Lễ đọc gì? Gợi ý 4 tác phẩm văn học nhẹ nhàng mà sâu sắc
Ngày đăng: 28/08/24
Gợi ý 4 tác phẩm văn học tình cảm nhẹ nhàng để bạn thảnh thơi đối thoại chậm với “đứa trẻ bên trong” nhân dịp nghỉ lễ Quốc Khánh sắp tới.
Bốn tác phẩm văn học được giới thiệu với lối hành văn tựa như lời thì thầm từ một người bạn thân quen, nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc vào những chuyến phiêu lưu mới, không chỉ qua lăng kính khám phá cảnh quan thế giới rộng lớn mà còn đào sâu trong những ngóc ngách tâm hồn. Khám phá, đối chiếu và tự vấn, những trang sách này đưa ta vào hành trình chiêm nghiệm bản thân, chậm rãi như thưởng trà và ngắm hoa, để từng suy nghĩ và cảm xúc “đã quên” được bộc bạch trong cuộc đối thoại thật thà với chính mình.
“Một ngày nào đó, bạn sẽ đủ trưởng thành để đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích, một lần nữa”. – C.S. Lewis (“Some day you will be old enough to start reading fairy tales again”).
Không gia đình – Hector Malot
Tác phẩm văn học kinh điển này không chỉ quen thuộc với trẻ em mà còn chạm đến trái tim người lớn trên toàn thế giới. Như cuộc dạo chơi qua từng trang sách, đồng hành cùng cậu bé Rémi trên hành trình đi đến những vùng đất mới với những thử thách khó khăn. Ngòi bút tài hoa của Hector Malot đã dịu dàng thắp lên ánh sáng tình người liền mạch, soi rọi từng bước chân trên hành trình “không gia đình” của cậu bé mồ côi Rémi. Tác phẩm đơn giản mà tinh tế ca ngợi tình cảm giữa con người với nhau, khơi dậy những cảm xúc mà bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể thấu hiểu.
Trong bóng tối của sự cô đơn, Rémi tìm thấy ánh sáng nhờ vào những mối quan hệ đong đầy nhân văn và tình yêu thương, là minh chứng cho sức mạnh của tình người không thể thiếu trong cuộc sống, dù ở bất kỳ thời điểm nào. Có lẽ chính vì lẽ đó mà tác phẩm vẫn mãi trường tồn cùng thời gian, bất chấp dòng chảy không ngừng của những chuyến tàu cuộc đời.
Điều kỳ diệu – R.J. Palacio
Điều kỳ diệu có tồn tại, dù vô hình hay hữu hình.
Không cầu kỳ hoa mỹ, cuốn sách Điều kỳ diệu của R.J. Palacio mang trong mình sự giản dị nhưng lại tỏa sáng như tâm hồn của cậu bé August. August chính là điều kỳ diệu ấy—là ánh sáng dịu dàng mà cậu thắp lên trong lòng người đọc khi gấp lại những trang sách cuối cùng. Câu chuyện được kể qua nhiều góc nhìn, bắt đầu từ chính August—cậu bé chưa từng đến trường vì phải trải qua hàng loạt ca phẫu thuật để điều trị một hội chứng hiếm gặp. Gương mặt của August khác thường, đến mức cậu tự nhận rằng “trông tôi còn tệ hơn cả những gì bạn có thể tưởng tượng.”
Những khó khăn và thử thách của August không chỉ hiện lên qua những lời kể đơn giản mà còn qua những đấu tranh tâm lý sâu sắc của các nhân vật xung quanh cậu. Mỗi dòng chữ chầm chậm bao vây trái tim người đọc, khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ về sự nghi ngại, tình yêu thương của gia đình, và sự tử tế từ những người mà cậu gặp trên hành trình của mình. Cuối cùng, thông điệp sâu sắc của cuốn sách vang lên: “Tử tế hơn luôn là điều cần thiết. Bởi chỉ tử tế thôi là chưa đủ. Một người cần phải tử tế hơn cả sự tử tế.” Điều kỳ diệu nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh của lòng nhân ái có thể thay đổi cuộc sống của bất kỳ ai, bất kể họ trông như thế nào.
