Đắm chìm vào màn giao thoa giữa nhiều tư duy thời trang độc đáo của những người phụ nữ tại triển lãm Dior mới 

Ngày đăng: 29/11/23

Tại cửa hàng flagship ở số 30, Đại lộ Montaigne, Paris, bên trong phòng trưng bày La Galerie, Dior đã “kể” một câu chuyện mới về những cột mốc vàng son trong lịch sử hình thành và tồn tại của nhà mốt, về những màn hợp tác đi vào lịch sử với các nữ nghệ sĩ tài năng. 

Phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng trong vương triều sáng tạo Dior. Kể từ những ngày đầu thành lập, những ký tự thiết kế đầu tiên của người sáng lập, Christian Dior, đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ mẹ, những cô em gái yêu quý, đặc biệt là nàng Catherine Dior – một chiến binh kháng chiến Pháp và là cái tên đứng sau dòng nước hoa đầu tiên của thương hiệu, Miss Dior. Từ ngay bộ sưu tập được “thả xích” đầu tiên cho đến tận ngày nay, khi trải qua biết bao sự trị vì của hàng loạt người dẫn đầu mới, Dior luôn tạo ra những tuyệt tác thời trang “bất hủ” cho phụ nữ. Phụ nữ luôn là điểm đến cuối cùng của nhà mốt Pháp. Họ không đơn thuần là những người truyền cảm hứng, giá trị sáng tạo cốt lõi hay khách hàng của Dior, mà còn đi sâu vào đoạn mã DNA sáng tác của thương hiệu. Một triển lãm mới của Dior tại phòng trưng bày La Galerie, kéo dài từ cuối tháng 11 đến tháng 5 năm 2024, được tổ chức để thể hiện sự tôn vinh dành cho tất cả nữ nghệ sĩ đã và đang từng hợp tác với nhà mốt trong hàng loạt dự án về nghệ thuật lẫn thời trang. 

Kể từ khi ngày khai trương vào tháng 3 năm 2022, La Galerie Dior tại trụ sở cửa hàng flagship mang tính lịch sử ở Paris của nhà mốt đã thu hút 650.000 du khách, với sự tham gia vào nhiều buổi triển lãm khám phá kho lưu trữ thời trang lâu đời từ những ngày đầu thành lập cho đến các bộ sưu tập mới nhất. Hélène Starkman, giám đốc dự án văn hóa của Christian Dior Couture, cho biết: “Chúng tôi có nhiệm vụ thay đổi các sản phẩm trưng bày sáu tháng một lần và điều này đã giúp chúng tôi có thể tạo ra một góc nhìn mới về lịch sử của Dior”. Giờ đây, 13 căn phòng đó đã được thay đổi chủ đề trưng bày để tạo nên một không gian hoàn hảo nhằm tôn vinh sự hợp tác của Dior với các nghệ sĩ nữ trong suốt chặng đường phát triển thương hiệu.

“Câu chuyện mới” được kể tại La Galerie Dior sẽ là lúc để những nữ nghệ sĩ tài năng (còn sống hoặc không còn nữa) – những người tồn tại trong tầm nhìn rộng lớn, trong vũ trụ đa nguyên về tính nữ của Dior, bước ra ánh sáng, và cho mọi người biết được họ là ai. Và đó sẽ là nơi để nhiều người biết đến vẻ đẹp của nhiều tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như bức tranh Leonor Fini từ những năm 1930 được trưng bày lần đầu bởi người sáng lập Christian Dior trong thời gian đầu ông làm chủ phòng trưng bày, cho đến tác phẩm điêu khắc “Nana” năm 1967 của Niki de Saint Phalle minh họa cho tình bạn lâu dài của cô với Marc Bohan trong thời gian anh làm giám đốc sáng tạo của Dior. Những tác phẩm có giá trị cao về lịch sử này còn được đặt cạnh các tác phẩm thời nay và được ủy quyền đặc biệt của các nghệ sĩ đương đại như Judy Chicago, Eva Jospin, Brigitte Niedermair, Katerina Jebb và Elina Chauvet, cùng những người khác.

