Demi-couture là gì? Vì sao có những thiết kế rất tinh xảo lại không được gọi là haute couture?

Ngày đăng: 22/02/21

alexander mcqueen campaign 2018

Nguồn gốc của demi-couture bắt đầu phát triển cách đây hơn một thập kỷ, khi thời trang bắt đầu chứng kiến các nhà thiết kế quần áo may sẵn giới thiệu những mẫu sản phẩm có tính thủ công tinh xảo trong bộ sưu tập, các mẫu này có giá cao hơn hàng ready-to-wear trung bình nhưng vẫn thấp hơn so với thời trang cao cấp (haute couture), thường được thương lượng riêng giữa khách hàng và xưởng may và có thể dễ dàng có giá lên đến sáu con số. Các nhà thiết kế tiêu biểu cho dòng sản phẩm này có thể kể đến như Alexander McQueen, John Galliano, Richard Quinn, Valentino và Mary Katrantzou.

Đa phần những ai quan tâm đến thời trang đều nhận biết về khái niệm của hai dòng sản phẩm ready-to-wear (RTW) và haute couture trong các bài viết trước đây của Style-Republik. Nhưng đôi khi, ta dễ bị “mơ hồ” và đặt câu hỏi phải chăng vẫn có những bộ sưu tập nằm giữa những quy chuẩn này?

Vì sao có những thiết kế rất tinh xảo lại không được gọi là haute couture? Và khi nào một thiết kế mới được gọi là haute couture? Cùng tìm hiểu chi tiết hơn với Style-Republik qua bài viết sau đây!

Demi-couture là gì?

Khi thế giới thời trang đang tìm kiếm những thứ mới mẻ nhất trong thời gian ngắn nhất, đó là lúc những bộ sưu tập may sẵn cao cấp lên ngôi, và nó được gọi với cái tên demi-couture. Trong một số bài báo, người ta gọi nó là Ready-To-Couture. Về bản chất, đây vẫn là những sản phẩm may sẵn (ready-to-wear) dễ tiếp cận nhưng được thực hiện với kỹ thuật thủ công tinh xảo, mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giờ làm bằng tay và có thể có giá lên đến hàng trăm ngàn đô la.

Thông thường, đây sẽ là những thiết kế tiêu biểu trong bộ sưu tập hoặc là phiên bản làm lại dựa trên chủ đề chung của mùa và ít khi được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng hay trên trực tuyến.

Sàn diễn của MOSCHINO tại Milan Ready-to-Wear Xuân-Hè 2018
Sàn diễn của MOSCHINO tại Milan Ready-to-Wear Xuân-Hè 2018

Nguồn gốc của demi-couture bắt đầu phát triển cách đây hơn một thập kỷ, khi thời trang bắt đầu chứng kiến các nhà thiết kế quần áo may sẵn giới thiệu những mẫu sản phẩm có tính thủ công tinh xảo trong bộ sưu tập, các mẫu này có giá cao hơn hàng RTW trung bình nhưng vẫn thấp hơn so với thời trang cao cấp (haute couture), thường được thương lượng riêng giữa khách hàng và xưởng may và có thể dễ dàng có giá lên đến sáu con số.

Các nhà thiết kế và thương hiệu tiêu biểu

Các nhà thiết kế tiêu biểu cho dòng sản phẩm này có thể kể đến như Alexander McQueen, John Galliano, Richard Quinn, Valentino và Mary Katrantzou. Kỹ thuật đỉnh cao, tinh tế, kiểu dáng độc đáo cùng những chất liệu quý hiếm đều có thể xuất hiện trong các sản phẩm demi-couture. Thông qua những trang bìa tạp chí bóng loáng, những shoot hình nghệ thuật và trên sàn runway, số lượng khách hàng của dòng sản phẩm này ngày càng tăng lên.

Alexander McQueen Ready-To-Wear Thu-Đông 2020
Alexander McQueen Ready-To-Wear Thu-Đông 2020
Tomo Koizumi Ready-To-Wear Thu 2019
Tomo Koizumi Ready-To-Wear Thu 2019

Alexander McQueen (17/03/1969 – 11/02/2010) đã làm demi-couture trong suốt sự nghiệp của mình – trước cả khi thuật ngữ này trở nên phổ biến – và Sarah Burton (Giám đốc Sáng tạo hiện tại) đã tiếp tục những sáng tạo giống như thời trang cao cấp (haute couture) của nhà thiết kế quá cố, đẩy giới hạn về trang phục may sẵn lên một tầm cao hơn định nghĩa của nó.

