Cơ hội và thách thức cho các nhà sản xuất hàng may mặc Việt Nam trong thỏa thuận thương mại EU
Ngày đăng: 27/07/19
Thỏa thuận thương mại tự do mới của Việt Nam với Liên minh châu Âu tạo ra nhiều cơ hội cùng với thách thức cho các nhà sản xuất may mặc trong nước. Vấn đề thiếu lao động có chuyên môn cao và yêu cầu nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc nguyên liệu đòi hỏi các nhà sản xuất phải kiếm tìm giải pháp thích hợp.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo thêm cơ hội cho ngành sản xuất may mặc Việt Nam. Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Công ty Thương mại Đầu tư Dệt may Thành Công (TCM) tại Thành phố Hồ Chí Minh, công ty đang lên kế hoạch mở rộng nhanh chóng từ cơ hội mà Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam (EVFTA) mang lại với hứa hẹn cắt giảm thuế. Ông cho biết: “EVFTA là công cụ thay đổi cuộc chơi sẽ mở đường cho hàng may mặc Việt Nam chiếm lĩnh thị trường châu Âu”.
Các nhà phân tích cho rằng hàng may mặc, trị giá khoảng 10% hàng xuất khẩu của Việt Nam và hiện chịu mức thuế khoảng 9% của EU, sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA vừa được hoàn tất vào tháng trước. EU là thị trường may mặc lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc vào năm ngoái theo số liệu từ Hải quan Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo thêm cơ hội cho ngành sản xuất may mặc Việt Nam.
Ông Tùng hy vọng các đơn đặt hàng tại nhà máy của mình sẽ tăng ít nhất 15% sau khi EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Việt Nam, được hỗ trợ bởi hơn một chục hiệp định thương mại tự do, đã nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với một diễn đàn doanh nghiệp Hà Nội rằng Việt Nam đã trở thành “một trong những nhà máy lớn của thế giới”.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến một số nhà sản xuất từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và các nước lân cận khác. Tuy nhiên, song song đó tình trạng thiếu nhân viên đã bắt đầu xuất hiện trong ngành may mặc của Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã trở thành điểm gia công phổ biến cho các công ty thời trang nước ngoài.
EU là thị trường may mặc lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc vào 2018.
Công ty tuyển dụng Navigos Search có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lương thấp và thời gian lao động dài khiến cho nhu cầu nhân lực ngày càng tăng. “Ngành công nghiệp này luôn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân viên cấp cao, có kỹ năng chuyên môn”, giám đốc điều hành của Navigos Mai Nguyen nói với Reuters.
Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Công ty Thương mại Đầu tư Dệt may Thành Công (TCM) tại Thành phố Hồ Chí Minh, công ty cũng đang khó khăn trong việc tìm người có chuyên môn cao. “Tìm người để vận hành máy nhuộm hoặc dệt rất dễ dàng. Họ là công nhân và chúng tôi có thể đào tạo họ”, ông Tùng nói. “Nhưng việc tìm kiếm các kỹ sư hóa học có kinh nghiệm với kiến thức kỹ lưỡng về hóa học và nhuộm là rất hiếm. Hầu như đếm trên đầu ngón tay” ông Tùng nói thêm.
EVFTA đưa ra một thách thức khác đối với ngành may mặc của Việt Nam: Các quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ nguyên liệu – hoặc “chuyển đổi kép” hàng hóa. Đối với các nhà sản xuất, điều này có nghĩa là cả hàng dệt may và thành phẩm phải là từ Việt Nam hoặc từ một quốc gia mà EU đã có thỏa thuận thương mại tự do để được miễn thuế. Lý do một phần là nằm ở sự vận động mạnh mẽ từ các nhà sản xuất châu Âu đang đấu tranh chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Tại phiên điều trần năm 2013, các nhà sản xuất hàng may mặc châu Âu bày tỏ lo ngại rằng một FTA với Hà Nội có thể mở đường cho hàng dệt may giá rẻ của Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu sau khi chuyển đổi thành hàng may mặc tại Việt Nam. Các nhà sản xuất dệt may của Ý và Liên đoàn Dệt may Châu Âu (Euratex) đã hành động trong các cuộc đàm phán để ngăn chặn các sản phẩm Trung Quốc qua quá trình hoàn thiện tại Việt Nam để vào EU mà không phải chịu thuế.
EVFTA đưa ra một thách thức khác đối với ngành may mặc của Việt Nam: Các quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ nguyên liệu – hoặc “chuyển đổi kép” hàng hóa.
Hiện tại, gần 70% nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất hàng may mặc của Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, theo một nguồn tin. Các nhà sản xuất quần áo tại Việt Nam cho biết rất ít nhà cung ứng đủ khả năng sản xuất nguyên liệu thô. Một chủ doanh nghiệp nhỏ giấu tên cho biết, việc nhập khẩu nguyên liệu thô đơn giản, rẻ và nhanh hơn so với việc đầu tư vào thiết bị và nhân công tự sản xuất”. Một công ty khác đang nghiên cứu thay đổi nguồn nhập khẩu từ các nước đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với EU, thay vì từ Trung Quốc.
Thực hiện: Côn Quân
Theo REUTERS