Cate Blanchett và Bella Hadid lên tiếng vì Palestine thông qua diện mạo lộng lẫy tại Cannes 2024
Ngày đăng: 25/05/24
Chiếc đầm phối màu độc đáo của Cate Blanchett, và chiếc đầm có chất liệu tinh tế được Bella Hadid diện trong những ngày diễn ra sự kiện Cannes 2024 một lần nữa chứng minh thời trang là một lời tuyên ngôn chính trị đầy mạnh mẽ.
“Trong nhiều thiên niên kỷ, con người đã sử dụng quần áo như một tờ giấy họa: Từ cách chúng ta chọn trang phục kể một câu chuyện về con người, nhân diện của mình; kể một câu chuyện về con người ta muốn trở thành; và thế giới mà ta muốn xây dựng cho chính mình.”, trích lời của Fellini Rose trong bài viết “Những cột mốc đáng nhớ khi thời trang trở thành tuyên ngôn chính trị” trên Style Republik. Từ đó, thời trang trở thành một lời tuyên ngôn, không phát ra âm thanh nhưng đầy mạnh mẽ được con người đưa ra trước mọi vấn đề gay gắt trong chính trị, xã hội. Trong bề dày lịch sử, từ nhiều thế kỉ trước cho đến tận nay đã không có ít các cuộc biểu tình lớn mà trong đó thời trang được sử dụng như một món “vũ khí” lợi hại.
“Những vấn đề chính trị nhức nhói xuất hiện hàng ngày trên điện thoại của bạn, xuất hiện trên đường phố nơi bạn sống, và có thể xuất hiện ngay trên quần áo của bạn đang mặc,” cố nhà thiết kế Virgil Abloh từng chia sẻ. Phát biểu nổi tiếng này đã được chứng minh thông qua chiếc đầm được cộng đồng mạng quan tâm hết mực gần đây, mà nữ diễn viên Cate Blanchett diện trên thảm đỏ danh giá của Cannes 2024.
Buổi dạ tiệc thời trang lộng lẫy tại Cannes 2024 đã “chiếm sóng” khắp nền tảng xã hội trong suốt những ngày vừa qua. Tận dụng sức ảnh hưởng đặc biệt của lễ trao giải, nữ diễn viên Cate Blanchett thể hiện sự ủng hộ Palestine của mình một cách khéo léo thông qua một chiếc đầm dạ hội được Haider Ackerman thiết kế riêng. Đó là một chiếc đầm trễ vai, dáng suông, có mặt trước màu đen và mặt sau là màu trắng pha hồng. Trong lúc thả dáng trước ống kính truyền thông, Cate Blanchett rạng rỡ và tươi cười, tung chiếc tà phía sau để lộ phần màu xanh lá cây nổi bật bên dưới, kết hợp với tấm thảm đỏ rực rỡ dưới chân, thể hiện sự tôn vinh đầy tinh tế dành cho lá cờ của Palestine cũng như sự cảm thông cho tình hình đau thương mà đất nước này đang gánh chịu vì chiến tranh.
Đây không phải là lần đầu tiên mà nữ diễn viên người Úc tận dụng sự nổi tiếng của mình để lên tiếng vì Palestine. Tháng 11 năm ngoái, tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu, Blanchett đã kêu gọi ngừng bắn và hỗ trợ người tị nạn ở Gaza với tư cách là một đại sứ thiện chí của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. “Tôi không đến từ Israel hay Palestine. Tôi không phải là một chính trị gia. Tôi thậm chí không phải là một học giả có tầm”, cô nói. “Nhưng tôi là một nhân chứng, và đã chứng kiến cái giá phải trả của con người do chiến tranh, bạo lực và đàn áp gây ra cho những người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới, tôi không thể rời mắt khỏi vấn đề cấp bách như vậy.” Blanchett cũng là một trong những ngôi sao nổi tiếng của Hollywood đầu tiên đã ký bức thư ngỏ của Artists4Ceasefire gửi đến Joe Biden để kêu gọi chấm dứt chiến tranh.
