Doanh nghiệp resale Vestiaire Collective được đầu tư hơn 1,63 tỷ đồng giữa suy thoái kinh tế
Ngày đăng: 24/04/20
Sau đợt gọi vốn thành công gần đây nhất vào đầu tháng Tư năm nay, doanh nghiệp Vestiaire Collective cam kết nhận được gói đầu tư 64,2 triệu euro (~1,63 tỷ đồng). Quả là một tin vui, tích cực dành cho những doanh nghiệp theo đuổi hệ sinh thái kinh tế quay vòng.
Quá trình gọi vốn thành công của Vestiaire Collective
Giữa thời điểm suy thoái kinh tế, khi mà ngành công nghiệp thời trang xa xỉ được dự đoán ước tính là sẽ mất một khoảng doanh thu từ 450 tỷ – 600 tỷ (giảm ít nhất 35%) trong năm 2020, Vestiaire Collective khiến cộng đồng kinh tế và doanh nghiệp, đặc biệt là ngành thời trang cảm thấy bất ngờ bởi số tiền mà doanh nghiệp được các nhà đầu tư rót vào. Theo thông tin chuẩn xác trên Crunchbase (một tổ chức chuyên cập nhật minh bạch thông tin các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới) thì khoản đầu tư dành cho Vestiaire Collective chính thức được công bố vào ngày 20 tháng Tư vừa qua là đến từ 10 nhà đầu tư có quy mô khác nhau.
Trong 10 nhà đầu tư đó, Condé Nast – chủ sở hữu của VOGUE toàn cầu, GQ, Reddit, W Magazine, Pitchfork, là nhà đầu tư nổi bật nhất. Tập đoàn Condé Nast lần đầu đầu tư vào Vestiaire Collective là vào tháng 9 năm 2015. Những nhà đầu tư còn lại bao gồm: Eurazeo, Fidelity International, Korelya Capital, Bpifrance, Vaultier7, Luxury Tech Fund, Cuit Invest, Vitruvian Partners và Maximilian Bittner (CEO của Vestiaire Collective).
Vestiaire Collective lần đầu kêu gọi vốn vào tháng Tư năm 2010 – thời điểm mới thành lập được gần 1 năm và chỉ nhận được 1,5 triệu euro bởi 2 nhà đầu tư. Sau 7 lần gọi vốn, con số 64,2 triệu euro trong đợt gọi vốn vừa qua là nhiều nhất. Xếp sau đó là lần thứ 5 vào tháng Một 2017, được đầu tư bởi 3 nhà đầu tư (2 trong số đó là các nhà đầu tư trong đợt vừa qua – Eurazeo và Vitruvian Partners) chạm mức 62 triệu euro.
Tổng mức đầu tư mà doanh nghiệp resale Vestiaire Collective nhận được sau quãng thời gian kêu gọi đầu tư trong 10 năm qua là 240,2 triệu euro (~hơn 6,1 tỷ đồng).
Sứ mệnh theo đuổi thời trang thân thiện với môi trường và kinh tế tuần hoàn
Doanh nghiệp resale (bán lại) Vestiaire Collective được xây dựng là một nền tảng thương mại cộng đồng, mở ra cơ hội cho tất cả những người trong cộng đồng của họ được bán và mua lại những sản phẩm thời trang cao cấp ở tình trạng còn tốt nhất có thể. Doanh nghiệp này giám tuyển và luôn giữ mối quan hệ khắn khít với chủ nhân của những tủ đồ hàng hiệu đáng ngưỡng vọng nhất trong giới thời trang và cung cấp một phương thức giao thương các sản phẩm đó bằng tất cả sự tín nhiệm, bền vững, vốn cũng được xem là tôn chỉ vận hành của Vestiaire Collective.
Được thành lập vào tháng Mười năm 2009, Vestiaire Collective đã thu hút được 9 triệu người sành thời trang ở khắp 50 quốc gia trên thế giới. Mỗi tuần, có hơn 30,000 sản phẩm mới được đăng tuyển bởi cộng đồng những người bán. Điều đó giúp người mua trên toàn hệ thống được tiếp cận với hơn 3,500 những sản phẩm thời trang đầy hấp dẫn, đáng thèm muốn chỉ trong một ngày.
Giá thành hợp lý là tác nhân lớn nhất quyết định đến thành công ở hiện tại của Vestiaire Collective. Theo khảo sát vào tháng Mười 2018 của kênh BCG trên 1000 khách hàng của doanh nghiệp resale, 96% trong số đó cảm thấy hài lòng với doanh nghiệp này và giá trị các mặt hàng thời trang cao cấp second-hand giúp họ cảm thấy hài lòng với mức tiền bỏ ra.
Doanh nghiệp Vestiaire Collective có trụ sở chính tại Paris, hiện có khoảng hơn 400 nhân lực, với các văn phòng đại diện ở các thành phố trọng điểm thời trang như London, New York, Milan, Berlin và Hong Kong.
Nhiều chuyên gia phân tích và nhận định nhìn thấy thành công trong việc gọi vốn đầu tư của doanh nghiệp là một dấu hiệu vô cùng tích cực trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế và cách li xã hội hiện tại. Theo báo cáo của công ty Bain & Company, khủng hoảng sẽ làm gia tăng sự chuyển giao sang hình thức mua sắm trực tuyến, cũng như tác động vào nhận thức của khách hàng về tính bền vững trong thời trang. Thị trường thời trang second-hand được dự đoán sẽ tăng trưởng doanh thu hơn cả mong đợi từ đây tới cuối năm.