Còn chút gì để nhớ – Nguyễn Nhật Ánh
“Đùng một cái, nó tới lúc nào chẳng hay, cái tuổi mười tám ấy. Nó tới và nhe răng cười với tôi, vào một buổi sáng rực rỡ đầy ắp nắng hồng và hương thơm” – trích trong tác phẩm.
Lời văn của Nguyễn Nhật Ánh luôn mang đến sự tươi vui và tinh nghịch, như một chuyến tàu du hành về miền đất tuổi thơ, nơi có những hành khách mang theo những hành lý kỷ niệm khác nhau, nhưng chia chung một thứ, cảm giác hoài niệm về một tuổi thơ không bao giờ quên. Tựa văn man mác như cái tên, những kỉ niệm đã qua dù vui dù buồn, ai cũng có những lần “còn chút gì để nhớ”.
Cốt truyện xoay quanh Chương, một chàng trai hiền lành với lòng yêu mến cô em hàng xóm tên Quỳnh. Những lần đầu ngây thơ của tình yêu học trò, những câu chuyện vụn vặt thời cắp sách đến lớp, và tình bạn chân thành giữa Chương, Bảo và Kim Dung. Tất cả xếp chồng như từng trang ký ức của tuổi trẻ được lật mở. Nhưng đâu đó, giữa những câu chuyện tươi sáng và đầy ắp tiếng cười, người đọc lại tìm thấy nỗi đau âm ỉ mà chiến tranh mang đến, len lỏi trong từng lời kể, trải qua từng thời kỳ, bất kể tuổi tác, dù là 18 hay 80.
Đọc để người lớn thấy dù tuổi thơ đã qua đi, ta vẫn mang theo mình những mảnh vụn ký ức nhặt nhạnh đâu đó trên đường, qua những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh, qua những lần trôi chậm giữa dòng chảy hối hả của cuộc đời.
Nắp biển – Banana Yoshimoto
“Ví dụ như… khi cùng ngồi bên nhau ngắm biển, tôi luôn có cảm giác mơ hồ tựa như ngay bên cạnh mình là chất thạch trong suốt đang run rẩy, cảm giác về một luồng sáng rất mạnh rọi đến. Rồi mỗi khi bất giác ngắm cái hình dung ấy, tôi lại nghĩ xem điều gì có thể hiện ra trong tâm trí những người gặp em lần đầu. Nào là “Tội nghiệp thật!”, nào là “Khổ thân quá!” Thế nhưng tôi nhận ra những điều tôi cảm thấy khi không nhìn em mới chính là cảm xúc thật của mình” – trích trong tác phẩm.
Câu văn “Những điều tôi cảm thấy khi không nhìn em mới chính là cảm xúc thật của mình” nhẹ nhàng nhưng đầy nội lực, là minh chứng cho giọng văn của Banana Yoshimoto – một ngòi bút có khả năng gợi hình gợi ý sâu sắc. Từ cuộc gặp gỡ với Hajime – cô bé mang vết bỏng lớn, một tâm hồn tổn thương nhưng ẩn chứa suy nghĩ sâu sắc, đến Mari – cô gái quyết đoán, trở về quê nhà mở một cửa hàng đá bào nhỏ vì tình yêu bất diệt với món ăn này, cùng nỗi trăn trở trước nét đẹp quê hương đang dần mai một bởi nền công nghiệp đơn điệu và công thức hóa.
Giản dị và từ tốn, từng câu chữ len lỏi vào lòng người đọc một cách tự nhiên nhưng không dễ phai nhạt. Giống như một chất lỏng kỳ diệu, tựa như bát đá bào mát lạnh mùa Hè, từng câu chữ chậm rãi thắp lên trong lòng người đọc nguồn ánh sáng tích cực. Điều ngọt ngào nhất có lẽ là khi chúng ta biết cách cho đi, xoa dịu trái tim tổn thương của mình bằng cách đem đến nụ cười trên môi người khác. Đó cũng là cách mà Mari đã sưởi ấm cho cô bé Hajime sau nỗi đau mất đi người bà thân yêu, như những con sóng biển dịu dàng vỗ về hai tâm hồn, và như cách Hajime rót vào lòng Mari nguồn nước mát chữa lành trong suốt diệu kỳ.
Thực hiện: Lenna