Xu hướng “Ready-To-Couture” quay trở lại ở các thương hiệu thời trang cao cấp

Tuy nhiên, Madeleine Vionnet (22/06/1876 – 02/03/1975) mới là người đầu tiên ra mắt các sản phẩm demi-couture, chí ít là người đầu tiên gọi tên một cách chính xác dòng sản phẩm này. Công ty sở hữu thương hiệu Vionnet, Goga Ashkenazi, đã thuê Hussein Chalayan để tạo ra dòng thời trang cao cấp của thương hiệu và trình diễn tại các buổi trình diễn thời trang cao cấp mùa xuân năm 2014. Đó là một bộ sưu tập với những trang phục đầy mê hoặc được làm bằng tay nghề đỉnh cao nhưng có chi phí thấp hơn nhiều so với một sản phẩm thời trang cao cấp (haute couture) vì chúng về cơ bản là “hàng may sẵn”.

Vionnet Haute Couture Thu 2014
Vionnet Haute Couture Thu 2014

Quyết định liều lĩnh này đã được đền đáp – Vionnet củng cố danh tiếng của mình như một thương hiệu quan trọng, ngay cả khi nó đã ngừng trình diễn tại Tuần lễ thời trang cao cấp do không đủ khả năng tài chính. Chalayan sau đó được thuê để làm việc trong các bộ sưu tập quần áo may sẵn của thương hiệu. Trong khi đó, công việc kinh doanh thời trang cao cấp của Vionnet vẫn tiếp tục ở phía sau, chỉ phục vụ khách hàng tư nhân.

Richard Quinn Ready-To-Wear Xuân-Hè 2020
Richard Quinn Ready-To-Wear Xuân-Hè 2020

Trở lại Paris Couture Week Xuân-Hè 2019, Olivier Rousteing đã tiếp bước nhà sáng lập Pierre Balmain để ra mắt bộ sưu tập haute couture của mình cho thương hiệu và kết thúc giai đoạn 16 năm kể từ khi Balmain chính thức ngừng trình diễn các bộ sưu tập thời trang cao cấp. Đối với cá nhân Olivier Rousteing, đó là sự tiến bộ khi thực hiện một bộ sưu tập đòi hỏi chi phí cao và sự đầu tư cực kỳ lớn về chất xám. Balmain Haute Couture Xuân-Hè 2019 mang đậm phong cách vị lai đã thể hiện tính sáng tạo tuyệt vời của anh với những mẫu đầm lông vũ hay jumpsuit mất đến 1200 giờ làm bằng tay một cách tỉ mỉ bởi 6 nghệ nhân.

Balmain Haute Couture Xuân-Hè 2019
Balmain Haute Couture Xuân-Hè 2019

Vì sao một sản phẩm demi-couture lại không thể được gọi là haute couture?

Vậy, cách nhận biết sản phẩm demi-couture và haute couture là gì? Thành thật mà nói, đối với những người ngoài ngành, đa số các trang phục demi-couture thực sự không thể phân biệt được với những bộ haute couture tương đương. Nhưng đối với những người theo chủ nghĩa tôn thờ thời trang thuần túy, sự khác biệt không thể gay gắt hơn.

Bản thân thuật ngữ Haute Couture – “thời trang cao cấp” được luật pháp của Pháp và phòng thương mại Paris (Paris Chamber of Commerce) bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, một thương hiệu không thể tùy tiện gọi mình là “Haute Couture” khi không được Chambre Syndicale de la Haute Couture (Nghiệp đoàn may đo cao cấp) công nhận là thành viên của của hiệp hội. Đây là cơ quan quản lý và xác định thương hiệu nào có đủ điều kiện để trở thành một nhà mốt cao cấp thật sự hay không. Bởi hãng thời trang đó phải là thành viên của cơ quan này và tuân thủ các quy tắc khác nhau để có quyền tự gọi mình là Haute Couture.

