“Kẻ mộng mơ sa ngã” John Galliano, sau sóng gió và Maison Margiela, sẽ ra sao?
Ngày đăng: 13/12/24
Với sự nghiệp phi thường và sóng gió, John Galliano một lần nữa thu hút sự chú ý của cả ngành thời trang, khiến giới mộ điệu không khỏi tò mò: Chương tiếp theo của nhà thiết kế “điên rồ” này sẽ viết nên điều gì? Liệu đó sẽ là một cuộc tái xuất tại Dior, Fendi, Givenchy, hay là sự hồi sinh của thương hiệu mang tên ông – hiện vẫn đang yên giấc trong tay LVMH?
Tin đồn được xác nhận, John Galliano và Maison Margiela chính thức đường ai nấy đi. Việc John Galliano rời Maison Margiela đã đánh dấu sự kết thúc một thập kỷ chuyển mình đáng kể đối với cả nhà thiết kế lẫn thương hiệu. Bức thư dài hai trang mà ông vừa đăng tải trên Instagram cá nhân với “trái tim tràn ngập lòng biết ơn hân hoan và tâm hồn tôi rạng niềm vui” là lời từ biệt chân tình ông dành cho nhà mốt nước Pháp. Sự rời đi của John Galliano không phải là điều ngạc nhiên vì đã tin đồn này đã râm ran khắp cõi thời trang thời gian gần đây để trở về LVMH, cụ thể là Givenchy.
Sự kết thúc nhiệm kỳ của ông tại Maison Margiela dường như khép lại hành trình “chuộc lỗi” cho những sai lầm ngày trước của mình. Giới thời trang có lẽ đã tha thứ và gác lại sai phạm của ông, thứ đã dìm ông xuống đáy, sự nghiệp tiêu tan một thời gian dài khi bị Dior sa thải và buộc phải từ bỏ thương hiệu của mình vào năm 2012, bất chấp thành công thương mại và nghệ thuật tại đây, ông lập tức bị loại khỏi nhà mốt xa xỉ của Pháp và bị ngành thời trang quay lưng. Tài năng và tầm nhìn hiếm có của John Galliano là không thể phủ nhận, với hàng loạt “cơn địa chấn” từ thời trang đến làm đẹp qua các BST Haute Couture từ khi còn tại nhiệm ở Givenchy, Dior hay gần đây là Maison Margiela.
Trở lại thời điểm “kẻ điên ngành thời trang” John Galliano trượt dài trên con dốc sự nghiệp. Sau đó là một thời gian trong trại cai nghiện, những tháng ngày làm việc với các tổ chức bảo vệ quyền của người Do Thái, và một nỗ lực thất bại để trở thành giảng viên hội thảo tại Trường Thiết kế Parsons ở New York vào năm 2013. Khi đó, một bản kiến nghị trên Change.org phản đối việc Galliano giảng dạy tại trường đã thu hút hơn 2.100 người ủng hộ.
Nhưng liệu ngành thời trang có thực sự “từ chối” tài năng hiếm gặp như John Galliano? Năm 2014, Giám đốc điều hành OTB, Renzo Rosso đã đặt cược vào nhà thiết kế thất sủng và từ đó, chương thứ hai trong sự nghiệp của Galliano bắt đầu.
Kẻ sa ngã được cứu rỗi
Bộ sưu tập tốt nghiệp Les Incroyables đánh dấu khởi đầu chói sáng trong sự nghiệp của John Galliano. Tác phẩm này lập tức lọt vào mắt xanh của Joan Burstein – bà chủ danh tiếng của cửa hàng Browns tại London và được mua lại toàn bộ. Từ nhiệm kỳ ngắn ngủi tại Givenchy đến thời kỳ hoàng kim tại Dior, Galliano không chỉ ghi dấu ấn bằng những sáng tạo phi thường mà còn qua phong cách cá nhân táo bạo.
Với hình ảnh như một “mad hatter” (kẻ điên rồ), một nghệ sĩ trình diễn thực thụ và “enfant terrible” (đứa trẻ hư), ông thành công dung hòa nghệ thuật táo bạo và tầm nhìn thương mại, minh chứng cho tài năng không thể phủ nhận của mình.
