Đã đến lúc các thương hiệu nên đặt cược lớn vào cơn sốt “làm móng nghệ thuật” trị giá hàng tỷ đô

Ngày đăng: 23/08/24

Được quảng bá bởi TikTok, Xiaohongshu và làn sóng mới của những người tạo nên xu hướng, thị trường nghệ thuật làm móng đang trải qua một “cuộc phục hưng sáng tạo” vào năm 2024. Liệu các thương hiệu có thể bắt kịp làn sóng này không?

Khác hẳn với những mẫu nail “blueberry milk” hay “clean girl” nổi bật trên TikTok năm ngoái, trào lưu làm móng năm 2024 đang trở nên đa dạng, kỳ quái hơn, đồng thời cũng mang lại giá trị kinh doanh lớn hơn cho các thương hiệu. Những hình ảnh logo (trái phép) của Louis Vuitton, Chanel hay Gucci,… đã xuất hiện trên các mẫu nail sáng tạo từ lâu, nhưng khi nghệ thuật làm móng ngày càng phổ biến hơn thì cách người ta trang trí cho móng tay của họ đã và đang nhanh chóng trở thành một lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn.

Theo các báo cáo, thị trường sản phẩm chăm sóc móng toàn cầu đã đạt giá trị 23,41 tỷ USD vào năm 2023 và Spherical Insights cũng dự đoán rằng thị trường móng tay nhân tạo toàn cầu sẽ đạt 2,54 tỷ USD vào năm 2033.

Nghệ thuật làm móng không phải là một xu hướng mới, nhưng lĩnh vực này đã trải qua một cuộc cách mạng sáng tạo trong những năm gần đây. Hiện tại, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, từ móng tay hình “móng vuốt mèo” đến các kiểu “xỏ khuyên”, cùng với các thiết kế 3D cũng đang trở nên phổ biến (tìm kiếm “móng tay 3D” trên Pinterest đã tăng 35% kể từ tháng Sáu).

“Cơn sốt” trên mạng xã hội

Những thiết kế bắt mắt đang ngày càng hot trên các ứng dụng mạng xã hội khi nội dung liên quan đến nghệ thuật làm móng đạt hiệu suất xuất sắc. Trên Instagram, TikTok và Xiaohongshu của Trung Quốc, mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng khi cả các chuyên gia và những cá nhân tự học đều chạy đua để tạo ra những tác phẩm viral.

Chẳng hạn như những bộ móng siêu thực của chuyên gia làm móng Vivian Xue Rahey (@vivxue) đã khẳng định vị thế của cô như một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trên internet cùng với Mei Kawajiri (@nailsbymei) và ‘Coca’ Michelle Nguyen (@cocamichelle).

Tại thị trường châu Á

Khi thị trường phát triển, những người sáng tạo đang tìm đến Châu Á để tìm nguồn cảm hứng mới. Năm qua đã chứng kiến ​​sự gia tăng theo cấp số nhân của việc thử nghiệm các kiểu làm móng gel của Nhật Bản – một phương pháp thường bao gồm kỹ thuật, thiết kế và phong cách khác nhau.

Phong cách làm móng gel của Nhật Bản nổi tiếng với công thức bền hơn và lớp sơn top “jelly-like” được rất nhiều khách hàng phương Tây ưa chuộng. Xu hướng này cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các thợ làm móng địa phương tại Nhật Bản. Thậm chí trong những tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​sự gia tăng các video chứa nội dung liên quan đến hiện tượng  khách du lịch đổ xô đến nhiều tiệm làm móng tại đất nước này trên TikTok.

@sammiebernabe they don’t do it like they do in japan 😫 the set cost me about $128USD & in the states, this would cost $300+ #japantravel #japantrip #japanesenailart #japannails #tokyonailsalon #japannailsalon #kawaiinails #japanesenail #japannailart ♬ leavemealone – Fred again.. & Baby Keem

Tương tự như vậy ở Trung Quốc, sự bùng nổ của nghệ thuật làm móng thiết kế đã khiến các tiệm làm móng trong nước nhận được hàng loạt đơn đặt trước nhiều tháng. Để đáp ứng nhu cầu, các thợ lành nghề đang tăng giá sản phẩm với các kỹ thuật phức tạp như tô bóng chuyển màu, dập nổi và sử dụng vật liệu quý có giá lên tới 10.000 RMB (1.400 USD).

Xây dựng thương hiệu thông qua việc làm móng

Trên phạm vi quốc tế, những người nổi tiếng cũng đang thúc đẩy tính văn hóa của nghệ thuật làm móng. Sau khi đăng một video theo phong cách ASMR giới thiệu bộ móng tay được sơn mài màu ngọc lục bảo của mình vào tháng 5, nhà thiết kế Marc Jacobs đã phủ sóng tài khoản Instagram bằng các bài đăng dành riêng cho BST móng acrylic. Mặc dù được phụ nữ yêu thích nhiều hơn nhưng vài năm qua nam giới (chẳng hạn như Harry Styles, A$AP Rocky, Paul Klein và Brooklyn Beckham) cũng đã nhanh chóng đón nhận nghệ thuật làm móng. 

Tại Thế vận hội, bộ móng tay của nhà vô địch điền kinh người Mỹ Sha’Carri Richardson cũng chiếm vị trí trung tâm. Một bộ móng tay đính đá quý mà cô đeo trong nội dung chạy tiếp sức 4x100m nữ được khắc dòng chữ đặc trưng của Richardson: “I’m not back, I’m better”.

Các thương hiệu Trung Quốc cũng đang bắt kịp xu hướng: Tiệm bánh Gluglu của Thượng Hải là một trong nhiều thương hiệu tận dụng nghệ thuật vẽ móng như một công cụ tiếp thị để quảng bá các món ngọt của mình trên Xiaohongshu, trong khi các thương hiệu độc lập khác nhanh chóng nắm bắt được trào lưu này.

Thị trường đang phát triển và khả năng tồn tại 

Các bộ nail box tại nhà giá cả phải chăng đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ khi nhiều cửa tiệm đóng cửa trong thời gian COVID-19, thúc đẩy khả năng tiếp cận chính thống của mặt hàng này. Giá của chúng dao động từ 1 đô la cho các sản phẩm được in hàng loạt bằng máy đến hàng chục đô la cho các sản phẩm thủ công. Những sản phẩm tiện dụng giá rẻ này đã gây được tiếng vang với đa số bộ phận Gen Z khi họ thi nhau đăng tải BST nailbox ấn tượng của mình lên mạng xã hội.

Ở thị trường phương Tây, những gã khổng lồ thời trang nhanh như Chinese Shein và Temu đang cung cấp các sản phẩm trang trí móng tay giá rẻ như đá nhân tạo, nhãn dán và dụng cụ, chính điều này đã thúc đẩy sự bùng nổ của nghệ thuật làm móng. Những lựa chọn giá cả hợp lý này giúp người tiêu dùng có thể tạo ra những thành phẩm tinh xảo, chuyên nghiệp với chi phí khá phải chăng.

Với một lĩnh vực có sức hấp dẫn lâu dài như vậy, các thương hiệu có thể nắm bắt tham gia vào trào lưu nghệ thuật làm móng thông qua sự hợp tác với những influencer hoặc tại các sự kiện lớn như Tuần lễ thời trang,… Xu hướng có thể quay trở lại với những phong cách tinh tế hơn trong tương lai, nhưng bây giờ là lúc các thương hiệu phải đi trước với trào lưu này và chiếm lĩnh thị trường.

Thực hiện: Elio

Theo Jingdaily