Đồ án tốt nghiệp sinh viên thiết kế thời trang Đại học Văn Lang
Ngày đăng: 13/09/19
Cùng Style-Repubik gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ 04 nhà thiết kế trẻ vừa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang trường Đại học Văn Lang: Nguyễn Thị Yến Vi, Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Phan Uyên Phương, Nguyễn Thiện Mỹ Duyên.
Với niềm đam mê thời trang, sự sáng tạo và nguồn năng lượng tuổi trẻ, họ đã làm nên những bộ sưu tập thời trang tốt nghiệp được đánh giá cao tại trường.
Nguyễn Thị Yến Vi
“Dear my fairy, Tasha” là tên của bộ sưu tập tốt nghiệp của Nguyễn Thị Yến Vi, lấy ý tưởng từ khu vườn và cuộc sống xung quanh của nữ họa sĩ người Mỹ Tasha Tudor. Yến Vi, với niềm đam mê màu sắc cổ điển, đã cảm thấy sự kết nối với Tasha, cũng sự kết nối đó thành nguồn cảm hứng, để làm nên ý tưởng chính xuyên suốt của bộ sưu tập.
Chia sẻ với Style-Republik, Yến Vi cho biết: “Mình đến với thời trang bằng sự chọn lựa ngẫu nhiên, tuy nhiên thời trang cũng gần như là cả tuổi trẻ mà mình đã và sẽ gắn bó. Sống với thời trang, mình như được sống trong thế giới của chính mình, với những gì mình có thể làm tốt nhất từ niềm đam mê. Mình nghĩ phiên bản trong tương lai, mình sẽ dần hoàn thiện bản thân hơn, chín chắn hơn, và tạo nên những thiết kế thời trang riêng biệt.”
Mặc dù còn rất trẻ, Yến Vi đưa ra nhận định khá tỉnh táo về việc ra mắt thương hiệu thời trang riêng sau khi ra trường: “NTK trẻ bây giờ đó chính là quá nóng vội, khi mà họ chưa trang bị đủ kinh nghiệm và một tâm lý chịu đựng sự thất bại. Và một lí do khác nữa đó chính là cái tôi của họ quá lớn lấn át cả mục đích chính khi họ muốn mở ra một thương hiệu riêng mình, họ không nghiên cứu kỹ về đối tượng họ hướng đến và tiềm năng của đối tượng đó.” Đồng thời Yến Vi cũng đưa ra quan điểm cá nhân việc việc đúc kết kinh nghiệm thời trang, từ việc quan sát những anh chị đi trước: “Mình cũng có biết vài anh chị và các bạn trên mạng xã hội, họ chọn du học ngành thiết kế thời trang sau khi ra trường. Mình cảm thấy nếu được cơ hội này thì sẽ rất thích thú vì mình sẽ được mở mang thế giới kiến thức về thời trang còn hạn hẹp của mình, vì đến các nước khác nơi nền công nghiệp thời trang của họ đã rất phát triển, mình sẽ học hỏi được rất rất nhiều điều khác lạ để phát triển bản thân.”
Dự định trong tương lai của Yến Vi là “tạo nên cho mình một thương hiệu riêng phù hợp với cái tôi và thị hiếu của thị trường Việt Nam” và “trau dồi thêm về mảng kinh doanh thời trang” để phát triển tốt thương hiệu của riêng mình.
Nguyễn Thành Đạt
Nguyễn Thành Đạt với ý tưởng từ Công Trình Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh đã ra mắt bộ sưu tập với tên gọi là “Tam Kỳ” trong “Đại Đạo – Tam Kỳ – Phổ Độ”.
Bạn sinh viên sinh năm 1996 cho biết: “Ấn tượng nhiều nhất đối với tôi khi đứng trước Tòa Thánh là khoảng trời mây mênh mông bao phủ cả bên ngoài lẫn bên trong. Tiếp đến là tông màu Pastel pha lẫn một chút hơi hướng đình chùa Việt Nam tạo thành một hệ màu riêng biệt. Sau đó là kết cấu của kiến trúc và đặc biệt là hệ thống họa tiết. Cuối cùng, bằng cảm nhận cá nhân, tôi đặt để chọn lọc và truyền tải ý tưởng bằng lăng kính của chính mình bằng ngôn ngữ thời trang.”