Ở chương hai, với sự hậu thuẫn từ Renzo Rosso, Galliano bước vào hành trình mới tại Maison Margiela – một bước chuyển như “bán linh hồn” khi hoàn toàn cống hiến tài năng và trí tuệ cho thương hiệu. Kết quả là, theo báo cáo của WWD, doanh thu hàng năm của Margiela đã tăng vọt từ 100 triệu euro lên 500 triệu euro trong thời kỳ của ông.
Đây cũng là giai đoạn của sự sám hối, nơi Galliano dần lui về hậu trường, để những bộ trang phục lên tiếng thay cho mình. Không còn những màn cúi chào đầy kịch tính cuối buổi diễn – vốn luôn được chờ đợi như một phần không thể thiếu của show – ông chọn giữ im lặng trước truyền thông, đặc biệt trong những năm đầu tại Margiela, để tập trung hoàn toàn vào việc tái định nghĩa thương hiệu và thể hiện sự sám hối trước sai lầm quá khứ của mình.
Sự im hơi lặng tiếng trước công chúng và truyền thông để khẳng định một chân lý: ông luôn là một trong những bộ óc sáng tạo phong phú nhất mà thế giới thời trang từng chứng kiến – bất chấp tai tiếng lịch sử.
Sự im hơi lặng tiếng trước công chúng và truyền thông để khẳng định một chân lý: ông luôn là một trong những bộ óc sáng tạo phong phú nhất mà thế giới thời trang từng chứng kiến – bất chấp tai tiếng lịch sử. Mang ơn Renzo Rosso, trong bức tâm thư đăng sau khi thương hiệu chính thức xác nhận sự rời đi của John Galliano, ông gửi lời tri ân “cơ hội để tôi cất lên giọng nói sáng tạo một lần nữa khi tôi vô thanh. Đôi cánh tôi được nối lại, và tôi hiểu hơn bao giờ hết sự tận hiến toàn diện trong quá trình sáng tạo”.
Dù trong bức thư chia tay, ông từng hoài nghi về khả năng gánh vác trọng trách tại thương hiệu, nhưng những tác phẩm của ông trong suốt thời gian ấy lại chứng minh điều ngược lại. Từ những đường kim mũi chỉ đầu tiên, tài năng của Galliano đã nở rộ trên từng thớ vải. Ông mang đến một hơi thở mới cho các sàn diễn giải cấu trúc đặc trưng của Margiela, tôn vinh di sản và tô đậm dấu ấn cốt lõi của nhà mốt. Và qua bàn tay tài hoa, chúng đậm đặc và xuất chúng hơn với loạt tiếng vang “kinh thiên động địa” mỗi khi ra mắt BST, gác lại những buổi trình diễn xa hoa đậm chất lãng mạn và khám phá văn hóa mang nặng cái tôi của mình.
Galliano không mất nhiều thời gian để thoát khỏi cái bóng của nhà sáng lập đáng kính – một thách thức đủ sức làm chùn bước hầu hết các nhà thiết kế. Nhưng ông không phải người thường. Dẫu vậy, phong cách trình diễn phóng khoáng, không giới hạn – dấu ấn cá nhân của ông phải mất một khoảng thời gian nữa mới tìm lại được hào quang vốn có. Tháng Giêng vừa qua, Galliano không chỉ giới thiệu một bộ sưu tập, mà còn tạo nên một show diễn được định sẵn để trở thành huyền thoại, đánh dấu sự trở lại đỉnh cao của một “kẻ mộng mơ sa ngã” trong thế giới thời trang.
Liệu Galliano có biết rằng đây sẽ là dấu ấn cuối cùng của ông tại Maison Margiela? Một buổi trình diễn chia tay thật mãn nhãn, nơi tài năng phi thường của ông thăng hoa trọn vẹn. Dưới cây cầu Pont Alexandre III, ông mời gọi khán giả bước vào một không gian như hầm chứa đổ nát, mang sắc thái của một hộp đêm hoang tàn – tái hiện không khí huy hoàng và mê hoặc từng tạo nên di sản của ông tại Dior. Một lời từ biệt đầy nghệ thuật, đánh dấu chương cuối rực rỡ của một tượng đài thời trang.
