Điều gì đằng sau chiến lược tuyển dụng 25.000 nhân viên Gen Z của Tập đoàn LVMH?
Ngày đăng: 30/09/21
Vừa qua, một thông tin được công bố trong giai đoạn ảm đạm của nền kinh tế như hiện nay: Gã khổng lồ hàng hóa xa xỉ LVMH đã vạch ra kế hoạch tiến hành một đợt tuyển dụng lớn, với đối tượng thuộc Gen Z và millennials. Điều gì đằng sau chiến lược tuyển dụng 25.000 nhân viên GenZ của Tập đoàn LVMH? Ý nghĩa của nó là gì? Và liệu điều này có thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự của ngành thời trang?
Cụ thể, Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực thời trang, LVMH có trụ sở tại Paris với khoảng 165.000 nhân viên hiện tại đang muốn bổ sung 25.000 nhân sự có độ tuổi dưới 30 tuổi vào lực lượng lao động của mình vào cuối năm 2022. Chantal Gaemperle, giám đốc nhân sự và hiệp lực của tập đoàn, cho biết: “Vào thời điểm cuộc khủng hoảng hiện nay đặc biệt ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ và tác động đến khả năng được tuyển dụng của họ, LVMH dự định sẽ đồng hành và hỗ trợ họ một cách cụ thể để xây dựng sự nghiệp.”
Điều gì đằng sau chiến lược tuyển dụng 25.000 nhân viên GenZ của Tập đoàn LVMH? Theo tờ Business of Fashion phân tích, yếu tố xã hội, cơn khát nhân tài cũng như thiếu thốn nhân lực đã thúc đẩy LVMH phải hành động.
Áp lực đa dạng hóa nhân sự trong các công ty thời trang
Trong thông tin về “Inside LVMH” – chương trình đào tạo của LVMH đề ra từ trình độ thủ công đến kỹ năng quản lý đa dạng, có nhấn mạnh yếu tố về “Những người trẻ tuổi trên khắp thế giới, bất kể nền tảng hay trình độ”. Điều này có thể lý giải, sau làn sóng Black Lives Matter, nhân sự của ngành thời trang cũng dần được xã hội quan tâm nhiều hơn về vấn đề đa dạng hoá. Năm 2017, Business of Fashion đã thống kê trong 15 công ty thời trang lớn và đưa ra kết luận 73% các giám đốc điều hành là nam giới da trắng. Sự có mặt của người da màu chỉ chiếm 11% trong ban giám đốc tại các công ty này.
Mặc dù, theo báo cáo của McKinsey & Company có tên gọi “Delivering through Diversity”, cho thấy các công ty có sự đa dạng về văn hóa/dân tộc có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn 43%, vì họ có khả năng thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như cải thiện các dịch vụ khách hàng. Sau các cuộc phản đối công bằng xã hội năm ngoái, nhiều công ty đang cảm thấy áp lực phải tăng cường nỗ lực đa dạng hóa lực lượng lao động của họ.
Tình trạng thiếu lao động tay nghề ngày càng tăng
Tái khởi động chương trình “Métiers d’Excellence”, đặc biệt là ra mắt với một sự kiện vào ngày 19 tháng 10 nhằm tôn vinh những tài năng trong lĩnh vực chế tác trang phục. Mục tiêu của chương trình “Métiers d’Excellence” của LVMH là đẩy nhanh việc truyền đạt các kỹ nghệ cho thế hệ trẻ, để từ đó tuyển dụng thế hệ tiếp theo, tránh cho các tay nghề bị mai một.
Nhiều năm trở lại đây, nhiều công ty thời trang đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi lực lượng lao động của họ già đi và ngày càng ít người trẻ muốn gia nhập vào ngành với các vai trò có mức lương thấp, trong khi các công ty xa xỉ của châu Âu cần tìm một thế hệ công nhân mới có chuyên môn hóa để sản xuất quần áo, đồ trang sức và đồ da – mảng hàng chủ lực của họ.
Có cơ hội thăng tiến mới có thể giữ chân nhân viên
Ngành thời trang là một cánh cửa hẹp. Trước đây, các ngôi nhà thời trang và làm đẹp thường ưu tiên cho các ứng viên xuất thân khá giả và có bằng cấp từ các ngôi trường hàng đầu, với lý do họ có am hiểu nhất định về tầng lớp khách hàng của thương hiệu. Những nhân sự này chấp nhận vai trò thực tập sinh với mức lương tượng trưng để có cơ hội trở thành quản lý về sau. Tuy nhiên, vậy cánh cửa nào mở ra cho những người không có cơ hội bước chân vào ngôi trường nghệ thuật hay xuất thân từ tầng lớp bình dân?
Các ứng viên đầu vào ngày nay không chỉ hy vọng có một công việc; họ đang tìm kiếm những kỹ năng hữu hình sẽ giúp họ đạt được thành công lâu dài.
Để xây dựng đội ngũ nhân viên tài năng, giờ đây các công ty phải thực sự tạo cơ hội được đào tạo và được thăng tiến cho các nhân viên từ tầng lớp thấp nhất của mình. Từ đó mới có hi vọng để giữ chân họ. “Các ứng viên đầu vào ngày nay không chỉ hy vọng có một công việc; họ đang tìm kiếm những kỹ năng hữu hình sẽ giúp họ đạt được thành công lâu dài.” – tờ Business of Fashion nhận định.
Đó là nguyên nhân LVMH thực hiện từ “gốc” – xây dựng mô hình đào tạo và hứa hẹn cơ hội nghề nghiệp cho các ứng viên. Điều này có thể khiến các công ty thời trang khác noi theo? Rất có thể, vì nếu làm tốt họ có được nhân sự có năng lực và chuyên môn phù hợp, đồng thời sở hữu lòng tin và sự trung thành với công ty. Yếu tố mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng khao khát và “đãi cát tìm vàng” giữa thị trường lao động hiện nay.
Thực hiện: K.