Đâu là các yếu tố giúp Pantone định hình “Color of the Year”?
Ngày đăng: 12/12/23
Cứ vào tháng 12 hàng năm, Pantone lại công bố Màu sắc của Năm (Color of the Year). Họ đưa ra dự báo về màu sắc sẽ có ảnh hưởng lớn nhất trong 12 tháng tới cho nhiều lĩnh vực khác nhau từ thời trang, thiết kế, văn hóa, âm nhạc,…
Điều này có nghĩa là họ đang giúp các chuyên gia trong các lĩnh vực ấy nắm bắt và tổng hợp ‘tâm trạng’ của năm tới thành một sắc thái duy nhất tại một thời điểm lịch sử cụ thể.
Leatrice Eiseman, người phụ trách lựa chọn Màu của năm, giải thích với New York Times: “Những gì chúng tôi làm là cố gắng cảm nhận tinh thần và xu hướng của thời đại. Và vấn đề ở đây là chúng tôi cần giúp mọi người có thể cảm nhận được”.
Sáng kiến này đã được thực hiện từ năm 1999 và qua nhiều năm đã trở thành một hiện tượng phổ biến, được cả thế giới háo hức chờ đợi và được đưa tin rộng rãi trên mạng xã hội thậm chí cả báo chí. Chúng cũng được xem là một chiến lược tiếp thị xuất sắc mang lại thành công cho kha khá thương hiệu – ngày nay, Pantone không chỉ là một tổ chức trong lĩnh vực của mình mà còn được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Việc chọn màu của năm đòi hỏi Eiseman và nhóm của cô phải làm việc rất chăm chỉ, họ dành 12 tháng để phân tích những gì đang xảy ra trong thời trang, mỹ phẩm, quy hoạch đô thị, kiến trúc, thiết kế, họ phải thường xuyên đi du lịch, đọc sách và gặp gỡ các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà tạo mẫu và các nhà dự báo xu hướng.
Không những thế, họ còn phải lọc ra bảng màu của các bộ phim chiếu rạp và phim truyền hình phát hành trong năm qua và theo dõi các sự kiện nổi bật nhất cũng như các chủ đề được thảo luận trên mạng xã hội. Cuối cùng, Pantone tổng hợp tất cả thông tin này thành một màu duy nhất có khả năng thể hiện đầy đủ chúng. Lấy ví dụ về màu của năm 2021, ta có thể thấy sự kết hợp giữa hai màu Ultimate Grey và Illuminating là sự tích hợp giữa thực và ảo khi các cuộc thảo luận về Metaverse và Web3 phổ biến lúc bấy giờ.
Lịch sử của thương hiệu Pantone
Pantone ra đời vào những năm 1950 ở New Jersey và ban đầu là một công ty bình thường sản xuất bột màu. Năm 1956, họ đã thuê nhà hóa học Lawrence Herbert và công ty đã phát triển lên một tầm cao mới. Lawrence đã hợp lý hóa hoạt động sản xuất mực của công ty và thậm chí đã mua lại thương hiệu này sau đó.
Sau khi đổi tên thành Pantone, vào năm 1963, Herbert đã tạo ra hệ thống kết hợp Pantone (Pantone Matching System là một hệ thống kết hợp màu tiêu chuẩn, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới), trong đó mỗi màu được xác định bằng một dãy số và mỗi nhóm màu sẽ nằm thành một cột. Từ đó, tạo nên một xấp giấy giúp ta có thể dễ dàng nhận biết.
Giải pháp này đã giúp công ty được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Các nhà thiết kế và công ty từ các quốc gia khác nhau đã áp dụng chúng và họ đã nhanh chóng đồng ý sử dụng bảng màu này, biến Pantone trở thành điểm tham chiếu cho các chuyên gia trong ngành.
Năm 1985, công ty thuê chuyên gia màu sắc Leatrice Eiseman làm cố vấn và bổ nhiệm cô lãnh đạo Viện Màu sắc Pantone, một bộ phận của công ty dự đoán màu sắc, tư vấn cho các thương hiệu về cách chọn màu cho sản phẩm của họ và chọn Màu sắc của Năm. Eiseman vẫn lãnh đạo bộ phận này tại Pantone.
Trong thời gian rảnh, cô đã viết một số cuốn sách về màu sắc, trở thành chuyên gia thực sự về chủ đề này và đã cộng tác với nhiều thương hiệu được đánh giá cao, giúp họ nắm bắt được sắc thái chính xác của thương hiệu của mình – ví dụ: màu xanh của nhà kim hoàn Tiffany và màu cam của nhà mốt Hermès,…
Đọc thêm: Giải mã sức ảnh hưởng của màu sắc trong thời trang
Cách Pantone chọn Color of the Year
Năm 1999, khi thiên niên kỷ mới đang đến gần, người sáng lập Pantone đã yêu cầu Eiseman chọn một màu sắc để hướng tới tương lai đầy hy vọng. Với sứ mệnh mang lại cảm giác bình yên cho năm sau, màu xanh thiên thanh (cụ thể là Cerulean Blue 15-4020) đã được chọn, một màu xanh lam nhạt gợi nhớ đến bầu trời không một gợn mây.
Sự lựa chọn này cũng là lời đáp lại sự thống trị của các màu tối trong những năm đó, bao gồm cả đen và nâu. Việc công bố màu Cerulean là màu đầu tiên của năm bất ngờ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới truyền thông, đến mức công ty quyết định tung ra và lặp lại sự kiện này hàng năm.
Đáng chú ý, màu xanh thiên thanh có cùng màu với chiếc áo len được mặc trong một phân cảnh nổi tiếng trong phim The Devil Wears Prada, chứng tỏ màu sắc đã được đưa ra có thể liên quan đến những khía cạnh nhỏ trong cuộc sống của mọi người mà không phải ai cũng nhận ra điều ấy.
Tương tự, việc lựa chọn Color of the Year có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành thời trang và thiết kế hay nhiều lĩnh vực khác. Pantone xứng đáng được ghi nhận vì đã củng cố thành công sáng kiến này, giúp thương hiệu có thể đứng vững trước thử thách của thời gian. Khi màu sắc của năm 2013 gọi tên ngọc lục bảo (Emerald), Sephora đã cho ra mắt bộ sưu tập sản phẩm làm đẹp dựa theo Color of the Year. Cũng từ thuở ấy mà công ty đã mở một bộ phận mang tên Pantone Lifestyle, chuyên sản xuất các đồ vật thiết kế có màu sắc của năm hoặc là những màu nổi bật khác.
Pantone Lifestyle Gallery
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Nss Mag