Giải mã màu đen trong BST Dior Haute Couture Thu Đông 2019

Ngày đăng: 03/07/19

Bước vào show diễn Dior Haute Couture Thu Đông 2019, hẳn không ít khách mời đã cảm thấy bất ngờ khi bao trùm toàn bộ không gian là một màu đen huyền bí. Cách đây 65 năm, Christian Dior từng bộc bạch rằng: “Tôi có thể viết hẳn một cuốn sách về màu đen.” Và giờ đây, Maria Grazia Chiuri đã thực hiện được điều tương tự khi gần như chỉ dùng một màu đen cho BST Couture Fall 2019. Và khi màu sắc bị giản lược, những gì tinh tế nhất trong cấu trúc, phom dáng, những điểm nhấn trọng tâm trên mỗi thiết kế sẽ hiển lộ rõ nét.

Maria Chiuri giải thích về chủ đề của BST Couture Thu Đông 2019 – mối quan hệ giữa thời trang và kiến trúc: “Abito (dress) xuất phát từ chữ abitare (to live)… Trang phục là ngôi nhà đầu tiên của ta. Ta sống bên trong nó, do đó nó nên thoải mái nhất có thể.” Người cố vấn cho Maria Chiuri trong suốt quá trình thực hiện BST  là kiến trúc sư kiêm nhà sử học xã hội Bernard Rudovsky, người giám tuyển cho buổi triển lãm “Are Clothes Modern?” diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại New York năm 1947 – thời điểm mà ngài Dior cho ra mắt BST New Look huyền thoại.

Trong tiểu luận “Are clothes modern?” do chính chấp bút, Ông từng chỉ ra rằng, bên cạnh trang phục thì có những sự can thiệp lên cơ thể, thực tế là, không hề đẹp, vô nghĩa hay thậm chí gây hại. Những đôi giày có mũi nhọn là một ví dụ, chúng tác động sai lệch đến hình dáng tự nhiên của ngón chân, và vì thế ông đã thiết kế nên những đôi sandal thay thế. Rudofsky cũng ưa chuộng trang phục theo kiểu toga (phổ biến dưới thời La Mã cổ đại). Chúng đơn giản, phi cấu trúc, thường đi cùng những đôi sandal đế bệt, đem lại cảm giác khiến con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Đó cũng là nguồn cảm hứng để Maria Chiuri đem những mẫu sandal lưới lên runway của Dior Couture mùa này.

Mở màn cho show diễn là một thiết kế màu trắng lấy cảm hứng từ mẫu trang phục peplos của người Hy Lạp cổ đại. Trước ngực áo  T-shirt dress in dòng chữ “are clothes modern?” như một lời chất vấn dành cho thời trang đương đại.

Mở màn cho show diễn là một thiết kế màu trắng lấy cảm hứng từ mẫu trang phục peplos của người Hy Lạp cổ đại. Trước ngực áo  T-shirt dress in dòng chữ “are clothes modern?” như một lời chất vấn dành cho thời trang đương đại. Tuy vậy, sắc đen vẫn là màu chủ đạo của BST năm nay. Tưởng rằng đã quá quen thuộc, nhưng không ai phủ nhận được rằng màu đen có một sức hút khó cưỡng. Màu đen an toàn, thoải mái nhưng cũng đầy thách thức. Trong BST của Dior, màu đen không đơn điệu mà xuất hiện trong mọi sắc độ, chất liệu, hình khối. Vẻ nhạy cảm mong manh song song xuất hiện bên cạnh đường nét góc cạnh, mạnh mẽ.

Chiuri khẳng định tính chất hiện đại bằng ý tưởng “less cut, less construction” (tạm dịch: ít đường cắt, tối giản cấu trúc). Hình ảnh ngày và đêm đan xen trong suốt show diễn. “Tôi bị ám ảnh bởi ý tưởng về sự thoải mái,” bà nói. “Tôi hiểu bản thân hơn nhờ Rudovsky. Những gì tôi làm một cách bản năng xuất phát từ xuất thân của mình nơi miền Nam nước Ý – một vùng đất thực sự xinh đẹp, thanh lịch mà không hề gắng gượng.” Điều này dường như đã nằm sẵn trong phong cách thiết kế của Chiuri kể từ những ngày đầu ở Dior, chẳng hạn như khiến cho chiếc áo Bar suit đậm tính biểu tượng trở nên thoải mái hơn, dù vẫn giữ nguyên hình bóng đồng hồ cát mang signature của thương hiệu.

