H&M, Zara, Uniqlo, Gap – Tình hình kinh doanh thế nào trong đại dịch?
Ngày đăng: 10/04/20
Vừa qua, H&M đã vay 1.1 tỷ USD đồng thời dự đoán sẽ thua lỗ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ kinh doanh. Fast Retailing dự đoán giảm 44% lợi nhuận năm nay. Inditex tạm thời đóng cửa 3.785 cửa hàng và tập trung sản xuất vật tư y tế cho chính phủ Tây Ban Nha, trong khi đó Gap Inc. hủy đơn hàng thời trang Hè – Thu khiến cho các đơn vị sản xuất thời trang ở các nước đang phát triển trở nên khốn đốn.
Đại dịch corona bùng phát trên toàn cầu, lệnh cách ly xã hội được các nước trên thế giới áp dụng, khiến cho các đơn vị kinh doanh thời trang nhanh lâm vào tình trạng khó khăn.
H&M vay 1.1 tỷ USD để thanh khoản
H&M, nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, cho biết đã ký một khoản tín dụng quay vòng trị giá 980 triệu euro (1,1 tỷ USD) để tăng cường khả năng thanh khoản trong bối cảnh đại dịch corona lan rộng.
Nhà bán lẻ thời trang nhanh hàng đầu dự đoán sẽ thua lỗ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ kinh doanh ở quý thứ 2 tới đây, khi báo cáo doanh số cho thấy giảm 46% trong tháng 3 vì đại dịch.
H&M cho biết: “Thanh khoản của H&M vẫn tốt. Tập đoàn đang tiếp tục công việc để thiết lập sự kết hợp của các giải pháp tài chính khác nhau”, tuyên bố cho biết. H&M vào ngày 03/04 đã tiết lộ, kế hoạch tăng thêm tiền mặt để đưa vào các sáng kiến khác, nhằm giảm thiểu tác động từ sự lây lan của corona.
Fast Retailing dự đoán giảm 44% lợi nhuận năm nay
Tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo và Theory cũng cắt giảm kì vọng cổ tức cả năm ở mức 480 (4,41 đô la) cho mỗi cổ phiếu, giảm từ 500 yên, do những thách thức kinh tế bên ngoài thị trường trọng điểm Trung Quốc.
Công ty bán lẻ đến từ Nhật Bản, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng quần áo bình dân Uniqlo, dự báo lợi nhuận hoạt động năm nay giảm 44% so với kế hoạch, do sự bùng phát của virus corona tại thị trường trọng điểm, Trung Quốc.
Đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Uniqlo trên khắp Trung Quốc và buộc thương hiệu phải đóng cửa hơn một nửa số cửa hàng tại đây. Hiện nay, hầu hết các cửa hàng của thương hiệu ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại và công ty cho biết rằng doanh số đã bắt đầu phục hồi ở đại lục.
Uniqlo cũng đã đóng cửa khoảng 170 cửa hàng tại thị trường Nhật Bản trong tuần này, sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Lợi nhuận hoạt động của công ty trong 6 tháng tính đến cuối Tháng 2 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 136,7 tỷ yên.
Inditex tạm thời đóng cửa 3.785 cửa hàng
Inditex, chủ sở hữu của các thương hiệu bao gồm Zara, Massimo Dutti và Bershka, cho biết tính đến ngày 18/3, tập đoàn đã tạm thời đóng cửa 3.785 cửa hàng trên toàn thế giới – tương đương một nửa số cửa hàng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, với việc Tây Ban Nha hứng chịu sự bùng phát mạnh nhất của virus corona, chính phủ đã ra lệnh cho tất cả những người lao động (trừ sản xuất những mặt hàng thiết yếu) phải ở nhà từ ngày 30/03 đến 09/04. Điều này có nghĩa là 13 nhà máy của Inditex tại thị trường quê nhà đã phải ngừng sản xuất quần áo và – để duy trì hoạt động cũng như giúp chống lại corona – họ đã chuyển sang sản xuất vật tư y tế đồ bảo hộ và khẩu trang.
Inditex không tiết lộ tỷ lệ sản phẩm được sản xuất tại Tây Ban Nha, nhưng cho biết có 57% là từ các nhà máy gần trụ sở Tây Ban Nha – chủ yếu ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco cung cấp cho các cửa hàng trên toàn cầu.
Các trung tâm hậu cần của Inditex được phép mở để xử lý các đơn đặt hàng trực tuyến, vì thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực của nền kinh tế được chính phủ Tây Ban Nha xếp vào loại thiết yếu.
Amancio Ortega, người sáng lập và tỷ phú của Inditex, cho biết quỹ của ông đã mua vật tư y tế trị giá 63 triệu euro (68 triệu đô la) – bao gồm máy thở, khẩu trang và bộ dụng cụ xét nghiệm – cho cuộc chiến chống lại corona virus của Tây Ban Nha. Các quan chức chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công ty trong việc mang lại các vật tư y tế. “Nếu không có máy bay của Inditex, hầu hết các nguồn cung cấp sẽ bị mắc kẹt ở Trung Quốc”, ông Alberto Nunez Feijoo, người đứng đầu khu vực phía bắc Galicia, nơi Inditex có trụ sở chính cho biết.
Gap Inc. hủy đơn hàng thời trang Hè – Thu
Thương hiệu đến từ Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp ngừng vận chuyển và sản xuất các đơn hàng, trừ phi là sản phẩm dành để bán trực tuyến, khiến các nhà sản xuất rơi vào tình trạng khó khăn.
Gap Inc. sở hữu loạt thương hiệu, bao gồm Gap, Banana Republic và Old Navy, đã ra quyết định hủy hoặc trì hoãn một loạt đơn đặt hàng, như trong một email gửi cho các nhà cung cấp vừa qua. Công ty với doanh thu đạt 16 tỷ đô la vào năm ngoái, một trong những nhà bán lẻ hàng may mặc lớn nhất thế giới, quyết định này đang gây hậu quả nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng thời trang từ các quốc gia bao gồm Bangladesh, Việt Nam, Campuchia và Indonesia.
Thương hiệu cho biết, các kênh thương mại điện tử của họ thu về không thể bù đắp cho việc cửa hàng bị đóng cửa. Gap Inc. cũng nói thêm rằng công ty vẫn cam kết làm việc với các nhà cung cấp lâu năm để tìm cách hợp tác vượt qua khủng hoảng.
Thông báo được đưa ra khi các thương hiệu toàn cầu đang xem xét kỹ lưỡng việc rút đơn đặt hàng và từ chối thanh toán cho các nhà cung cấp ở các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng may mặc. Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh ước tính rằng, các đơn đặt hàng trị giá hơn 3 tỷ USD hiện đã bị hủy bỏ hoặc đình chỉ, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 2 triệu công nhân.
Trong khi đó, các công ty khác bao gồm tập đoàn H&M và chủ sở hữu Zara Inditex đã cam kết tiếp tục thanh toán cho các đơn hàng đã được thực hiện. Tuy nhiên Gap Inc. đã ở một vị trí bấp bênh hơn so với một số đối thủ cạnh tranh thời trang nhanh trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Gap Inc. bị chậm lại trong cuộc đua này khi các sản phẩm và quảng cáo không còn gây được tiếng vang như những năm 1990.
Thực hiện: Côn Quân
Theo BOF