Về phong cách, mượn hình ảnh Đạo Phục của Cao Đài là tà áo dài và Đại Phục kết hợp với Suit phương Tây từ tinh thần giao lưu và tiếp biến văn hóa trong kiến trúc của Tòa Thánh. Bộ sưu tập Tam Kỳ là một câu chuyện được tác giả kể lại bằng chuỗi những câu chuyện đã được nghe từ nhỏ của mẹ, của nội, của những con người đất núi Nôi Đạo. “Được mang tuổi thơ và quê hương của chính mình vào dự án lần này đó là điều ý nghĩa nhất tôi nhận được” – Nguyễn Thành Đạt chia sẻ biết thêm.
Về dự định trong tương lai, Nguyễn Thành Đạt cho biết sẽ đi theo con đường trở thành một nhà thiết kế. Bên cạnh đó bạn sẽ học hỏi thêm ở những lĩnh vực khác như Stylist, Creative…
Nguyễn Phan Uyên Phương
BST tốt nghiệp của Nguyễn Phan Uyên Phương được lấy cảm hứng từ Psychedelic poster 1960s (áp phích ảo giác) của nghệ sĩ Wes Wilson. Psychedelic là nghệ thuật ảo giác nổi lên ở San Francisco vào những năm 1960, của các nghệ sĩ sử dụng thuốc ảo giác LSD mô phỏng lên. Ban đầu Phương tìm hiểu về thuốc ảo giác LSD và may mắn biết đến các áp phích ảo giác của nghệ sĩ Wes Wilson, đập ngay vào mắt là những mảng màu sặc sỡ kết hợp táo bạo cùng với đường nét đồ họa uốn lượn mới mẽ. Bên cạnh các áp phích trong nhiều áp phích của Wes Wilson, những áp phích về phụ nữ khỏa thân với tạo hình phóng khoáng khiến Phương rất tò mò và muốn đưa lên đồ của mình. Cùng với đặc điểm uốn lượn, ảo giác của nghệ thuật vẽ trên áp phích Phương đã tạo ra bộ sưu tập “Blurres Vibes”.
Uyên Phương trả lời về việc thời trang có ý nghĩa thế nào với tuổi trẻ của bạn, cô bạn cho biết: “Phương được sống với chính mình và thỏa mãn những điều mình thích khi đến với thời trang. Có thể nói thời trang giúp Phương trưởng thành hơn, tìm được màu sắc riêng cho bản thân mình. Đi theo con đường trở thành NTK thời trang là điều Phương chắc chắn. Phương nghĩ trong tương lai phiên bản của Phương vẫn sẽ như hiện tại, vẫn đa sắc, vẫn cá tính nhưng sẽ trưởng thành hơn nhiều.
Hiện tại Uyên Phương đang là freelancer và cùng người bạn của Phương hoạt động thương hiệu thời trang riêng với tên gọi Tartan. Chia sẻ quan điểm về một nhà thiết kế, Phương cho biết: “Một NTK thời trang thành công là người hội tụ đầy đủ ba yếu tố: sáng tạo, riêng biệt, kết nối. Sáng tạo những cái mới lạ với màu sắc riêng và truyền cảm hứng kết nối mọi người đến với tác phẩm của mình.” Phương hy vọng trong thời gian sắp tới Phương có thể học hỏi được nhiều điều mới từ những anh chị đi trước, trang bị kiến thức dày dặn hơn và điều đặc biệt luôn giữ được lửa trong cảm xúc của mình để có thể thực hiện được mục tiêu mà mình đã đặt ra.
Nguyễn Thiện Mỹ Duyên
BST mang tên “Đồi cao bé xíu” của Duyên lấy ý tưởng từ thành phố nhỏ Đà Lạt, quê hương nơi Duyên được sinh ra và lớn lên. Đà Lạt lưu giữ kỉ niệm ngày thơ bé và những người thân thương trong gia đình. Đà Lạt mang đến cho Duyên nhiều cảm xúc vui vẻ, nhẹ nhàng và tích cực, đây cũng chính là lý do Duyên chọn Đà Lạt làm chủ đề cho đồ án tốt nghiệp.
“Đối với riêng em, thời trang là tuổi trẻ của em, là đam mê, hết lòng theo đuổi. Thời trang luôn làm em cảm thấy rất hứng thú, rất muốn tìm tòi và học hỏi thêm nhiều cái mới về thời trang.” – Mỹ Duyên cho biết. “Em sẽ đi theo con đường làm NTK. Đối với em, một NTK thời trang thành công là một người đặt được hồn của mình vào những gì mình làm ra, có được một gu riêng biệt của mình.” Ước mong sau này của Duyên là có thể mở được một thương hiệu thời trang của riêng mình.
Thực hiện: Style-Republik