Các thương hiệu thời trang Việt nên làm gì trong mùa dịch Corona?
Ngày đăng: 09/03/20
Ngay sau khi xác định được N.H.H là “bệnh nhân 17” tại Việt Nam và là ca đầu tiên ở Hà Nội, nhiều cửa hàng tại Hà Nội đã tuyên bố tạm ngừng hoạt động, trong đó một số cửa hàng thời trang chuyển sang bán trực tuyến trong lúc theo dõi diễn biến của dịch Covid-19.
Tính đến 20h tối 8/3, Việt Nam có 100 ca nghi nhiễm đang cách ly tại bệnh viện, thêm 9 người bệnh Covid-19 nâng tổng số bệnh nhân lên 30. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp.
Tình hình mua sắm ảm đạm từ đầu năm kéo dài và ảnh hưởng từ dịch
Lo lắng dịch Covid-19, nhiều chủ cửa hàng thời trang nội địa tạm ngừng hoạt động buôn bán tại cửa hàng. Madelen, một thương hiệu thời trang Việt với 3 cửa hàng tại Hà Nội đã ra thông báo tạm thời đóng cửa chi nhánh Bà Triệu, Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch đến ngày 15/3. Trên Fanpage cửa thương hiệu thông báo “do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để trấn an tinh thần của các nhân viên”. Nhiều cửa hàng thời trang khác tại Hà Nội cũng ra quyết định tương tự.
Các thương hiệu từ miền Trung đến Sài Gòn cũng đang cân nhắc về tình hình hoạt động. Miukstyle với 3 chi nhánh tại Đà Nẵng, Hội An và TP.HCM cũng tuyên bố tạm ngừng hoạt động ở Đà Nẵng, Hội An, riêng chi nhánh Hồ Chí Minh hoạt động bình thường.
Từ sau Tết, tình hình kinh doanh thời trang Việt không mấy dễ chịu. Chị N., một chủ cửa hàng thời trang ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ với báo chí rằng nhiều ngày nay không ai đi mua sắm gì.
Trong khi đó, tại các Trung tâm thương mại ở cả hai miền, tình hình kinh doanh cũng không khá khẩm hơn. Tại Sài Gòn và Hà Nội, nhiều cửa hàng thời trang trên các con phố lớn có dấu hiệu mệt mỏi, một số thương hiệu vốn có nhiều chi nhánh đã trả mặt bằng để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Trong mùa dịch Corona, chủ các thương hiệu thời trang Việt nên làm gì?
1. Phát triển hệ thống bán hàng online
Trước các khuyến cáo của chuyên gia y tế, hạn chế đến những nơi đông người như siêu thị, quán xá, nhà hàng, thì việc mua sắm trực tuyến, online cũng là một trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Corona mới (nCoV) gây ra.
Trong thời điểm này, đa số khách hàng sử dụng internet và truy cập mạng xã hội nhiều hơn để cập nhật tin tức về dịch. Một chuyên gia về digital marketing đưa ra nhận định “đây là thời điểm để các thương hiệu quảng bá nhiều hơn trên mạng, nhất là mạng xã hội”.
2. Lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng
Cũng cần lưu ý, mạng xã hội cũng là con dao 2 lưỡi đối với các thương hiệu. Không nên thực hiện các bài viết câu like, share bằng cách tung những tin tức sai lệch về dịch Corona gây lo lắng cho cộng đồng, điều này không chỉ khiến thương hiệu của bạn bị tẩy chay mà còn dẫn đến khả năng bị truy cứu pháp luật. Thay vào đó, các thương hiệu có thể chung tay chia sẻ cách phòng dịch theo lối sáng tạo hay tạo dựng những thông điệp tích cực chuyển tải đến cộng đồng, cùng chung tay vượt qua mùa dịch.
3. Chú trọng chiến lược tiếp thị phù hợp với từng kênh
Với các thương hiệu thời trang nhỏ, mà việc kinh doanh trước đây phụ thuộc vào cửa hàng, bạn có thể tham khảo thêm về tiếp thị thời trang qua bài viết 3 bước đơn giản để quảng bá thương hiệu thời trang của bạn. Còn với những thương hiệu từ lâu đã thực hiện việc bán online song song với offline có thể tham khảo 10 cách quảng cáo hiệu quả trên mạng xã hội từ các thương hiệu thời trang cao cấp.
