Di sản của Peter Lindbergh: Dior qua lăng kính một huyền thoại
Ngày đăng: 16/11/19
Cống hiến cuối cùng mà Lindbergh dành cho nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng là sự hợp tác cùng nhà mốt xứ kinh kỳ Paris, bộ sách mới gồm hai tập “Dior/Lindbergh” hé lộ những hình ảnh chưa từng công bố trong lịch sử Dior.
Chia tay cõi tạm đầu năm nay, nhưng các di sản của ông vẫn tiếp tục được hoàn thiện bởi thế hệ đi sau. Bên cạnh kho tàng đồ sộ dành cho nhân loại trong bốn thập kỷ lao động không mệt mỏi, giờ đây, một vài hình ảnh chưa được công bố dành cho Dior sẽ được tổng hợp lại trong tập sách “Dior/Lindbergh”. Trong dự án lần này, hơn tám mươi kiệt tác nhà Dior được đắm chìm trong thứ ánh sáng của phong cách Verité (Chân thật) đặc trưng của nhiếp ảnh gia đại tài, được khoác lên đôi vai của những nàng thơ mà Lindbergh vô cùng quý mến như Alek Wek, Karen Elson, Freja Beha Erichsen, Amber Valletta, Sasha Pivovarova…
Với tiêu đề “Dior/Lindbergh”, cuốn sách là đứa con chung cuối cùng của ông với Dior. Ở quyển đầu tiên, New York, thành phố năng động rất xa số 30 Avenue Montaigne, nơi trái tim nhà mốt đang đập từng nhịp, lần đầu tiên chứng kiến lịch sử bảy mươi năm phát triển của thương hiệu. “Ông mong muốn chụp lại tám mươi tác phẩm, phản ảnh lịch sử Dior, ngay trên đường phố New York.” Giám tuyển dự án, Martin Harrison, chia sẻ về tập sách. “Đây vừa là một kiệt tác được tái hiện lại, vừa là một sự ngông cuồng điên rồ. Một con số khổng lồ chưa từng thấy, hơn một trăm trang phục cao cấp vô giá, được đưa ra khỏi Bảo tàng Dior, đóng thùng cẩn thận và chuyển đến Manhattan.”
“Đây vừa là một kiệt tác được tái hiện lại, vừa là một sự ngông cuồng điên rồ. Một con số khổng lồ chưa từng thấy, hơn một trăm trang phục cao cấp vô giá, được đưa ra khỏi Bảo tàng Dior, đóng thùng cẩn thận và chuyển đến Manhattan.”
Kết quả là sự bùng nổ cảm xúc. Nàng Alek Wek đứng chờ xe cùng bộ bar jacket nguyên bản huyền thoại năm 1947. Trong khi bộ ba Selena Forrest, Felice Noordhof, và Sara Grace Wallerstedt băng vội qua ngã tư đông người trong các kiệt tác của John Galliano cuối thập niên 90. Các thiết kế khác của Marc Bohan, Gianfranco Ferré, Raf Simons, và giám đốc sáng tạo hiện tại Maria Grazia Chiuri cũng xuất hiện trong ấn phẩm lần này.
Quyển còn lại mang tên “Archive”(Lưu trữ) tổng hợp các tác phẩm ấn tượng nhất mà Lindbergh dành cho Dior. Đối chiếu cùng kho lưu trữ của ông cũng như vô số các ấn phẩm, sách ảnh, tạp chí danh tiếng trên toàn thế giới. Đây là BST tôn vinh sự công hiến của nhiếp ảnh gia tài ba Lindbergh và thể hiện mối quan hệ sâu sắc, đẹp đẽ giữa hai trụ cột ngành công nghiệp thời trang.
Biên dịch: Hiếu Lê
Theo L’officiel Singapore