Chính xác thì bộ sưu tập “Upcycling” là gì và vì sao các thương hiệu đều cố gắng “upcycling” sản phẩm của mình?
Ngày đăng: 18/09/21
Upcycling được định nghĩa là một giải pháp tái chế thú vị, đặt sự sáng tạo vào những sản phẩm thời trang bị xem là lỗi thời. Bằng cách sử dụng những chi tiết, vải vóc thừa của một bộ trang phục để tạo nên những thiết kế hoàn toàn mới, xu hướng này đã nhận được không ít sự chú ý của những người yêu thời trang, và làm trong ngành thời trang.
Không chỉ là một thuật ngữ trong ngành sáng tạo, upcycling khiến người ta phải thay đổi cái nhìn về ngành thời trang – một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới. Chưa biết được liệu upcycling có khả năng thay đổi toàn bộ bộ mặt ngành công nghiệp này hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại, ít nhất nó đã thúc đẩy “sự thay máu” trong tư duy thiết kế và sản xuất của một bộ phận không nhỏ những tên tuổi thời trang trên thế giới.
Tuy xuất hiện từ năm 1941, nhưng chỉ mới được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây nên upcycling thường đi đôi với những nhận định sai lầm như “upcycling và recycling (tái chế) là một?” hay “upcycling có phải là sản phẩm secondhand không?”. Trong bài viết này, Style-Republik sẽ cùng bạn làm rõ tất cả những thắc mắc xoay quanh vấn đề trên.
Upcycling và Recycling: Nâng cấp và tái chế
Ngược dòng lịch sử, upcycling lần đầu tiên được sử dụng tại Anh trong bối cảnh nước Anh đang khan hiếm nguyên liệu may mặc cho quân phục của binh lính. Cho đến năm 1994, thuật ngữ upcycling chính thức được đặt tên bởi kỹ sư người Đức Reiner Pliz. Vì cho rằng thuật ngữ recycling (tái chế) đang làm giảm giá trị của những bộ trang phục đã được “tân trang” lại, cũng như thành quả sáng tạo của những thợ may, Reiner Pliz đã thay đổi tên gọi cho phương pháp tái chế sáng tạo này thành upcycling (nâng cấp).
Chia sẻ trong quyển sách Textiles and Clothing Sustainability Journal: Recycled and Upcycled Textiles and Fashion, tác giả Vadicherla cùng các cộng sự đã nhận định: “Upcycling cho phép chúng ta sáng tạo một điều gì đó mới mẻ với chất lượng tốt hơn, từ những mặt hàng cũ hoặc đã qua sử dụng.”
Upcycling là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều kỹ năng: nhận thức về môi trường, khả năng sáng tạo, tư duy đổi mới, và trên hết là thái độ làm việc chăm chỉ. Dựa trên những quan điểm này, những bộ sưu tập upcycling sau cùng được đánh giá là có tư duy thiết kế mới lạ, mang yếu tố bền vững và có giá cả phải chăng.
Có một điểm tương đồng giữa upcycling và recycling trong giai đoạn đầu của xử lý chất liệu: cả hai phương thức này đều có thể khôi phục lại sợi vải hoặc sản phẩm cũ về hình dạng ban đầu. Tuy nhiên sau đó, upcycling sẽ yêu cầu nhiều sáng tạo hơn trong khâu thiết kế, chứ không chỉ đơn thuần là nâng cấp kỹ thuật cắt may (cũng có thể bao gồm cả hai yếu tố).
Đơn cử như, chất thải dệt có thể thông qua tái chế để sản xuất ra một loại sợi mới như nylon hoặc các loại sợi tổng hợp, bởi vì thành phần của những loại chất liệu này sẽ dễ dàng xử lý hơn trong quá trình dệt may. Còn với upcycling, chúng ta có thể sử dụng luôn nguồn nguyên liệu thô và nâng cấp, cho ra đời những kiểu trang phục mới.
Đổi mới tư duy trong thiết kế: Upcycling là một thách thức sáng tạo
Một số thương hiệu thời trang đang cố gắng tích hợp các cải tiến kỹ thuật và tái chế sợi vào quá trình thiết kế. Với một vài doanh nghiệp khác, các phương pháp upcycling được bắt nguồn từ bên trong DNA của thương hiệu, tạo ra tính thẩm mỹ khác biệt nhưng vẫn dễ nhận ra. Nguyên do đến từ việc upcycling bao gồm nhiều phương pháp đối lập nhau về xử lý kết cấu, màu sắc và phom dáng, cũng như phân loại chất liệu từ quần áo đã qua sử dụng và kỹ thuật dệt may tương ứng sau đó.
Những tên tuổi lớn trong làng thời trang, dĩ nhiên, đang đón đầu xu hướng với việc lựa chọn “cải tiến” chính mình. Thị trường đang chứng kiến sự ra đời của các phương pháp tiếp cận độc đáo dành riêng cho thời trang bền vững, với mức độ phát triển không thua kém gì so ngành thời trang truyền thống.
Ở Italy, ta có thương hiệu Miu Miu được dẫn dắt bởi nhà thiết kế Miuccia Prada, cho ra đời bộ sưu tập Upcycled by Miu Miu nhằm thể hiện tư duy luôn bắt kịp thời đại của nhà mốt. Tiếp tục là một trong những dự án theo đuổi tư duy bền vững, bộ sưu tập đã mang lại một “cuộc đời thứ hai” cho chất liệu denim luôn được giới thời trang yêu thích. Hợp tác cùng Levi’s, kẻ khổng lồ trong lĩnh vực denim, một loạt các kiểu dáng denim cổ điển đã được Miu Miu hồi sinh lại, bằng tài năng và lăng kính thời trang thú vị của thương hiệu.
Quả là một chiến lược thú vị khi giúp tăng vọt cả về mặt danh tiếng và những giá trị cốt lõi của thương hiệu. Thông qua việc tôn vinh những kiểu trang phục cổ điển, Miu Miu đã cho giới mộ điệu thấy được tư duy thiết kế táo bạo và không có điểm dừng của hãng. Kể cả khi chỉ có thể sử dụng nguồn nguyên liệu “nghèo nàn”, thương hiệu chung nhà với Prada vẫn thể hiện được tài năng sáng tạo của mình khi không có bất kỳ sự trùng lặp nào giữa các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập upcycling này.
Cùng Style-Republik điểm qua những bộ sưu tập upcycling đầy thú vị từ những tên tuổi nổi tiếng trong làng upcycling thế giới:
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Elle Education