Theo đạo diễn, người đứng đầu La Galerie Dior, Olivier Flaviano, đây là triển lãm đầu tiên được diễn ra theo một trình tự thời gian mạch lạc cụ thể, như thể mọi căn phòng, mọi chủ đề đều được dẫn dắt và phát triển theo một như một “sợi chỉ” vô hình từ đầu đến cuối. “Triển lãm mới này được mở ra nhằm mục đích chứng tỏ rằng thời trang không chỉ đơn thuần là những món đồ vật vô tri vô giác, mà cũng có thể trở thành một chủ đề nhờ những thông điệp ý nghĩa mà nó mang theo. Những tầm nhìn đa dạng của Dior qua cái nhìn của các nghệ sĩ nữ đã tạo ra những thông điệp đặc biệt như thế”, Olivier chia sẻ. Ngoài ra, “phòng trưng bày này còn được xem như một phòng thí nghiệm về những gì chúng tôi có thể trưng bày và cách nó có thể khiến người xem hiểu về lịch sử của nhà mốt theo một tầm nhìn mới,” ông nói thêm.

Dior luôn đặt sự tin tưởng đầy mạnh mẽ vào những mối quan hệ xung quanh ông từ sự hợp tác của những nhạc sĩ, nhà văn và họa sĩ có ảnh hưởng. Tương tự như vậy, Maria Grazia Chiuri, giám đốc nghệ thuật cho dòng menswear của nhà mốt từ năm 2017, đã mời nhiều nghệ sĩ tham gia để có thể lan tỏa thông điệp và tô điểm cho bức chân dung về nữ quyền của mình thêm rõ nét. 

Ngay bên ngoài lối đi, nơi du khách bước vào La Galerie Dior, có một bức ảnh chiếc áo phông có in dòng khẩu hiệu “We Should All Be Feminists” mà Maria Grazia Chiuri đã trình làng trong bộ sưu tập đầu tay của cô, được chụp bởi Brigitte Niedermair. Đây là lời giới thiệu phù hợp và đầy lý tưởng cho một cuộc triển lãm nơi di sản sống động của Dior xuất hiện cùng với các tác phẩm độc đáo của các nghệ sĩ nữ hợp tác – những người thể hiện quy chuẩn thời trang đặc biệt này bằng tầm nhìn, tư duy và kinh nghiệm của riêng họ.

Đã có một toàn bộ căn phòng được dành riêng cho Chauvet, nghệ sĩ người Mexico, người đã cộng tác với nhà thiết kế để tạo ra hàng loạt trang phục xuất hiện trong phần cuối cùng của bộ sưu tập cruise của Maria được diễn ra tại Thành phố Mexico vào tháng 5. Trong căn phòng trắng xóa, triển lãm dựng nên những thiết kế làm bằng vải muslin cotton màu trắng tinh khôi, được tô điểm đặc biệt bằng những bản thêu bằng chỉ đỏ, sống động như máu, cùng thông điệp Được làm bằng vải muslin cotton trắng thêu chỉ đỏ, chúng mang thông điệp nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực với phụ nữ. Chauvet giải thích trong một cuộc phỏng vấn: “Toàn bộ công việc của tôi là ủng hộ nữ quyền.” Trong đó, tác phẩm “Đôi giày đỏ” nổi tiếng của nữ nghệ sĩ thị giác – tuyệt tác gồm hàng chục đôi giày đỏ được đặt ở các quảng trường công cộng trên khắp thế giới để tưởng nhớ những người phụ nữ đã biến mất hoặc thiệt mạng, cũng được tái hiện lại bằng một bản thêu tỉ mỉ trên một chiếc váy. 

