Elsa Schiaparelli – Đối thủ một thời của Chanel, một huyền thoại bị quên lãng

Ngày đăng: 04/05/18

Elsa Schiaparelli (1890-1973), từng được biết đến như đối thủ lớn nhất của Chanel, người đã đắm chìm trong chủ nghĩa siêu thực và đưa yếu tố gây sốc vào trong thời trang. Bà là người có tài ngoại giao khéo léo, là ngôi sao trung tâm của giới thượng lưu trong xã hội Paris đương thời.

Trong những năm 20 và 30, giai đoạn vàng thời trang – người ta thường chấp nhận rằng sự gợi cảm trong thiết kế và thậm chí là khả năng kinh doanh giỏi cũng chưa đủ để đưa một nhà thiết kế tài năng lên vị trí hàng đầu. Phải biết chớp lấy thời cơ cũng như nắm bắt các mối quan hệ cũng là điều cần thiết: mà những yếu tố đó Elsa Schiaparelli đều sở hữu.

Chân dung nhà thiết kế Elsa Schiaparelli

Elsa Schiaparelli đến từ tầng lớp trung lưu, bà sinh ra ở Rome vào năm 1890. Bà được nuôi dạy dưới tầm ảnh hưởng của những người trí thức và các bậc học giả đã thường xuyên lui tới thăm Palazzo Corsini. Bà được bao quanh bởi cái đẹp, sự tinh tế và sang trọng nhưng vẫn luôn khao khát sự lộng lẫy, huy hoàng. Từ khi còn là một cô gái nhà quý tộc bà đã thần tượng nghệ sĩ Marchesa Casati. Bà dành cả đời mình để tạo nên phép màu như Casati từng có, không chỉ trong trang phục, mà còn với cuộc đời.

Bà đã dành cả đời mình để tạo nên phép màu như Casati từng có, không chỉ trong trang phục, mà còn với cuộc đời.

Một thiết kế tinh tế của Elsa Schiaparelli

Là một phụ nữ trẻ với bản năng mạnh mẽ, bà đã phiêu lưu trên các lĩnh vực sáng tạo. Bà gặp và đính hôn với một người đàn ông Ba Lan trong vòng hai mươi bốn giờ. Và khi chiến tranh nổ ra tại Đức, cặp đôi bỏ trốn đến miền Nam nước Pháp và sau đó là New York, nơi mà Elsa đã kết bạn với nghệ sĩ như Picabia, Duchamp, Man Ray và Edward Steichen – người được xem là cha đẻ ngành nhiếp ảnh.

Một thiết kế của Elsa Schiaparelli, ảnh chụp năm 1937

Vào những năm 30, ở Paris, Elsa Schiaparelli đã tạo nên nhiều điều thú vị, một khung cảnh mang tính giải trí rực rỡ cho giới thời trang với một sưu tập couture đầu tay. Cách làm này vướng phải sự chỉ trích của những người không thích thời trang hoa lệ, tuy nhiên lại được ủng hộ bởi giới trí thức và những nghệ sĩ đương thời. Nhà thơ Jean Cocteau thường xuyên tham dự những buổi ra mắt bộ sưu tập thời trang của bà. Nghệ sĩ Salvador Dali làm nên những món đồ đặc biệt dành riêng cho bà. Cùng với những người hâm mộ, không lạ lắm khi có những người đặc biệt không yêu thích bà. Và Coco Chanel được biết là một trong số những người đó. Tuy nhiên Schiap vẫn như thế đấy, rạng rỡ và đầy sức sống, xung quanh những ồn ào trong cuộc sống riêng tư của mình.

Vào những năm 30, ở Paris, Elsa Schiaparelli đã tạo nên nhiều điều thú vị, một khung cảnh mang tính giải trí rực rỡ cho giới thời trang với một sưu tập couture đầu tay.

Thiết kế của Elsa Schiaparelli

Tạp chí Time viết rằng Schiaparelli là một trong những người nghệ sĩ couture của Paris được gắn với danh xưng “thiên tài” thường xuyên nhất. Nhưng tài năng của bà không gắn liền với thời trang hay tính sáng tạo, mà nằm ở sự thấu hiểu được linh hồn của thời đại cũng như chuyển tải được nền chủ nghĩa siêu thực. Một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của Schiaparelli là cuộc gặp gỡ với nhà thiết kế tài hoa của giới haute couture thời bấy giờ – Paul Poiret, trong lúc bà khánh kiệt. Khi dạo một cửa hàng cùng người bạn, bà thử một chiếc áo choàng. Bất ngờ, nhà thiết kế đến và tặng nó cho bà. Có ý kiến cho rằng chính Paul Poiret là người đã khuyến khích Schiaparelli dấn thân vào lĩnh vực thời trang đầy màu sắc.

