[Fashion Insider] Founder of Retail Design Vietnam, Hiền Trần: Visual Merchandising không chỉ áp dụng tại cửa hàng mà cả thương mại điện tử
Ngày đăng: 04/06/20
Visual Merchandising – Nghệ thuật bán hàng trực quan còn mới mẻ đối với đa số bộ phận kinh doanh thời trang Việt Nam. Công việc của Visual Merchandising đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa cụ thể, tuy nhiên họ là người đảm nhiệm công việc liên quan đến việc thiết kế cửa hàng, trưng bày sản phẩm, bày biện sản phẩm sao cho thật thu hút người mua và người Visual Merchandising chịu trách nhiệm về doanh số bán được.
Tuy nhiên chúng ta được biết công việc của Visual Merchandiser là làm sao mang đến trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng khi mua sắm. Để mang đến một cái nhìn tổng thể về tầm quan trọng của Visual Merchandising trong kinh doanh thời trang, trong chuyên đề Fashion Insider kì này, Style Republik mời trở lại chị Hiền Trần – Founder of Retail Design Vietnam. Chị từng là khách mời của chương trình SR Fashion Business Talk Ep5 với chủ đề Visual Merchandising Strategy to boost Retail Sales.
Chào chị, chị có thể chia sẻ về quá trình sáng lập của Retail Design Vietnam (RDV)?
RDV được chính thức thành lập vào tháng 5/2018. Trước đó từ 2012 tôi đã có thời gian làm quản lý bán lẻ và VMer cho các nhãn hàng. Trong quá trình làm việc và nghiên cứu, tôi nhận thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam, đặc biệt là SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa được phát triển toàn diện, chẳng hạn như mạnh mặt này thì lại yếu mặt khác, và đa số “mặt khác” đó đều là mặt hình ảnh trưng bày và trải nghiệm mua sắm ở tại cửa hàng, điểm bán. Chính vì điểm khuyết ấy của thị trường nên RDV ra đời vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với chúng tôi.
Sau thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ các thương hiệu Việt Nam trong mảng xây dựng thiết kế cửa hiệu, phát triển nhãn hàng cũng như về trưng bày sản phẩm thúc đẩy doanh số, chị nhận thấy lĩnh vực visual merchandising tại Việt Nam đã được chủ các cửa hàng thực sự chú trọng?
Khoảng 2 năm trở lại đây thì các nhãn hàng tại Việt Nam đã biết và có đầu tư cho Visual Merchandising nhiều hơn. Dễ nhận diện nhất là các cửa hàng trên đường (street stores) họ có sự chú trọng vào mặt tiền (shop front) và cửa sổ trưng bày (window display) tốt hơn. Tiếp đến là chú trọng vào trưng bày sản phẩm bên trong cửa hàng (display in store) nhưng số lượng cửa hàng này không nhiều so với lượng lớn nhãn hàng Việt Nam đang có.
Với kinh nghiệm làm việc của mình, chị nhận thấy những nhầm lẫn phổ biến về visual merchandising của các chủ doanh nghiệp thương hiệu Việt Nam là gì?
Có hai nhầm lẫn phổ biến nhất. Thứ nhất đó là Visual Merchandising và Trade Marketing giống nhau. Thứ hai là Visual Merchandising chỉ là trưng bày sản phẩm trong cửa hàng. Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa ta có thể thấy Visual Merchandising và Trade Marketing hoàn toàn khác biệt. Giá trị của visual merchandising có thể mang đến cho chủ các cửa hàng nếu được đầu tư đúng mức có thể giúp tăng giá trị hình ảnh và thúc đẩy tăng doanh số bán hàng. Về khách hàng họ có những trải nghiệm thú vị hơn khi mua sắm sản phẩm.
Phải chăng visual merchandising chỉ dành cho những thương hiệu quốc tế có quy mô lớn hay những công ty có tài chính mạnh, với các thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hàng nhỏ có cửa hàng nhỏ, có cách nào dùng bài bày trí trực quan để thu hút khách mua?
