Doanh thu quý 3 giảm mạnh, sự phụ thuộc quá mức của Kering vào Gucci phản tác dụng
Ngày đăng: 05/11/24
Doanh thu quý 3 của Kering gây thất vọng khi doanh số của Gucci giảm 26%, cho thấy sự phụ thuộc quá mức của thương hiệu này vào thị trường đang suy yếu của Trung Quốc.
Báo cáo lợi nhuận quý 3 năm 2024 của Kering phản ánh một giai đoạn đầy thách thức cho ngành xa xỉ toàn cầu khi doanh thu của tập đoàn giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,8 tỷ euro (khoảng 4,1 tỷ USD). Gucci – thương hiệu chủ lực của Kering, chứng kiến doanh thu giảm mạnh tới 26%, cho thấy những khó khăn mà tập đoàn này đang đối mặt giữa bối cảnh thị trường phức tạp.
Tình trạng suy thoái này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc, Kering cũng ghi nhận sự giảm sút đáng kể tại Nhật Bản, kết quả không đồng đều ở Bắc Mỹ và doanh số ảm đạm tại Tây Âu. Tuy nhiên, giữa bức tranh tẻ nhạt này, Bottega Veneta nổi lên như một điểm sáng khi doanh thu của thương hiệu tăng 4% nhờ vào mức tăng trưởng hai con số tại Bắc Mỹ và châu Âu, trái ngược hoàn toàn với những khó khăn mà các thương hiệu khác trong tập đoàn đang gặp phải.
Ngược lại hoàn toàn, Hermès đã duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong quý 3, ghi nhận doanh thu tăng 10% theo tỷ giá hối đoái hiện tại, đưa doanh thu quý lên 3,7 tỷ euro (3,9 tỷ USD). Doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong 9 tháng đầu năm đạt 11,2 tỷ euro (12 tỷ USD), tăng 11%, làm nổi bật khả năng của Hermès trong quá trình đối mặt và ứng phó với biến động thị trường.
Hiệu suất gần đây của Kering phản ánh một câu chuyện lớn hơn trong ngành xa xỉ toàn cầu, nơi sự kết hợp của bất ổn kinh tế, thay đổi hành vi tiêu dùng và sự điều chỉnh sau đại dịch đã tạo ra một tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (đặc biệt là Trung Quốc) đóng vai trò quan trọng dẫn đến kết quả sụt giảm doanh thu rõ ràng của Gucci (với doanh thu bán lẻ giảm 25% do lưu lượng khách hàng và sự hào hứng của người tiêu dùng giảm sút). Đối với một thương hiệu như Gucci, vốn phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc, tình trạng này làm nổi bật những rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đồng thời cho thấy sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược đa dạng hơn.
Ngược lại, thành công của Hermès minh chứng cho lợi ích của một danh mục sản phẩm đa dạng và cách tiếp cận tăng trưởng thận trọng. Dù chứng kiến sự sụt giảm nhẹ ở khu vực Đại lục sau Tết Nguyên Đán, Hermès vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định nhờ vào hiệu suất tốt tại Hàn Quốc, Singapore và Úc. Điều này cho thấy tính hiệu quả của một chiến lược thị trường cân bằng, không chỉ dựa vào một thị trường nhất định mà còn mở rộng ra toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Sự khác biệt giữa Kering và Hermès thể hiện những cách tiếp cận chiến lược khác nhau trong thị trường xa xỉ đang phát triển hiện nay. Sự phụ thuộc của Kering vào Gucci như động lực tăng trưởng chính đã trở thành điểm yếu trong thời kỳ suy giảm khu vực, trong khi danh mục đa dạng và cam kết với chất lượng thủ công của Hermès đã giúp tạo dựng một nền tảng vững chắc hơn giữa những biến động kinh tế.
Tệp người tiêu dùng giàu có, am hiểu ngành xa xỉ đang ngày càng trở nên kén chọn, họ đánh giá cao những thương hiệu chú trọng vào giá trị di sản, tính bền vững và sự kết nối văn hóa hơn là tính phô trương. Sự chú trọng của Hermès vào nghệ thuật chế tác và một mạng lưới phân phối cân bằng, bao gồm đầu tư địa phương tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản, đã giúp thương hiệu này duy trì đà tăng trưởng ấn tượng bất chấp những thách thức chung của ngành.
Đối với Kering, thách thức trước mắt sẽ là thích ứng với kỳ vọng ngày càng thay đổi của người tiêu dùng trong khi tiếp tục cải cách các dòng sản phẩm của Gucci nhằm nhấn mạnh vào tăng trưởng bền vững.
Việc CEO của Kering – François-Henri Pinault thừa nhận về một cuộc chuyển đổi chiến lược cho thấy nhận thức của tập đoàn về nhu cầu đang thay đổi. Trong khi đó, thành công tương đối của Bottega Veneta chỉ ra những lợi ích tiềm năng từ việc xây dựng một câu chuyện thương hiệu “yên tĩnh” hơn và chủ yếu tập trung vào nghệ thuật chế tác.
Thực hiện: Elio
Theo Jing Daily