Duran Lantink – “Đứa trẻ hư” được Jean Paul Gaultier “phong thần”

Ngày đăng: 18/04/25

Sau 5 năm, “phép thử” ở Jean Paul Gaultier chính thức kết thúc. Đế chế sáng tạo của nhà mốt Pháp không còn là nơi chào đón các nhà thiết kế khách mời; thay vào đó, dòng đồ RTW và Haute Couture sẽ được chịu trách nhiệm bởi nhà thiết kế Duran Lantink.

Trong lúc bối cảnh địa hạt thời trang bị chi phối bởi cuộc “chuyển nhượng chất xám”, có một cuộc hẹn giữa giám đốc sáng tạo và thương hiệu được hình thành. 15/2/2025, vị trí cao nhất trong đế chế sáng tạo Jean Paul Gaultier đã tìm được người kế vị. Nhà thiết kế người Hà Lan, Duran Lantink chính thức trở thành giám đốc sáng tạo – đảm nhiệm dòng đồ may sẵn (Ready-To-Wear) lẫn may đo thủ công cao cấp (Haute Couture) của nhà mốt đến từ Pháp, Jean Paul Gaultier. Sau một thập kỷ ngưng sản xuất dòng đồ RTW, nhiệm vụ tái khởi động một phần đoạn mã trong di sản được giao cho Lantink với tư cách là người kế nhiệm đầu tiên khi người sáng lập từ giã. 

Trên tài khoản Instagram cá nhân, Duran Lantink đăng một bức ảnh hồi nhỏ kèm dòng chia sẻ sau khi nhận trọng trách lớn tại nhà mốt Pháp. Trong ảnh là một cậu bé Lantink 11 tuổi Lantink, chụp ở quê nhà Amsterdam, cậu đội một chiếc mũ len Jean Paul Gaultier được trang trí bằng những chiếc sừng nhỏ màu vàng. Đó là chiếc mũ yêu thích của cậu bé, thậm chí cậu bị “ám ảnh” bởi nó. Ấy mà, từ một “người hâm mộ” trung thành của Jean Paul Gaultier, cậu bé ôm giấc mộng thời trang đấy đã trở thành người cai trị kho di sản của nhà thiết kế đại tài người Pháp.  

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Duran Lantink (@duranlantinkyo) chia sẻ

“Tôi cảm thấy biết ơn, tự hào và thật may mắn khi được tin tưởng giao phó vai trò Giám đốc sáng tạo tại Jean Paul Gaultier. Cảm ơn tất cả mọi người đã tin tưởng tôi và đội ngũ của tôi. Sự ủng hộ của các bạn có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi”. Lantink nói thêm, “Jean Paul Gaultier là thiên tài và là một trong những ‘bậc thầy’ nuôi dạy một thế hệ làm nghề sở hữu tư duy bứt phá rào cản phá. Ông là người phất cờ khởi nghĩa, để những người như chúng tôi có thể tự do bước các định kiến của ngành và là chính mình mà không cảm thấy có lỗi với bất kỳ ai. JPG hiện thân cho giá trị sáng tạo không thể định nghĩa bằng bất kỳ giới hạn nào, cùng ngôn ngữ diễn giải khéo léo tuyệt đỉnh. Nó khiêu khích và bứt phá mọi ranh giới. Ở nơi này, biên giới của đế chế thời trang được đẩy mạnh hết cỡ, nó được liên kết với văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc; họ thay đổi ngôn ngữ của quần áo và cách chúng ta ăn mặc ngoài đời thực”.

“Ở Lantink, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng, sự táo bạo và tinh thần vui tươi giống như tôi từng có khi bắt đầu hành trình của riêng mình. Anh ấy chính là ‘enfant terrible’, một ‘đứa trẻ hư’ mới của ngành thời trang.” Jean Paul Gaultier chia sẻ sau khi tuyên bố. 