Dẫu có vẻ hơi mâu thuẫn khi ứng dụng ý tưởng về sự thoải mái vào một BST đòi hỏi sự công phu, phức tạp như haute couture, bản thân Chiuri lại cảm thấy rằng chính ngài Dior cũng đã từng có suy nghĩ này khi thực hiện BST cuối cùng của ông vào năm 1957, tập hợp những thiết kế theo phong cách draping kiểu toga. Bà bắt lấy điều này và theo đuổi nó. “Những phom dáng cổ điển sẽ được thực hiện với cấu trúc và chất liệu hiện đại, trang trí bằng những chi tiết thêu siêu nhẹ và vô cùng mong manh” – đó là điều mà Chiuri mô tả về mục tiêu khi thực hiện BST.

“Những phom dáng cổ điển sẽ được thực hiện với cấu trúc và chất liệu hiện đại, trang trí bằng những chi tiết thêu siêu nhẹ và vô cùng mong manh”

Chất liệu lưới không chỉ sử dụng như một lớp mạng che mặt cho những quý cô thượng lưu mà còn được Chiuri phát triển thành những thiết kế xuyên suốt show diễn, đó là kiểu lưới màu đen mỏng tang phủ từ phần cổ cho tới ngực, cánh tay và cả phần váy lót nhiều tầng. Những chiếc áo khoác caftan và áo choàng nhung xen lẫn những mẫu đầm dạ hội một bên vai sử dụng chất liệu cloque (lụa thêu jacquard) hay đầm bias-cut xếp ly trên nền vải sợi lamé màu đồng. Kỹ thuật đính kết khéo léo và tinh xảo thể hiện trên những mảng lông vũ uốn xoăn xếp trên phần vạt cape của chiếc váy. Sự xa hoa toát lên từ những chiếc đầm nhung hoạ tiết Fortuny.


Mối liên hệ giữa thời trang và kiến trúc cũng được thể hiện một cách trực diện qua mẫu thiết kế ấn tượng kết thúc show diễn: bộ trang phục trong hình thái một mô hình dát vàng phỏng theo toà kiến trúc House of Dior ở số 30 Đại lộ Montaigne – nơi ngài Christian Dior đặt những viên gạch nền móng cho thương hiệu thời trang lừng lẫy nhất bậc Paris.

Không gian trình diễn cũng đóng góp quan trọng trong việc thể hiện tinh thần của BST tập. Trong thời gian đóng cửa để nâng cấp, House of Dior ở số 30 Đại lộ Montaigne được tận dụng, tái trang trí bởi Penny Slinger – một nữ nghệ sĩ theo trường phái siêu thực đồng thời cũng là một nhà hoạt động nữ quyền. Không gian bên trong toà nhà quen thuộc của Dior suốt nhiều năm trở nên lạ lẫm và ấn tượng với sự xuất hiện của một cái cây có bộ rễ khổng lồ trồi lên khỏi mặt đất, những cành giả cổ quấn quanh lan can cầu thang đang trong giai đoạn tu sửa.

Bí ẩn, mãnh liệt và đầy mê hoặc. Không gian được trang trí bằng những bức tượng Caryatid – biểu tượng cho tính nữ vô cùng quen thuộc trong văn hoá Hy Lạp cổ đại. Sắc thái siêu thực được gợi mở bằng hình ảnh con bướm khổng lồ che mặt người phụ nữ khoả thân, khuôn mặt người phụ nữ vỡ vụn trên mặt đá pha lê. Điểm sáng duy nhất là khu vườn rực rỡ với phần vòm tràn ngập hoa tươi đang nở rộ. Và không dừng lại ở đó, mỗi một thiết kế trở thành một phần trang trí của khối kiến trúc, biến show diễn trở thành một buổi lễ kỷ niệm dành cho mọi phụ nữ từng bước vào House of Dior, dù đó là những vị khách hàng giàu có hay những người thợ may váy vô danh.

Ba năm trong cương vị Giám đốc sáng tạo cho Dior, Chiuri đã chịu nhiều áp lực cũng như tạo nên tranh cãi trong dư luận, rằng liệu bà có phải là lựa chọn xứng đáng với vị trí quan trọng được giao phó. Giờ đây, mọi thứ đã trở nên rõ ràng rằng Dior chính là con đường khai sáng bản ngã của Chiuri.

Thực hiện: Quỳnh Nga