Không thiếu cách để tạo nên một bày trí thu hút khách, vì nguyên nhân là do chúng ta chưa “trăn trở” về Visual Merchandising cho cửa hàng mình nên chúng ta chưa tìm ra cách phù hợp.
Nếu chỉ để thu hút khách mua hàng thì tôi thấy các cửa hàng của mình đang ứng dụng rất đa dạng các hình thức thu hút khách hàng ở mặt tiền cửa hàng. Nhưng tôi nghĩ trong tương lai gần, chúng ta sẽ có cái nhìn rộng, đúng đắn hơn và khai thác được hết hiệu quả của về việc áp dụng Visual Merchandising như trưng bày hàng hóa bên trong, sử dụng ánh sáng và mùi hương để hấp dẫn khách… và kể cả Retail Design vào bên trong cửa hàng của mình.
Theo chị, đâu là những sai lầm về visual merchandising mà chủ các thương hiệu thời trang Việt hay mắc phải khiến cho giá trị của cửa hàng hay thiết kế bị giảm sút trong mắt khách hàng?
Có rất là nhiều lỗi visual merchandising mà các cửa hàng thời trang Việt đang gặp phải, và còn nhiều lỗi khác liên quan đến vận hành và chiến lược hàng hoá, hai yếu tố này cũng gây ảnh hưởng đến mặt visual merchandising. Ví dụ như lỗi thường gặp và dễ nhận thấy nhất đó là phân bổ hàng hóa và ánh sáng bên trong cửa hàng. Về phân bổ hàng hóa nhiều cửa hàng không phân được khu vực để sản phẩm sao cho hợp lý, khu vực nào là sản phẩm mới, khu vực nào là sản phẩm theo mùa… Hay về ánh sáng bên trong cửa hàng, không phải nơi nào cũng chiếu sáng như nhau mà cũng có những nơi cần ánh sáng mạnh (như khu vực trưng bày chính), nơi ánh sáng yếu để thu hút về mặt thị giác.
Chúng ta có thể hiểu là visual merchandising giúp tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời thúc đẩy khách hàng trở lại và mua sắm tại cửa hàng. Vậy các thương hiệu chuyên kinh doanh online thì có cần đến kiến thức visual merchandising hay không?
Thật ra, Visual Merchandising không chỉ áp dụng cho tại cửa hàng (in-store) mà còn áp dụng cho cả thương mại điện tử (e-commerce), cũng chung một mục đích là thu hút khách hàng, giữ chân khách hàng và tối ưu hoá đơn hàng.
Theo thống kê thế hệ trẻ ngày nay, 46% người mua sản phẩm thông qua các ứng dụng truyền thông xã hội/ứng dụng trò chuyện. Số lượng khách hàng của thương mại điện tử sẽ không ngừng tăng nhất là khi Gen Z là thế hệ lớn lên cùng với mạng xã hội, vậy một chiến lược visual merchandising có thể cứu vớt được doanh số cửa hàng hay giúp thương hiệu tồn tại trước sự phát triển của thương mại điện tử hay không?
Thương mại điện tử đó là xu hướng phát triển của xã hội, làm kinh doanh bây giờ buộc chúng ta phải chuyển mình và hòa nhập cùng xu hướng đấy. Như tôi cũng có chia sẻ, visual merchandising không chỉ áp dụng cho cửa hàng bán lẻ (in-store) mà còn áp dụng cho cả thương mại điện tử (online visual merchandising). Một doanh nghiệp nếu xây dựng 2 mô hình bán hàng là Cửa hàng bán lẻ và Online (Website hay Social Media), thì tôi nghĩ mình nên đầu tư phát triển đồng đều cả 2 kênh và sử dụng 2 mô hình hỗ trợ tạo lượt khách hàng (traffic) cho nhau. Ví dụ chuyển đổi khách hàng offline thành online và ngược lại, làm cách nào để đưa khách hàng online đến với cửa hàng của mình.