Từ chức vào năm 2020, mã gen sáng tạo mà người sáng lập Jean Paul Gaultier tưởng chừng bị đứt đoạn, nhưng nó được kết dính bằng “chất keo” sáng tạo của các nhà thiết kế khách mời. Không có một nội bộ thiết kế riêng, nhưng kho di sản của thương hiệu Pháp được dung dưỡng bằng các đóng góp không trùng lặp từ Haider Ackermann, Glenn Martens, Olivier Rousteing, Chitose Abe và gần đây nhất là Ludovic De Saint Sernin.

Mô hình này được nhà mốt đưa vào thực thi trong suốt 5 năm, và chính thức dừng lại tại sự lựa chọn Duran Lantink. Tất nhiên, đối với nhà mốt đề cao tính thử nghiệm như JPG, đó không phải là một quyết định đơn giản; thay vào đó, nó làm cả ngành thời trang thức tỉnh. Bởi lẽ, JPG – một thương hiệu có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc thay đổi thời trang suốt thế kỷ 20, đã chọn một nhà thiết kế trẻ, đầy tiềm năng để đánh thức tương lai, thay vì trao cho một nhà thiết kế có tên tuổi.

Sự tò mò của làng mốt đều dồn về Duran Lantink. Anh ấy là ai? Cái tên ấy có gì đặc biệt mà được chính Jean Paul Gaultier phong thần là “đứa trẻ hư” tiếp theo – một biệt danh mà ông từng được gọi, và trao cho trọng trách nuôi dưỡng “đứa con tinh thần” của ông?

Duran Lantink – Kẻ khiêu khích mới của địa hạt thời trang 

Sinh năm 1988, Duran Lantink lớn lên tại thành phố The Hague, Hà Lan và được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân. Vĩ nhân thời trang, Jean Paul Gaultier cũng giống như thế. Sau đó, anh theo học tại Gerrit Rietveld Academie, sau đó là Sandberg Instituut và nhận bằng cử nhân cũng như thạc sĩ thời trang từ các học viện tại Amsterdam. Tên tuổi của Duran Lantink bắt đầu xuất hiện trong cuộc hội thoại thời trang với đại chúng vào năm 2018, gắn liền với chiếc quần đột phá được Janelle Monáe mặc trong video ca nhạc “Pynk” – vượt xa một thiết kế gây tranh cãi, đó là một bản tuyên ngôn về quyền tự chủ cơ thể và thể hiện bản sắc. 

Vào năm 2019, nhà thiết kế người Hà Lan chính thức ra mắt thương hiệu riêng mang tên mình, nhưng sự phát triển bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Phải đến Tuần lễ thời trang Paris vào tháng 3 năm 2023, anh mới có thể trình làng buổi trình diễn đầu tay, đặt nền móng cho phong cách thời trang tối giản nhưng cấp tiến, với việc tái chế và tái sử dụng chất liệu cũ.

Tông điệu thẩm mỹ chủ đạo của thương hiệu được định hình trong từng tế bào của Lantink khi anh còn nhỏ, khi anh tự may quần áo từ những món đồ và vải tìm thấy trong tủ quần áo gia đình. Anh chia sẻ: “Mẹ tôi rất phóng khoáng, tôi được nuôi lớn trong môi trường xung quanh là những drag queen và những người mặc quần áo hiệu. Tôi đã tiếp xúc với thời trang từ khi còn rất nhỏ, và điều đó đã định hình nên con người tôi ngày hôm nay”. Walter Van Beirendonck và Jean Paul Gaultier là những người có ảnh hưởng lớn đến tư duy nghệ thuật của anh. Những “kẻ phá đền” đó đã định hình nên thái độ thời trang bất kính nhưng độc đáo vô cùng của Lantink. 

