Dior gặp khủng hoảng tại Trung Quốc: Các nhà mốt thiếu kinh nghiệm sống ở quốc gia sở tại
Ngày đăng: 19/10/19
Dior tiếp tục là thương hiệu gặp phải khủng hoảng lớn sau khi trình bày bản đồ Trung Quốc nhưng không có Đài Loan tại một sự kiện ở trường đại học. Mặc dù đã nhanh chóng gửi lời xin lỗi trên phương tiện truyền thông Trung Hoa nhưng các chuyên gia cho rằng nhà mốt Pháp cần thực hiện nó trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 16/10 vừa qua, Dior thực hiện một workshop tại Đại học Gongshang, Chiết Giang, nhưng ở phần trình bày bản đồ Trung Quốc, thật bất ngờ rằng nó không hề có sự xuất hiện của Đài Loan. Chỉ khi một sinh viên đặt câu hỏi về sự mất tích vô lý này, người dẫn chương trình mới biện minh rằng Đài Loan quá nhỏ để có thể thấy trên bản đồ. Tuy nhiên, sinh viên đó liền chỉ tay vào đảo Hải Nam, nhỏ hơn nhiều so với Đài Loan, nhưng vẫn xuất hiện rõ ràng.
Trong vòng 12 giờ đồng hồ, một một đoạn video về vụ việc này đã thu hút 1 triệu lượt xem và 2.000 bình luận trên Weibo. Sai lầm đáng tiếc này của Dior đã gây ra cơn phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Những người này đang ngày càng nhạy cảm với hàng loạt sự hiểu nhầm về văn hóa và địa lý của các thương hiệu phương Tây.
Dior đã đăng lời xin lỗi của mình trên Weibo sau vài giờ, nói rằng họ lấy làm tiếc vì sự cố này, và thêm rằng vụ việc được gây ra bởi các nhân viên thuộc bộ phận nhân sự của sự kiện trong khuôn khổ trường học chứ không hề phản ánh quan điểm của doanh nghiệp. Điều này càng khiến người tiêu dùng Trung Quốc thêm khó chịu, họ cảnh báo rằng Dior có thể làm cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều.
Dior có thể khiến cuộc khủng hoảng lớn hơn dự tính
Tuy nhiên, cho đến nay, Dior vẫn chưa hề đưa ra một lời xin lỗi nào trên phạm vi toàn cầu, ở các kênh truyền thông xã hội phương Tây, và nó khiến cộng đồng Trung Hoa cảm nhận sự thiếu chân thành của thương hiệu xa xỉ Pháp. Họ cho rằng, lời xin lỗi phải được thực hiện không chỉ tại đất nước có scandal mà còn trên phạm vi quốc tế.
Dolce & Gabbana, Versace và đến lượt Dior…
Không ít thương hiệu phương Tây phải hứng chịu tổn thất nặng nề về doanh số bán hàng tại Trung Quốc sau khi mắc lỗi văn hóa và chính trị. Đáng chú ý, Dolce & Gabbana đã chứng kiến doanh số gần như bị xóa sổ của mình tại thị trường béo bở nhất này sau khi tung một video quảng cáo có người mẫu Trung Hoa đang gắng ăn pizza vụng về bằng đũa. Lời xin lỗi nửa vời và chậm trễ của nhà mốt đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến cộng đồng người tiêu dùng của quốc gia này ngay lập tức xa lánh và nói không với sản phẩm xa xỉ của hãng.
Versace cũng rơi vào vũng bùn trong thời gian vừa qua sau khi ra sản phẩm áo phông thể hiện Hồng Kông là một quốc gia riêng biệt với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã phản ứng khá nhanh chóng, đưa ra lời xin lỗi trên Weibo trong khoảng 12 phút sau khi câu chuyện có dấu hiệu vượt ngoài kiểm soát. Tuy nhiên, cư dân mạng vẫn phàn nàn về việc không có lời xin lỗi nào trên phương tiện truyền thông phương Tây. Do đó, người sáng lập thương hiệu – Donatella Versace đã phải gửi lời xin lỗi trên các tài khoản xã hội khác như Facebook, Twitter và Instagram.
Tại sao các thương hiệu vẫn dẫm lên vết xe đổ? Theo Di Lieto, câu trả lời rất đơn giản. Một thực tế đơn giản là, các công ty ở mức độ khác nhau vẫn đang suy nghĩ theo lối tư duy phương Tây, và mong đợi tư duy ấy sẽ thích ứng với thị trường Trung Hoa. Sự cố lần này của Dior nhấn mạnh sai lầm chết người ấy của họ.
Muốn thoát khỏi tình trạng tương tự xảy ra, nhà mốt Pháp nói riêng và các thương hiệu phương Tây nói chung cần kinh nghiệm sống ở Trung Quốc, và thực hành tốt trong việc xử lý khủng hoảng.