[Fashion Insider]: Tân Trương – Founder SNKRVN: Người không ngừng chuyên nghiệp hóa cuộc chơi streetwear Việt Nam
Ngày đăng: 24/12/19
Fashion Insider là một chuỗi các bài phỏng vấn cùng những người trẻ đang lao động hết mình và góp tiếng nói vào nền văn hóa streetwear Việt Nam. Đây là dịp để nghe sự chia sẻ từ các khách mời của SR Fashion Business Talk Ep8: The Business of Streetwear. Bốn người trẻ là những cá tính khác nhau đang hăng say làm việc vì cộng đồng và xây dựng thương hiệu của mình:
– Anh Tân Trương, hiện tại là Founder và Điều hành SNKRVN – Một chuyên kênh đặc biệt về sneakers, trang phục thể thao, thời trang và phong cách sống dành cho các bạn giới trẻ
– Chị Hoàng Quỳnh, là người điều hành, quản lý, sản xuất và kiểm định chất lượng cho thương hiệu DVRK
– Anh Minh Trí Lê, với công việc của một Marketing Planner và Facebook blogger
– Anh Minh Nguyễn, hiện là Founder và Creative Director của thương hiệu DVRK
Với số mở đầu, chúng ta sẽ trò chuyện cùng anh Tân Trương, hiện là Founder và Điều hành SNKRVN. Được học hỏi và tích lũy khi còn làm việc cho ông lớn thể thao như Adidas với vị trí quản lý Adidas Sport Performance, Adidas Originals và Adidas Neo, anh dùng những kinh nghiệm mình có để thành lập chuyên kênh SNKRVN giúp xây dụng cộng đồng yêu văn hóa sneaker và streetwear. Bên cạnh những thành công có được, anh Tân Trương cũng chia sẻ những bận tâm và suy nghĩ của mình về làn sóng văn hóa này tại Việt Nam, đánh giá các bước đi của các thương hiệu lớn và làm sáng tỏ những điều mà nhiều người còn lầm tưởng.
Cảm ơn anh đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn. Anh có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại của mình để tất cả đọc giả của Style-Republik hiểu hơn về anh không?
Cám ơn Style Republik đã dành cơ hội đặc biệt này cho Tân, Tân hiện tại là Founder và Điều hành SNKRVN – Một chuyên kênh đặc biệt về sneakers, trang phục thể thao, thời trang và phong cách sống dành cho các bạn giới trẻ. Sneakers là hệ xương sống (Back-bone) của SNKRVN và slogan của SNKRVN là From SNEAKERS, we CONNECT more. Tạm dịch là: Từ nền văn hoá Sneakers, chúng tôi kết nối nhiều nền văn hoá khác nhau.
Rất nhiều bạn trẻ biết đến anh qua trang chuyên kênh SNKRVN. Điều gì đã thôi thúc anh bắt tay vào dự án này?
Xuất phát điểm 2013 khi làm Marketing tại adidas thì mình nhận ra rằng tại Việt Nam chưa có một kênh thông tin chuyên sâu về giày, cũng như cộng đồng cũng chưa làm việc chuyên nghiệp để có thể kết nối được các bạn trẻ, cập nhật tin tức nhanh chóng cũng như là cầu nối giữa thương hiệu và những người dùng, người yêu thích giày. SNKRVN được thành lập vì mục đích đó. Nó không phải là dự án, mà là một mô hình kinh doanh thì đúng hơn.
Bên cạnh đó là việc tạo ra một công ty truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, đầu tư bài bản và làm việc hết mình dựa trên niềm đam mê, tình yêu với giày, thời trang thể thao & thời trang đường phố nói chung. SNKRVN được xây dựng và phát triển trong xuyên suốt hơn 3 năm vừa qua để chứng minh rằng, SNKRVN đại diện cho những con người làm hết mình, chuyên nghiệp, có chiều sâu để cộng đồng ngày càng phát triển.
Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực thời trang đường phố nói chung và sneaker nói riêng, anh nhận thấy sự phát triển của cộng đồng này như thế nào những năm gần đây?