Trang phục mà Cate Blanchett chọn xuất hiện tại thảm đỏ Cannes năm nay một lần nữa được cộng đồng mạng tung hô. Nhiều người đã cho rằng đây là một trong những chuyện mà người nổi tiếng nên làm để giúp tình hình đau thương ở Palestine sớm kết thúc. “Khi lớn lên, tôi muốn trở thành Cate Blanchett, và đủ tinh tế để nghĩ rằng tấm thảm đã có màu đỏ rồi, nên tôi chỉ cần mặc một chiếc đầm đen trắng với lớp lót màu xanh lá cây để tạo điểm nhấn như vậy,” Tiến sĩ Zahira Jaser, một chuyên gia phó giáo sư tại University of Sussex Business School , người gốc Palestine, đã viết như vậy trên nền tảng X.
Tuy nhiên, đây mới là giả thuyết của người hâm mộ và làng mốt, Cate Blanchett, đội ngũ ekip của cô và thậm chí là nhà thiết kế Haider Ackerman vẫn chưa lên tiếng xác thực. Mặc dù mặt sau chiếc đầm có màu trắng nhưng trong nhiều bức ảnh khác lại có màu hồng nhạt, một màu không có trên lá cờ của Palestine. Nhưng có nhiều điều chứng minh cho giả thuyết này là đúng. Cate Blanchett vốn nổi tiếng người đề xướng việc tái sử dụng thời trang và mặc lại các món đồ thời trang cao cấp trên thảm đỏ. Đối với Freya Drohan, một fashion writer làm việc tại New York, cho biết điều này có nghĩa là “cả cô ấy và ekip của cô đều đã phải suy nghĩ và tính toán kỹ lưỡng về trang phục cô ấy mặc và lý do mặc. Đối với tôi, điều đáng chú ý nhất là việc cố ý vén chiếc đầm lên để thu hút nhiều sự chú ý hơn vào lớp lót màu xanh lá cây. Hành động tinh tế đó đã chứng minh tất cả.”
Ý nghĩa tiềm ẩn của chiếc đầm khiến Wafa Ghnaim, một nhà sử học và nhà nghiên cứu về trang phục người Mỹ gốc Palestine, nhớ đến một truyền thống được ra đời trong phong trào Intifada lần thứ nhất, bắt đầu vào năm 1987. Sau khi người Palestine phản đối chính phủ Israel thông qua các hành động liên tục và bất tuân dân sự, các quan chức Israel không hợp pháp cho quốc kỳ của Palestine, thậm chí sẽ bắt giữ bất kỳ ai mang nó. Để lách lệnh cấm, phụ nữ đã thêu màu sắc của lá cờ vào váy như một cách để khẳng định dòng máu Palestine bên trong mình. (Luật này đã được dỡ bỏ sau Hiệp định Oslo năm 1993, mặc dù chính phủ của Benjamin Netanyahu lại cấm sử dụng cờ ở không gian công cộng vào năm ngoái.) Wafa Ghnaim chia sẻ: “Chiếc đầm của Cate Blanchett gợi nhớ đến sự chống trả của phụ nữ Palestine trong phong trào intifada lần đầu tiên. Phụ nữ Palestine sử dụng cơ thể của mình để kể câu chuyện của họ và thiết kế này khiến tôi nhớ đến điều đó.” Cô tiếp tục: “Ngay cả trong cách Blanchett cầm chiếc tà phía sau lên, nữ ngôi sao đã thể hiện rõ ràng thông điệp của mình.” Suzy Tamimi, một nhà thiết kế thời trang người Mỹ gốc Palestine có trụ sở tại Brooklyn, coi chiếc đầm của Blanchett là “biểu tượng cho tình đoàn kết của nhân loại được thể hiện vô cùng thông minh và rõ ràng”.
