Gucci Spring 2018: Nền văn minh đa văn hóa
Ngày đăng: 21/09/17
Milan Fashion Week đã mở màn với phần trình diễn đầu tiên của Gucci Spring 2018. Là cái tên được giới chuyên môn và các fashionista trông đợi, Giám đốc sáng tạo của Gucci – Alessandro Michele sẽ đem chiêu trò gì để thôi miên các khán giả của mình?
Trải qua biết bao nhiêu mùa giải kể từ ngày Alessandro dìu dắt thương hiệu, gã ta thường mang đến cho chúng ta những bất ngờ này tới bất ngờ khác; ngay cả tấm thiệp mời cũng trông rất kỳ quặc giống gã. Toàn bộ nến, que diêm và thiệp gửi tới tay khách mời lần này làm bằng loại giấy chứa hương thơm, được đặt vào bên trong chiếc hộp thiếc bao phủ bằng giấy in với phông chữ được lấy hứng cảm từ quyển sách cổ mang tên “Decouverte de La Maison de Campagne D’Horace” của nhà văn và nhà khảo cổ học người Pháp L ‘Abbé Bertrand Capmartin de Chaupy. Và cung đường runway Xuân Hè 2018 dần hiện lên trong ánh đèn điều chỉnh hiệu ứng tạo nên một không gian u trầm huyền bí, khiến mọi người có những cảm nhận đa chiều về tính thẩm mỹ học.
Cách sắp xếp, bố trí lấy cảm hứng từ đoạn thơ của nhà văn Roman Orazio. Cung đường băng thì tưởng tượng như đang trôi trên dòng sông Tiber. Xen kẽ là các bức tượng cổ điển khởi phát từ nhiều giai đoạn, cũng như mô phỏng nền văn hoá thời Trung Cổ theo phong cách Ấn Độ, miền trung Mexico và Ai Cập. Đó là một nền tảng kỷ văn minh Á- Phi –Âu lồng ghép vào từng bộ xiêm y theo cách thực hiện riêng của Gucci.
Trên đường băng, tất cả đều đan chồng từ mô hình quá khứ đến nhịp điệu hối hả của tương lai. Với chi tiết vai dựng phồng liên kết cùng sắc vàng và hồng cùng chiếc kính mát đính hạt lấp lánh sẽ giúp chúng ta liên tưởng về một phong cách mặc định chủ nghĩa siêu thực, hướng đến nếp sống hiện đại. Đôi lúc, thương hiệu trứ danh nước Ý lại quay về dĩ vãng khi mái tóc đánh xù, khuôn mặt trang trí bằng cặp kính ngoại cỡ, áo vest blazer khoác bên ngoài, đi kèm là chiếc váy bút chì, và phụ kiện chuỗi đeo ngọc trai đã từng đi vào lịch sử thời trang tôn dáng người mặc. Hay, đôi vớ xỉn màu đặc trưng streetwear thập niên 1970s “xỏ” cùng giày bệt, phía trên là chiếc áo rộng oversize phối trộn cùng dây chuyền ngọc trai tương phản với chiếc váy gam hồng đan xen sắc cam chất liệu satin, hoặc vòng cổ choker đính đinh tán đậm chất rock giao thoa với nét mong manh, cổ điển như: váy tulle kết hạt pha lê và mũ rơm rộng vành – tất thảy mọi thứ đều biến thành tổng thể rườm rà rất Gucci. Song song, trang phục dành cho nam giới được hạ tông màu, Gucci ưu ái về gam màu trung tính nhưng… cực kỳ hài hước. Chẳng hạn, áo khoác blazer, sơ mi và cà vạt kết hợp là việc bình thường; tuy nhiên Alessandro cường điệu hoá lên khi cho mẫu nam đeo chuỗi hạt, bên dưới là chiếc quần short mang dáng dấp thể thao, tưởng chừng không hề ăn nhập, nhưng trái lại, chúng rất hợp và vô tình tạo nên phong cách độc đáo chỉ duy nhất mà thôi.
Alessandro Michele chia sẻ bên trong hậu đài: “Tôi đang cố gắng để chuyển dịch thời trang thành một sân chơi mà chẳng phải thuận theo bất cứ ý kiến nào từ nhóm số đông. Tôi biết rằng, tôi đang làm việc theo phong cách điện ảnh. Và bộ quần áo, khuôn mặt, sân khấu, ánh sáng, âm nhạc mới chính là những người bạn chí cốt giúp tôi kể tốt về câu chuyện cái đẹp. Tôi nghĩ, tôi thường không cố gắng quá nhiều tập trung làm việc với một câu chuyện, nó sẽ vô vị – những ý tưởng đột phá và tính thẩm mỹ sẽ khả quan nếu xuất phát từ mọi điều khác nhau trong cuộc sống.”
Bài: Thế Phong
Ảnh: Vogue