Di sản mà Jean Paul Gaultier để lại ở Hermès

Ngày đăng: 27/05/24

Trở lại hơn hai thập kỉ trước, khi “dị nhân cá biệt” của thời trang Pháp, Jean Paul Gaultier nắm giữ quyền cai quyền kho di sản đồ sộ của nhà mốt Hermès.

Là một trong những nhà thiết kế vĩ đại của thế giới, Jean Paul Gaultier còn được làng mốt truyền tai với tên gọi đặc biệt – “dị nhân cá biệt”, “kẻ phá đền tàn bạo” hay “sự đáng ghét” của thời trang Pháp. Bởi lẽ, vũ trụ sáng tạo của nhà thiết kế mở ra không gian nghệ thuật không biên giới cũng không tuân theo bất kỳ định lệ thời trang nào. Ở đó, Jean Paul Gaultier khiến cả địa hạt thời trang trải qua biết bao khung bậc cảm xúc từ tò mò, thích thú, cho đến phẫn nộ khi chiêm ngưỡng cách nhà thiết kế Pháp đưa chất “bất cần đời” trên đường phố lên sàn diễn couture cao cấp, mặc váy cho đàn ông hay nâng cấp đồ nội y phụ nữ bằng chiếc corset hình nón huyền thoại,… và thuyết phục giới mộ điệu ủng hộ quy tắc thời trang phi giới tính. 

Sự nghiệp của Jean Paul Gaultier bắt đầu từ đầu những năm 1970 khi ông bắt đầu làm việc cho nhà thiết kế huyền thoại Pierre Cardin. Trong suốt nhiều năm “hoành hành” trong địa hạt thời trang, “kẻ ngoại đạo” đã trau dồi kỹ năng của mình và định hình lăng kính sáng tạo của riêng mình, thách thức các quan niệm truyền thống đặc biệt là về giới tính.

Sự nghiệp của Jean Paul Gaultier bắt đầu từ đầu những năm 1970 khi ông bắt đầu làm việc cho nhà thiết kế huyền thoại Pierre Cardin. Trong suốt nhiều năm “hoành hành” trong địa hạt thời trang, “kẻ ngoại đạo” đã trau dồi kỹ năng của mình và định hình lăng kính sáng tạo của riêng mình, thách thức các quan niệm truyền thống đặc biệt là về giới tính. Cho đến khi năm 1976, khi ông trình làng bộ sưu tập cá nhân đầu tiên và ra mắt thương hiệu mang tên mình, nhờ vào loạt “trò chơi khăm”, những lần “nghịch dại” đầy khiêu khích trên sàn diễn, nhà thiết kế không được đào tạo qua trường lớp thời trang chính thống đã có thể tự hào “vỗ ngực xưng tên”, chễm chệ bước vào thế giới haute couture xa xỉ.   

Nổi tiếng với danh xưng là một “kẻ phá đền” tàn bạo của mọi bức tường thành quy tắc thời trang, không ai có thể nghĩ rằng Jean Paul Gaultier đã từng trở thành người dẫn dắt cả vương triều sáng tạo sang trọng, thượng cấp của nhà mốt Pháp, Hermès. Năm 2003, Jean Paul Gaultier được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Hermès, một động thái khiến nhiều người trong giới thời trang ngạc nhiên. “Đó là một ‘cuộc hôn nhân hợp đồng’”, nhiều người đã ví cú bắt tay không tưởng này như thế. Bởi lẽ, Hermès vốn là thương hiệu nổi tiếng với nghề thủ công tinh xảo và nét đẹp thanh lịch vượt thời gian; đương nhiên, nó không thể là mảng ghép phù hợp với sự nổi loạn, vẻ đẹp sân khấu đầy kịch tính khét tiếng của Gaultier. Tuy nhiên, chính sự tương phản này đã tạo nên một màn hợp tác đột phá, mang tính biểu tượng của thế giới thời trang, vì tinh thần sáng tạo của Gaultier đã truyền cho Hermès một nguồn năng lượng tươi mới và thú vị. Có lẽ, sự ngang bướng của Jean Paul Gaultier chính là làn gió mới, chưa từng xuất hiện trong tiền lệ của ngôi đền tráng lệ Hermès. Hai cực trái dấu của nam châm này đã đánh dấu một thời kỳ sáng tạo và đổi mới đầy phi thường, đưa thương hiệu mang tính biểu tượng bước sang một kỷ nguyên mới. 