Việc phát triển vượt trội của cộng đồng có thể nhận ra 2 năm trở lại đây. Bởi nhiều năm trước đó nó đã được tích luỹ rất lớn với sự góp sức của những sneakerhead, group leaders, thị trường, thương hiệu, các nhà phân phối,…. Sneakers và Streetwear là một sự liên kết đặc biệt. Cộng đồng đang ngày càng phát triển không chỉ về bề ngang và còn được đào sâu về chuyên môn. Gần như khi SNKRVN đại diện giao lưu ở nước ngoài, mọi người đều rất quan tâm cộng đồng tại thị trường VN đang phát triển ra sao.
Shoesgame ngày càng phố biến không chỉ với người yêu văn hóa đường phố mà còn là các bạn trẻ đang tìm kiếm thú chơi để thể hiện cá tính riêng. Anh đánh giá thế nào về mặt lợi và hại của điều này?
SNKRVN vẫn luôn nói với các bạn rằng sneakers là một giá trị mà các bạn chứng minh mình đã làm việc rất tốt và sneakers là một thứ thể hiện giá trị của chính bạn cũng không khác gì mấy so với việc mua đồng hồ, trang sức,… Shoesgame giúp cho mọi người gần nhau hơn, không phải những câu chào xã giao kiểu hello, hi,… mà nó giống như một cách “break the ice” (cởi mở) trong giao tiếp rất tốt nữa. Các bạn chỉ cần ra đường, nhìn xuống chân và “wow, nice shoes, bro!” là chúng ta có thể có thêm một người bạn mới và có hàng tiếng đồng hồ để nói chuyện cùng nhau vì một niềm đam mê chung.
Phần hại ở đây là đôi khi có quá nhiều bạn trẻ chỉ chăm chăm việc mua giày, mà không hề hiểu về bản chất đôi giày sinh ra từ đâu, sử dụng vào mục đích gì (VD giày lifestyle/ Sport Style thì mang đi tập gym, chạy bộ) hoặc cố gắng khoe mẽ quá mức và chứng minh mình có nhiều giày, tuy nhiên gần như kiến thức chuyên môn, mang tính chiều sâu hoặc khi phản biện, tranh luận vấn đề, chủ đề trong sneakers lại không có. Cái nhìn của người ngoài đơn giản là mua giày để chứng tỏ mình nhiều tiền, mình mua được sản phẩm, chứ không phải vì giá trị của đôi giày nó mang lại.
Hypebeast thường bị gắn liền với những thành kiến. Phải chăng họ không chỉ có những mặt xấu như nhiều người hay nghĩ?
Cụm từ Hypebeast không xấu, mình xin khẳng định là vậy! Mình rất thích cụm từ này và người Founder, Kevin Ma là một trong những người mình rất ngưỡng mộ về slogan của Hypebeast là Driving Culture Forward. Tuy nhiên, khi cộng đồng đa dạng toàn cầu, việc định danh hypebeast là những người chỉ biết chạy theo sản phẩm thì không đúng. Một bộ phận các bạn là thành viên trong cộng đồng mua mà không cần nghĩ, và giá trị mang lại là tôi là người sở hữu nhanh nhất, tôi chụp hình khoe đầu tiên,… Các bạn chỉ muốn chứng tỏ mình và mong muốn được ghi nhận trên MXH với hàng nghìn like, tương tác,… là đã tự hào chứ không hiểu hoàn toàn bản chất của sản phẩm nó có thật sự hợp với mình hay không. Mặc xấu thì luôn tồn tại ở đó song song với những điều tốt đẹp mà nền văn hoá sát mặt đất mang lại.
Việc nhiều người trẻ có khả năng chi trả cho những món đồ streetwear hype nhất khiến giá của chúng bị đội lên chóng mặt nhưng lại không thật sự quan tâm hay chỉ đơn giản là resell lại với cái giá cao hơn. Anh có nghĩ rằng điều đó đang phá hỏng shoesgame của những người thật sự yêu thích luồng văn hóa này?
