Cuộc chơi “method dressing” trên thảm đỏ có nên dừng lại?

Ngày đăng: 23/05/24

Một khi đã trở thành xu hướng quá đỗi thịnh hành trên hàng loạt thảm đỏ quảng bá phim, có lẽ “method dressing” sẽ chẳng còn giữ được độ thú vị ban đầu. 

Các thảm đỏ trong những chuyến press tour điện ảnh gần đây bỗng thu hút được sự quan tâm hết mực của địa hạt thời trang. Người xem mong ngóng từng diện mạo của ngôi sao trên thảm đỏ, bàn luận về cách họ mặc gì, diện trang phục custom từ nhà mốt nào và đánh giá xem họ có đang đi đúng “theme” của bộ phim hay không. Nếu so với những thảm đỏ quảng bá phim ảnh ở quá khứ, những cuộc thảo luận về thời trang xung quanh không được sôi động như thế. Câu hỏi được đặt ra rằng vì sao làng mốt ngày nay lại chú ý đến những thảm đỏ trong khuôn khổ các chuyến quảng bá phim? “Mẫu số chung” cho bài toán đó có lẽ là “method dressing”, một quy tắc ăn mặc “mới” đang thịnh hành tại khắp các thảm đỏ điện ảnh dạo gần đây. 

Thoạt đầu, cái tên của “method dressing” gợi nhớ đến một phương pháp diễn xuất, “method acting” (diễn xuất nhập tâm). Method acting được hiểu như một hệ thống những kĩ thuật diễn xuất giúp cho diễn viên có thể cảm nhận được những cảm xúc mà nhân vật của họ phải trải qua. Thậm chí sau ống kính trường quay, diễn viên còn ép bản thân mình trải qua những thứ giống hệt với nhân vật mình thủ vai đã từng trải qua. Method acting khiến diễn viên “sống” cùng nhân vật của mình không chỉ trên phim trường mà còn cả ngoài đời thực. Cách tiếp cận diễn xuất này bắt nguồn từ một diễn viên kiêm đạo diễn có ảnh hưởng rất lớn đến sân khấu kịch của Nga vào đầu thế kỉ 20, Konstantin Stanislavski. Method dressing cũng tương tự như thế, các ngôi sao tham gia thảm đỏ quảng bá phim khuyến khích “cosplay” lại trang phục và tạo hình của những nhân vật mà họ đảm nhận. 

Method dressing, các ngôi sao tham gia thảm đỏ quảng bá phim khuyến khích “cosplay” lại trang phục và tạo hình của những nhân vật mà họ đảm nhận. 

Nếu so sánh với method acting, method dressing nghiêng về nghệ thuật trình diễn hơn. Trong khi một bên nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý và cảm xúc của diễn xuất, thì bên còn lại nhấn mạnh vào khía cạnh hình ảnh và thẩm mỹ của việc hóa thân vào một nhân vật. Method dressing cho phép thời trang trở thành một công cụ kể chuyện hiệu quả. Thuật ngữ mới trong thế giới thời trang thảm đỏ này xuất phát từ một nhà báo André Wheeler, và được đề cập trong một vài bài báo trên tạp chí Vogue từ khoảng tháng 5 năm 2023 cùng thời điểm Halle Bailey tham gia press tour quảng bá phim “The Little Mermaid” phiên bản live action. André Wheeler mô tả quy tắc ăn mặc trên thảm đỏ này là “cơ hội để mở rộng vũ trụ điện ảnh trên thảm đỏ thời trang ngay cả trước khi bộ phim ra mắt”. Nói cách khác, “method dressing” được xem như một công cụ marketing hiệu quả bằng việc biến các diễn viên trở thành đại sứ của bộ phim qua lăng kính thời trang nhằm thu hút khán giả, và hơn hết là tạo nên giây phút lan truyền khuấy động mạng xã hội.