Trong khoảng thời gian lịch sử đó, các nhà thiết kế đình đám như Tom Ford, John Galliano, Alexander McQueen và Marc Jacobs đồng loạt tạo ra những thiết kế mới, mang tính văn hóa nhằm “đáp lại” chủ nghĩa tối giản của những năm 90. Đó là màn đấu tranh giữa sự đột phá của Y2K và những quy tắc thẩm mỹ “sạch sẽ” của những đường sọc nhỏ hoặc những bộ đồng phục công sở kiểu cũ. Về phần mình, Jean Paul Gaultier đã khởi xướng một sự chuyển đổi sâu sắc trong ngành thời trang bằng cách xây dựng một “hệ sinh thái” táo bạo bao gồm áo nịt ngực, họa tiết của các bộ tộc, vẻ đẹp gợi cảm của thủy thủ và liên tục hợp tác với hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng, nhằm củng cố mối liên kết sâu sắc với văn hóa đại chúng. 

Việc bổ nhiệm Jean Paul Gaultier làm giám đốc sáng tạo của Hermès chính là kết quả của sự thay đổi cơ cấu trong các tập đoàn thời trang lớn. Gucci Group NV mua lại Saint Laurent, để cạnh tranh với LVMH, tập đoàn Prada sẵn sàng sáp nhập Helmut Lang, trong khi Hermès đạt được các thỏa thuận thương mại với Jean Paul Gaultier, có được 35% thị phần thương hiệu của ông ấy. “Thỏa thuận giữa Hermès và Gaultier đại diện cho ‘nghi thức’, một nhà thiết kế cá nhân có thể biến thương hiệu của mình từ ‘cult brand’ thành một thành thương hiệu quan trọng. Bước đi này cũng chứng tỏ rằng các nhà thiết kế độc lập cần một đối tác mạnh mẽ để tồn tại trong một thế giới thời trang ngày càng bị thống trị bởi các tập đoàn xa xỉ.”

Suzy Menkes viết trên tờ New York Times vào năm 1999. Sự hợp tác này dường như đã được bật mí trước, khi  Jean-Louis Dumas, chủ tịch của Hermès lúc bấy giờ, đã mặc những chiếc áo len sọc marinière đình đám của Gaultier. Từ đó, nhiều người đã đồn đoán rằng Jean Paul Gaultier chính là cái tên tiếp theo được chiêu mộ về Hermès sau kỷ nguyên của Martin Margiela. Tờ New York Times viết: “Tôi tin rằng Gaultier có khả năng trở thành những gì Hermès đã trở thành”, cú bắt tay đó là một “mối tình” hơn là một thỏa thuận thương mại. 

Nhiệm kỳ của Gaultier tại Hermès, kéo dài từ năm 2003 đến năm 2010, là một cuộc cách mạnh hóa thương hiệu bằng những sáng tạo khác biệt. “Ăn theo thuở, ở theo thời”, đến với đế chế của Hermès, mặc dù không thể tự do tự tại tạo ra những màn trình diễn ngoạn mục nhưng Jean Paul Gaultier đã khéo léo kết hợp đường nét thiết kế đậm chất avant-garde của mình cùng di sản phong phú của Hermès.

Nữ ca sĩ Lou Doillon, con gái của biểu tượng Jane Birkinm, với chiếc áo khoác da đặc trưng trong thời trang cưỡi ngựa, mái tóc xoăn bồng bềnh tự nhiên, cầm chiếc roi trên tay sải bước trên sàn diễn. Đó là một trong những hình ảnh khó quên trên sàn runway của bộ sưu tập debut mà Jean Paul Gaultier dành cho Hermès.

