc An Closet gìn giữ, kế thừa để phát triển những giá trị truyền thống là định hướng, là cốt lõi cho sự phát triển của thương hiệu. Tuy rằng, sự lựa chọn này đồng nghĩa với một hành trình không đỗi dễ dàng, nhưng đội ngũ người trẻ đứng sau thương hiệu muốn câu chuyện thời trang của họ không phải là trải nghiệm, thoáng chốc, mà là một quá trình bồi đắp, tích luỹ những trải nghiệm, thử nghiệm để tạo ra được những sáng tạo thời trang đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhưng vẫn đi theo những giá trị đề ra, tinh thần, bản sắc của thương hiệu. Bởi theo như chia sẻ của chính nhà thiết kế thì “một thương hiệu cũng giống như một con người có nhân dạng, tính cách và sự phát triển riêng của nó.”
“Sơn Son Thếp Vàng” không chỉ là thời trang, là những bộ cánh lộng lẫy mà còn là câu chuyện của những tâm hồn thuần phác, hồn hậu và thơm thảo. Chỉ mong rằng, câu chuyện thời trang của An Closet sẽ được viết tiếp những trang mới mẻ và nhận được sự đồng vọng từ chân tâm.
Cùng chiêm ngưỡng thêm những thiết kế đặc sắc khác trong BST “Sơn Son Thếp Vàng” của An Closet.
Thực hiện: Fellini Rose
Photo: Boss, Huỳnh Sơn Thức, Derek P