Còn nếu doanh nghiệp nào chọn hướng phát triển Cửa hàng Bán lẻ thì chiến lược về thiết kế cửa hàng và trải nghiệm mua sắm của khách hàng là 2 yếu tố quan trọng. Chẳng hạn như bạn cần mua đôi giày thể thao thì đa phần khách hàng sẽ thích đi đến cửa hàng để lựa chọn và trải nghiệm thử sản phẩm hơn là mua online.
Chị có thể chia sẻ vài bí quyết ứng dụng visual merchandising đơn giản mà đa số chủ các cửa hàng đều có thể áp dụng?
Bí quyết đầu tiên tôi muốn chia sẻ là việc trưng bày sản phẩm trên mannequin. Nó nên là những sản phẩm chủ đạo hay signature, và khi khách thấy sản phẩm trên mannequin thì nó cần được sắp xếp ở quầy hàng gần nhất sao cho khách có thể thấy nó ngay trong tầm mắt, để khách cầm lấy xem và nhanh chóng đi mặc thử. Và điều thứ hai là khi trưng bày hàng hóa, bạn nên sắp xếp những sản phẩm có thể phối với nhau như một sự gợi ý khéo léo. Như vậy khách hàng có thể chọn nhiều sản phẩm một lúc để phối với nhau và không còn băn khoăn là áo này, váy này… nên đi với trang phục nào.
Là người đi trước, chị có thể dành ra 3 lời khuyên cho các bạn trẻ muốn bước chân vào lĩnh vực visual merchandising hay muốn phát triển lên vị trí quản lý của một thương hiệu thời trang?
Theo thứ tự ưu tiên tôi nghĩ là: Điều thứ nhất là nên học hỏi – Tự nghiên cứu và học từ thực tế, từ tất cả các kênh, các nguồn tư liệu kiến thức mà các bạn có được. Thứ hai là trải nghiệm – Trải nghiệm từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất trong môi trường kinh doanh thời trang. Thứ ba là kiên trì.
Chị nhận thấy tình hình kinh doanh thời trang Việt ra sao hậu Covid-19?
Chắc chắn ảnh hưởng của COVID-19 đã giảm sức mua sắm những sản phẩm không thiết yếu của thị trường nói chung và thời trang nói riêng. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thời trang chuyển sang ưu tiên tập trung phát triển kênh online nhiều hơn và rất cẩn trọng trong việc mở thêm cửa hàng mới trong giai đoạn này.
Chị có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển của Retail Design Vietnam (RDV) hậu Covid-19?
COVID-19 xuất hiện đã buộc mọi kế hoạch phát triển trước đó của tôi phải linh hoạt thay đổi cho phù hợp với thị trường. RDV vẫn đang tập trung 2 mảng chính là tư vấn, đào tạo về visual merchandising và tư vấn thiết kế Retail Design. Và trong 2 mảng này tôi hiện đang có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hậu dịch COVID-19 để đồng hành và san sẻ gánh nặng cùng các doanh nghiệp Việt Nam để đi qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Thực hiện: Hoàng Khôi
—
SR Fashion Business School – Không gian chia sẻ và và giảng dạy kinh doanh thời trang chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã kết hợp cùng Retail Design Vietnam để mang đến Workshop Thực Hành Visual Merchandising – Trưng Bày Trên Mannequin nhằm giúp các bạn trẻ đam mê thời trang, yêu thích mỹ thuật có cơ hội được trải nghiệm thực tế lĩnh vực mới mẻ và thú vị này. Đến với workshop, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức tổng quan về Visual Merchandising và tìm hiểu công việc của một Visual Merchandiser, bạn còn thực hành trưng bày mannequin theo sự sáng tạo riêng, dưới hướng dẫn của giảng viên là chuyên gia Visual Merchandiser từ Retail Design Vietnam.
Thời gian: 14:00 – 17:00 Thứ 7 06.06.2020 | 1 buổi duy nhất
Dụng cụ thực hành sẽ được chuẩn bị sẵn cho học viên
ĐĂNG KÝ TẠI: đây hoặc hotline 0971 609 650