[Brand to know] Colovos: Thương hiệu thời trang bền vững vận hành bởi tình yêu

Ngày đăng: 17/03/20

Thực chất, khi biết đến người sáng lập của thương hiệu thời trang bền vững này, nhiều người sẽ không cảm thấy quá bất ngờ bởi họ là cặp đôi vàng đầy tài năng đã được chứng thực bởi hiệp hội thời trang Mỹ (CFDA).

Hai vợ chồng nhà Colovos – Nicole và Michael từng cùng đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo của thương hiệu Helmut Lang trong suốt tám năm (2006 -2014), trước khi nghiêm túc muốn thay đổi lối tư duy và cách làm thời trang của mình. Sau khi chia tay nhà mốt nước Mỹ, thương hiệu Colovos được sáng lập vào năm 2016 với định hướng minh bạch trong việc theo đuổi thời trang bền vững.

Sự khởi đầu suôn sẻ với International Woolmark Prize

Thành tựu lớn nhất của cặp đôi nhà Colovos, dành chiến thắng giải thưởng International Woolmark Prize lần thứ 66 vào năm ngoái ở hạng mục womenswear. International Woolmark Prize là một trong những cuộc thi lâu đời và uy tín nhất trong ngành thời trang. Đây là nơi mà giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld và Yves Saint Laurent từng được xướng danh là những người thắng cuộc vào lần thứ hai tổ chức của cuộc thi vào năm 1954.

Đến nay, Woolmark Prize vẫn được duy trì để tìm kiếm những nhà thiết kế tài năng nhất trên thế giới. Với phần thưởng 200,000 đô Úc nhận được, đây sẽ là một quỹ đầu tư lớn để phát triển thương hiệu thời trang bền vững của vợ chồng nhà Colovos, bao gồm phát triển giao diện mua hàng trực tuyến, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và có thể là phát triển dòng thời trang dành cho nam giới.

Tại cuộc thi International Woolmark Prize, các ứng cử viên chung kết có nhiệm vụ phải thiết kế một bộ sưu tập hoàn toàn làm từ lông cừu Úc. Cách thức của Colovos, với tiêu chí là thực hành thời trang bền vững ngay cả khi đây là một cuộc thi, đã gây ấn tượng mạnh với giám khảo, cũng như cho thấy rõ sự quyết tâm để theo đuổi thời trang bền vững sẽ giúp nảy sinh ra những phát kiến thực tế và hoàn toàn khả thi trong việc thương mại hóa dễ dàng sản phẩm bền vững.

Colovos đã lựa chọn những nông trại có trách nhiệm và đạt chuẩn để tự sản xuất chất liệu lông cừu. Nguyên liệu thô được kết hợp với vỏ quýt và xử lý thành sợi dệt bằng công nghệ hơi nước. Những đường viền mép, nút áo, nhãn hiệu, mạc sản phẩm đều được chế thành từ những nguyên liệu tái chế. Thêm vào đó, mạc sản phẩm còn được in một mã QR để có thể giúp người xem đọc và hiểu thêm về toàn bộ quy trình sản xuất bền vững để tạo nên sản phẩm đó.

Nicole Colovos cho rằng việc thiết kế trang phục không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc đẹp của khách hàng, mà còn giúp nâng cao nhận thức và là một câu chuyện thời trang bền vững đáng để kể, là một điều tối quan trọng đối với việc xây dựng thương hiệu của mình.

Vào năm 2002, Michael và Nicole từng thành lập thương hiệu chung mang tên Habitual. Habitual từng trình diễn BST tại New York Fashion Week và may mắn được tạp chí Vogue trao tặng phần thưởng dành cho nhà thiết kế/ thương hiệu triển vọng được nâng đỡ bởi hiệp hội CFDA. Giải thưởng thường niên này là Vogue Fashion Fund Award, và Habitual là thương hiệu đầu tiên giành chiến thắng. Nhưng 18 năm sau đó, khi giành chiến thắng tại International Woolmark Prize, mới thật sự là một bước đột phá mới trong sự nghiệp thiết kế của nhà Colovos, theo như Nicole chia sẻ. Habitual – thương hiệu do họ sáng lập, hiện tại đang thuộc quyền sở hữu của công ty Pacific Marketing Works tại Los Angeles.