Guo Pei được xác nhận là thành viên khách mời của Nghiệp đoàn may đo Paris và tham gia trình diễn tại Paris Couture Week mỗi mùa
Guo Pei được xác nhận là thành viên khách mời của Nghiệp đoàn may đo Paris và tham gia trình diễn tại Paris Couture Week mỗi mùa

Các quy tắc bao gồm việc giới thiệu một bộ sưu tập đầy đủ gồm ít nhất 25 thiết kế – bao gồm trang phục ban ngày và trang phục dạ hội – vào mỗi tháng Một và tháng Bảy tại các Paris Couture Week, có một xưởng may ở Paris, sở hữu ít nhất 20 nghệ nhân toàn thời gian, tất cả đều để thiết kế quần áo cho khách hàng tư nhân, sử dụng những chất liệu cao cấp với kỹ thuật xử lý thủ công. Tuy nhiên, vẫn có một vài thương hiệu được gọi là thành viên khách mời/không chính thức và tham gia vào Paris Couture Week như Fendi Couture, Versace Atelier (trước đây) hay Iris Van Herpen và Guo Pei,…

Dior Haute Couture Xuân-Hè 2015
Dior Haute Couture Xuân-Hè 2015

Tại Việt Nam, định nghĩa về haute couture không còn quá xa lạ, mặt khác còn bị lạm dụng quá mức. Nhiều thương hiệu đã gắn thuật ngữ này với tên thương hiệu hoặc các dòng sản phẩm để đánh bóng tên tuổi và tăng giá bán của sản phẩm.

Quay trở lại với những tranh cãi xoay quanh khía cạnh vì sao các nhà thiết kế như Alexander McQueen, Mary Katrantzou tuy với kỹ thuật đỉnh cao cùng những tác phẩm thời trang đầy duy mỹ lại không thể được gọi là “haute couture” và không được Nghiệp đoàn may đo cao cấp Paris công nhận.

Demi-couture dường như là câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề này. Khi thương hiệu lựa chọn theo hướng demi-couture, họ không nhất thiết phải tham gia bất kỳ một nghiệp đoàn nào, không cần phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt hay phụ thuộc vào một nhóm lợi ích nào. Thương hiệu cũng có thể thoải mái giới thiệu những sản phẩm cao cấp có giá cả phải chăng hơn haute couture, thoát khỏi áp lực phải trình diễn ít nhất 50 trang phục và cả những chi phí để được gắn mác haute couture. Bên cạnh đó là việc có thể đặt xưởng may ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điều này tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho thương hiệu, đặc biệt là không phải trải qua rất nhiều buổi fitting (thử đồ) cho người mẫu như khi trình diễn haute couture.

Mary Katrantzou Ready-to-Wear Thu 2019
Mary Katrantzou Ready-to-Wear Thu 2019
Marc Jacobs Ready-to-Wear Xuân-Hè 2020
Marc Jacobs Ready-to-Wear Xuân-Hè 2020

Đối với khách hàng, demi-couture là một lựa chọn hấp dẫn. Chiếc váy đính cườm công phu mà bạn nhìn thấy trên đường băng có thể là của bạn với giá chưa đến một phần ba so với số tiền bạn phải trả ở một nhà mốt may đo cao cấp (haute couture). Ngoài ra, mỗi thiết kế hầu hết là độc nhất vô nhị và khách hàng có thể yêu cầu thương hiệu tùy chỉnh để thiết kế trở nên vừa vặn với cơ thể mình.

Celine Ready-to-Wear Xuân-Hè 2019
Celine Ready-to-Wear Xuân-Hè 2019
Lady Gaga xuất hiện tại Grammy 2019 với thiết kế được làm lại từ Celine Ready-to-Wear Xuân-Hè 2019 (Ảnh: Jetsetter)
Lady Gaga xuất hiện tại Grammy 2019 với thiết kế được làm lại từ Celine Ready-to-Wear Xuân-Hè 2019 (Ảnh: Jetsetter)

Thị trường demi-couture đang ngày càng lớn mạnh khi ranh giới giữa thời trang dùng một lần và thời trang cao cấp đang dần bị xóa nhòa. Nó sẽ tiếp tục phát triển và khỏa lấp những mong đợi của khách hàng về những bộ trang phục cao cấp, độc đáo nhưng dễ tiếp cận hơn.

Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Sưu tầm