Như mình đã từng đề cập một lần trong bài viết tại SNKRVN nói về hai thị trường Sơ cấp (Primary Market) và Thứ cấp (Secondary Market). Mối quan hệ Cung cầu/ Người Bán & Người mua luôn tồn tại và nếu các bạn tinh ý, những người mong muốn sở hữu đầu tiên khi không mua được giá bán lẻ (resell price) thì họ sẵn sàng chi trả một số tiền lớn để có sản phẩm (First Adaptor). Về bản chất, nền văn hoá không bị phá hỏng bởi chắc chắn chi phí cơ hội họ bỏ ra để mua sản phẩm trước cũng là cách để những người theo sau (followers) có thêm được quyền chọn lựa, cân nhắc có nên mua hay không. Mình chỉ thích nhìn vào mặt tích cực. Đã gọi là nền văn hoá thì nó rất đa dạng, không chỉ đơn thuần là nhìn vào những điều này để nói nó có thể phá hỏng shoesgame được.
Không chỉ các hãng lâu năm như Nike, adidas, New Balance… mà những ông lớn cũng đã nhảy vào cuộc chơi. Nổi bật như Gucci, Louis Vuitton x Supreme hay mới đây nhất là Dior men x Shawn Stussy đã tạo nên những cơn bão thật sự. Liệu đây có phải bước đi trong chiến lược trẻ hóa hình ảnh của các thương hiệu tầm cao?
Thế hệ các bạn Gen Z, Y và 1 phần nhóm Millenials đã có cách tiêu dùng hoàn toàn khác. Lại một lần nữa mình tin rằng việc các thương hiệu cao cấp nhảy vào thị trường rất tiềm năng này đơn giản là họ đã có chiến lược rất rõ ràng dựa trên hành vi tiêu dùng của nhóm trẻ. Các khách hàng trẻ họ sẵn sàng trải nghiệm sản phẩm với mức giá cao, nhưng cơ hội bán lại chúng để hoàn vốn sau khi khấu hao dùng sản phẩm vẫn có thể mang lại lợi nhuận, việc họ xâm nhập sâu vào thị trường là điều đương nhiên. Ai cũng muốn chứng minh giá trị của mình, luxury brands giờ không còn dành cho các nhóm người lớn tuổi có tiền, có tài chính ổn định nữa rồi, và nhóm trẻ rồi họ cũng sẽ lớn. Các thương hiệu luxury thật sự rất khôn ngoan khi sẵn sàng xây dựng thương hiệu (top of mind) đối với nhóm khách hàng tiềm năng, đưa ra sản phẩm trial và sau đó xây dựng được lòng tin của người hâm mộ. Cảm phục hết sức!
Việc tham gia của các mẫu sneaker phân khúc high-end có tác động như thế nào đến thị trường streetwear toàn cầu?
Một luồng gió mới để chứng minh rằng văn hoá đường phố đã ảnh hưởng đến khách hàng ra sao, và khách hàng đã ảnh hưởng đến văn hoá & chiến lược kinh doanh của hương hiệu như thế nào. Thương hiệu phân khúc high-end đã tiếp cận đến hành vi tiêu dùng của nhóm trẻ khác với các khách hàng lớn từ những thập kỷ trước như thế nào. Thú vị và có rất nhiều thứ để quan sát đấy chứ.
Ở Việt Nam anh nhận thấy các nhãn hiệu streetwear trong nước đã có những bước đi như thế nào những năm trở lại đây?
Đầu tư bài bản, chiến lược nhất quán, đầy cá tính và rất chỉn chu từ chất lượng sản phẩm, thiết kế, concept cửa hàng cho đến customer service. Mình thật sự nể các bạn. Tuy nhiên, cũng có những thương hiệu mở ra rồi chết đi nhanh chóng. Vòng đời thương hiệu hơi nhanh cũng như có nhiều sự na ná nhau mà đôi khi mình không phân biệt nổi ai với ai.
Kể tên các thương hiệu streetwear Việt Nam mà anh ấn tượng?
Nhiều quá, chắc kể cả ngày không hết. Nhưng nếu ấn tượng chắc sẽ là PUSW, DVRK, O.G,… là những thương hiệu mình ấn tượng và thích cách làm văn minh từ các anh chị em bạn bè mình biết.
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ với đọc giả Style-Republik. Chúc anh luôn thành công trong các dự án bản thân ấp ủ!
Thực hiện: Hiếu Lê