Làm việc với một nhóm nữ thợ thêu ở Mexico, Chauvet đã tạo ra một bộ sản phẩm mới cho triển lãm, bao gồm các phiên bản kỳ công và đặc sắc nhất trên các thiết kế áo khoác Dior cổ điển mang thông điệp như “Mi derecho es decidir” (“Đó là quyền lựa chọn của tôi”) hoặc “Ni soy de tu propiedad” (“Tôi không phải là tài sản thuộc quyền sỡ hửu của bạn.”) Chúng được bố trí cùng với các bức chân dung của nhiếp ảnh gia người Mexico, Maya Goded. Đan cài còn là hàng loạt bức thêu về một trái tim hoặc một em bé sơ sinh, khung cảnh thiên nhiên mơ mộng và bối cảnh gần gũi trong nhà, những họa tiết ngây thơ được tìm thấy trên những nếp gấp tinh tế và những chiếc nơ đồ sộ. Chauvet giải thích cuộc đấu tranh của phụ nữ tuy trắc trở và đầy khốc liệt nhưng vẫn chứa đầy sự hy vọng, đó chính là lý do giải thích cho sự xuất hiện của những chi tiết thơ mộng bên cạnh những dấu ấn mang tính đấu tranh mạnh mẽ. “Điều quan trọng là phải thể hiện được thực trạng đau đớn một các chính xác nhất, nhưng thế giới quan về tính nữ của Maria và Dior luôn đặc trưng bởi một chất thơ riêng biệt, nên tôi đã cố gắng nắm bắt được tinh thần của chúng.” Chauvet chia sẻ. Khi nhận lời mời hợp tác với Maria, Chauvet đã rất lo lắng rằng bản thân sẽ làm gì với những thứ này? Nhưng Maria Grazia và Dior đã cho nữ nghệ sĩ sự tự do hoàn toàn, điều đó thực sự đã tạo nên một nguồn động lực to lớn cho bà. “Căn phòng trưng bày thật ngoạn mục. Nó thật tuyệt vời. Tôi vô cùng cảm động trước cách họ chọn thể hiện tác phẩm của tôi,” Chauvet chia sẻ về cảm xúc của bản thân. 

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Maria Grazia Chiuri (@mariagraziachiuri) chia sẻ

Nhà mỹ thuật, Katerina Jebb, đã bắt đầu mối hợp tác của mình với Dior từ năm 2018 trong hàng loạt dự án lớn nhỏ khác nhau, nhưng bản thân nữ nghệ sĩ không xem mình là một nghệ sĩ ủng hộ nữ quyền. Bà giải thích: “Thực ra tôi không tin vào gender art nên tôi không phải là người ủng hộ tốt phong trào này. Thay vào đó, tôi nghĩ đó chỉ là cảm xúc thôi.” Các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ nữ người Anh, được tạo ra bằng cách tập hợp hàng chục hình ảnh được quét qua máy scan, và được trưng bày trong nhiều phòng khác nhau trong suốt triển lãm. Trong đó, các tác phẩm với chủ đề “chân dung scanography” của Jebb—bao gồm hàng trăm bản quét được tạo thành các hình ảnh quang phổ, vừa ám ảnh vừa mang tính tương lai xuất hiện trong bốn bối cảnh riêng biệt. Đề cập đến thời trang, bà nói: “Tôi không muốn chủ đề là một chiếc bình rỗng. Chủ đề ấy phải được trân trọng và có giá trị. Nó sẽ trở nên  trống rỗng và phẳng lặng nếu không có sự hiện thân của người phụ nữ.” Trong số những đóng góp nổi bật nhất của nữ nghệ sĩ là hình ảnh chiếc ghế của Dior, được treo bên cầu thang lịch sử dẫn đến căn phòng từng là văn phòng của người sáng lập từ năm 1946 đến khoảng năm 1952.

Tác phẩm của Katerina Jebb được đặt cạnh thiết kế “New Look” kinh điển của nhà mốt Dior

Trong số những điểm nổi bật của triển lãm mới là một căn phòng mang tính biểu cảm đặc sắc, một mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Các bức tường trong căn phòng đó đã trở nên sống động hơn với những bức vẽ của Saint Phalle và thậm chí cả một tờ tạp chí Vogue vintage được chụp bởi Lord Snowdon – người đã biến nữ điêu khắc trở thành một người mẫu thực thụ trong bộ bodysuit bằng nhung màu đen mỏng, có cổ áo màu trắng và viền ren. Căn phòng dành riêng cho Saint Phalle đã hé lộ được khía cạnh ít được biết đến hơn trong lịch sử của nhà mốt. Nó đặt cạnh nhau ba bộ trang phục Chiuri từ năm 2018 đề cập đến nghệ sĩ người Pháp với ba thiết kế tùy chỉnh của Bohan, người từng là nhà sưu tập tác phẩm của Saint Phalle.