Cách tiếp cận thời trang của anh nhấn mạnh vào giá trị sáng tạo hơn là chủ nghĩa thương mại; và bản năng hơn là sự diễn giải bàn bải, hàn lâm

Những kiểu dáng được khuôn đúc dưới lăng kính sáng tạo của Duran Lantink để lại ấn tượng lâu dài nhờ vào các đường nét và tỷ lệ tái kiến tạo mang tính độc bản cao. Mùa này qua mùa khác, ông thách thức các quy ước thẩm mỹ chính thống bằng những trang phục quyến rũ, kỳ quặc: lớp đệm nhỏ gọn tạo thêm khối lượng tròn cho vai, hông và ngực, trong khi cơ thể ẩn hiện dưới các đường cắt hoặc qua miếng vải tuyn mỏng được đặt ở những vị trí bất ngờ.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi trong lúc bắt đầu sự nghiệp, Lantink đã thiết kế trang phục cho nhiều ngôi sao nổi tiếng: Billie Eilish, Doja Cat và Beyoncé cho chiến dịch “Love Yourself in Love” của Tiffany & Co. 

Naomi Campbell trong trang phục của Duran Lantink trên bìa tạp chí ELLE

Lantink đã mài giũa nghề thủ công của mình từ studio của anh tại thủ đô Hà Lan, được bao quanh bởi một cộng đồng sáng tạo gắn bó gồm gia đình và bạn bè. Ngay từ đầu, anh đã ưu tiên tính tuần hoàn, trước khi nó trở thành xu hướng. Trên sàn diễn, Lantink đã làm một điều hiếm có và tuyệt vời, khi cân bằng được tính thẩm mỹ kỳ quặc nổi tiếng với khả năng ứng dụng trong đời thực.

Lantink tạo dựng tên tuổi cho mình như một nhà thiết kế chuyên thách thức và phá vỡ ranh giới bằng cách kết hợp những hình dáng siêu thực, chế tác ra các cấu trúc phá cách với họa tiết nổi bật để tạo nên những bộ trang phục siêu thực, trừu tượng và mang tính nghệ thuật cao như các tuyệt tác điêu khắc thực thụ.

Năm 2019, anh lọt vào danh sách sơ tuyển cho Giải thưởng LVMH. Năm 2024, anh  được Quỹ Karl Lagerfeld trao tặng giải thưởng đặc biệt trong khuôn khổ Giải thưởng LVMH – củng cố vị thế là một trong những kẻ khiêu khích cần được thế giới thời trang “quan tâm” chặt chẽ. Đầu năm nay, anh đã được Donatella Versace và Ib Kamara trao tặng Giải thưởng Woolmark.

Nhờ khiêu khôi hài lố bịch và sự trêu chọc ngự trị tối cao trong vũ trụ sáng tạo của mình, Lantink đã truyền cảm hứng vui tươi, bứt phá và kỳ quặc vào ngôn ngữ thời trang – thứ đã chết dần chết mòn trong sự trỗi dậy của đế chế “xa xỉ thầm lặng”.

Điều này được khẳng định mạnh mẽ trong bộ sưu tập mới nhất của Lantink cho mùa mốt Thu/ Đông 2025. Nhà thiết kế thổi vào tuần lễ thời trang Paris luồng sinh khí căng tràn sức sống, đánh tan sự ngột ngạt bằng những thiết kế gợi cảm đến mức vượt xa khỏi sự chấp nhận của nhiều người cảm thụ. Anh tái định nghĩa sự quyến rũ bằng những bộ phần trần trụi của cơ thể người. Bộ sưu tập “Duranimal” của anh được mở màn bằng hình ảnh một người phụ nữ mặc “áo giáp” cơ bắp của nam giới, và khép lại bằng hình ảnh một người đàn ông mặc bộ ngực giả của nữ giới. 

Duran Lantink Fall 2025
Duran Lantink SS24

Với những tác phẩm điêu khắc cơ thể người bằng silicon, Lantink đã khuấy động nhiều cuộc tranh cãi. Một số người gật gù với thông điệp đa dạng; một số cho rằng NTK đang cố tình “tạo drama” một cách vô cớ; những người khác coi chúng là lời chỉ trích sâu sắc về chuẩn mực giới tính. Có người ủng hộ, cũng có người thất vọng. Khi nhìn lại sự nghiệp của Jean Paul Gaultier, có lẽ bạn đã thấy được sự tương đồng. 

