Chanel bị cáo buộc quảng cáo sai sự thật tại Trung Quốc về công dụng làm sáng da của kem dưỡng
Ngày đăng: 10/12/20
Theo The Fashion Law, vừa qua từ Cục Quản lý Thị trường Jing’an (Tĩnh An, Trung Quốc) vừa ra mức phạt thương hiệu Chanel vì vi phạm luật quảng cáo. Cặp đôi sản phẩm của Chanel được quảng cáo với khách hàng khu vực Trung Quốc là có chức năng làm sáng da nhưng thực tế không như vậy.
Thương hiệu xa xỉ của Pháp đã bị phạt 30.500 USD cùng lệnh cấm chính thức vì việc đưa ra các tuyên bố “không có căn cứ” khi tiếp thị sản phẩm Le Blanc Masque Healthy Light Creator Mask và Sublimage La Crème Ultimate Skin Regeneration Texture Suprême.
Sau khi nhận được khiếu nại của người tiêu dùng về hiệu quả của hai sản phẩm này, Cục Quản lý Thị trường Jing’an đã bắt đầu một cuộc điều tra và phát hiện ra rằng khác với thông điệp tiếp thị của Chanel, cả hai loại kem này đều không “chứa các thành phần [có khả năng thực hiện] các chức năng như vậy.” Hơn nữa, cơ quan quản lý thị trường tuyên bố rằng Chanel không thể cung cấp bằng chứng lâm sàng để chứng minh sự thực của các tuyên bố về hiệu suất sản phẩm của mình, chẳng hạn như chúng có thể “ức chế melanin” và “làm mờ các vết thâm”.
Quyết định được ra vào ngày 12 tháng 11, Cục Quản lý Thị trường Quận Jing’an đã viện dẫn điều 28 trong Luật quảng cáo của Trung Quốc. Theo điều luật này “bất kỳ quảng cáo nào lừa dối hoặc đánh lừa người tiêu dùng bằng bất kỳ nội dung sai lệch hoặc gây hiểu lầm nào sẽ là quảng cáo sai sự thật”. Sau đó, Chanel đã sửa đổi quảng cáo của mình tại Trung Quốc.
Đây không phải trường hợp đầu tiên một thương hiệu mỹ phẩm bị “thổi còi” về vấn đề quảng cáo tại Trung Quốc. La Mer đã bị ra tòa hai năm trước cũng với lý do tương tự. Hao Yu, một blogger làm đẹp nổi tiếng của Trung Quốc, đã đệ đơn kiện La Mer và Estee Lauder vào tháng 9 năm 2018 tại một tòa án dân sự ở Thượng Hải. Đơn kiện cho rằng Crème de la Mer không thể phục hồi da bị tổn thương, chẳng hạn như sẹo bỏng như lời quảng cáo đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, cáo buộc với La Mer (thuộc sở hữu của Công ty Estée Lauder) đã đưa ra những lời phóng đại trên trang web tại Trung Quốc (nhưng không có ở Hoa Kỳ hay các nước khác). Blogger này đã đòi La Mer xin lỗi người tiêu dùng nước này và bồi thường cho người mua vì tuyên bố gây hiểu lầm của thương hiệu. Kết quả của vụ kiện đến nay vẫn chưa được tòa án công khai. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã sửa đổi luật khắt khe hơn với các thương hiệu mỹ phẩm trong việc tiếp thị nhằm đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm vì lợi ích của người tiêu dùng nước này. Trong đó, sắp tới đây, mỹ phẩm làm sáng da phải được đăng ký trước khi đưa ra thị trường.
Doanh số bán lẻ mỹ phẩm ở Trung Quốc – từ các công ty bản địa của Trung Quốc đến các bộ phận mỹ phẩm của các nhà cung cấp hàng xa xỉ phương Tây, các công ty chăm sóc da và các tên tuổi lớn trong ngành hàng làm đẹp – đã tăng khoảng 40 tỷ NDT (5,72 tỷ USD), chỉ tính riêng từ năm 2018 đến 2019, theo định giá thị trường khoảng 300 tỷ NDT (42,91 tỷ USD) hoặc hơn vào năm ngoái.
Thực hiện: Côn Quân
Theo The Fashion Law