Công nghệ vải tân tiến trong thiết kế của Ralph Lauren gây chú ý trước thềm Olympics Bắc Kinh 2022
Ngày đăng: 30/01/22
Thế vận hội Beijing Olympics được dự kiến tổ chức vào ngày 20 tháng Hai sắp tới đây, dường như đang phải đối diện với một sự trì hoãn vô định trước sự lây lan của biến thế Omicron, khiến nhiều chuyến bay và biên giới phải đóng cửa. Tuy vậy, các vận động viên của Mỹ lại có thể hoàn toàn cảm thấy được ủng hộ, ít nhất là về mặt tinh thần lẫn tính thực tế, để tiếp tục luyện tập chăm chỉ. Niềm tự hào của người Mỹ – thương hiệu thời trang cao cấp Ralph Lauren vừa mới đây công bố về sản phẩm áo khoác công năng có đặc tính căn chỉnh để phù hợp với thân nhiệt của người mặc. Nhà mốt trứ danh sẽ tiếp nhận việc sản xuất đồng phục cho các vận động viên Mỹ, để họ sẽ mặc nó trong lễ diễu hành vào ngày khai mạc của Beijing Olympics.
Thực chất, Ralph Lauren đã có một thời gian dài hậu thuẫn cho các vận động viên của “xứ sở cờ Hoa”, nhưng đây đánh dấu lần đầu tiên thương hiệu ứng dụng công nghệ tân tiến để cho ra mắt một sản phẩm thời trang công năng có đặc tính phù hợp với thân nhiệt của các vận động viên. So với mẫu thiết kế mà Ralph Lauren thiết kế cho thế vận hội diễn ra tại Toyko 2020, vốn mang đậm tinh thần thời trang khi đi theo phong cách preppy với áo blazer và áo T-shirt lấy cảm hứng họa tiết từ thủy thủ, thì mẫu thiết kế cho Thế vận hội 2022 có phần thể thao hơn hẳn.
Trang phục ấn định chính cho các vận động viên là mẫu áo khoác thể thao được làm từ chất liệu công nghệ cao, có thể căn chính để trở nên tương thích với thân nhiệt của người mặc, giúp làm giảm nhiệt và duy trì thông thoáng cho cơ thể mà không cần đến bất kỳ một thiết bị phụ trợ nào khác. Đây được xem là một bước tiến dài của thương hiệu trứ danh nước Mỹ, trong việc mở rộng biên độ nhận diện của thương hiệu trong làng thời trang khi trở thành một thương hiệu thời trang cao cấp, chuẩn “American Style” (tinh thần thời trang kiểu Mỹ), và đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ tân tiến.
Kể từ 2008, Ralph Lauren được tín nhiệm bởi Ủy ban Thế vận hội Olympic Hoa Kỳ để thiết kế trang phục cho các vận động viên trong đội tuyển quốc gia khi tham gia buổi khai và kết màn của các kỳ Thế vận hội. David Lauren – Giám đốc thương hiệu và định hướng đổi mới của Ralph Lauren, chia sẻ rằng mục tiêu lớn nhất của các trang phục làm ra cho Thế vận hội là giúp cho các vận động viên phải cảm thấy thoải mái mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ trong suốt lễ khai mạc kéo dài vốn đã là thông lệ. Vốn dĩ các kỳ Thế vận hội được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, khiến các vận động viên phải di chuyển từ môi trường lạnh đến nóng đến ẩm đến khô (tùy trường hợp), khiến cho cơ thể họ phải tiêu hao rất nhiều năng lượng chỉ để thích ứng với môi trường thi đấu. Điều này có thể phần nào làm giảm đi nhuệ khí của các vận động viên.
Trước đây, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về hệ thống phân lớp trong trang phục nhằm làm điều tiết thân nhiệt của cơ thể của các vận động viên trong khâu nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm. Nhưng khi xét theo yêu cầu của chính các vận động viên, họ nói rõ rằng trang phục có nhiều lớp là vô cùng bất tiện. Điều này khiến cho thương hiệu Ralph Lauren phải cất nhắc rất nhiều giải pháp, và đã tìm ra phương án tối ưu nhất.
Đối với Thế vận hội mùa Đông vào 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc, Ralph Lauren đã tạo ra những chiếc áo khoác có gắn pin cho phép các vận động viên bật hệ thống sưởi khi họ bị lạnh. Tuy rằng thiết kế công năng đã phát huy tác dụng, nhưng lần này, nhà mốt muốn làm tốt hơn như thế, bằng cách tạo ra một loại quần áo tự điều chỉnh nhiệt. Bốn năm trước, chính Ralph Lauren (nhà sáng lập thương hiệu) đã phát hiện ra một công ty dệt may nhỏ với tinh thần cấp tiến có tên là Skyscrape đã thành công trong việc phát triển một công nghệ gọi là Cách nhiệt Thông minh (Intelligent Insulation). Ban đầu, công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi chính Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (U.S. Department of Energy), nhằm tạo ra máy móc và quy trình sản xuất của riêng mình.