Một căn phòng tối tăm được trang trí như một khu vườn đầy mê hoặc, nơi những dây leo mỏng manh rủ xuống từ trần nhà; tất cả tạo nên một phông nền hoàn hảo cho những bức ảnh có kích thước thật như tranh vẽ về các vũ công của nhiếp ảnh gia người Nhật Yuko Takagi, được đặt cạnh những bộ váy trên người ma-nơ-canh. Đó là tác phẩm chụp các vũ công đang chuyển động trong trang phục Dior cổ điển. “Dior nói rằng để một chiếc váy thành công, bạn phải tưởng tượng về những chuyển động của trong đời thực, và những bức ảnh này của Yuriko Takagi thực sự truyền tải điều đó, bên cạnh việc sở hữu một chất thơ mạnh mẽ,” Olivier Flaviano hào hứng. Nữ nhiếp ảnh gia, người có kiến thức nền tảng về thiết kế, cho biết: “Tôi tin rằng quần áo trên người trông đẹp hơn rất nhiều khi chuyển động và nhà mốt Dior cũng đang nói về điều tương tự”. Lần làm việc với nhà mốt lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên bà chụp ảnh thời trang haute couture.

Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Yuriko Takagi

Có lẽ ngoại lệ duy nhất là một căn phòng trưng bày quần áo may sẵn Miss Dior ra mắt vào năm 1967 dưới thời Philippe Guibourgé. Ông là trợ lý cho Marc Bohan, giám đốc nghệ thuật lâu năm đã qua đời vào tháng 9 năm nay. Đó là những thiết kế phản ánh được thời trang nữ vào thời điểm đó với phom dáng ngắn, khối lượng nhẹ hơn, màu sắc sống động, chân thật và có cả thể nghiệm hoa văn cũng như logo ban đầu của nhà mốt. Trong khi đó, Căn phòng Kỳ quan (Room of Wonders) đã thể hiện rõ nét những điều đúng với tên gọi của nó. Những tủ kính nhỏ được bố trí sát tường, chứa đầy đồ trang sức điêu khắc kỳ lạ của Claude Lalanne và cả túi Lady Dior được thiết kế bởi một danh sách ấn tượng gồm các nghệ sĩ đương đại. Điển hình là các tác phẩm chắp vá và kết cườm của Mickalene Thomas, hay trái tim đang đập của Joana Vasconcelos,… Mỗi nghệ sĩ được mời vào nhà đều duy trì bản sắc và hình ảnh của riêng mình.

Đâu đó trong triển lãm, người xem vẫn có thể thấy được sự tái hiện chính xác văn phòng của Monsieur Dior tại 30 Avenue Montaigne, tương tự như không gian nơi du khách có thể nhìn xuống qua sàn kính vào xưởng may cũ hoàn chỉnh với phòng thay đồ của người mẫu. Hoặc một căn phòng với kiến trúc như một vũ hội hoành tráng, nơi những ma-nơ-canh trong bộ váy sang trọng đang đứng như thể trên ban công, và được trang trí bởi các biểu ngữ thêu do nữ nghệ sĩ Judt Chicago từng thiết kế cho show diễn thời trang haute couture mùa xuân 2020 của Maria Chiuri. 

Dior đã mua lại nhiều tác phẩm được trưng bày để củng cố kho lưu trữ của mình và thể hiện cam kết của mình với các nghệ sĩ đã cộng tác với thương hiệu. Olivie Flaviano cho biết: “Chúng tôi muốn hỗ trợ những nghệ sĩ này và mang đến cho họ nhiều cơ hội tỏa sáng. Hỗ trợ một nghệ sĩ không chỉ là đặt mua tác phẩm của họ mà còn mua lại chúng để có thể trưng bày chúng trong nhiều triển lãm trong tương lai, để nhiều người biết đến tài năng của họ”

Thực hiện Dory

Theo Vogue và WWD