Là thương hiệu phát kiến ra khái niệm denim xanh

Trang phục denim là loại trang phục được mặc hàng ngày bởi tính biểu tượng, tiện dụng và phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, denim cũng là một trong những nguyên liệu gây hao tổn nguồn nước để sản xuất. Đối với thương hiệu Colovos, việc nghiên cứu để tìm ra một giải pháp thiết thực để biến denim thành một phần của thời trang bền vững là một thử thách đầy cam go nhưng không phải là không khả thi.

“Chúng tôi (Nicole và Michael) muốn tạo ra những mẫu trang phục có thể được mặc như denim hàng ngày. Thứ trang phục đem lại cảm giác dễ chịu và có thể vững bền theo thời gian.”

Thực chất, tình yêu của cặp đôi Colovos dành cho denim đã sớm bộc lộ từ những ngày đầu tiên làm việc cùng nhau. Habitual có nghĩa là thói quen. Thói quen ở đây là việc mặc denim hằng ngày của phần lớn mọi người. Habitual tập trung phát triển các mẫu thiết kế từ chất liệu denim, đơn giản là vì Nicole và Michael mặc denim rất nhiều. Tuy vậy nhưng denim là chất liệu vô cùng khó để sản xuất cũng như khó để chế tác.

Với những kinh nghiệm có được từ những ngày đầu làm việc với denim khi còn là Habitual, nay thương hiệu Colovos của Nicole và Michael là một phiên bản mới được nâng cấp về mọi khía cạnh: sáng tạo, thời trang và tất nhiên, xanh hóa, và góp công thay đổi nhận thức của người sản xuất lẫn tiêu dùng.

Colovos đã làm thế nào để xanh hóa chất liệu denim?

“Ở những giai đoạn đầu tiên, chúng tôi sẽ chỉ tập trung sản xuất số lượng nhỏ các mẫu thiết kế. Quan trọng là tìm được phương án khả thi và thử nghiệm thành công đối với chất liệu denim xanh. Quan trọng hơn cả là làm việc với chuỗi cung ứng và sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, bền bỉ theo thời gian, bởi đó là tính năng đặc trưng của denim

Micheal chia sẻ với Vogue Mỹ.

Để cấu thành nên chất liệu denim xanh, Colovos sử dụng cotton tự nhiên, không phun hóa chất trong quá trình nuôi trồng. Loại cotton này ít hao tổn nước hơn thông thường. Thương hiệu đã thành công trong việc sử dụng nguyên liệu cotton có cấu thành từ 33% là nguyên liệu tái chế. Việc hợp thành 33% nguyên liệu tái chế vào cotton tự nhiên giúp giảm hợp phần cotton cần sử dụng, đồng thời giúp xử lý lượng tài nguyên cần được tái chế của thương hiệu. Michael cũng chia sẻ rằng mức hợp thành 33% này đã là cao nhất có thể, bởi nếu hơn thế nữa thì chất lượng của vải sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với quá trình tự sản xuất chất liệu của mình, Michael cũng sẽ gửi những phế phẩm tồn đọng lại sau quá trình sản xuất đến cơ sở xử lý để tiếp tục tái chế, theo một quy trình khép kín. Ngoài ra, phần vải thừa sau quá trình cắt, may cũng sẽ được dùng để tạo thành sợi viền, bọc nút, nhãn hiệu và mạc sản phẩm.