Trước khi được gọi với tên gọi “method dressing”, quy ăn tắc diện trang phục phổ biến trên thảm đỏ của các sự kiện điện ảnh này đã xuất hiện tại buổi ra mắt phim “A League of their Own” năm 1992. Khi đó, nữ diễn viên Geena Davis đã mặc một chiếc váy có đường khâu giống như trên quả bóng chày. Vào năm 2018, phong cách này xuất hiện trong tủ quần áo tham dự thảm đỏ ra mắt bộ phim “A Simple Favor” của Blake Lively, tràn ngập những bộ suits quyền lực. Năm 2019, tại buổi ra mắt “Maleficent: Mistress of Evil”, Elle Fanning và Angelina Jolie đã khoác lên người những bộ váy dạ hội, mơ mộng như thể bước ra từ xứ sở thần tiên trong phim. Những bộ suits có phong cách lập dị của Taron Egerton khi anh hóa thân vào Elton John trong “Rocketman” năm 2019, hay những món trang sức lấy cảm hứng từ găng tay vô cực mà Scarlett Johansson và Brie Larson đeo tại thảm đỏ ra mắt “Avengers: Endgame” phát hành cùng năm đó đều là những ví dụ cho “method dressing” trước khi nó được thịnh hành như hiện tại. 

Geena Davis tại buổi ra mắt phim “A League of their Own” năm 1992
Blake Lively trong khoảng thời gian quảng bá phim “A Simple Favor”
Thảm đỏ ra mắt phim “Maleficent: Mistress of Evil”

Vào năm 2021, khi đại dịch COVID-19 kết thúc, quy tắc diện trang phục thảm đỏ theo chủ đề và nhân vật trong phim phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, bộ đôi Zendaya và stylist Law Roach là những “bậc thầy” và tạo nên những cuộc gặp gỡ thú vị giữa thời trang và điện ảnh. Trong suốt quá trình quảng bá phim “Dune: Part One” và “Spider-Man: No Way Home”, cả hai đã đem các nhân vật mà nữ diễn viên đảm nhận ra đời thực bằng chiếc váy mạng nhện được Valentino thiết kế riêng, bộ suit màu xám có mô típ tương tự từ Alexander McQueen hay một chiếc váy “ướt sũng” của Balmain. Cộng hưởng với sức ảnh hưởng của Zendaya, những kiệt tác thời trang đó tạo nên “cơn địa chấn” trong ngành công nghiệp thời trang, được cộng đồng mạng chia sẻ trên mọi nền tảng, và làm hài lòng được người hâm mộ từ làng mốt lẫn ngành điện ảnh. 

Năm 2023 chính là thời điểm địa hạt thời trang chứng kiến màn thống lĩnh của method dressing trên thảm đỏ của hầu hết các buổi quảng bá phim đình đám. Một trong số đó nổi bật nhất chính là chuyến press tour vòng quanh thế giới của phim “Barbie” với nàng “búp bê sống” Margot Robbie. Được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt, bộ phim của đạo diễn Greta Gerwig nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu phòng vé, không chỉ là nhờ vào nội dung mà đặc biệt còn nhờ vào hiện tượng “Barbenheimer” trên mạng xã hội, bắt nguồn từ sự cạnh tranh với bộ phim “Oppenheimer” được phát hành cùng ngày. Vài ngày trước khi “Barbenheimer” được lan truyền rộng rãi, những bức ảnh Margot Robbie xuất hiện trên thảm đỏ premier phim, với tạo hình hóa trang thành búp bê Mattel nổi tiếng mà cô hóa thân trong bộ phim bom tấn đã tràn ngập các trang báo lớn, Instagram và X hàng ngày.

Trong suốt thời gian quảng bá cho bộ phim, nữ diễn viên 33 tuổi người Úc đã tạo nên làn sóng Barbiecore trong thế giới thời trang. Lấy cảm hứng trực tiếp từ nàng Barbie mà cô thủ vai hoặc những nàng búp bê huyền thoại của thời đại, trang phục của cô được thiết kế bởi các hãng thời trang lớn, từ Versace, Chanel, Balmain đến Schiaparelli và được stylist bởi Andrew Mukamal. Không chỉ trên thảm đỏ quảng bá cho phim, các ngôi sao còn áp dụng quy tắc “method dressing” ra ngoài khuôn khổ của những chuyến press tour lẫn ngoài đời thực. Vài tháng sau khi “Barbie” ra mắt, Margot Robbie vẫn tiếp tục mô phỏng vẻ ngoài của nàng búp bê mang tính biểu tượng này khi tham gia lễ trao giải Quả Cầu Vàng vào năm 2024. 