Cuộc gặp gỡ được định mệnh sắp đặt

Nhưng những lời khen ngợi và sự công nhận từ các chuyên gia trong ngành không phải là lý do duy nhất khiến Lantink trở thành lựa chọn sáng suốt của Gaultier. Chính sự trùng hợp không thể giải thích và sự tương đồng ở vũ trụ sáng tạo giữa cả hai mới thực sự là “chất xúc tác” quyết định cuộc gặp gỡ đầy hy vọng này. Cách tiếp cận thời trang vui tươi và tận tụy của Lantink hoàn toàn phù hợp với đoạn mã DNA sáng tạo của JPG. 

Trong thế giới thời trang, Jean Paul Gaultier được làng mốt truyền tai nhau với tên gọi đặc biệt – “dị nhân cá biệt”, “kẻ phá đền tàn bạo” hay “gã trai hư” của thời trang Pháp. Bởi lẽ, vũ trụ sáng tạo của nhà thiết kế này mở ra không gian nghệ thuật không biên giới cũng không tuân theo bất kỳ định lệ thời trang nào.

Ở đó, Jean Paul Gaultier khiến cả địa hạt thời trang trải qua biết bao khung bậc cảm xúc từ tò mò, thích thú, cho đến phẫn nộ khi chiêm ngưỡng cách nhà thiết kế Pháp đưa thái độ “bất cần đời” trên đường phố lên đứng “chễm chệ” trên sàn diễn couture xa xỉ. Di sản đồ sộ mà ông để lại là nơi ngự trị của sự nổi loạn: áo ngực hình nón nâng cấp đồ nội y phụ nữ, sự quyến rũ của hoạ tiết kẻ sọc thuỷ thủ, bộ sưu tập “Chic Rabbis” vô lễ một cách đáng xấu hổ, cách may đo phá vỡ quy tắc về giới tính trước khi nó trở thành thuật ngữ phổ biến ngày nay của ngành,…Thời trang của Jean Paul Gaultier không bao giờ chỉ là quần áo; mà là bản tuyên ngôn chống đối, khiêu khích và đầy nổi loạn.

Nếu Duran Lantink khiến cộng đồng đứng ngồi không yên bởi chiếc quần mô phỏng âm đạo phụ nữ, hay cho nam giới mang ngực phụ nữ giả, thì Jean Paul Gaultier đã khiến làng mốt dậy sóng tương tự từ rất lâu về trước, qua cách cho đàn ông mặc váy hoặc cản bản in trompe l’oeil xăm trổ chằng chịt.

Họ chắc chắn là những tâm hồn đồng điệu hiếm có trong thế giới thời trang cạnh tranh khốc liệt. Nhưng Lantink còn nhiều thứ hơn là sự khiêu khích thuần túy. Chính tinh thần sáng tạo siêu thực và can đảm thử nghiệm đã giúp anh được ngành công nghiệp thời trang hoan nghênh. 

 

Khi những người đồng điệu về tâm hồn gặp nhau, họ sẽ tạo ra một mối tình thật đẹp. Cuộc gặp gỡ giữa Duran Lantink và Jean Paul Gaultier cũng được hy vọng như thế, thậm chí vượt xa hơn thế.

Nhưng tương lai sẽ chẳng thể nói trước. Gánh trên vai trọng trách lớn ở nhà mốt đình đám, Lantink không thể tránh khỏi áp lực. Nếu nhà thiết kế có thể kết hợp bản năng sáng tạo cấp tiến của mình với ngôn ngữ thiết kế định hình bản sắc của thương hiệu, từ khiếu hài hước, nét thẩm mỹ gợi cảm, sự thanh lịch bất cần – Jean Paul Gaultier không chỉ có thể trở lại thời kỳ thịnh hành mà còn có thể một lần nữa định nghĩa lại ranh giới văn hóa trong thời trang. 

Thực hiện Dory