Helena Elston – nhà sáng tạo trang phục có thể phân hủy từ Mycelium (sợi nấm) và vật liệu tái chế
Ngày đăng: 06/02/23
Nhà thiết kế Helena Elston đã tạo ra một bộ sưu tập quần áo tái chế làm từ sợi nấm và chất thải dệt may từ các hãng thời trang có trụ sở tại London, đặt ra nền móng “cách chúng ta có thể sản xuất những thứ đẹp đẽ từ những vật liệu bỏ đi”.
FI (Fungal Integrated) là một dự án đang được thực hiện bởi Elston và được triển khai ở thành phố London. Cô ấy đã thu gom nhiều loại quần áo phế thải khác nhau tại địa phương, có thể kể đến như là vải bị loại bỏ, bao tải cà phê và sợi nấm.
Những sản phẩm cô ấy đã tạo ra bao gồm một chiếc váy liền thân và một bộ quần dài màu xanh hải quân cho đến những đôi bốt cao gót đế thô và một chiếc áo khoác được làm từ những mảnh vải bố màu đất được khâu lại với nhau.
Elston đính các loại vải dư thừa này bằng cách sử dụng quy trình tăng trưởng sợi nấm kéo dài khoảng sáu tuần, quy trình này tạo ra các “mảnh vải nhân tạo” có thể mặc được từ phân hủy sinh học sau khi người mặc sử dụng xong.
“Môi trường để chúng phát triển về cơ bản là các thùng chứa, sau đó tôi cung cấp chất dinh dưỡng và sợi nấm vào quần áo ở một độ ẩm nhất định, đương nhiên là phải đặt trong bóng tối và nhiệt độ cụ thể”.
Kết quả là sau khi quần áo được lấy ra khỏi môi trường này, chúng sẽ khô và ngừng phát triển, sau đó chúng đã có thể được mặc lên người. Ngoài ra nhà thiết kế còn bảo rằng cô đang cố gắng để được cấp bằng sáng chế cho quy trình phát triển của mình nên không thể tiết lộ chi tiết đầy đủ. Nhà thiết kế cho biết dự án xoay quanh ý tưởng rằng bộ quần áo này có thể “phân hủy hoàn toàn” sau khi họ sử dụng xong thay vì vứt chúng vào bãi rác, giúp giảm lượng rác thải.
Mặc dù quần áo của Elston vẫn chưa được bày bán nhưng cô ấy cũng đã chia sẻ thêm rằng “trong thực tế” chúng có thể được ủ trong rác thải sinh hoạt hoặc chôn trong vườn sau rồi phân hủy nhờ vào “bộ công cụ kỳ diệu và phong phú” trong đất hoạt động với sợi nấm. Theo nhà thiết kế, thời gian phân hủy dành cho mỗi bộ quần áo sẽ phụ thuộc vào chất liệu của nó, nếu như là các loại vải tự nhiên thì có thể sẽ mất từ hai đến sáu tháng để phân hủy.
Elston còn cho biết: “Đây chỉ là suy đoán vào lúc này, nhưng với một số thử nghiệm nữa mới có thể chứng minh giả thuyết của tôi và khả năng hoạt động”.
Elston nhận định rằng: “Đó là một quá trình thiết kế mang tính đầu cơ và theo chu kỳ, nhưng vẫn rất hợp lý”. “Chúng tôi đã thấy sợi nấm có thể phân hủy tất cả các loại chất thải và sản phẩm phụ của con người, vì vậy tôi đã nghiên cứu khái niệm chưa từng được khám phá về việc sử dụng nó để phân hủy những sản phẩm thời trang và dệt may bởi vì ta có thể thấy rằng đây là một trong những vật liệu được thải ra môi trường nhiều nhất trên thế giới”.
Trong khi các sản phẩm đã được hoàn chỉnh của Elston được làm từ vải bỏ đi, cô ấy hiện đang thử nghiệm kết hợp các vật liệu tổng hợp và tự nhiên để tạo ra các sản phẩm may mặc khác. Nhà thiết kế cũng đang nghiên cứu cách sử dụng Mycelium như một dạng may mặc thay thế để nối các mảnh vải.
“Còn rất nhiều điều chưa biết về sợi nấm, nhưng chúng tôi tin rằng đó là một hệ thống thông minh kết nối nhiều phần của hệ sinh thái” – Elston phản ánh, người đã trưng bày các tác phẩm của mình tại London Design Festival (Lễ hội Thiết kế Luân Đôn) năm nay tại Park Royal Design District. “Tôi làm việc và tiếp cận với sợi nấm vì tôi xem nó như là tương lai của các loại vật liệu. Tôi thấy thật thú vị khi chúng ta vừa khám phá ra khả năng của nó – còn rất nhiều điều cần khám phá” – cô nói.
“Tôi thích khám phá cách chúng ta có thể tạo ra những thứ đẹp đẽ từ những vật liệu bỏ đi” – đây được xem là châm ngôn và động lực của nhà thiết kế Elston.
“Trong quá trình tôi làm việc và nghiên cứu sợi nấm, tôi dường như vấp phải nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời chắc chắn, nhưng điều đó làm cho quá trình tìm tòi vật liệu trở nên thú vị” – nhà thiết kế nói thêm – “Sợi nấm rất khó liên kết lại với nhau nhưng khi “đi đúng hướng” và có những thao tác một cách chính xác, bạn có thể tạo ra những phiến dày đặc cho sản phẩm cực kỳ hữu ích”.
Hiện nay, vẫn có rất nhiều nhà thiết kế đang tận dụng lợi thế của sợi nấm để tăng cường các dự án của họ với mục đích nghiên cứu ra sản phẩm mới. Điển hình như là các thiết kế dựa trên sợi nấm thuộc nhóm khác bao gồm mũ bảo hiểm xe đạp mà Studio MOM tạo ra từ sợi nấm và cây gai dầu. Ngoài ra còn có cây đèn treo tường trông cực kì “mềm và mượt” của công ty vật liệu Myceen.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Dezeen