Cuộc chơi “method dressing” tiếp tục sôi động hơn với chuyến press tour quảng bá phim “Dune: Part Two”. Zendaya và stylist Law Roach tiếp tục chiêu đãi làng mốt bằng hàng loạt diện mạo thảm đỏ mang tính biểu tượng. Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Vogue, Law Roach nói : “Chúng tôi đã áp dụng method dressing. Ngoại hình của Zendaya trên thảm đỏ trong chuyến quảng bá lần này là phần mở rộng của tủ quần áo nhân vật trong phim. Đó là bước đi có chiến lược và tính toán kỹ lưỡng. Tôi luôn cố gắng trở thành người kể chuyện bằng ngôn ngữ của thời trang và đây thực sự là một câu chuyện hấp dẫn để kể.”

Ngoài Zendaya, method dressing còn được nhiều ngôi sao trong phim áp dụng như Anya Taylor-Joy và  Florence Pugh. Tất cả không chỉ tạo nên một buổi tiệc thời trang náo nhiệt mà còn hiện thực hóa những cảnh phim viễn tưởng trong phim cho người hâm mộ. 

Vào ngày 16 tháng 2 tại lần tham gia buổi ra mắt “Dune: Part Two” ở London, Anya Taylor-Joy đã mang đến cho chúng ta một khoảnh khắc giao thoa đáng nhớ giữa thời trang và điện ảnh. Không kém cạnh bộ “giáp sắt” robot Mugler archived của Zendaya xuất hiện trước đó, nữ diễn viên thu hút mọi ống kính truyền thông bằng chiếc váy Dior màu trắng trinh nguyên tuyệt đẹp, lấy cảm hứng từ thiết kế lưu trữ của Marc Bohan từ những năm 1960.

Ở một buổi ra mắt phim ở thành phố khác, nữ diễn viên ghi điểm khi xuất hiện trong tuyệt tác của John Galliano mới ra mắt trong bộ sưu tập Maison Margiela Artisanal Spring 2024. Zendaya và Florence Pugh cũng đã khuấy đảo làng mốt khi xuất hiện cùng nhau trên thảm đỏ với hai diện mạo đối lập nhau từ màu sắc, đến tinh thần bên trong, do Torishéju và Galvanas thiết kế lần lượt, phù hợp với nhân vật của họ trong phim. Internet còn thích thú so sánh trang phục của họ, giống với trang phục của Chiến binh Chani và Công chúa Irulan.

Sau thảm đỏ của “Dune: Part Two”, “nữ hoàng thời trang thảm đỏ” thế hệ mới – Zendaya và stylist tài năng – Law Roach tiếp tục khẳng định khả năng diễn giải “method dressing” chuẩn “bậc thầy” tại chuyến press tour cho bộ phim “Challangers”. Với nội dung phim liên quan đến bộ môn quần vợt, cả hai tạo nên cuộc gặp gỡ độc đáo giữa thời trang cao cấp và thể thao thông qua các bộ trang phục custom từ Loewe, Vera Wang, Jacquemus, Thom Browne hay được khai quật từ kho lưu trữ như Vivienne Westwood. Bằng “bàn tay vàng” trong làng stylist của Law Roach cộng hưởng với khả năng “cân” đồ không ai sánh bằng của Zendaya, làng mốt không chỉ có thể chiêm ngưỡng một buổi đại tiệc thời trang mãn nhãn mà còn chứng kiến màn lên ngôi của phong cách tenniscore. 

