Dior Thu Đông 2024: Tính nữ đặc trưng qua lăng kính Miss Dior 1967
Ngày đăng: 02/03/24
Gặp lại tiếng nói đương đại với ý niệm giải phóng phụ nữ rất khác của “Miss Dior 1967” thông qua BST Dior Thu Đông 2024.
Trong khi các thương hiệu xa xỉ khác đang cố gắng nắm bắt những xu hướng thịnh hành đang được giới mộ điệu quan tâm và lăng xê hết mực để củng cố địa vị của mình, Maria Grazia Chiuri lại chọn cho nhà mốt nước Pháp một nước đi rất riêng khi trình làng BST Dior Thu Đông 2024 với nguồn cảm hứng đến từ kho lưu trữ đương đại của Dior trong quá khứ, để làm tiền đề cho giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của thương hiệu trong thời điểm hiện tại.
Đến với BST Dior Thu Đông 2024, Maria Grazia Chiuri mang đến một sàn diễn chứa đựng thật nhiều hoài niệm với những thiết kế được lấy cảm hứng từ quá khứ của BST “Miss Dior 1967”. Lòng kính trọng đối với người tiền nhiệm Marc Bohan của Maria Grazia Chiuri không chỉ được thể hiện qua những sắc màu tối giản, phom dáng thời thượng quen thuộc của thập niên 60, mà đó còn cách nhà thiết kế người Ý sử dụng những họa tiết mang dáng dấp của môn nghệ thuật ra là những họa tiết graffiti trên các thiết kế để gửi gắm chân tình của mình.
Quay trở về quá khứ của năm 1967 – giai đoạn không chỉ Dior mà cả địa hạt thời trang cao cấp bắt đầu có sự thay đổi đáng kể, Marc Bohan nối tiếp sứ mệnh của Yves Saint Laurent để đưa Christian Dior trở thành người dẫn đầu định hình sự sang trọng, đem đến định nghĩa về sự tinh tế, thanh lịch dành riêng cho giới thượng lưu thông qua các BST. Cũng ở thời điểm đó, ông lớn nước Pháp đem đến bản đồ ngành công nghiệp tỷ đô toàn cầu dòng thời trang mang tên Miss Dior – một nhánh xa xỉ khác của thương hiệu dành cho giới trẻ, với giá thành dễ tiếp cận và tủ đồ được lấp bởi những items có thiết kế đơn giản và tinh gọn hơn.
Marc Bohan gia nhập Dior trong thời kỳ chuyển giao và đã thành công trong việc cách mạng hóa hình ảnh đặc trưng của thương hiệu. Tập trung vào những đường nét gọn gàng, tinh tế, khác xa với những thiết kế “đồ sộ” của người tiền nhiệm, Yves Saint Laurent. Luôn đặt người phụ nữ vào trọng tâm, các thiết kế của Bohan tập trung vào tôn vinh tính sang trọng trong sự tối giản. Triết lý thiết kế của Marc Bohan được gói gọn trong phương châm: “N’oubliez pas la femme” (tạm dịch: Đừng quên phụ nữ). Quả thật, một cuộc cách mạng trong thiết kế đã được mở ra không chỉ trong kho tàng di sản lâu năm của Dior mà còn có tác động không nhỏ tới xu hướng ăn mặc ở giai đoạn đó. Khi Marc Bohan tiên phong cởi bỏ những “tiêu chuẩn về cái đẹp” như corset, váy lót cầu kỳ để thay vào đó với cấu trúc trang phục tinh gọn, dễ sản xuất hàng loạt và phù hợp với thị hiếu đại chúng cũng như thời đại.
Nối tiếp di sản, ý niệm giải phóng phụ nữ hòa trong tiếng nói đương đại một cách đầy mạnh mẽ đã được Maria Grazia Chiuri gửi gắm thông qua những BST Dior Thu Đông 2024. Kho lưu trữ với những thiết kế mang tính biểu tượng của ngôi nhà xa xỉ nước Pháp như váy chữ A, áo cổ lọ, áo khoác bông oversized với điểm nhấn ở thắt eo,… đã được Chiuri remake với hơi thở hiện đại, thêm thắt vào bằng những hoạt tiết hợp mốt như: họa tiết caro với 2 tone đen trắng làm chủ đạo, cổ viền cườm với đường chỉ dọc chính diện, vest khuy hai hàng nút cùng cổ theo lối cổ điển hoàng gia Anh…
Khi được trình làng tại sàn diễn thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang Paris, không ít câu hỏi về việc có hay không việc BST Dior Thu Đông 2024 sẽ trở thành bản sao trong quá khứ của Miss Dior hay không? Thì áo sơ mi bung cúc đầy phóng khoáng, dây chuyền vàng nhấn nhá cho bộ trang phục màu trung tính, chân váy chữ A đi liền với quần tất đen quyến rũ,… tất cả những yếu tố đương đại được hiện lên đầy rõ nét dưới góc nhìn nghệ thuật hiện đại của Chiuri sẽ là câu trả lời xác đáng cho những thắc mắc trên.
Bên cạnh đó, cảm hứng bản địa và thiên nhiên của năm 1967 với họa tiết đan mây, chất liệu tre và nứa cũng được tái hiện trong show diễn Dior Thu Đông 2024. Nếu như ở thập niên 60, nữ nghệ sĩ người Ý Gabriella Crespi là người góp phần tạo nên không gian thiên nhiên thân thuộc thì ở năm 2024, nghệ sĩ đa phương tiện Shakuntala Kulkarni là người được Maria Grazia Chiuri lựa chọn để sắp đặt không gian khán phòng. Vẫn là sàn diễn với tre và nứa, song, ở những bí ẩn về nét đẹp của cơ thể, của tâm hồn người phụ nữ lại chính là linh hồn của những chiếc áo giáp tre, nứa truyền thống của những nữ chiến binh Ấn.
Lựa chọn lấy cảm hứng từ một trong những BST mang tính biểu tượng nhất của kho lưu trữ Dior trước bối cảnh hàng loạt đối thủ khác như Gucci Thu Đông 2024, YSL Thu Đông 2024 đang chạy đua để bắt kịp các xu hướng mới của địa hạt thời trang của nhà mốt nước Pháp, đang trở thành đề tài được giới mộ điệu và các nhà phê bình thời trang quan tâm và bàn luận. Tuy nhiên, xét về hiệu quả truyền thông của show diễn cũng như chiến lược truyền thông của thương hiệu, Dior có lẽ đã đạt được mong muốn của mình.
Ngay sau khi hàng loạt báo chí đưa tin về sự tác hợp sau 9 năm đằng đẵng của Dior và biểu tượng thời trang Rihanna chưa lâu thì trong sau diễn vừa qua, Dior đã thành công khuấy đảo mọi mặt trận trên các nền tảng mạng xã hội nhờ sức hút của dàn đại sứ thương hiệu, đơn cử chính là 2 nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc như: Jisoo (BLACKPINK) và Mingyu (SEVENTEEN).
Thực hiện: Khánh Hòa