Dior Cruise 20/21: Ánh sáng của hy vọng từ miền Nam nước Ý
Ngày đăng: 24/07/20
Bộ sưu tập dành cho mùa nghỉ dưỡng đã trở thành một phần quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang. Nhưng đại dịch đã khiến cho nhiều thương hiệu phải suy nghĩ lại về chi phí, tác động đến môi trường và sự kiệt sức của các nhà thiết kế, một vài ngôi nhà thời trang đã ra quyết định từ bỏ việc ra mắt bộ sưu tập theo mùa.
Dior thì không chọn lựa giải pháp đó. Giám đốc điều hành của Christian Dior, ông Pietro Beccari có một niềm tin vô cùng vững chắc vào bộ sưu tập cruise khi chia sẻ: “Mỗi người đều biết đâu là điều tốt nhất cho thương hiệu của mình! Dior đã tồn tại và phát triển từ năm 1946 bằng sự nhiệm màu và năng lượng được tạo ra từ các buổi trình diễn. Đó là DNA của chúng tôi; Đó là thương hiệu của chúng tôi!”. Ông nói thêm, “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Dior sẽ tiếp tục các bộ sưu tập “pre-season”. Ngoài ra, đây cũng là cách mà chúng tôi chia sẻ câu chuyện thương hiệu của mình.”
Đó là lý do vì sao nhà mốt nước Pháp lại đi đến những quyết định phi thường như vậy với một đêm diễn tuyệt diệu giữa quảng trường Piazza del Duomo tại Lecce, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Puglia nơi gót giày của Ý. Bên cạnh các người mẫu, đội ngũ nhân viên hùng hậu của Dior, có một số ít khán giả tham dự. Đó là những người dân địa phương hướng ánh nhìn của mình từ hàng ghế đầu, nơi ban công quanh quảng trường. Còn các người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, biên tập viên báo chí thường có mặt trong các buổi tiệc Dior đã dõi theo đêm diễn cùng 20 triệu người xem trực tuyến khác – theo Beccari ước đoán.
“Dior đã tồn tại và phát triển từ năm 1946 bằng sự nhiệm màu và năng lượng được tạo ra từ các buổi trình diễn. Đó là DNA của chúng tôi; Đó là thương hiệu của chúng tôi!”- Pietro Beccari – CEO của Dior
Người dân địa phương chính là chủ thể chính trong câu chuyện lần này. Từ những mùa gần đây, Maria Grazia Chiuri luôn cố gắng lồng ghép vào các thiết kế những kỹ thuật thủ công truyền thống bằng cách kết hợp với các nghệ nhân, nghệ sĩ địa phương. Nổi bật trong số ấy chính là lần hợp tác với nghệ sĩ gốc Phi Pathe’O để mang các bản in đầy màu sắc và tuyệt đẹp của lục địa đen vào bộ sưu tập cruise 20 tại Marrakech, Ma-rốc.
Bộ sưu tập lần này là một điều gì đó rất đặc biệt và ý nghĩa hơn rất nhiều đối với Maria. Bởi đây chính là quê hương mà người cha của bà sinh ra và lớn lên. Maria đã đưa các kỹ thuật đan len, thêu đính ren cùng các họa tiết đặc trưng của vùng đất Lecce trên hàng loạt thiết kế bar, đầm tulle,… kinh điển của Dior một cách nhẹ nhàng nhưng cũng thật đậm đà bản sắc văn hóa nơi đây.
Các mảnh vải dệt được tạo ra bởi Quỹ Le Constantine, được thành lập bởi hai chị em Giulia và Lucia Starace để bảo tồn hình thức dệt may thủ công này.
Bên cạnh đó là không gian trình diễn tuyệt vời được thắp sáng bởi công trình Luminarie của nghệ sĩ Marilena Sparacsi dựa trên các họa tiết kính vạn hoa mà Maria từng tạo ra ở các mùa trước. Đây là tập hợp của 30 000 bóng đèn LED và 2 km dây cáp cùng 60 tấn giàn giáo bằng thép mất 12 ngày để hoàn thiện. Có thể nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua lễ hội Kobe Luminarie, một sự kiện kéo dài từ mùa Thu đến Đông, đường phố trở nên lung linh dưới ánh đèn tuyệt diệu được sắp đặt trên các khung vòm theo phong cách Baroque hay Sicilian mang đậm âm hưởng Công Giáo La Mã.
Tất cả nỗ lực này như một thông điệp mạnh mẽ mà Maria cùng Dior muốn trao gửi đến chúng ta. Giữa thời khắc này, niềm hy vọng và ánh sáng chính là những gì sẽ xoa dịu nhân loại, và thay vì cứ mãi kêu khóc, hãy tạo nên ánh sáng và vượt qua khó khăn hiện tại.
Điều đó đã được chứng minh qua sự kiên quyết của thương hiệu xứ Paris khi “chu toàn” đầy đủ trách nhiệm của một nhà thời trang. Từ thước phim giới thiệu các tuyệt tác haute couture đẹp như bước ra từ xứ sở thần tiên, sự kiện quảng bá cho bộ sưu tập Air Dior, triển lãm “Christian Dior: Designer of Dreams” tại Thượng Hải, Dior Men bởi Kim Jones và mới đây là Dior cruise.
90 thiết kế trong bộ sưu tập là bản giao hưởng của những váy yếm, váy tua rua, áo len đan bằng tay,… “Thời trang phải thoải mái, đó cũng là một phần trong DNA của tôi.” Maria chia sẻ. Cô đã lớn lên cùng những chiếc áo Greco-Roman rộng rãi, có phần xuề xòa, một thứ hoàn toàn xa lạ với các tiêu chuẩn đường cong nghiêm ngặt, vốn trở thành biểu tượng của Quý ngài Dior. Để có thể dung hòa sự thoải mái với chuẩn mực thẩm mỹ của thương hiệu, cô đã tạo nên các thiết kế corset bằng da mặc ngoài những bộ váy ren, tulle mềm mại, không cấu trúc cũng không cứng nhắc.
Lớn lên cùng với cha mình tại Puglia, Maria có một tình cảm đặc biệt thiêng liêng với nơi này, và nó cùng nằm trong dự án nữ quyền của cô. “Việc giúp cho người dân địa phương hiểu được giá trị truyền thống của họ là một điều cực kỳ quan trọng” Cô nói. “Có lẽ điều mà tôi nhận ra trong suốt bốn năm làm việc tại Dior chính là, ở Paris, mọi người rất tự hào về truyền thống của họ; thời trang là một phần trong di sản văn hóa của kinh đô ánh sáng. Nhưng tôi không thấy thái độ tương tự ở Ý. Có lẽ vì truyền thống nơi đây được tạo ra bởi những người phụ nữ làm việc ở nhà và họ không nghĩ nó là sáng tạo và không ca ngợi nó. Với chương trình này, tôi hy vọng có thể đưa ra một góc nhìn khác cho người dân địa phương về điều đó. Nó không chỉ là cuộc đối thoại giữa chúng tôi, mà rộng hơn là sự sẻ chia của các vùng đất.”
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: Vogue