Công nghệ hiện đại do Skyscrape phát triển đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và phát triển. Vải của Skyscrape được tạo thành từ hai vật liệu độc quyền riêng biệt có thể giãn nở và co lại để phản ứng với những thay đổi của nhiệt độ. Khi trời lạnh hơn, độ dài của hai vật liệu co lại với tốc độ khác nhau, tạo ra một túi khí, tạo ra lớp cách nhiệt. Nói cách khác, áo khoác mỏng trở thành một chiếc áo khoác dày hơn khi trời lạnh, và sau đó trở lại nguyên trạng khi trời ấm. Đây là lần đầu tiên loại vải này được sử dụng trong quá trình tạo mẫu bởi một thương hiệu lớn.
Ralph Lauren chia sẻ rằng đây là một trong những công nghệ có tư duy tiến bộ nhất mà ông từng thấy, và nghĩ rằng nó có thể cách mạng hóa cách mà thương hiệu tạo ra sản phẩm. Hiện Skyscrape vẫn chưa đưa chất liệu này ra thị trường. Bằng cách sử dụng chất liệu này cho trang phục của liên đoàn thể thao Hoa Kỳ khi đến Thế vận Hội Bắc Kinh 2022, Ralph Laurent hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho phần còn lại của ngành, trong việc thúc đẩy những sáng kiến thời trang đáp ứng tính công năng đặc biệt hiệu quả, thông qua việc ứng dụng công nghệ mới.
Bên cạnh việc đáp ứng được tính công năng vẹn toàn cho người mặc thời trang, Ralph Lauren tin rằng công nghệ mới này sẽ cho phép thương hiệu bền vững hơn trong lĩnh vực trang phục mặc ngoài. Nếu áo khoác có thể thích ứng với nhiều loại nhiệt độ, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng sẽ không cần phải sở hữu nhiều áo khoác. Thêm vào đó, toàn bộ đồng phục thi đấu tại Thế vận hội mùa đông được làm từ polyester tái chế – chứ không phải nguyên chất – polyester, và tất cả các mặt hàng được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Ralph Lauren đã thiết kế những bộ trang phục này giữa đại dịch, đó là một thách thức vì mọi thứ phải được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến. Thay vì khó khăn, điều này thực chất đã giúp công ty tạo ra một cách tiếp cận thiết kế hợp lý hơn nhiều. Thay vì sử dụng các bản phác thảo, mọi thứ được thiết kế trên máy tính, cho phép đội ngũ sáng tạo hình dung trước 300 vận động viên sẽ trông như thế nào trong những bộ trang phục này khi bước qua lễ khai mạc với những bóng đèn flash vụt tắt, vì vậy khán giả có thể thực sự nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ chiếc áo khoác. Và ngay cả khi Ủy ban Olympic muốn thấy một bộ quần áo có bảng màu khác, đội ngũ thiết kế cũng nhanh chóng có thể thay đổi nó theo thời gian thực để trình diện cho họ.4
Ralph Lauren tự hào là Người thiết kế trang phục chính thức của Đội tuyển Hoa Kỳ từ năm 2008. Không giống như hầu hết các Đội tuyển Olympic và Paralympic của các quốc gia khác, các vận động viên Hoa Kỳ không được tài trợ liên bang hỗ trợ. Một phần doanh số bán Bộ sưu tập của Ralph Lauren Team USA hỗ trợ các Đội Olympic và Paralympic Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các mẫu thiết kế đồng phục diễu hành trong Lễ Khai mạc tại Olympics sẽ có sẵn để mua trực tuyến tại trang e-commerce của hãng và tại một số cửa hàng bán lẻ Ralph Lauren chọn lọc bắt đầu từ ngày 20 tháng Một.
Ngoài ra, Ralph Lauren sẽ ra mắt một loạt nội dung thực tế ảo với sự tham gia của sáu vận động viên nổi bật trong đội tuyển vận động viên tham dự Olympics. Khách hàng sẽ có thể khám phá công nghệ thông qua tai nghe hoặc trải nghiệm tăng cường được sắp đặt tại cửa hàng tại một số địa điểm cửa hàng bán lẻ của Ralph Lauren. Có thể nói, thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ đang rất nỗ lực để ứng dụng thành tựu công nghệ hóa các mặt hàng thời trang của mình. Một trong những nỗ lực đáng chú ý gần đây nhất là khi Ralph Laurent ra mắt bộ sưu tập thời trang kỹ thuật số nhân dịp mùa lễ hội cuối năm ngoái, trên nền tảng Roblox – một không gian kỹ thuật số được xem là tiền sơ khai cho kỷ nguyên metaverse của tương lai.
Thực hiện: Fellini Rose
Bài viết đươc chuyển ngữ từ Fastcompany