Một nguồn cung ứng nguyên liệu khác (bên cạnh việc tự sản xuất) của Colovos là các nguồn cung ứng vải tái chế được chế tác từ rác thải nhựa được vớt lên từ các đại dương (công nghệ giống của H&M). Colovos cũng nói không với các loại chất liệu như da, lông (dù là thật hay giả). Nhìn chung, vợ chồng nhà Colovos muốn yếu tố bền vững trong việc kinh doanh của thương hiệu mang tính toàn diện.

“Chúng tôi hoàn toàn không muốn tỏ ra là mình đang muốn thuyết giảng gì cả. Thật tâm mà nói thì chúng tôi chỉ muốn chỉ ra rằng hoàn toàn là khả thi để tạo ra một bộ sưu tập đạt chuẩn thời trang cao cấp mà hoàn toàn không hao tốn hay gây nguy hại đến môi trường”, Michael chia sẻ với Nicole Phelps – phóng viên của Vogue Mỹ trong một bài phỏng vấn khác.

“Lý tưởng nhất đối với Colovos là cam kết hoàn toàn trở thành một thương hiệu thời trang bền vững thông qua việc không hao tốn tài nguyên và không có khí thải trong quá trình sản xuất. Khí thải, tuy rằng không thể nào loại bỏ hoàn toàn trong quá trình sản xuất, nhưng thương hiệu sẽ bù lại bằng cách trích doanh thu của mình để trồng thêm nhiều cây xanh. Cradle to cradle* – C2C sẽ là phương pháp vận dụng mô hình sản xuất của chúng tôi. Khách hàng có thể quyên góp lại những sản phẩm cũ không còn được sử dụng của họ cho chúng tôi xử lý tái chế để tạo ra các mẫu thiết kế mới. Doanh thu từ những thiết kế mới này sẽ được đóng góp cho quỹ từ thiện để phục vụ cho các mục đích có ích cho xã hội, môi trường. Đó là sự cam kết của Colovos.”

Định hướng thẩm mỹ cho dòng sản phẩm denim của Colovos vẫn là trang phục mang tính ứng dụng cao. Những mẫu thiết kế của Colovos tuy là dành cho nữ nhưng có dung hòa trong đó sự cá tính cần thiết mà một cô nàng tomboy chắc chắn sẽ cân nhắc để mặc. Giống như trong bộ sưu tập dành chiến thắng tại International Woolmark Prize, Michael và Nicole đã có những mẫu thiết kế đem đến hiệu ứng thị giác là denim nhưng lại mỏng nhẹ và dễ dàng chế tác để trở nên kiểu cách trên cơ thể người mặc, chứ không quá đơn giản hay dễ đoán như các sản phẩm denim khác. Chẳng hạn như chiếc đầm wrapdress có phần dây thắt nữ tính phía trước eo; một thiết kế áo blazer với đường rã và chần chỉ nổi bật mặc cùng với quần denim ống suông tương đồng; hay là một mẫu đầm dệt kim cao cấp với các đường họa tiết sọc dọc đan xen trong các tông màu xanh dương nổi bật.

Điểm đặc biệt của chiếc đầm dệt kim này là 100% làm hoàn toàn bằng chất liệu lông cừu nhưng được cải tiến để có thể giặt được trong máy may. Sự khác biệt nằm ở quá trình xử lý để cạo đi lớp vảy trên bề mặt của sợi len, giúp ngăn ngừa sự co rút gây ra bởi nhiệt độ cao hay ẩm ướt. Bên cạnh đó, Colovos cũng có một mẫu áo khoác phồng trong BST thắng giải của Woolmark.

Mẫu áo này được tạo ra bởi công nghệ kéo dãn sợi trong lúc dệt để đảm bảo rằng chất liệu này sẽ hoàn toàn chống thấm nước và hoàn toàn phù hợp để chế tác nên chiếc áo khoác phồng mang tính ứng dụng cao. Chính sự cầu kỳ, nghiêm túc và kiên nhẫn trong quá trình nghiên cứu của Michael và Nicole Colovos đã tạo nên thành phẩm là những mẫu thiết kế chỉn chu, đẹp mắt và hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng cao nhất của Woolmark.