Trước chiếc đầm mô phỏng quốc kỳ của Palestine, Cate Blanchett vốn nổi tiếng nhiều lần đưa ra nhiều tuyên ngôn chính trị đầy mạnh mẽ trên thảm đỏ Cannes. Năm ngoái, cô tham dự một bữa tiệc ở Cannes bằng chân trần để thể hiện sự ủng hộ đối với phụ nữ Iran. Mặc dù, nữ diễn viên biết rất rõ về quy định mang giày lịch sử của Liên hoan phim. Một lần khác, khi trao giải cho nam diễn viên người Iran Zar Amir Ebrahimi, Cate Blanchett đã cầm chiếc cúp như một con dao và nói: “Đây là để đâm tất cả những người cản trở quyền phụ nữ”. Năm 2018, nữ diễn viên nổi tiếng còn dẫn 82 phụ nữ lên thảm đỏ Cannes để phản đối bất bình đẳng giới trong làng điện ảnh.
Cate Blanchett không phải là ngôi sao Hollywood duy nhất lên tiếng vì Palestine tại Cannes năm nay. Trong khuôn khổ của Liên hoan Phim, nữ người mẫu Bella Hadid thu hút ống kính truyền thông khi xuất hiện trong một vẻ ngoài cổ điển, được thắp sáng bởi chiếc đầm caro đỏ trong bộ sưu tập Michael & Hushi Spring 2001. Chiếc đầm chính là điểm sáng, là một biểu trưng cho sự tôn vinh của Bella dành cho Palestine, bởi lẽ nó được làm từ keffiyeh – một loại khăn truyền thống ở nơi đây. Bella Hadid vốn là một trong số ít ngôi sao hoạt động tích cực trong cuộc lên tiếng cho Palestine. Siêu mẫu chưa bao giờ sợ hãi để lên tiếng về di sản Palestine của mình và luôn nhận thức được vai trò quan trọng của thời trang trong những cuộc biểu tình, thể hiện ý kiến của nhân loại cho các vấn đề chính trị.
Chiếc đầm của Cate Blanchett lẫn Bella Hadid trên thảm đỏ Cannes năm nay được đánh giá là cột mốc xảy ra vào thời điểm căng thẳng nhất của làn sóng tẩy chay người nổi tiếng hậu Met Gala 2024. Phần nào chúng đã giúp người hâm mộ có cái nhìn “nhẹ nhàng” hơn với văn hóa người nổi tiếng, tạo tiền đề cho niềm hy vọng sẽ có nhiều thiết kế thời trang thể hiện lời tuyên ngôn về chính trị như thế trên các thảm đỏ đình đám khác. Người hâm mộ mong muốn các ngôi sao Hollywood có thể dùng sức mạnh và tiếng nói từ sự nổi tiếng của mình để cứu những người đang mắc kẹt ở Palestine thoát khỏi chiến tranh.
Dù đem lại một đại sảnh thời trang lộng lẫy bậc nhất hành tinh, nhưng Met Gala khiến nhiều nhà hoạt động ủng hộ Palestine và những người yêu thời trang tức giận vì thiếu quá nhiều sự đề cập đến Gaza trên thảm đỏ. Mặc dù các ngôi sao như Billie Eilish, Mark Ruffalo và Ava DuVernay đã đeo những chiếc ghim Artists4Ceasefire tại lễ trao giải Oscar, nhưng không có chiếc ghim màu đỏ nào xuất hiện tương tự tại Met Gala, mặc dù một số người tham dự đã ký vào lá thư yêu cầu ngừng bắn của Artists4. Bên cạnh đó, sự kiện lớn đình đám làng mốt còn được tổ chức trùng với thời điểm Israel tấn công thành phố Rafah của Palestine, nằm ở phía Nam Dải Gaza. Cùng với sự im lặng đáng sợ của người nổi tiếng với tình hình đau thương ở Palestine, tất cả tạo nên cơn phẫn nộ trong người hâm mộ, họ còn mạnh mẽ tiến hành lập danh sách các người nổi tiếng không lên tiếng sau đó chặn họ trên khắp mọi nền tảng xã hội.
Thực hiện Dory
Theo russh, The Guardian