Tại thị trường Việt Nam, mạng xã hội được ưa chuộng là Instagram, Facebook, gần đây TikTok đang là xu hướng tới. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là phát triển các chiến lược tiếp cận phù hợp với từng kênh của thương hiệu.
Nếu mong muốn được tìm hiểu thêm những công cụ và kỹ năng hữu hiệu để lên tối ưu hóa quảng bá thương hiệu online và đẩy mạnh doanh số bán hàng, khóa Digital Marketing tại SR Fashion Business School là một gợi ý dành cho các chủ doanh nghiệp.
4. Tập trung phát triển sản phẩm
Có thể thấy nhiều shop thời trang tiếp tục các chương trình khuyến mãi từ trước Tết, như giảm giá từ 30-70%… để kích thích mua sắm và đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng còn mùa Tết. Tuy nhiên, việc sale diễn ra liên tục quanh năm đã khiến khách hàng không quá mặn mà như trước nữa.
Theo nhận định của Style-Republik, vài năm trở lại đây thị trường thời trang Việt Nam bùng nổ với sự ra mắt của hàng loạt thương hiệu thời trang nội địa mới. Các thương hiệu thời trang Việt ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên sự phát triển về lượng không đi đồng với sự phát triển về chất.
Nhiều thương hiệu ra đời theo trào lưu, chạy theo xu hướng, tạo nên những sản phẩm na ná nhau trên thị trường. Trong khi đó giá cả sản phẩm lại không thể hiện được giá trị cốt lõi. Đây cũng là thời điểm để các thương hiệu Việt nhìn nhận lại giá trị thương hiệu của mình, đâu là điểm mạnh và điểm yếu và cần có chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Tuổi Trẻ, trong 12 nhóm mặt hàng nhập khẩu về TP.HCM có kim ngạch giảm trong tháng 2-2020, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu như vải các loại, chất dẻo, sắt thép, dược phẩm… đều giảm từ 18 đến gần 50% so với cùng kỳ. Trong đó như vải các loại giảm 24,1%, kim ngạch chỉ còn 245,4 triệu USD.
Nhiều thương hiệu thời trang Việt bên cạnh lo lắng sức mua giảm, cũng e ngại nguyên liệu may mặc sẽ trở thiếu hụt trong thời gian tới, vào thời điểm mùa Hè, khi cần ra mắt bộ sưu tập mới. Và trong lúc khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, cũng là lúc cần đến tư duy sáng tạo của các nhà thiết kế để cho ra đời những sản phẩm mới lạ dựa vào chính kỹ thuật thiết kế.
5. Xây dựng lại hệ thống vận hành và cửa hàng
Hiện tại cũng là thời điểm thích hợp để chủ các cửa hàng xây dựng lại cửa hàng và nghiêm túc quản lý chuỗi bán lẻ thời trang của mình. Kỹ năng quan trọng hàng đầu của bán lẻ là cách xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng ưu việt cùng chiến thuật xây dựng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất để tạo lượng khách hàng trung thành với thương hiệu. Hãy kiểm tra lại đội ngũ nhân viên đã được đào tạo bài bản hay chưa, các khâu có vận hành nhịp nhàng hay không và đây là lúc để xây dựng hoàn chỉnh bộ máy hoạt động của thương hiệu bạn.
Một bộ phận người kinh doanh thời trang Việt hiện nay chưa quan tâm đến Fashion Visual Merchandising – Chiến thuật bán hàng trực quan. Việc mở cửa hàng và trang trí không gian bên trong phụ thuộc vào việc tham khảo các cửa hàng khác hay tham khảo trên Pinterest… điều này dẫn đến việc không gian cửa hàng không nói lên được tính chất sản phẩm của bạn, cũng như cửa hàng không tạo được dấu ấn trong tâm trí khách hàng, hay cách thức bày trí quần áo không khiến khách có hứng thú mua sắm. Cập nhật những kiến thức về Fashion Visual Merchandising có thể sẽ giúp bạn mở ra một cách cửa mới để phát triển thương hiệu.
Thực hiện: Koi