Hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris: Chủ tịch LVMH và Kering đi vào lịch sử, Xiaomi bị phản đối dữ dội trên mạng xã hội

Ngày đăng: 16/04/19

Chiều hôm qua, cả nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung, rúng động vì công trình kiến trúc vĩ đại, tượng trưng cho trái tim của Paris, Nhà thờ Đức Bà – Notre Dame bị hỏa hoạn. Chứng kiến ngọn tháp lịch sử sập đổ vào trong biển lửa, những tín đồ mộ đạo đã quỳ xuống và cầu nguyện.

Mặc dù phần tháp nhọn và một phần mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị đổ sụp, song cấu trúc chính và các tháp chuông vẫn an toàn sau nỗ lực của các lính cứu hỏa địa phương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ xây dựng lại công trình “bởi đó là những gì người Pháp mong đợi”. Là tâm điểm của truyền thông toàn cầu trong suốt ngày hôm nay, những thông tin về sự kiện hỏa hoạn bất ngờ diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà đã và đang được thông tin liên tục trên báo chí và truyền thông cũng như mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong khi hai ông trùm của ngành thời trang xa xỉ là Bernard Arnault và Francois-Henri Pinault được hoan nghênh vì sự đóng góp tài chính to lớn để trùng tu Nhà thờ, thì Xiaomi lại bị chỉ trích dữ dội bởi cư dân mạng, khi sử dụng ảnh chụp Nhà thờ Đức Bà để quảng bá cho điện thoại của mình.

Lính cứu hỏa đã ra sức nỗ lực cứu lấy tòa di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris

Quảng bá giữa thảm kịch, một vấn đề nhạy cảm và cần các nhà chiến lược lưu ý trong cơn bão truyền thông ngày nay.

Hai nhà tỷ phú Pháp đóng góp tái thiết Nhà thờ

Theo thông tin mới nhất, Bernard Arnault, tỷ phú Pháp sở hữu tập đoàn thời trang LVMH, hôm nay tuyên bố gia đình ông và công ty sẽ đóng góp 200 triệu euro (226 triệu USD) để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn tối 15/4.

Bernard Arnault, tỷ phú Pháp sở hữu tập đoàn thời trang LVMH

Trước đó, tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault, CEO tập đoàn Kering, đối thủ của LVMH, cũng đã đưa cam kết đóng góp 100 triệu euro (113 triệu USD) cho “nỗ lực cần thiết để xây dựng lại hoàn toàn” Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault, CEO tập đoàn Kering

Sau khi các nguồn tin này liên tục được công bố, trên các mạng xã hội của thương hiệu và được các báo chí trích dẫn, các tín đồ thời trang nói riêng, cũng như những ai yêu mến công trình kiến trúc lịch sử này đều cảm thấy ấm lòng.

Sự đóng góp này, mang tính thiết thực, và mặc dù có thể mất nhiều thời gian, để Nhà thờ Đức Bà có thể tái thiết, thì hành động này cũng sẽ đi vào lịch sử trùng tu và xây dựng của công trình kiến trúc vĩ đại này, cũng như đi vào lịch sử Paris và nước Pháp. Đây là một hành động đẹp, góp phần gia tăng uy tín và tên tuổi của hai nhà tỷ phú cùng với danh tiếng tập đoàn mà cả hai đang sở hữu.

Vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà Paris trước vụ hỏa hoạn

Xiaomi bị chỉ trích dùng thảm kịch để quảng cáo

Trong lúc thế giới còn đang bàng hoàng, nhân viên truyền thông của Xiaomi đã nhân cơ hội này để quảng cáo cho điện thoại của hãng. Trên trang Twitter của mình, Xiaomi đã đăng tải hình ảnh của Nhà thờ Đức Bà kèm theo dòng trạng thái: “Chúng tôi đã chụp hình ảnh này với chiếc #Mi8 khi ở Paris năm rồi. Trời hôm đó mưa suốt, khi chúng tôi chuẩn bị từ bỏ thì mặt trời bất ngờ hiện ra và chúng tôi ghi lại được khoảnh khắc tuyệt đẹp này. #NotreDame”

Thế nhưng bức ảnh đẹp tuyệt mà Xiaomi đăng tải đã không nhận được cơn mưa lời khen như mong đợi. Mà thay vào đó cư dân mạng giận dữ trước chiêu trò truyền thông này của thương hiệu. Zack Nelson, một YouTuber, đã viết “Sử dụng thảm kịch để làm quảng cáo”.

Cư dân mạng phẫn hộ trước hành động quảng bá dựa trên thảm kịch của Xiaomi

Truyền thông sao cho không phản cảm?

Việc sử dụng thảm kịch để làm quảng cáo và hứng lấy sự chỉ trích của cư dân mạng không phải là điều hiếm lạ, khi các thương hiệu thiếu đi sự tinh tế về mặt truyền thông. Và đôi khi nguyên nhân có thể là vì quá máy móc trong cách thể hiện.

Với ý tưởng “Red Bull cho bạn đôi cánh”, quảng cáo của hãng nước uống tăng lực Redbull từng vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận khi ám chỉ rằng con tàu Titanic đã không bị đắm nếu có thêm đôi cánh. Hiệp hội Quảng cáo của Mỹ (ASA) đã nhận được 46 thư khiếu nại chính thức về quảng cáo gây tranh cãi của Red Bull. ASA cho biết hầu hết những thư khiếu nại đều cho rằng quảng cáo Red Bull Titanic là một trò đùa vô vị. Hiệp hội tưởng nhớ nạn nhân vụ đắm tàu – Titanic Heritage Trust cũng đã kịch liệt lên án quảng cáo mới của Red Bull vì cho rằng đây là hành động “xúc phạm” và làm tổn thương sâu sắc đến những thân nhân của các nạn nhân.

Tàn tích của con tàu Titanic vẫn còn nằm dưới đại dương

Tờ The Post and Courier (một tờ nhật báo phát hành ở thành phố Charleston, bang Nam Carolina, Mỹ) đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi đặt một quảng cáo rất phản cảm ngay trên trang bìa của ấn bản báo in, quảng cáo này giới thiệu một cửa hàng bán súng đạn. Ngay đêm trước đó, thảm kịch xả súng tại nhà thờ thành phố Charleston vừa xảy ra.

Mặc dù, cả tờ báo và cửa hàng đều ra sức thanh minh rằng họ không cố ý, và đây chỉ là sự trùng hợp. Và kể cả khi là trùng hợp, điều này cũng chứng tỏ sự máy móc của thương hiệu trong cách thể hiện hình ảnh thương hiệu.

Nhìn lại sự kiện về hành động của hai nhà tỷ phú người Pháp và Xiaomi, có lẽ một lời khuyên của cư dân mạng dành cho thương hiệu Xiaomi có thể áp dụng cho các thương hiệu khác: “Khi thảm họa xảy ra, nếu bạn không biết nói gì, hãy chọn im lặng.”

Nếu như không thể mạnh tay quyên góp như tỷ phú, bạn và thương hiệu, có thể chọn thể hiện nỗi buồn, bày tỏ lòng thương tiếc cho một biểu tượng văn hóa, kiến trúc, lịch sử như các ngôi sao và hàng triệu người đã làm.

Không phải là quảng cáo!

Thực hiện: Hoàng Khôi