Góc nhìn về Covid 19: Giãn cách xã hội lần 2 – Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

Ngày đăng: 13/07/21

Đã hơn 1 năm kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và làm chao đảo cuộc sống của toàn thế giới. Chỉ sau vài tháng tình hình có vẻ trở nên khả quan hơn thì Việt Nam lại tiếp tục rơi vào thời kỳ giãn cách xã hội lần thứ 2. Mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ, giáo dục… đều bị đình trệ và nền kinh tế lâm vào khó khăn một cách đáng lo ngại. Thời trang Việt tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt từ trước đến nay đều là thử và mua trực tiếp tại cửa hàng. Tất cả các sự kiện đều bị hủy bỏ, tất cả các cửa hàng bị buộc phải đóng cửa chưa biết ngày trở lại, nhiều thương hiệu phải trả lại mặt bằng cửa hàng. Thế nhưng, trong những thử thách đã nhen nhóm lên những ý tưởng, những phương án thích ứng có lẽ sẽ thay đổi cách thế giới thời trang đang vận hành. 

Cùng lắng nghe những chia sẻ của các thương hiệu Việt và chuyên gia thời trang trong việc đương đầu với dịch bệnh cho lần giãn cách xã hội thứ hai này. 

Đọc thêm chia sẻ về cách ứng phó với đại dịch năm trước của các NTK và thương hiệu Việt tại đây 

Chị Châu Nguyễn – General Manager tại ACFC

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Chiến lược mà chúng tôi làm ở đợt dịch hiện tại là tập trung 100% nguồn lực vào e-commerce và online. Có thể trước đó, chúng ta đã triển khai về các dự án bán hàng online rồi nhưng chúng ta chưa thực sự tập trung 100% vào nó bởi 95% doanh thu vẫn đến từ các khối cửa hàng. Do đó, ở đợt dịch này, chúng ta cần lên kế hoạch về chiến lược hàng hóa, chiến lược marketing, phân bổ nhân sự và tất cả các phòng ban cần phối hợp để tập trung 100% vào bán hàng online.”

Anh Vĩ Cẩm – Senior Marketing tại Onitsuka Tiger

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Với Chỉ thị 16, hầu hết các nhu cầu của người dân đang đổ dồn về thị trường tiêu dùng như các thực phẩm thứ yếu, nên nhu cầu về thời trang trong giai đoạn này được gọi là một nhu cầu xa xỉ đối với đại đa phần người dân và các tín đồ thời trang tuy nhiên nhu cầu đó vẫn còn, nhưng chỉ ít hơn bình thường. 

Đối với các thương hiệu phân khúc bình dân, giá rẻ, đối tượng của nhóm này là học sinh sinh viên, người đi làm có thu nhập từ 7-12 triệu. Nếu họ là những người thuộc các tỉnh thành lớn và gia đình có điều kiện, thì nhu cầu mua sắm của họ vẫn có nhưng chỉ là ít hơn so với bình thường do vấn đề thắt chặt chi tiêu và nguồn cấp từ gia đình bị hạn chế. Để tiếp cận được nhóm đối tượng này, các chương trình khuyến mãi thông thường có thể sẽ không phát huy hiệu quả. Các thương hiệu cần có những chiến lược chiêu dụ một cách thông minh, ví dụ các sản phẩm được bày bán trong dịp này sẽ cần thiên hướng một chút theo dạng basic, đơn giản nhưng kèm theo đó là một thông điệp độc đáo, để khơi gợi sự tích cực cho người mua hàng vì đa phần các đối tượng đã quá ngộp khi nhận hàng loạt các tin tức từ COVID-19. Việc truyền tải những thông điệp tươi vui cùng những cách mix-and-match với các trang phục phụ kiện basic nhưng vẫn thời trang sẽ tác động được tâm lý mua hàng của họ.

“Sự khác biệt” & “Hiểu được tâm lý” là yếu tố rất cần thiết trong giai đoạn này. Ngoài ra, những dịch vụ đi kèm, mang tính cá nhân như thiệp viết tay sẽ là một điểm cộng để ghi dấu ấn cho người tiêu dùng. Đối với các khách hàng quen thuộc, các thương hiệu có thể chủ động một chiến dịch CRM để gửi lời chúc sức khỏe đến khách hàng, kết hợp một code giảm giá tựa như món quà để đồng hành cùng khách hàng sẽ có thể giúp các thương hiệu khai thác được nguồn khách hàng sẵn có. Tôi luôn khuyến khích các thương hiệu có thể làm những gì khác đi và đặc biệt đừng quá tâm đến doanh số “Hãy cho đi, để nhận lại những giá trị lâu dài”. 

Với các thương hiệu phân khúc trung và cao cấp, phần lớn khách hàng của họ tập trung chính ở hai khu vực Hà Nội & Hồ Chí Minh, đây cũng là hai vùng dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Những đối tượng này, đa phần là nhân viên cấp cao, chủ thương,… về tài chính có thể họ sẽ không quá giới hạn. Tuy nhiên, nỗi trăn trở và lo lắng nhất là những áp lực về công việc, KPIs… Các thương hiệu cũng nên tận dụng những thông điệp thật tâm lý, và tư duy như mình đang ở vị trí của họ đang cần gì và đau đầu về điều gì, để tạo ra những content thú vị giúp họ xoa dịu stress, và suy nghĩ theo hướng tích cực. Quà tặng tri ân (Gift with purchase) hoặc những chiến lược non-pricing promotion (không đánh vào giá sản phẩm) sẽ phát huy tác dụng triệt để, để không khiến khách hàng hoang mang về giá trị thương hiệu vì bình thường thương hiệu bán giá cao mà nay lại giảm giá sập sàn. Quà tặng ý nghĩa như những món quà liên quan đến thực phẩm chức năng để nâng cao sức đề kháng, các phụ kiện phòng chống dịch và những câu “quote” trên những chiếc áo T-Shirt basic sẽ là những lời động viên vô hình như đầy sức nặng với họ. 

Về cách thức truyền thông, nên chuyển mọi hình thức quảng cáo sang dạng hình ảnh/ video có thiết kế tươi vui. Màu sắc đầy hy vọng để tạo ấn tượng cho người đọc buộc họ phải dừng lại giữa muôn màn tin tức COVID-19 liên tục để cập nhật. Có thể chuyển sang những kênh mang tính giải trí như Youtube/ Tiktok / Facebook vì giai đoạn này là giai đoạn WFH (làm việc ở nhà) nên nhu cầu về giải trí khá cao, và họ cũng sẽ thường xuyên tới lui những kênh này để giải khuây. 

Thắt chặt ngân sách chi tiêu, loại bỏ toàn bộ các khoản chi phí không cần thiết, để kiểm soát tỷ lệ chi phí và doanh thu ở mức thấp nhất có thể, chẳng hạn như các chiến dịch sale không cần thiết. 

Nhìn chung giai đoạn này không phải giai đoạn để boost sale vì chính bản thân các thương hiệu điều hiểu rõ sự ảnh hưởng của COVID-19 đến thị trường như thế nào, việc tập trung xây dựng thương hiệu và tăng tính kết nối với khách hàng sẽ là chiến thuật tạo “đà” sau khi dịch kết thúc. 

Vì vậy, việc lên kế hoạch cho những chiến dịch từ tháng Chín – tháng Mười Hai trên các sàn thương mại điện tử đến các kênh bán hàng online trực thuộc các thương hiệu sẽ vô cùng cần thiết cho giai đoạn này. Đừng cố gắng tìm mọi cách để cải thiện doanh số tỷ lệ mua hàng đang ở mức vô cùng thấp. Nghiên cứu và rà soát lại các hoạt động, phân tích dữ liệu khách hàng để có những chiến thuật đi đúng đắn hơn sẽ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và rủi ro cho các chiến dịch bùng nổ vào cuối năm. 

Yếu tố về Digital Marketing trong đợt dịch lần hai này được ngầm hiểu là những công cụ đưa thư (thông điệp) đến gần với các đối tượng mục tiêu. Còn nội dung, hình ảnh sẽ là yếu tố mấu chốt để tạo dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Việc phối hợp và xây dựng những câu chuyện giải trí “Ở nhà vẫn vui/ Ở nhà vẫn đẹp, hoặc tạo ra những trào lưu thách đấu về mix-and-match bằng những vật dụng nhà cửa, thậm chí là những hình ảnh ăn mặc đẹp trong quá trình dọn dẹp nhà cửa như các “celebrity” đang thực hiện sẽ là những ngòi nổ mang hiệu quả cao, thậm chí có thể kích cầu mua sắm nếu sản phẩm các thương hiệu đang bán phù hợp với người tiếp nhận thông tin.”

Nguyễn Phương Đông – Founder DECOS

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Không chỉ riêng ngành thời trang, COVID-19 dường như ảnh hưởng rất nhiều đến nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen và cả ngân sách mua sắm. Nhiều người cho rằng đối với dịch bệnh khiến họ trì trệ trong công việc, nhiều người khách tận dụng, nắm bắt cơ hội để dành phát triển hơn. Tôi có đọc qua một cuốn sách rất hay mang tên “Thay Đổi Hay Là Chết” và tôi thấy nội dung của cuốn sách này rất đúng đối với tình hình diễn biến dịch hiện tại.

Nhiều người cứ khăng khăng giữ mãi các tư tưởng cũ mà không chịu thay đổi có thể họ sẽ trụ được trong thời gian đầu nhưng về lâu, về dài nhất là khi ta không biết được khi nào dịch kết thúc thì áp lực về các con số, hoá đơn cần phải chi trả hàng tháng đối với các doanh nghiệp trong thời gian này là điều đáng suy ngẫm. Tôi không dám nhận rằng đang làm tốt hoặc vỗ ngực xưng tên rằng bản thân giỏi mà chê trách ai. Tất cả những điều tôi nói đều là chia sẻ câu chuyện của bản thân. Nếu hỏi tôi có sợ không? Tôi rất sợ. Tôi ám ảnh bởi sự thất bại nhưng dường như tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa doanh nghiệp hoặc thử thách bản thân để thay đổi. May mắn thay, nó work (hiệu quả)! Thời gian vừa qua việc đẩy mạnh kênh bán hàng online, đưa ra những chính sách ưu đãi thích hợp là những cách làm khá hiệu quả mà DECOS đã thực hiện. Tôi mong rằng, đại dịch sẽ sớm qua mau để phố xá đông đúc trở lại, để có thể trông thấy được giới trẻ nô nức chụp streetstyle trong các bộ trang phục khác nhau.

Tôi nhớ khoảng thời gian đẹp đẽ đó!”

Vũ Thị Thanh Vân – Founder theMay

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của theMay. Ban đầu tệp khách du lịch, khách nước ngoài chiếm đa số nhưng khi dịch bùng phát thì tệp khách Việt Nam đang nuôi sống thương hiệu từng ngày. Tháng 6 này theMay bắt đầu bán các sản phẩm phụ kiện cho khẩu trang, và tất cả doanh thu trong tháng 6 từ sản phẩm phụ kiện khẩu trang theMay sẽ ủng hộ cho quỹ vắc xin COVID-19.”

Trần Doãn Hùng – Founder Comay Craft

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Trong những lần bùng dịch ở Mỹ và Pháp doanh số của Comay bán trên sản thương mại điện tử như Amazon giảm mạnh, lúc đó nhận thấy khách hàng sẽ ở nhà nhiều hơn, có thời gian chăm sóc nhà cửa nên bên Comay quyết định bán thêm sản phẩm decor trong nhà như đĩa cói treo tường… Khi đó, dịch ở Việt Nam vẫn được kiểm soát ổn định, nên doanh số trong nước cũng ở mức vừa phải, hỗ trợ cho mảng thương mại điện tử một phần nào.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, Mỹ và Pháp đã tiêm vaccine đầy đủ cho người dân, vì vậy họ mở cửa hoạt động trở lại bình thường, du lịch cũng đi vào ổn định, nhu cầu phụ kiện thời trang được quan tâm trở lại thì Comay đã đi hàng sang kịp thời gian bán lại. 

Dù dịch bệnh làm chậm lại mọi thứ nhưng cũng là lúc tôi có thời gian nghiên cứu, phát triển mẫu mã sản phẩm hơn, tìm được sản phẩm mới phù hợp để bù đắp cho phần thiếu.”

Dòng Dòng Sài Gòn

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Ra đời trong thời gian dịch COVID-19 xuất hiện & hoành hành đã gây không ít khó khăn cho Dòng Dòng. Tuy nhiên ý thức được xu hướng mua sắm của người tiêu dùng – dù có dịch hay không – là chuyển đổi mạnh sang online, Dòng Dòng liên tục nâng cấp và cải tiến website với cửa hàng trực tuyến (www.dongdongsaigon.com), và là một trong không nhiều những thương hiệu ở Việt Nam thật sự đầu tư vào trải nghiệm mua sắm online. Ngoài ra, Dòng Dòng áp dụng các chính sách hỗ trợ đổi trả và giao hàng miễn phí để tăng sự tự tin cho người mua.

Để giữ tinh thần lạc quan và nhịp hoạt động của doanh nghiệp, Dòng Dòng tận dụng thời gian giãn cách để nghiên cứu chất liệu và sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong thời điểm dịch của người mua.”

Anh Thoại  – Founder Cuội Craft

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Khó khăn nào cũng sẽ có hướng giải quyết của nó hết. Thật sự COVID-19 là tình hình chung nhưng bên trong khó khăn đó là một cơ hội. Bởi vì thời điểm mọi người ở nhà nhiều, mọi người bắt đầu có thời gian nhìn lại bên trong bản thân nhiều hơn. Cuội ra mắt năm ngoái cũng vào thời điểm COVID-19 của Việt Nam, đó là một quyết định liều lĩnh mặc dù Thoại nhận được rất nhiều sự ngăn cản. Tuy nhiên, bởi vì dịch mà mọi người lại nhìn nhận sản phẩm một cách sâu sắc hơn và đó cũng là lối đi mà Cuội hướng đến, vô tình lại đồng điệu với khách hàng. Ở đợt COVID-19 lần này, dù đỡ bỡ ngỡ hơn nhưng vẫn khó khăn vì Cuội đã có store chính thức. Cái điều mà Thoại nghĩ cần làm nhất là sự động viên từ chính bản thân mình và cho cả khách hàng và điểm chạm cuối cùng đó là sản phẩm. Đó chính là cốt lõi để Cuội tồn tại được đến bây giờ. Ngoài ra, Cuội tập trung vào các kênh online và ra mắt cửa hàng website để cho mọi người có thể trải nghiệm sản phẩm tốt hơn.”

TimTay

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Điều mà mình cảm thấy khó khăn nhất trong dịch COVID-19 đó là mọi kế hoạch kinh doanh luôn phải thay đổi liên tục, thay đổi theo từng ngày từng giờ. Đòi hỏi cả công ty phải tự chuẩn bị rất nhiều kịch bản để có thể duy trì doanh số. Tuy nhiên nhìn theo hướng tích cực thì COVID-19 đã giúp cho TimTay phải có những thay đổi quyết liệt hơn về việc xây dựng các kênh online, trải nghiệm sản phẩm qua mạng. 

Một số hành động cụ thể như: Cắt giảm các chi phí offline để chuyển qua phát triển online. Cải tiến quy trình chăm sóc khách hàng qua mạng, ra mắt dịch vụ thử đồ tại nhà … và ưu tiên bán các sản phẩm tồn kho & giảm chi phí, số lượng sản xuất.”

Hà Kino – Founder Accent Concept

Góc nhìn về COVID-19: Giãn cách xã hội lần 2 - Các thương hiệu thời trang Việt phải làm gì?

“Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của các khách hàng Accent rất nhiều, dịch cũng khiến nhiều sự kiện thời trang, du lịch,… huỷ bỏ. Do các thiết kế của Accent luôn có sự cầu kỳ và phù hợp để đi các sự kiện, nên khi các sự kiện bị huỷ bỏ, lượng khách hàng của Accent cũng vơi đi, và các khách cũ cũng ít bỏ hầu bao nhiều hơn để mua sắm. Tuy nhiên, để duy trì kinh doanh và mối quan tâm của khách hàng cho thương hiệu, Accent luôn cố gắng tạo ra các chương trình ưu đãi như chụp ảnh cho khách hàng, các gợi ý mix-match cũng như luôn cố gắng cập nhật các xu hướng thời trang thế giới cho khách hàng của mình. Một mặt giúp các khách hàng có thể nắm bắt xu hướng, một mặt đưa ra các gợi ý mix-match giúp khách hàng nhận ra rằng các trang phục của Accent cũng có thể mặc được hàng ngày chứ không cần phải đợi một dịp quan trọng gì cả. Accent cũng thay đổi đưa ra các thiết kế có tính ứng dụng cao hơn để phù hợp với mọi hoàn cảnh.”


Thực hiện: Mỹ Đỗ