Sau tất cả, bằng sức mạnh của method dressing, ngành công nghiệp điện ảnh đã biến mạng xã hội thành các công cụ kỹ thuật số phù hợp để quảng bá dự án phim và tiếp cận đối tượng mục tiêu rộng hơn. Sự thành công của bộ phim “Dune” (2021) là một ví dụ điển hình. Dù chỉ xuất hiện trong phim vỏn vẹn 10 phút nhưng sự lăng xê nhiệt tình của Zendaya bằng hàng loạt bộ trang phục thảm đỏ lộng lẫy đã giúp “Dune” trở thành chủ đề được cộng đồng mạng quan tâm và bàn tán không ngừng. Đối với các ngôi sao, quy tắc ăn mặc trên thảm đỏ mới này mang đến một trải nghiệm đặc biệt để thể hiện cá tính bên trong, một cơ hội nhập vai bằng ngôn ngữ thời trang và cách diễn giải vô cùng sáng tạo. 

Đối với khán giả, method dressing mang lại cho những người thưởng thức như chúng ta những khung bậc cảm xúc đầy thăng hoa từ kinh ngạc, mơ mộng, đến kỳ diệu. Nó nhắc nhở chúng ta tại sao chúng ta lại yêu mến các ngôi sao điện ảnh đến vậy khi họ cam kết và đặt trọn niềm tin vào những gì họ làm, khi họ “bán” cho chúng ta một lối sống xa hoa, khi họ kể  với chúng ta một câu chuyện không có thật (bằng ngôn ngữ của thời trang” nhưng khiến chúng ta thực sự tin vào nó). Bên cạnh đó, method dressing thậm chí còn khiến chúng ta bị ràng buộc với hoạt động quảng bá của bộ phim và các ngôi sao trong phim, phấn khích các khoảng khắc lan truyền trên mạng xã hội.

Mỗi khi các buổi ra mắt phim diễn ra, cộng đồng mạng giờ đây quan tâm đến từng diễn biến trên thảm đỏ, để bàn luận xem các ngôi sao tham dự có đang mặc trang phục đúng với chủ đề hay nhân vật của phim hay không. “Bất đắc dĩ” các thảm đỏ điện ảnh cũng dần trở thành đại sảnh Met Gala, trong đó dàn khách mời phải “giải” bài toán dresscode được đặt ra theo từng năm. Tất cả sự phấn khích đó cuối cùng thuyết phục khán giả sẵn sàng bỏ tiền để mua vé xem phim, và thậm chí đầu tư chuẩn chỉnh vào vẻ ngoài của bản thân sao cho hợp chủ đề của phim khi đến xem. 

Anya Taylor-Joy xuất hiện tại thảm đỏ quảng bá phim “Furiosa: A Mad Max Saga”
Anya Taylor-Joy xuất hiện tại thảm đỏ Cannes năm nay, quảng bá phim “Furiosa: A Mad Max Saga”

Đối với những người làm thời trang như nhà thiết kế và stylist, method dressing tạo ra những màn hội ngộ mang tính biểu tượng giữa thời trang và điện ảnh. Những bộ trang phục được custom riêng chính là “quả ngọt” từ cơ hội sáng tạo mà các nhà thiết kế, thương hiệu được ngành điện ảnh trao cho. Không những thể, khi các diện mạo trên thảm đỏ của ngôi sao được lan truyền trên khắp các nền tảng xã hội (dù được yêu thích hay gây tranh cãi), method dressing còn là mánh lới quảng cáo giúp các thương hiệu thời trang mở rộng được hình ảnh, giá trị riêng của mình và tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.  

Thành công của bộ phim “Wednesday” giúp phong cách Gothic được bàn tán xôn xao một lần nữa trong địa hạt thời trang

Tuy nhiên, method dressing còn là một “lưỡi dao hai mặt”, nhất là khi nó trở thành quy tắc ăn mặc quá phổ biến trên thảm đỏ, cũng đồng nghĩa sự thú vị ban đầu cũng dần mất đi, từ đó sớm bị lỗi thời. Dù mang đến một trải nghiệm thời trang đầy sáng tạo cho các ngôi sao, nhưng ở mặt khác method dressing có thể khiến hình ảnh của họ bị “nhàm chán”, cứng nhắc vì buộc phải nhập vai từ thảm đỏ cho đến ngoài đời thực. Trong suốt một năm quảng bá cho bộ phim “Barbie”, Margot Robbie hầu như chỉ mặc đồ màu hồng nhằm có thể làm mờ đi ranh giới giữa chính bản thân cô và nhân vật Barbie trong phim, để tăng sự thích thú của khán giả.