Cả hai xu thế trên đều có lợi tới doanh nghiệp resale – bán lại những sản phẩm thời trang cao cấp. Nhờ đặc tính kinh tế xoay vòng trong mục đích kinh doanh của Vestiaire Collective, đây cũng là một phương cách khả thi, tối ưu để theo đuổi tính bền vững trong ngành thời trang. Ngay tại trang chủ trên kênh thương mại trực tuyến, những banner, khẩu hiệu khích lệ khách hàng lẫn người mua yêu chiều thời trang theo tuyến tính bền vững và nhận được những tưởng thưởng tương xứng từ doanh nghiệp resale.
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng nghiên cứu và đề cao mô hình kinh tế tuần hoàn, bởi giá thành hợp lý trong việc làm mới tủ quần áo của mình, cũng như là một hành động bảo vệ môi trường thực tiễn. Những gì mà thị trường tiêu thụ sản phẩm second-hand đang làm đã tạo ra sự lựa chọn hợp lý và giàu tính nhân văn, đối nghịch với những cáo buộc và sức ép dành cho thị trường thời trang nhanh trong suốt nhiều năm qua.
Chiến lược phát triển tiếp theo
Với công ty chủ quản nằm tại trung tâm của Paris – Pháp, nhưng 80% giao dịch hiện tại trong giao thương của doanh nghiệp này là ở thị trường quốc tế. Qua đó cho thấy thị trường thời trang cao cấp lớn nhất là Paris nhưng chỉ chiếm 1/5 trên tổng số giao thương của Vestiaire Collective.
Như trước đây, với số tiền đầu tư nhận được, Vestiaire Collective sẽ mở rộng thị phần và sức ảnh hưởng của mình thêm hơn ở nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, với sự hậu thuẫn và đầu tư từ nhà đầu tư Korelya Capital, doanh nghiệp này sẽ mở rộng phát triển tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm nay.
Nhà đầu tư này được hậu thuẫn bởi các tập đoàn truyền thông và công nghệ lớn của Hàn, nổi bật là trang Naver – có công cụ tìm kiếm hữu hiệu và chiếm 40% thị trường công nghệ thông tin này vào năm 2018. Naver cũng đồng thời kiểm soát ứng dụng Line, một ứng dụng trao đổi thông tin trực tuyến vô cùng thịnh hành tại thị trường Nhật Bản.
Với mong muốn phát triển tại khu vực châu Á nhưng lại vẫn còn dè chừng tại thị trường Trung Quốc, vốn là một thị trường sính chuộng mặt hàng xa xỉ và nhu cầu giao thương chắc chắn sẽ rất cao, ắt hẳn Vestiaire Colletive đang thận trọng trong chiến lược phát triển và mở rộng của mình tại thị trường giàu tiềm năng này. Chậm mà chắc.
Lí giải điều này, riêng với thị trường Trung Quốc, khi so sánh với thị trường Nhật Bản thì đều có cùng hành vi tiêu dùng chín chắn, kỹ càng đối với các sản phẩm thời trang cao cấp lẫn trung cấp. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Reuse Business Journal – một đầu tin kinh tế tập trung vào chuyên đề thương mại mặt hàng second-hand của Nhật đã thống kê được rằng, tổng giá trị của thị trường tiêu thụ mặt hàng này là 2 nghìn tỷ yên vào năm 2017 tính riêng, tương đương 17 tỷ euro. Riêng danh mục hàng hiệu đã chiếm 251,6 tỷ yên (~2 tỷ euro).
Tại thị trường Hàn Quốc, khách hàng Millennials và Gen-Z, cũng như các khu vực khác, ngày càng bị thu hút mạnh bởi thị trường bán lại mặt hàng giày sneaker. So với Trung Quốc, Hàn Quốc là một quốc gia có ít rườm rà hơn ở khâu vận chuyển, giao hàng chặng cuối hơn hẳn.
Vestiaire Collective vẫn sẽ khuyến khích những người bán gửi các sản phẩm muốn giao dịch tới các kho hàng ở trụ sở gần nhất của mình để kiểm tra tình trạng sản phẩm trước khi tiến hành các bước tiếp theo để đưa lên trang thương mại điện tử.
Để giảm thiểu các khâu trung gian phức tạp, từ năm ngoái doanh nghiệp đã áp dụng hình thức giao dịch trực tiếp giữa người bán và mua (với những sản phẩm có giá trị hơn 500 Euro) ở trong khu vực khối châu Âu. Quy trình vận hành vẫn tỏ ra hiệu quả và không có quá nhiều những sai sót. Chính bởi thành công đó cộng với số tiền được đầu tư, hình thức giao dịch trực tiếp này sẽ được áp dụng tại thị trường Mỹ trong thời gian sớm nhất, dự kiến là vào mùa Hè năm nay. Tại thị trường châu Á, xúc tiến trong việc triển khai hình thức này cũng đã được bắt đầu và sẽ sớm ra mắt vào cuối năm nay.
Bài viết tham khảo từ các nguồn Vogue Business, Techcrunch, Crunchbase.
Thực hiện: Fellini Rose