Thay đổi để dẫn đầu: Bước đầu khởi nghiệp thời trang bền vững
Ngày đăng: 17/10/18
Nếu có ý định hướng sự nghiệp của mình ở đâu đó liên quan tới Thời trang bền vững, điều đầu tiên bạn cần làm là tự hỏi bản thân, liệu mình có mong muốn trở thành người đi đầu thay đổi?
Sara Arnold là nhà sáng lập của công ty trong lĩnh vực cho thuê trang phục Higher Studio và là thành viên của Circular Vision, một cộng đồng có nhiều đóng góp nhằm thúc đẩy các startup sáng tạo trong Kinh tế tuần hoàn. Cô đã chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp của mình khi theo đuổi xu hướng Thời trang bền vững.
Tôi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp thời trang khi nhận thấy sức ảnh hưởng to lớn của thời trang (dù tốt hay xấu). Con đường sự nghiệp của tôi từ đó tới giờ luôn là, cố gắng cân bằng giữa sự hy sinh để có thể luôn sống thật với các giá trị của mình và sự thoả hiệp cần thiết với những tiêu chuẩn tự đạt ra cho những mục đích lớn hơn.
Khó khăn khi tìm việc trong lĩnh vực thời trang bền vững
Đó cũng là thế lưỡng nan mà rất nhiều người trẻ gặp phải khi bắt đầu bước chân vào thị trường lao động ngành thời trang. Ngoài kia đang có một bộ phận những người trẻ đang thật sự khát khao và mong muốn biến ngành công nghiệp này trở nên bền vững hơn, đồng nghĩa với việc có những nhu cầu nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài kia đang có một bộ phận những người trẻ đang thật sự khát khao và mong muốn biến ngành công nghiệp này trở nên bền vững hơn…
Bản báo cáo năm 2017/2018 của The National Union of Student Sustainbility Skills cho thấy 75% sinh viên trong cuộc nghiên cứu tại Anh muốn “hy sinh” một phần mức lương của mình, để có thể làm việc trong một công ty có định hướng cải thiện các vấn đề về môi trường và xã hội. Con số này cũng tương tự đối với lực lượng lao động trẻ tại Mỹ, 75% người thuộc thế hệ Millennials trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty Cone Communication đã nói rằng, họ sẵn sàng chấp nhận một mức lương thấp hơn khi làm việc cho một công ty có trách nhiệm.
Khi tốt nghiệp trường Central Saint Martin năm 2012, chủ đề Bền vững chỉ là một môn học bắt buộc để tốt nghiệp trong ngành Fashion Design và Marketing của tôi, gần như sinh viên không quan tâm thật sự với chủ đề này. Những người quan tâm (một bộ phận nhỏ), lại đến từ những người ngoài ngành. Trong các kì học cao học về Innovation, Entreupreneurship và Management tại Imperial Business School, chủ đề bền vững xuất hiện trong tất cả các môn học, tuy nhiên họ lại không dạy những môn căn bản, kiểu như như Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy). Việc viết luận văn về Kinh tế tuần hoàn trong thời trang là một lựa chọn dẫn tới tôi của ngày hôm nay.
Ngày hôm nay, một hệ sinh thái những hoạt động và nghiên cứu về bền vững theo chủ nghĩa lý tưởng được đào sâu hơn trong các trường đại học. Ngành công nghiệp thời trang cũng đang tạo ra những bước tiến về một tương lai bền vững hơn, trong bản báo cáo 2018 của The boston consulting group, có khoảng 75% công ty thời trang cải thiện điểm bền vững của mình hơn trong năm 2017 (so với năm 2016). Điều này tạo ra những cơ hội nghề nghiệp dành cho các đối tượng lao động có định hướng phát triển theo hướng đạo đức hơn trong lĩnh vực này.
Giải pháp còn chưa đủ tính thực tế
Mặc dù tồn tại một số lượng nhất định các công ty đang tích cực hoạt động theo hướng bền vững, đây vẫn là một lĩnh vực còn non trẻ. Trong thực tế dù rất nhiều thương hiệu sẵn lòng để trở nên bền vững hơn, nhưng họ lại thiếu quá nhiều thứ – thời gian, nguồn lực và cả mạng lưới hỗ trợ để thực thi những hoạt động bền vững. Một vài thương hiệu dù được hỗ trợ bởi Bristish Fashion Council đã nói rằng, những giải pháp mà họ đề ra lại không hề thực tế.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi thấy tiến độ phát triển của lĩnh vực này trong các công ty thời trang đang bị chững lại, nhất là khi sự bền vững buộc phải thoả hiệp (quá thường xuyên) để thích nghi với tính thương mại vốn có của ngành. Tập đoàn Kering đã làm việc cùng với trường London Collgege of Fashion hơn 4 năm nay, giải thưởng Kering Award cung cấp nhiều sáng tạo đầy hứa hẹn, ví như các phương án thay thế chất liệu da bằng nấm. Giải thưởng cũng bao gồm cơ hội thực tập, nhưng những người đoạt giải thưởng Stella McCartney hiện lại đang làm việc ở nơi khác hoặc thay đổi sự nghiệp/ hướng đi khác, điều này đặt ra câu hỏi về cách thức các công ty lớn đang thúc đẩy sáng tạo và nuôi dưỡng tài năng.
