Cộng đồng Buaisou: Đưa màu xanh của chàm “từ nông trại đến tủ quần áo”

Ngày đăng: 27/08/21

Nghề nhuộm chàm đã được ươm mầm từ thế kỷ 19 ở Nhật Bản và trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ sau đó. Với gần 2000 người trồng trọt vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã có thời kỳ hoàng kim về sản xuất chàm, phát triển ở các vùng xung quanh Tokyo và trên đảo Shikoku. Và câu chuyện về những nghệ nhân, nông dân miệt mài nhuộm chàm bắt đầu từ đó…

Trong thời gian gần đây, đã có sự hồi sinh mạnh mẽ của những làng nghề thủ công. Có lẽ do sự thay đổi về mặt nhận thức cũng như phong trào tiêu dùng hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và ưu tiên yếu tố bền vững. Nghệ thuật nhuộm chàm đã được phát triển đỉnh cao với những sáng tạo từ Buaisou, một tập thể có nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật nhuộm chàm từ thời tổ tiên.

Tie-dye là kỹ thuật nhuộm ban sơ được tìm hiểu ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Khi thực hiện kỹ thuật này, vải được cắt, dính, hoặc may trước khi nhuộm, kết quả là có một số chỗ sẽ không ăn màu nhuộm.

Được sáng tạo vào năm 2015 bởi Kakuo Kaji, người đã đáp lại lời kêu gọi từ Bộ Giáo dục Nhật Bản, mở ra cơ hội đào tạo về nghề nhuộm chàm (chỉ dành nhiều nhất hai người). Buaisou gắn liền với tập thể bao gồm những người nông dân và thợ nhuộm chàm thủ công. Quy trình nhuộm chàm cũng được thực hiện thủ công xuyên suốt từ đầu đến cuối. 

Hoàn toàn cống hiến cho việc nhuộm chàm, mục đích của Buaisou là để bảo tồn loại hình nghệ thuật này trước khi nó bị mai một vĩnh viễn. Buaisou thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới thông qua những buổi hội thảo cùng sự hợp tác với nhiều thương hiệu, từ UNIQLO, New Balance, QuickSilver và Sakurai Teas cho đến người nổi tiếng như Kanye West.

Sự chăm chút đến từng chi tiết và niềm đam mê thể hiện trong từng bước thực hiện cũng đã nhấn mạnh một đặc điểm trong văn hóa của đất nước Nhật Bản, điều này không chỉ thể hiện qua sản phẩm chất lượng cao mà còn nêu lên tinh thần cống hiến của người nghệ nhân cho loại hình nghệ thuật này.

Tập thể Buaisou trồng cây chàm và thông qua một quá trình lên men, họ tạo ra một loại thuốc nhuộm tự nhiên có màu xanh tím độc đáo, được gọi là ‘Japan Blue’. Cũng chính tập thể này đang làm sống lại hai di sản truyền thống là ngành nông nghiệp và nghề nhuộm ở Nhật Bản, nâng cao sự quan tâm đối với nghề thủ công và có cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với việc sản xuất quần áo theo mô hình “From farm to closet” (tạm dịch: Từ nông trại đến tủ quần áo). 

Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn

Nguồn: Trend Land