Forever 21 phá sản – dấu hiệu cho thấy thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi

Ngày đăng: 02/10/19

Forever 21, thương hiệu thời trang nhanh đã một thời phổ biến ở khắp nước Mỹ với những cửa hàng sản phẩm giá bình dân vừa qua đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Một dấu hiệu cho thấy sự các trung tâm bán lẻ đang giảm dần sức hút trong thời kì thương mại điện tử lên ngôi, đồng thời cũng cho thấy thị hiếu người tiêu dùng ngày nay, nhất là người trẻ đang có sự thay đổi rõ rệt. 

Là một trong những tên tuổi lớn nhất của thời trang nhanh, Forever 21 đã từng là thương hiệu bình dân phổ biến nhất Hoa Kỳ với các cửa hàng luôn mở cửa nhộn nhịp với mức giá tầm 5 đô la. Tuy nhiên, Forever 21 phá sản cho thấy cơn khủng hoảng của các cửa hàng bán lẻ chưa có dấu hiệu chậm lại. 

Forever 21 cho biết, sau khi phá sản, họ sẽ tiếp tục vận hành trang web của mình và hàng trăm cửa hàng tại Mỹ, Mexico và Mỹ Latinh. “Những gì chúng tôi làm là hy vọng với quá trình này có thể đơn giản hóa mọi thứ để chúng tôi có thể quay lại làm những gì chúng tôi đã làm tốt nhất trước đây” – Linda Chang, phó chủ tịch điều hành công ty trả lời phỏng vấn. Linda Chang là con gái của Do Won và Jin Sook Chang, nhà sáng lập Forever 21 vào những năm 1980, sau khi di cư từ Hàn Quốc đến California.

Forever 21 từng là “giấc mơ Mỹ”

Một thời, sự tồn tại của Forever 21 tượng trưng cho “giấc mơ Mỹ”, thương hiệu lên đến đỉnh cao vào đầu những năm 2000 với loạt sản phẩm bình dân. Forever 21 cùng với Zara và H&M đã thúc đẩy cho sự lên ngôi của fast-fashion, tạo ra thời trang nhanh phổ biến khắp nước Mỹ. 

“Ngành công nghiệp bán lẻ rõ ràng đang thay đổi – đã có sự giảm lượng khách mua sắm tại trung tâm thương mại và doanh số đang dịch chuyển sang kênh trực tuyến” – Linda Chang, phó chủ tịch điều hành công ty Forever 21. 

“Chúng tôi đã phát triển từ 7 quốc gia đến 47 quốc gia trong thời gian chưa tới sáu năm và cùng với đó là rất nhiều điều phức tạp” – Linda Chang cho biết. Đồng thời, phó chủ tịch điều hành Forever 21 cũng cho biết thêm: “Ngành công nghiệp bán lẻ rõ ràng đang thay đổi – đã có sự giảm lượng khách mua sắm tại trung tâm thương mại và doanh số đang dịch chuyển sang kênh trực tuyến”.  

Forever 21 cho biết ​​doanh thu đã giảm dần qua mỗi năm, từ 4,4 tỷ đô la vào năm 2016, cho đến chỉ còn 3,3 tỷ đô la vào năm ngoái. Công ty dự kiến việc tái cấu trúc sẽ mang lại doanh thu hàng năm là 2,5 tỷ đô la. Sau khi được thông qua đơn xin phá sản Forever 21 tin rằng có thể đàm phán lại nhiều hợp đồng thuê cửa hàng ở Hoa Kỳ, số lượng cửa hàng sau này có thể sẽ dưới 178. Công ty có thể sẽ tập trung vào mảng thời trang nam và nữ, và giảm các mảng khác như trang trí nhà cửa, điện tử và mỹ phẩm.

Forever 21 cho biết ​​doanh thu đã giảm dần qua mỗi năm, từ 4,4 tỷ đô la vào năm 2016, cho đến chỉ còn 3,3 tỷ đô la vào năm ngoái.

Nguyên nhân về sự sụp đổ của Forever 21 

Forever 21, cái tên nói lên mục tiêu mà thương hiệu nhắm đến, những người trẻ ở độ tuổi 20. Các nghiên cứu của công ty cho biết 40% người mua sắm của Forever 21 ở độ tuổi từ 25 đến 40. Trong thời gian qua, Forever 21 tiếp tục gia tăng số lượng hàng hóa nhưng lại không quan tâm đến mảng kỹ thuật số như các đối thủ Asos hay Fashion Nova. Trong khi đối tượng của họ giờ đây lại là thế hệ lớn lên trong thời đại internet. Việc chỉ chú trọng đến phát triển cửa hàng và bỏ bê mảng kỹ thuật số được cho là một trong những nguyên nhân khiến Forever 21 phá sản. 

Mặc khác, thời trang nhanh, sau thời kì bùng nổ giờ đây đã phải đối mặt với những phản ứng dữ dội về tác động của nó đối với môi trường và xã hội. Quần áo dùng một lần gây nên lãng phí khủng khiếp và những lo ngại về sự an toàn của công nhân may mặc, nhất là sau vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013 gây nên cái chết của 1.100 công nhân may mặc. Wendy Liebmann, giám đốc điều hành của công ty tư vấn WSL Strategic Retail cho biết: “Những người mua sắm trẻ tuổi đã ngày càng chuyển sang hàng hóa ký gửi và các thương hiệu tuyên bố sự theo đuổi giá trị bền vững”. 

“Những người mua sắm trẻ tuổi đã ngày càng chuyển sang hàng hóa ký gửi và các thương hiệu tuyên bố sự theo đuổi giá trị bền vững” – Wendy Liebmann, giám đốc điều hành của công ty tư vấn WSL Strategic Retail. 

Mặt khác, trong sự phát triển Forever 21 đã trở thành chủ đề của nhiều vụ kiện về bản quyền và thương hiệu trong nhiều năm qua. Gần đây nhất là vụ kiện của ca sĩ Ariana Grande mà chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng cũng ảnh hưởng không ít đến thương hiệu. 

Tạm kết 

Mark A. Cohen, giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại Columbia Business School, nói rằng ông tin rằng thời trang nhanh vẫn phổ biến hơn bao giờ hết, như trường hợp thành công của Zara, nhưng Forever 21 đã mở rộng quá nhanh mà không có chiến lược hợp lý. Sự phá sản của Forever 21 cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các trung tâm mua sắm nếu không có sự thay đổi, khi mà họ đang giảm dần lượng khách vãng lai. 

“Khi bạn nghĩ về thời trang nhanh, thực sự chỉ có một số ít tên tuổi xuất hiện trong tâm trí của hầu hết mọi người, và để có mặt trong danh sách hàng đầu đó là một kỳ tích khá tuyệt vời.” – Linda Chang cho biết, cô và em gái sẽ tiếp tục làm việc và duy trì Forever 21 trong thời gian tới. Nhưng còn tương lai của thương hiệu, đây vẫn còn là một dấu hỏi lớn. 

Thực hiện: Côn Quân
Theo BOF