Các cửa hàng thời trang thanh lý ký gửi nhộn nhịp cuối năm
Ngày đăng: 12/01/22
Theo báo cáo của Thredup (kết hợp với công ty nghiên cứu thị trường GlobalData) cho thấy thị trường secondhand sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Tại Việt Nam, xu hướng mua sắm thời trang thanh lý cùng mô hình kinh doanh thời trang thanh lý – ký gửi đang diễn ra và đặc biệt là nhộn nhịp hơn vào đầu năm 2022, trước thềm Tết Nguyên Đán.
Vào dịp cuối tuần của Tháng 1 đầu năm 2022, tại cửa hàng The Next, một cửa hàng chuyên bán đồ thanh lý ký gửi ở TP.HCM nhộn nhịp khách. Trở lại mua sắm đồ để mặc Tết, nhiều khách hàng trẻ tuổi thuộc Gen Z không giấu niềm phấn khởi. Thay vì chọn mua đồ mới hoàn toàn, họ chọn đến cửa hàng với hi vọng săn được món đồ ưng ý sau một năm hạn chế mua sắm vì lo lắng dịch bệnh.
Mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Sau nhiều tháng giãn cách tại TP.HCM, các cửa hàng kinh doanh hầu như rơi vào trạng thái trì trệ. Nhiều cửa hàng buôn bán e dè sau khi được mở cửa trở lại. Nhưng với các cửa hàng thanh lý, ký gửi như Give Away, The Next, The Labb, Dita Preloved… họ là chiếc cầu nối cho người bán và khách mua.
Mô hình cửa hành thanh lý ký gửi tại Việt Nam ra đời vào giữa những năm 2000-2010. Các cửa hàng này hoạt động theo hình thức nhận sản phẩm từ người bán, bao gồm quần áo, trang sức, phụ kiện, mỹ phẩm… từ sản phẩm hàng hiệu cho đến đồ bình dân. Sau đó cửa hàng sẽ sắp xếp và bày bán, một số chuỗi còn tăng cường hoạt động livestream sản phẩm trên Fanpage để thu hút khách mua. Các cửa hàng sẽ thu phí phần trăm trên tổng số lượng hàng hoá bán được. Sau thời gian ký gửi, các chủ hàng có thể đến nhận lại sản phẩm của mình hoặc quyên tặng nếu không còn nhu cầu sử dụng nữa.
Nguyên nhân khiến cho nhu cầu thanh lý quần áo vào dịp cuối năm tăng cao phần vì nhiều khách hàng có nhu cầu dọn dẹp lại tủ trang phục của mình sau một năm với nhiều biến động. Bên cạnh đó, các chủ shop thời trang cũng cần giải quyết hàng tồn kho của cả năm vừa qua. Điều quan trọng nhất, có lẽ do sự thu hút của mức “giá rẻ” với hàng hoá bán lại.
Khác với một số phụ kiện thời trang xa xỉ thuộc các nhãn hiệu danh tiếng toàn cầu như Hermès, Gucci, Chanel… có giá trị đầu tư trên thị trường resale, các sản phẩm thanh lý ở các thị trường nội địa thuộc các local brand hay thương hiệu fast fashion quốc tế như Zara, H&M, Charles&Keith, Pedro… thường có mức giá thấp hơn giá gốc, một số rẻ hơn phân nửa hoặc một phần ba tuỳ vào tình trạng sử dụng. Một số món hàng ở đây thậm chí còn nguyên tag, mới toanh. Mức giá đa phần đều được người bán quyết định.
Lượng người người bán và mua đồ secondhand đang tăng dần vào mỗi năm. Vào năm 2020, số liệu cho thấy có 33 triệu người dùng lần đầu tiên mua quần áo cũ. Và theo khảo sát, 76% những người này dự định sẽ tiếp tục mua đồ cũ trong vòng 5 năm tới. Báo cáo từ Thredup cũng chỉ rõ: giá trị của thị trường thời trang secondhand sẽ tiếp tục tăng đến 77 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, các cửa hàng thanh lý ký gửi nhỏ đang dần mọc lên. Tuy nhiên, khả năng thu hút khách hàng vẫn còn phụ thuộc vào năng lực cụ thể của từng đơn vị. Theo các chuyên gia nhận định, việc thị trường tính secondhand tăng trưởng có thể giúp thúc đẩy tính bền vững trong ngành thời trang, đồng thời gia tăng vòng đời – chất lượng sản phẩm. Khách mua đã và đang quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm, với hy vọng có thể bán lại cho người có nhu cầu, hơn là bỏ đi như trước đây. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tính bền vững trong ngành thời trang cũng không chỉ đơn giản là việc mua bán đồ secondhand, mà còn cần xem xét đến nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, ở khía cạnh những người làm kinh doanh thời trang, có thể xem xét sự bùng nổ của thị trường resale cùng với hành vị mua sắm của khách hàng để bổ sung vào chiến lược kinh doanh của các thương hiệu. Ví dụ như tạo nên những sản phẩm có giá trị cao trên thị trường resale, biến nó trở thành điểm cộng trong quyết định mua hàng, tại sao không?
Thực hiện: Hoàng Khôi