Trong khi bộ phim “Wicked” chưa được ra mắt, nhưng các diễn viên của nó như Ariana Grande và Cynthia Erivo, đã buộc phải mặc trang phục màu hồng và xanh lá cây (tượng trưng cho tạo hình nhân vật mà họ thủ vai) trong nhiều tháng nay. Cả hai thậm chí còn xuất hiện tại lễ trao giải Oscar năm 2024 trong trang phục giống Glinda và Elphaba, với Grande trong chiếc đầm Giambattista Valli Haute Couture màu hồng nhạt và Erivo trong chiếc váy Louis Vuitton bằng da màu xanh lá cây tùy chỉnh. Kể từ đó, bộ đôi này đều xuất hiện cùng nhau trên thảm đỏ của mọi sự kiện từ CinemaCon đến Met Gala để quảng bá cho bộ phim “Wicked” sắp ra mắt. 

Khi gắn kết với hình tượng của nhân vật quá lâu như vậy, method dressing còn có thể khiến ngôi sao mất đi cơ hội thể hiện cá tính thời trang thật của mình trên thảm đỏ và trước công chúng. Từ đây, địa hạt thời trang cũng dần mất đi khả năng khơi dậy sự tò mò trong khán giả. Với nội dung xoay quanh bộ môn thể thao quần vợt, cùng những lần liên tiếp xuất hiện trong những bộ váy có họa tiết vợt, bóng tennis, hay gam màu xanh lá trên sân đầu, độ phấn khích của khán giả dành cho diện mạo trong các buổi ra mắt phim “Challengers” của Zendaya bị giảm dần theo thời gian. 

Các chuyến press tour điện ảnh liên tiếp của Zendaya còn chỉ ra một vấn đề khác của method dressing: dường như chỉ có phụ nữ mới nỗ lực hết mình trong buổi tiệc thời trang đó. Hãy so sánh trong bức ảnh cô tỏa sáng trong bộ đồ robot, bên cạnh bạn diễn Timothée Chalamet, mặc một chiếc áo phông đen quá khổ. Method dressing mang đến cách tiếp cận thời trang đề cao chủ nghĩa thoát ly và giàu trí tưởng tượng, nhưng sự hời hợt và không hợp tác (thường thấy) ở các nam ngôi sao đã phá vỡ điều đó. Trong khi các nữ ngôi sao dành mọi tâm sức trong cuộc chơi method dressing, bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc và dành hàng giờ để chuẩn bị mặc trang phục theo đúng chủ đề của phim và hình tượng của nhân vật, thì những bộ trang phục “lạc đề” của các nam ngôi sao, bạn đồng hành của họ đã khiến mọi công sức của họ “đổ sông đổ biển”. Thảm đỏ quảng bá phim “Furiosa: A Mad Max Saga” với sự tham gia của Anya Taylor-Joy và Chris Hemsworth gần đây đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt đó. 

Bằng cách khuyến khích hoặc yêu cầu diễn viên nhập vai vào nhân vật của họ, các hãng phim đã tìm cách tận dụng niềm vui từ quy tắc method dressing và buộc các diễn viên phải hóa thân lại nhân vật của họ rất lâu sau khi kết thúc quay phim. Tuy nhiên, khi nó trở thành lối mòn, mánh lới quảng bá của các hãng phim trở nên quá đỗi quen thuộc với khán giả, method dressing ắt hẳn sẽ mất đi độ thú vị ban đầu và các ngôi sao dường như nên quay về cách ăn mặc đúng với cá tính thời trang bên trong của mình nhất. 

Thực hiện Dory

Theo Vogue, Numero, nssgclub