Hermès Thu/Đông 2004 được các nhà phê bình thời trang lúc bấy giờ đánh giá cao, vì thể hiện được bản chất hỗn loạn và vô kỷ luật chưa từng thấy tại “phiến đá” sang trọng và thượng cấp của Hermès. Trên những khóm cỏ khô được bố trí dọc sân tập của École Militaire, khán giả được giao lưu với người mẫu, tương tác với những chiếc mũ chóp, roi ngựa, trang phục cưỡi ngựa, váy da lộn dài đến đầu gối, áo len cổ lông có thể tháo rời và khăn quàng cổ có tua rua dài đến mức trở thành những chiếc áo khoác sang trọng.

Ngay trong bộ sưu tập đầu tiên dành cho nhà mốt Pháp, Jean Paul Gaultier đã bạo gan loại bỏ màu sắc tượng trưng cho thương hiệu. Màu cam đã không còn tìm thấy trên áo khoác thể thao hoặc áo khoác ngoài thông thường. “Trận đấu” Gaultier-Hermès diễn ra trên một sự cân bằng bấp bênh giữa những điều đối lập, để tìm ra điểm đích cuối – hội tụ giữa chủ nghĩa tối đa và bảng màu trung tính đầy ấm áp. Và đã có điểm giao xảy ra ở bộ sưu tập Hermès Thu Đông 2007, Jean Paul Gaultier đã phác họa nên vẻ đẹp trưởng thành ẩu giấu dưới chiếc áo khoác bomber và áo khoác da cá sấu màu đen, váy bút chì có diềm xếp nếp, mũ biker, bộ vest vải tuýt màu nâu, váy dệt kim tông màu mùa thu, thậm chí cả tuxedo nữ tính vay mượn phong cách “dandy” của nam giới. Giọng điệu sân khấu và kịch tính quen thuộc của “nghịch đồ” thời trang đã được tồn tại cùng với tay nghề chế tác thủ công tỉ mỉ của Hermès.

   

Hình ảnh thương hiệu của Hermès, trước đây đã được nhận dạng bằng tầm nhìn và cách phối lớp không có logo của Martin Margiela, được thêm vào sự gợi cảm và một chút châm biếm tinh tế xa lạ với câu chuyện của thương hiệu. Nó được Gaultier thể hiện trên sàn diễn từ những show diễn đầu tiên cho đến bộ sưu tập cuối cùng của ông cho Hermès, Xuân/Hè 2011. “Gaultier chia tay với Hermès bằng cuộc diễu hành của người Andalusia” là tiêu đề mà một trong những bài báo đặt tên cho bộ sưu tập cuối cùng tại Hermès của Gaultier.

Trên sàn diễn tràn ngập những bộ đồ da màu đen, những chiếc quần bó sát, một cuộc diễu hành của những đôi ủng cưỡi ngựa màu bơ và những chiếc váy dệt kim được thắt chặt bởi những chiếc áo nịt ngực da thằn lằn đánh bóng. Hermès Xuân Hè 2011 được ví như một đấu trường cưỡi ngựa thực sự, không chỉ gồm trang phục cưỡi ngựa mà còn có những con ngựa thật và những tay đua ở hậu cảnh. Buổi biểu diễn đã khép lại chương truyện của Gaultier tại Hermès một cách hoành tráng nhất. Jean Paul Gaultier đã vượt qua ranh giới thẩm mỹ của Hermès, giới thiệu những họa tiết in táo bạo, chất liệu độc đáo và hình bóng điêu khắc cho các bộ sưu tập. Dưới sự chỉ đạo của ông, Hermès đã trở thành thương hiệu tiên phong, thu hút khán giả bằng những thiết kế táo bạo nhưng cũng đủ sự tinh tế.

Jean Paul Gaultier đã vượt qua ranh giới thẩm mỹ của Hermès, giới thiệu những họa tiết in táo bạo, chất liệu độc đáo và hình bóng điêu khắc cho các bộ sưu tập. Dưới sự chỉ đạo của ông, Hermès đã trở thành thương hiệu tiên phong, thu hút khán giả bằng những thiết kế táo bạo nhưng cũng đủ sự tinh tế.

Nắm trong tay quyền cai quản kho lưu trữ của Hermès, Jean Paul Gaultier đã tái hiện lại những món đồ cổ điển của thương hiệu với các dấu tích thiết kế đặc trưng của mình, đặc biệt là những chiếc túi Kelly và Birkin mang tính biểu tượng. Nếu ở các bộ sưu tập quần áo, Gaultier luôn thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho DNA của Hermès, thì chính trong các dòng phụ kiện, nhà thiết kế người Pháp đã thể hiện khả năng kể chuyện độc đáo thông qua những bản thể nghiệm táo bạo.

