Khi nào là thời điểm vàng để thương hiệu tổ chức show diễn thời trang?
Ngày đăng: 22/08/24
Show diễn thời trang luôn được xem là ước mơ của tất cả các thương hiệu, nhưng khoảng cách giữa ước mơ và khả năng thực hiện lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Mặc dù không còn là con đường duy nhất để quảng bá các bộ sưu tập, nhưng sàn diễn thời trang vẫn là cơ hội tuyệt vời để các nhà thiết kế thể hiện tầm nhìn nghệ thuật độc đáo. Đó cũng là lúc các khách hàng tiềm năng, báo chí, stylist và người nổi tiếng trên khắp thế giới cùng gặp gỡ để chiêm ngưỡng các thiết kế của thương hiệu.
Nhiều nhà thiết kế cảm thấy rằng việc tổ chức một show diễn thời trang đồng nghĩa với việc họ đã chạm đến thành công và những cảm xúc mà một fashion show mang lại lúc nào cũng tuyệt vời. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó là thực tế khắc nghiệt rằng các buổi trình diễn thời trang yêu cầu sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tài chính, nhân lực và độ “chín” của thương hiệu. Sau đây là một số gợi ý giúp xác định liệu đã đến thời điểm vàng để thương hiệu của bạn tỏa sáng trên sàn diễn:
Mục tiêu của thương hiệu khi tổ chức fashion show là gì?
Xác định rõ ràng mục tiêu khi tổ chức một show diễn thời trang là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Một số thương hiệu có thể nhắm đến việc tạo dựng danh tiếng trong ngành hoặc thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những thương hiệu khác, mục tiêu có thể là thúc đẩy doanh số bán hàng hoặc tăng cường nhận diện thương hiệu. Từ sự khác nhau đó, sẽ có những cách riêng biệt để đo lường và đánh giá hiệu quả của show diễn.
Ví dụ, nếu thương hiệu của bạn thuộc phân khúc cao cấp, fashion show có thể là cách tối ưu để giới thiệu sự tinh tế và chất lượng của sản phẩm đến giới mộ điệu. Tuy nhiên, thương hiệu đang ưu tiên việc tối ưu hóa doanh số, việc đầu tư vào các chiến dịch marketing hoặc phát triển mạng lưới bán hàng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguồn lực của thương hiệu liệu đã sẵn sàng?
Trước khi đưa các thiết kế ra mắt công chúng, bạn cần đảm bảo rằng tất cả các khía cạnh kinh doanh của thương hiệu đã “vào guồng” và tạo ra lợi nhuận tốt. Quy trình sản xuất phải rõ ràng và mang lại hiệu suất cao. Cũng cần có một chiến lược kinh doanh vững chắc với kiến thức đầy đủ về dòng tiền và dự đoán tài chính kỹ càng trong vài năm tới.
Quan trọng hơn cả, một lượng khách hàng trung thành và thường xuyên có nhu cầu mua các sản phẩm của thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định thành công của buổi trình diễn. Bởi khách hàng trung thành không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp lan tỏa hình ảnh thương hiệu, giúp tăng cường sự nhận diện và uy tín của thương hiệu trên thị trường.
Ngân sách và các chi phí phát sinh khi tổ chức fashion show
Trong đa số trường hợp, ngân sách dành cho các buổi trình diễn sẽ bị đội lên so với kế hoạch ban đầu. Chi phí cho địa điểm, người mẫu, công ty truyền thông, ánh sáng và âm thanh, thợ trang điểm và làm tóc, người phụ trách trang phục và hỗ trợ hậu trường đều có thể tăng lên. Do vậy, thương hiệu cần lên kế hoạch chi tiết và rõ ràng nhất có thể, cùng với ngân sách dự phòng cho các chi phí phát sinh. Thêm vào đó, cần có ngân sách cho việc sản xuất hình ảnh và video sau buổi trình diễn để quảng bá trên mạng xã hội, gửi email và theo dõi các bên báo chí nhằm đẩy mạnh truyền thông và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Với ngân sách giới hạn, thương hiệu thay vì đứng ra tự tổ chức fashion show có thể tham gia các chương trình, ví dụ như SR Celebrating Local Pride 7: Sàn diễn thời trang chuyên nghiệp dành cho Local Brands để tối ưu hoá ngân sách, đồng thời được hỗ trợ từ ban tổ chức trong các chiến dịch truyền thông và quảng bá thương hiệu.
Buổi trình diễn dành cho ai và họ có thời gian tham dự không?
Các mùa trình diễn thời trang luôn bận rộn và căng thẳng đối với những bên được mời tham dự, bởi họ phải dành thời gian cho các nhà mốt lớn, và có thể sẽ không có cơ hội chiêm ngưỡng các tên tuổi ít nổi bật hơn. Vậy nên sẽ tốt hơn nếu tổ chức fashion show vào thời điểm có ít sự kiện, hoặc tập trung tài nguyên vào sản xuất TVC hoặc lookbook để khách VIP có thể xem bất kì lúc nào. Ngoài ra, việc tổ chức buổi trình diễn nhóm với các thương hiệu khác cũng là một cách hay để thu hút lượng lớn người xem và tiết kiệm chi phí tổ chức.
Nếu mục tiêu của thương hiệu là khơi dậy sự phấn khích và sự chú ý của khách hàng, việc tổ chức một sự kiện dành riêng cho khách hàng, mời những khách hàng thân thiết tham dự và chia sẻ khoảnh khắc trên mạng xã hội sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ mời các chuyên gia và những người trong ngành.
Fashion show có phải là hình thức quảng bá phù hợp với định vị thương hiệu?
Không phải tất cả các bộ sưu tập đều cần được trình diễn trên sàn diễn. Tùy thuộc vào nơi bán và tệp khách hàng, thương hiệu có thể lựa chọn mở một gian hàng tại hội chợ thương mại, lễ hội âm nhạc hoặc phòng trưng bày. Một số thương hiệu thời trang cao cấp đã chọn cách không tham gia vào các sự kiện công khai như Tuần lễ Thời trang, mà thay vào đó tập trung vào tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm riêng tư hoặc giới thiệu bộ sưu tập trong các showroom riêng biệt. Cách tiếp cận này tạo ra sự độc đáo và thu hút người mua một cách tự nhiên, dựa trên sự tò mò và khao khát khám phá những điều mới mẻ mà không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch quảng bá rầm rộ.
Tổng kết lại, việc tổ chức một buổi trình diễn thời trang không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn là bài toán chiến lược phức tạp về tài chính, nguồn lực và định vị thương hiệu. Các nhà thiết kế cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như mục tiêu kinh doanh, đối tượng khách hàng và khả năng tài chính trước khi quyết định đưa thương hiệu của mình lên sàn diễn. Bởi một khi đã bước vào cuộc chơi này, thành công không chỉ đến từ sự lộng lẫy trên sàn diễn mà còn từ sự chuẩn bị chu đáo và chiến lược khôn ngoan để biến những giấc mơ thời trang thành hiện thực.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo The Fashion Designer Survival Guide