Bảng thứ hạng thường niên “100 doanh nghiệp bền vững nhất trên thế giới” của Corporate Knight cho thấy số lượng các công ty thời trang giảm từ 4 và 5 (2015 và 2016) xuống chỉ còn 3 tên tuổi (2017 và 2018), trong đó lại đã gồm hai tên tuổi quen thuộc là Kering và H&M. Những ai đang tìm kiếm cơ hội làm việc trong lĩnh vực bền vững sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn nghề nghiệp: lập nghiệp hoặc trở thành lãnh đạo trong một doanh nghiệp. Bạn phải hỏi bản thân mình: “Liệu bạn muốn trở thành một phần của một doanh nghiệp đã ổn định tổ chức, nhưng vẫn cần điều chỉnh căn bản về cách vận hành hoặc bạn muốn là người tiên phong thay đổi trong lĩnh vực này?”. Tôi thấy cả hai cách tiếp cận này đều cần thiết cho sự phát triển của ngành, chính vì vậy mà tôi đã tạo ra một công ty trong lĩnh vực cho thuê trang phục vào năm 2016.
Tự mình khởi nghiệp
Mặc dù báo cáo của Future of Sustainable Fashion từ công ty tư vấn Accenture nhận định ngành cho thuê trang phục hiện đang là một trong 5 xu hướng định hình nên thời trang bền vững, nhưng ở thời điểm 2015 ngành công nghiệp vẫn còn rất non trẻ. Thời điểm đó có rất ít lựa chọn khi bạn tìm kiếm công việc trong một công ty trong lĩnh vực thuê trang phục. Vì vậy, tôi tự tạo một nơi làm việc của riêng mình.
Nếu bạn theo đuổi một sự nghiệp đúng với đạo đức cá nhân, đó có thể là một lộ trình sự nghiệp đầy khó khăn.
Nếu bạn theo đuổi một sự nghiệp đúng với đạo đức cá nhân, đó có thể là một lộ trình sự nghiệp đầy khó khăn. Nếu bạn cố sống một cách bền vững như tôi, bạn sẽ không muốn làm việc với các thương hiệu tạo sản xuất ra các sản phẩm từ da và lông thú, đừng tìm kiếm các chất liệu và thiếu sự cân nhắc cho việc tái chế hay sử dụng nhiều lần.
Trong khi một số lĩnh vực cụ thể trong ngành thời trang nhận được nhiều sự quan tâm hơn, giả dụ – đổi mới trong lĩnh vực Textile, nhưng dường như không có một vị trí công việc cụ thể nào dành cho lĩnh vực bền vững này. Bất cứ thành phần, ban nhóm nào của doanh nghiệp đều có thể liên quan tới bền vững, không cần phải tạo ra một đội/ nhóm mới hoàn toàn để trở nên bền vững hơn. Cho tới hiện nay, câu trả lời dành cho những ai đang theo đuổi một sự nghiệp trong ngành thời trang bền vững có thể nằm ở việc tìm kiếm những công việc mà bạn cho là phù hợp và chỉ dẫn công ty bạn đi theo đúng hướng. Lĩnh vực bền vững, cùng các cơ hội việc làm trong ngành sẽ dần thay đổi theo thời gian.
Bền vững cần được triển khai một cách toàn diện. Một sự nghiệp trong lĩnh vực bền vững là một công việc mà dù cho bất cứ điều gì bạn đang đối mặt hoặc muốn theo đuổi, hãy tự hỏi liệu chúng có thể cải thiện và hãy sẵn sàng đứng ra, lên tiếng và thúc đẩy người khác, sử dụng các nguồn nhân lực để thấy được các ý tưởng trở thành hiện thực.
Những điều này yêu cầu khả năng luôn sẵn sàng cập nhật với những nghiên cứu mới trong ngành cũng như nâng cao kĩ năng chuyên môn của bạn. Từ những nhiệm vụ vận hành cho tới công việc lựa chọn chất liệu may mặc một cách kĩ lưỡng, giống như Kinh tế tuần hoàn* và logistic thu hồi** – những sự điều chỉnh hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều nhỏ đến lớn. Nhưng nếu không tồn tại những con người có tư duy về bền vững và đạo đức trong các công ty, sự thay đổi có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Trên tất cả, theo đuổi một lộ trình lập nghiệp hoặc phát triển sự nghiệp trong một tổ chức yêu cầu các kĩ năng lãnh đạo hay bền bỉ để tạo động lực cho mọi người thay đổi. Sự thay đổi có thể bắt đầu với việc tất cả chúng ta đóng một phần nhằm nuôi dưỡng nên văn hoá tổ chức có thể là một bộ máy cho sự thay đổi mang tính bền vững. Nhận thức được giá trị và tính chân thật là nền tảng của các thương hiệu lớn, điều này cho phép nuôi dưỡng các tài năng và thu hút khách hàng trung thành.
——-
*Kinh tế tuần hoàn (Cicular Economy) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
**Reverse logistics (Logistics ngược, Logistics thu hồi) là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp.
Tác giả: Sara Arnold/ Chuyển ngữ: Blue
Theo: BOF