Schiaparelli là một trong những người nghệ sĩ couture của Paris được gắn với danh xưng “thiên tài” thường xuyên nhất. Nhưng tài năng của bà không gắn liền với thời trang hay tính sáng tạo, mà nằm ở sự thấu hiểu được linh hồn của thời đại cũng như chuyển tải được nền chủ nghĩa siêu thực.

Schiaparelli từng được xem là thiên tài trong giới thời trang

Năm 1927, Schiaparelli mở một ngôi nhà thời trang mang tên mình từ sự giúp đỡ của một người bạn thân, gây được chú ý của giới mộ điệu ở Mỹ và châu Âu với bộ sưu tập swearter đan thủ công lồng ghép trong đó là tính siêu thực, những thiết kế được xem là hiện thân của phong trào nghệ thuật mới, gây nên nhiều tranh cãi lúc bấy giờ. Trên ấn phẩm của Vogue tháng Tám năm 1927 giới thiệu bộ sưu tập của bà được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng George Hoyningen-Huene. Từ đó, Schiaparelli phát triển các mặt hàng này. Đến năm 1932, Schiaparelli có đến 400 nhân viên, lượng sản phẩm tung ra thị trường lên đến 8000 sản phẩm mỗi năm. Người mẫu Bettina Bergery, cũng như những nhà nghệ thuật đi theo chủ nghĩa siêu thực như Vicomte Charles de Noailles và vợ ông, Marie-Laure de Noailles, giúp Schiaparelli khuếch trương danh tiếng trong giới thượng lưu.

Elsa Schiaparelli là ngôi sao trung tâm của giới thượng lưu trong xã hội Paris những năm 30

Các bộ sưu tập tiêu biểu của Schiaparelli có thể kể đến “Stop Look and Listen” vào năm 1935, “Music” và “Paris 1937” vào năm 1937, “Zodiac”, “Pagan” và “Circus” vào năm 1938, và “Commedia dell’Arte” vào năm 1939. Vào trước thế chiến thứ hai, bà được xem là người vượt qua Chanel về mặt danh tiếng khắp toàn cầu. Schiaparelli, với nền tảng học vấn của mình, được xem như biểu tượng của sự táo bạo và quyến rũ, mẫu mực của sự sang trọng chất Pháp.

Schiaparelli, với nền tảng học vấn của mình, được xem như biểu tượng của sự táo bạo và quyến rũ, mẫu mực của sự sang trọng chất Pháp.

Thiết kế của Elsa Schiaparelli vừa quyến rũ và táo bạo

Schiaparelli cũng phát triển đế chế của mình bằng cách thiết kế trang phục cho Hollywood cũng như cho ngôi sao Marlene Dietrich hay bộ phim “Every Day’s a Holiday”. Bà còn ra mắt nước hoa lấy tên gọi là “Shocking”. Tầm ảnh hưởng của Schiaparelli trong ngành thời trang vươn lên hàng đầu vào thời bấy giờ cho đến khi chiến tranh thế giới thứ hai sắp diễn ra. Schiaparelli rời Paris vào năm 1941 và chuyển tới New York trong suốt thời gian chiến tranh, ngôi nhà thời trang của bà vẫn hoạt động dưới sự điều hành của các cộng sự.

Và khi bà trở về Paris, mọi thứ đã thay đổi. Danh tiếng của bà bị lu bờ bởi sự xuất hiện của một thế hệ couturiers mới, trong số đó đáng chú ý nhất là Christian Dior và Cristobal Balenciaga. Năm 1947, Dior giống như Schiaparelli đã từng làm hai mươi năm trước, quyến rũ Mỹ và châu Âu với New Look, mặc dù gây sốc nhưng đậm tính cách tân. Elsa Schiaparelli không trở lại được đỉnh cao mà bà đã từng tại vị, khi mà đối tượng khách hàng đã có sự thay đổi lớn…

Một thiết kế sang trọng của Elsa Schiaparelli

Elsa Schiaparelli sở hữu nhiều thứ, một đầu óc sáng tạo vô biên, một khả năng ngoại giao khéo léo và đầu óc kinh doanh đáng ngưỡng mộ. Nhưng thời đại đã đổi thay rất nhiều sau cuộc thế chiến thứ hai. Schiaparelli dần dần buông xuôi mọi thứ…

Năm 1954, bà đóng cửa ngôi nhà thời trang cao cấp của mình và nghỉ hưu. Năm 1973 bà qua đời ở tuổi 83. Tài năng của Elsa Schiaparelli cùng những tác phẩm của bà đã ảnh hưởng thế giới thời trang đương thời, trong đó có các nhà thiết kế lừng danh như Charles James, Geoffrey Beene và Yves Saint Laurent.

Biên dịch: Hoàng Khôi

(Theo Metmuseum và BOF)