Sứ mệnh và lý tưởng được trọn vẹn nhờ sự hợp nhất và đồng tâm từ người bạn đời

Việc xây dựng một thương hiệu tôn vinh giá trị bền vững như Colovos là một quá trình đòi hỏi nhiều sự đầu tư và cam kết lâu dài. Điều đó cũng chẳng khác nào một cuộc hôn nhân vậy. Nicole và Michael Colovos thành công ở thời điểm hiện tại là nhờ nhiều năm trau dồi tri thức và tích dưỡng kinh nghiệm. Nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng điệu trong suy nghĩ và lý tưởng của cặp đôi. Cặp vợ chồng hiện tại đã có 3 con và đang sinh sống tại New York. Họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2001, khi đó Michael vẫn là một NTK trở về sau quãng thời gian tu nghiệp tại châu Âu. Nicole, trong khi đó, là một biên tập viên kiêm stylist của những đầu báo thời trang lớn như ELLE, Harper’s Bazaar. Habitual ra đời sau đó chỉ 1 năm.

“Tôi và Michael đã làm việc và bên cạnh nhau trong một quãng thời gian dài, từ khi chúng tôi còn rất trẻ. Chúng tôi đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau mà qua đó đã tách bạch được những phần việc hay phận sự nào mà mỗi người phải đảm nhiệm. Cách thức vận hành sẽ là nếu tôi bắt tay vào là cái gì thì phải hoàn thành nó chứ không được đổ qua cho chồng mình”, Nicole trả lời khi được hỏi bởi Lauren Sams – biên tập viên của tờ Finance Review, rằng làm cách nào để hai người vừa có thể quản lý và phát triển doanh nghiệp được với vai trò là cộng sự lẫn vợ chồng.

Thêm hơn cả, công ty của Nicole và Michael không có quá nhiều người. Thực chất bên cạnh hai vợ chồng chỉ có thêm một nhân viên chính thức. Chính bởi lẽ đó mà mọi quy trình rất linh động. “Chúng tôi hiểu nhau rất tốt, bởi thế mà mọi việc được giải quyết nhanh chóng bởi không quá tốn nhiều thời gian để họp bàn tới lui. Hầu như mọi vấn đề đều có được giải pháp tối ưu ngay lập tức”, Michael chia sẻ thêm.

Nicole cũng chia sẻ thêm về quãng thời gian ban đầu gặp gỡ. “Chúng tôi vô cùng ăn ý. Cả hai đều cùng có sở thích giống nhau về âm nhạc, về sở thích trượt tuyết. Chúng tôi cũng có những người bạn chung. Buổi hẹn đầu tiên chỉ là một buổi ăn tối và sau đó mọi thứ cứ diễn tiến một cách vô cùng tự nhiên. Và rồi một ngày chúng tôi quyết định rằng sẽ thành lập một thương hiệu denim cùng nhau. Đó là cái chung lớn nhất đầu tiên.”

Những ngày đầu với Habitual, với kinh nghiệm dày dặn là một stylist, Nicole có ý tưởng và cách nhìn đa chiều về việc trang phục nên được mặc như thế nào trên cơ thể. Còn với kinh nghiệm là một nhà thiết kế, Michael (trước đó có thời gian thực tập và phụ việc tại thương hiệu Guy Laroche) lại áp dụng khả năng thiết kế để tạo dựng nên ý tưởng của Nicole, khiến nó vẹn toàn và thành hình. “Tôi sẽ luôn chia sẻ với Michael những ý tưởng, cảm nhận của riêng tôi về quần áo và tôi luôn nhìn nhận và phân tích về thị trường. Điều này đã tồn tại từ những ngày đầu thành lập Habitual”.

Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, cặp đôi vẫn tìm được cách để xoay chuyển và trợ hỗ nhau tốt nhất có thể. Đó là thời điểm show diễn đầu tiên của Habitual tại New York Fashion Week, toàn bộ các mẫu thiết kế đã bị trộm cắp ngay trước khi cận kề ngày diễn. Nicole và Michael đã để các mẫu thiết kế trong đằng sau xe của họ để trung chuyển. Mặc dù đã vô cùng kỹ lưỡng dán kín cửa kính xe của họ màu đen để không có thể nhìn thấy được từ bên ngoài, thế nhưng có vẻ như ai đó đã thấy cả hai soạn các mẫu thiết kế để cho vào đằng sau xe và sau đó nhân cơ hội lấy trộm toàn bộ tất cả. Tình thế đó buộc họ phải bắt đầu lại từ đầu, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới lúc phải giới thiệu bộ sưu tập tới truyền thông và buyers có mặt tại show diễn. “Chúng tôi đã phải tốn rất nhiều tiền trả cho nhân công để bắt đầu sản xuất lại bộ sưu tập đó từ con số không chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi. Tôi còn nhớ rõ lúc đó tôi vừa đứng giữa hàng đống vải denim, vừa nài xin từng người ở lại để giúp đỡ chúng tôi”, Michael hồi tưởng.

Nỗ lực đã được tưởng thưởng vô cùng xứng đáng khi Nicole và Michael là người đầu tiên nhận được phần thưởng trao tặng của CFDA nhằm hỗ trợ các nhà thiết kế/ thương hiệu mới. Đồng thời khiến cặp đôi lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư bán lẻ Andrew Rosen – người mà sau này đã thuyết phục cả hai đầu quân cho Helmut Lang trong vai trò là giám đốc sáng tạo của nhà mốt nước Mỹ. Bằng sự đồng lòng và tín nhiệm dành cho nhau, cả hai quyết định sẽ tiếp nối di sản của Helmut Lang, không phải bằng cách lặp lại những gì mà NTK đã làm, mà đi theo hướng sáng tạo mới và hoàn toàn khác biệt. “Chúng tôi không muốn lặp lại những gì đã được thực hiện của người tiền nhiệm (NTK Helmut Lang) trong vai trò làm sáng tạo. Để có thể tạo ra lý tưởng và tầm nhìn của một người khác không phải là chính mình, tôi nghĩ là điều không khả thi.”

Ngay cả khi cả hai làm việc cho Helmut Lang trong vòng 8 năm, và giờ là thương hiệu Colovos của riêng họ, tình yêu, sự gắn kết và đồng lòng đã giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn và phát triển mạnh mẽ. Hành trình và câu chuyện của Nicole và Michael Colovos là một câu chuyện rất đáng để chia sẻ. Dù là ở khía cạnh tình yêu hay thời trang.

*Cradle to cradle – C2C là phương pháp thiết kế dựa trên sự phân tích tài nguyên để không gây hao phí và có thể tái tận dụng hay chuyển hóa thành một dạng thức khác để tiếp tục khai thác cho việc sản xuất. Đây là một phương thức thiết kế. Trong thiết kế Cradle to Cradle, tất cả các vật liệu được sử dụng chia làm 2 loại: vật liệu sinh học và vật liệu kỹ thuật. Vật liệu kỹ thuật là được giới hạn nghiêm khắc để không gây độc hại, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, có thể tái sử dụng liên tục mà không ảnh hưởng tới chất lượng hay tính toàn vẹn của nó. Vật liệu sinh học hay vật liệu hữu cơ là vật liệu mà một khi đã sử dụng có thể được xử lý trong bất kỳ môi trường tự nhiên nào và có thể phân hủy trong đất, cung cấp thực phẩm cho những vật sống nhỏ khác mà không ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên.

Bài viết có tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu: Finance Review, WWD, Vogue, Colovos.com, frosch.vn

Thực hiện: Fellini Rose