Tháng Giêng vừa qua, Galliano không chỉ giới thiệu một bộ sưu tập, mà còn tạo nên một show diễn được định sẵn để trở thành huyền thoại, đánh dấu sự trở lại của “kẻ mộng mơ sa ngã” trong thế giới thời trang.
Râm ran lời đồn truyền tai
Năm qua dường như đã dọn đường cho Galliano bước vào chương thứ ba đầy ngoạn mục trong sự nghiệp lẫy lừng của mình. Về mặt sáng tạo, ông tiếp tục khẳng định rằng đỉnh cao của mình chưa bao giờ nằm ở quá khứ, mà vẫn đang chờ ở phía trước. Song song đó, bộ phim tài liệu về cuộc đời ông, High & Low: John Galliano, do Kevin Macdonald đạo diễn và ra mắt vào đầu năm 2024, là lời tuyên bố mạnh mẽ về hành trình “chuộc lỗi” của ông.
Bộ phim không chỉ ghi lại những suy tư sâu sắc của Galliano về những “điểm trũng” khiến ông bị ruồng bỏ, mà còn mở ra cánh cửa vào tâm hồn đầy tổn thương và phức tạp của ông – từ những cuộc đấu tranh với rượu và ma túy đến hành trình tìm lại chính mình. Lần đầu tiên, khán giả được nhìn thấy chân dung nội tâm của một thiên tài bị giằng xé giữa sáng tạo và hủy hoại.
Điều đáng chú ý hơn cả là Galliano công khai chia sẻ rằng ông đã duy trì sự tỉnh táo trong suốt 14 năm qua – một cột mốc đáng kinh ngạc mà ngày kỷ niệm của nó trùng hợp với thời điểm ông rời Maison Margiela. Đây không chỉ là sự khép lại một chương cũ mà còn là lời khẳng định rằng ông sẵn sàng đối mặt với quá khứ để hướng tới tương lai.
Bước sang một chương mới, Galliano như đã tự giải phóng mình khỏi gánh nặng định kiến rằng sự sáng tạo phải được nuôi dưỡng bởi rượu và ma túy. Với đội ngũ trẻ trung và nhiệt huyết bên cạnh, ông giờ đây tin rằng: “Sáng tạo không bao giờ lỗi thời. Nó không được nuôi dưỡng bằng sự hủy hoại, mà bởi một cộng đồng sáng tạo quan tâm và đầy cân nhắc trong từng thiết kế”. Sự chuyển mình này không chỉ phản ánh quá trình phục hồi của Galliano về mặt cá nhân, mà còn hé lộ tầm nhìn mới mẻ, nơi sáng tạo và sự bền vững có thể song hành.
“Sáng tạo không bao giờ lỗi thời. Nó không được nuôi dưỡng bằng sự hủy hoại, mà bởi một cộng đồng sáng tạo quan tâm và đầy cân nhắc trong từng thiết kế” – John Galliano.
Chương tiếp theo trong hành trình của ông sẽ dẫn lối đến đâu? Dior, Fendi, Givenchy… hay có lẽ là thương hiệu mang tên chính ông, vẫn đang ngủ đông trong tay LVMH? Bức tranh tương lai càng trở nên thú vị khi thị trường thời trang cao cấp hiện nay đang sôi động hơn bao giờ hết, với nhiều nhà mốt danh giá tìm kiếm những tài năng mới. “Đất diễn” dành cho John Galliano dường như vô tận.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những suy đoán – tương tự như các lời đồn đại về những cái tên như Hedi Slimane, Simone Porte Jacquemus hay Matthieu Blazy có thể kế nhiệm các vị trí hàng đầu tại những nhà mốt lớn của Pháp. Về phần mình, Galliano nắm rõ những tin đồn trong bàn tay, như các thiết kế của mình. Và trong bức tâm thư 2 trang, ông có nhắc đến chúng thích thú: “Những tin đồn… Ai cũng muốn biết, ai cũng muốn mơ mộng. Khi thời điểm thích hợp, tất cả sẽ được tiết lộ”.
Dù ông có tái định nghĩa couture tại một ngôi nhà huyền thoại khác hay tìm ra con đường mới, một điều chắc chắn: chương tiếp theo trong sự nghiệp của Galliano sẽ không kém phần phi thường.
Thực hiện: Lenna
Tham khảo: Fashionunited, Vogue