Sự sáng tạo Gaultier được thể hiện rõ ràng qua cách ông diễn giải lại những chiếc túi Birkin và Kelly mang tính biểu tượng của Hermès. Những tác phẩm cổ điển này, nổi tiếng với kỹ thuật thủ công đặc biệt và sự hấp dẫn mang tính biểu tượng, đã được Gaultier tạo ra một nét độc đáo, biến chúng thành những món đồ rất đáng thèm muốn và đáng sưu tầm.

Đối với túi Kelly, Gaultier đã trình làng “Kellydoll”, một phiên bản túi có hình dáng búp bê kỳ lạ được mô phỏng trên thiết kế cổ điển. Anh ấy cũng chơi đùa với các tỷ lệ, tạo ra các biến thể được phóng đại kích thước đáng kể và thu nhỏ đầy bất ngờ. Ví dụ như chiếc túi “Flat Kelly”, một phiên bản kiểu dáng đẹp vừa sang trọng vừa tiện dụng. Việc Gaultier chạm vào những chiếc túi Birkin huyền thoại cũng truyền cảm hứng không kém. Ông đã kết hợp những yếu tố bất ngờ như denim, phần cứng kim loại và màu sắc táo bạo,… tất cả vượt qua ranh giới thẩm mỹ truyền thống của Hermès. Ngay trong show diễn đầu tiên của mình, JPG đã trình làng một phiên bản Birkin 25 cm soán ngôi mẫu 35 cm phổ biến hơn của hãng.

Vào năm 2009, Jean Paul Gaultier trình làng một phiên bản Birkin ảo ảnh được gọi là Shadow Birkin, độc đáo với phần tag và phần móc khóa được in hằng lên trên da túi. Trước khi chúng ta bàn luận về tenniscore, ông cũng đã trình diễn một biến thể của chiếc Birkin da thằn lằn màu kem với một quả bóng tennis phối hợp. Các chi tiết của túi, chẳng hạn như phần đóng bằng đồng, cũng đã được lồng ghép trong các thiết kế trang phục như trên áo khoác, găng tay, bốt và thậm chí cả áo nịt ngực màu lạc đà giống như yên ngựa. Từ đó, những chiếc túi đã khẳng định được vị thế quan trọng tối cao trong tủ quần áo của Hermès. Một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất của Jean Paul Gaultier là Birkin “So Black”, một phiên bản bóng bẩy, nhuộm một màu đen tuyền từ lớp da xa xỉ đến phần cứng kim loại. 

Những chiếc túi Birkin và Kelly do Gaultier thiết kế độc đáo và đặc biệt này đã trở thành các món đồ lưu trữ, có giá trị sưu tầm cao trong những năm gần đây, được các nhà sưu tập cũng như những người đam mê thời trang khao khát sở hữu một phần di sản của Gaultier-Hermès.

Jean Paul Gaultier nhường ngôi cai trị của mình tại Hermès cho “vị vua” khác vào năm 2010, nhưng ảnh hưởng của ông đối với thương hiệu vẫn còn cho đến ngày nay.

Jean Paul Gaultier nhường ngôi cai trị của mình tại Hermès cho “vị vua” khác vào năm 2010, nhưng ảnh hưởng của ông đối với thương hiệu vẫn còn cho đến ngày nay. Thời kỳ ông nắm quyền điều hành nhà mốt Pháp được coi là một trong những thời kỳ sáng tạo lừng lẫy nhất trong tích sử của Hermès, và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thiết kế trong tương lai.

Khi nhìn lại nhiệm kỳ của ông, chúng ta được nhắc nhở về vẻ đẹp giao thoa giữa các hành tinh “không đội trời chung” với nhau, cuối cùng tạo nên một con đường mới cho tương lai của thời trang. Những đóng góp của Gaultier không chỉ làm phong phú thêm di sản của thương hiệu mà còn củng cố vị thế của ông như một trong những người có tầm nhìn thời trang vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta.

Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine