Global Update: Phân khúc siêu xa xỉ tiếp tục tăng trưởng bất chấp khủng hoảng
Ngày đăng: 22/02/25
Phân khúc siêu xa xỉ tiếp tục bùng nổ bất chấp khủng hoảng kinh tế. Báo cáo tài chính 2024 của Moncler và Hermès cho thấy doanh thu tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa xa xỉ truyền thống và siêu xa xỉ ngày càng rõ nét.
Báo cáo tài chính 2024 của Moncler và Hermès khẳng định xu thế
Suốt hơn một năm qua, ngành hàng xa xỉ liên tục đối mặt với những dự báo ảm đạm về một cuộc khủng hoảng kéo dài. LVMH đã báo cáo tình trạng tăng trưởng trì trệ ngay từ quý IV/2024, cho thấy ngay cả mùa lễ hội cũng không thể vực dậy doanh số. Trong khi đó, Kering là tập đoàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá trị thị trường giảm gần một nửa trong năm 2024, chưa kể đến những khó khăn liên quan đến thương hiệu Gucci. Tổng thể, vòng xoay của ngành hàng xa xỉ vẫn tiếp tục nhưng không mang lại bất kỳ tín hiệu lạc quan nào cho năm 2025.
Tuy nhiên, khi xét đến phân khúc siêu xa xỉ, bức tranh lại hoàn toàn khác. Những ngày gần đây, kết quả tài chính năm 2024 của Moncler Group và Hermès International đã cho thấy không những không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, mà còn ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, ngay cả tại thị trường Trung Quốc. Moncler kết thúc năm 2024 với doanh thu hơn 3,1 tỷ euro, tăng 4% so với năm trước. Trong khi đó, Hermès phá kỷ lục doanh thu quý IV khi lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ euro. Điều này chứng minh rằng khi một sản phẩm được xem là khoản đầu tư dài hạn và một thương hiệu sở hữu tệp khách hàng trung thành mạnh mẽ, thì suy thoái chỉ là một cú sốc nhỏ, không đủ để gây ảnh hưởng đáng kể.
Moncler và Hermès: khác biệt giữa thành công và trì trệ trong xa xỉ
Với Moncler, thương hiệu không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ mà còn đạt +7% ở tỷ giá hối đoái cố định. Trong bối cảnh nhiều thương hiệu khác chật vật tìm kiếm động lực tăng trưởng, Moncler lại có bước tiến vượt bậc tại thị trường Trung Quốc, nhờ các chiến lược tiếp thị đúng trọng tâm như ra mắt bộ sưu tập capsule và tổ chức các sự kiện quy mô lớn.
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất chính là sự kiện Moncler Genius tại Thượng Hải, thu hút hơn 67 triệu lượt xem, khẳng định sức hút mạnh mẽ của thương hiệu tại một thị trường có sức cạnh tranh khốc liệt. Nhìn chung, khu vực châu Á (bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc) ghi nhận mức tăng 7%, đặc biệt trong quý cuối cùng, con số này đạt 11%, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với Moncler.

Trong khi đó, Hermès kết thúc năm 2024 với doanh thu 15,2 tỷ euro, tăng 15%. Điểm sáng đặc biệt nằm ở quý IV, khi doanh thu tăng vọt 18%, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Những sản phẩm biểu tượng như túi Birkin và Kelly vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ, tiếp tục nằm trong danh sách những món đồ được săn đón bất chấp bối cảnh kinh tế không ổn định. Ngoài ra, Hermès cũng hưởng lợi từ chiến lược mở rộng tại Trung Đông, khi trực tiếp kiểm soát nhiều cửa hàng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, giúp thương hiệu tăng trưởng 123% tại khu vực này.
Tại Mỹ, doanh thu của Hermès cũng tăng 22%, nhờ việc mở rộng mạng lưới cửa hàng và duy trì sức hấp dẫn với nhóm khách hàng thượng lưu. Trong khi đó, châu Âu, dù không đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Đông, vẫn ghi nhận mức tăng 20%, chủ yếu nhờ sự phục hồi của du lịch quốc tế và sự quan tâm trở lại với các sản phẩm xa xỉ cao cấp.
Khoảng cách ngày càng lớn giữa xa xỉ truyền thống và siêu xa xỉ
Những dữ liệu trên cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa xa xỉ truyền thống và siêu xa xỉ. Trong khi LVMH và Kering gặp khó khăn với doanh số chững lại, Moncler và Hermès vẫn phát triển mạnh mẽ. Một phần nguyên nhân đến từ khả năng xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và tác động lớn nhờ các sự kiện đình đám cùng sự hợp tác với các nhà thiết kế, nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng.
Moncler, hơn bất kỳ thương hiệu nào trong năm qua, đã tìm được điểm cân bằng hoàn hảo giữa di sản và đổi mới – từ sự kiện quy mô lớn tại Shanghai Fashion Week cho đến show diễn sắp tới tại Courchevel, tận dụng thời điểm trào lưu trượt tuyết và văn hóa xa xỉ gắn liền với những địa điểm nghỉ dưỡng trên núi quay trở lại.
Tương tự, Hermès vẫn duy trì vị thế là một trong những thương hiệu xa xỉ được khao khát nhất thế giới nhờ sự kết hợp giữa truyền thống thủ công, sản xuất giới hạn, và cảm giác khan hiếm khiến khách hàng sẵn sàng chi tiêu, bất chấp biến động kinh tế. Trong suốt năm qua, Hermès và Chanel đã giữ vững sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, cho thấy rằng đối với các thương hiệu xa xỉ đặc biệt trong phân khúc đồ da, sẽ không có biến động đáng kể như các đối thủ khác.
Siêu xa xỉ: sức hút không suy giảm ngay cả trong suy thoái
Nhờ những yếu tố trên, phân khúc siêu xa xỉ không chỉ vượt qua thách thức mà còn bùng nổ mạnh mẽ ngay cả khi thị trường chung đang suy giảm. Các sản phẩm thuộc phân khúc này hướng đến một nhóm khách hàng cực kỳ đặc biệt, những người luôn tìm kiếm sự độc quyền và trải nghiệm có một không hai. Đối với họ, giá cả không phải là rào cản, mà chính mức giá cao lại càng làm tăng thêm giá trị và sức hấp dẫn của sản phẩm.
Ngược lại, xa xỉ truyền thống phải phục vụ một tệp khách hàng rộng lớn hơn, những người dễ bị tác động bởi tình hình kinh tế và thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Trong khi đó, siêu xa xỉ lại thu hút nhóm khách hàng sẵn sàng đầu tư vào chất lượng và địa vị, giúp tỷ suất lợi nhuận luôn ở mức cao. Chính điều này cho phép các thương hiệu tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, hợp tác thiết kế và mở rộng thị trường quốc tế.
Một ví dụ điển hình khác là Richemont, tập đoàn sở hữu Cartier, ghi nhận mức tăng 10% trong doanh số bán trang sức cao cấp (High Jewelry) trong quý IV/2024 – một phân khúc chỉ dành cho 1% của 1% nhóm khách hàng siêu giàu.
Nhìn về tương lai, khoảng cách giữa xa xỉ và siêu xa xỉ có thể còn tiếp tục mở rộng, đặc biệt nếu tình hình kinh tế tiếp tục gây khó khăn cho ngành xa xỉ cao cấp, nhưng không ảnh hưởng đến phân khúc thượng lưu nhất. Bài học từ Moncler và Hermès chính là: một bản sắc thương hiệu vững chắc, kết hợp cùng chiến lược tập trung vào tính độc quyền và sản phẩm mang giá trị cao, có thể tạo ra sự khác biệt hoàn toàn.
Bài học từ Moncler và Hermès chính là: một bản sắc thương hiệu vững chắc, kết hợp cùng chiến lược tập trung vào tính độc quyền và sản phẩm mang giá trị cao, có thể tạo ra sự khác biệt hoàn toàn.
Đây là điều càng trở nên rõ ràng khi nhìn vào thị trường Trung Quốc – nơi cạnh tranh gay gắt nhưng khách hàng ngày càng thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho những thương hiệu chạy theo xu hướng nhưng thiếu tính nguyên bản. Trong bối cảnh đó, các nhà mốt có chiến lược dài hạn, nắm bắt tốt tâm lý khách hàng và biến chúng thành cơ hội kinh doanh, sẽ tiếp tục gặt hái thành công, như cách Bulgari làm được với chiến dịch Tết Nguyên Đán năm rắn, một trong số ít các bộ sưu tập capsule thành công của mùa lễ hội năm nay.
Thực tế rằng các thương hiệu siêu xa xỉ vẫn đang đạt kết quả tích cực chính là dấu hiệu cho thấy khách hàng vẫn sẵn sàng mua sắm và chi tiêu, mở ra kỳ vọng khả quan hơn cho thị trường xa xỉ trong năm 2025.
Chuyển ngữ: Linh J.
Theo NSS Magazine